Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 1 mùa Vọng năm B

Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 1 mùa Vọng năm B

Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 1 mùa Vọng năm B

PHÚC ÂM: Mc 13,33-37

Phải tỉnh thức và sẵn sàng

33 "Anh em phải coi chừng, phải tỉnh thức, vì anh em không biết khi nào thời ấy đến. 34 Cũng như người kia trẩy phương xa, để nhà lại, trao quyền cho các đầy tớ của mình, chỉ định cho mỗi người một việc, và ra lệnh cho người giữ cửa phải canh thức. 35 Vậy anh em phải canh thức, vì anh em không biết khi nào chủ nhà đến: Lúc chập tối hay nửa đêm, lúc gà gáy hay tảng sáng. 36 Anh em phải canh thức, kẻo lỡ ra ông chủ đến bất thần, bắt gặp anh em đang ngủ. 37 Ðiều Thầy nói với anh em đây, Thầy cũng nói với hết thảy mọi người là: phải canh thức!"

HỌC HỎI

  1. Lời mời gọi nào được nhắc đi nhắc lại trong bài Tin Mừng này ? Đọc Mc 13,33.34.35.37.
  2. Tại sao phải canh thức hay tỉnh thức luôn luôn ? Đọc Mc 13,33.35-36.
  3. Qua bài Tin Mừng này, Đức Giêsu nhắc nhở ai phải canh thức ? Đọc Mc 13,3.33.35-37.
  4. “Ngủ” nghĩa là gì ? Đọc Ep 5,14; 1 Tx 5,6-7.
  5. Đọc Mc 13,34-36. “Canh thức” nghĩa là gì ? Đọc thêm Lc 12,35-40.
  6. Đọc Mc 14, 32-42. Có bao nhiêu động từ “canh thức” và “ngủ” trong đoạn Tin Mừng trên đây ? Theo bạn, các môn đệ thức với Chúa có dễ không ?
  7. Tại sao Giáo hội cho chúng ta đọc bài Tin Mừng này trong Mùa Vọng ?
  8. Đọc Mt 24,45-51; 25,14-30; Lc 12,42-48; 19,11-27. Đâu là thái độ cần có khi chờ Chúa trở lại ?
  9. GỢI Ý SUY NIỆM: Nếu Chúa cho tôi biết khi nào tận thế hay khi nào tôi chết, thì tôi sẽ chuẩn bị như thế nào ? Đối với các môn đệ trong Vườn Dầu, tỉnh thức không hề dễ, dù họ rất cố gắng. Trong thời buổi hôm nay, những gì thường làm tôi mê ngủ ?

    PHẦN TRẢ LỜI

  10. Trong bài Tin Mừng này, Đức Giêsu mời gọi mọi người canh thức. Động từ “canh thức” (grêgoréô) được nhắc đến ba lần trong các câu 34, 35 và 37. Hai câu 35 và 37 ở mệnh lệnh cách: “Hãy canh thức!” Câu 34 cũng là một mệnh lệnh ở hình thức gián tiếp: …”ra lệnh cho người giữ cửa phải canh thức.” Nếu hiểu theo nghĩa đen, “canh thức” có nghĩa là không ngủ. Người giữ cửa được lệnh là phải canh thức (câu 34), nghĩa là phải ở trạng thái “thức” khi chủ nhà trở về bất ngờ (câu 36). Ngoài ra, có một động từ khác ở Mc 13,33, đó là động từ “tỉnh thức” (agrupnéô) ở mệnh lệnh cách. Động từ này cũng có nghĩa tương tự như động từ “canh thức”. Cuối cùng là động từ “coi chừng” (blepô) ở Mt 13,33. Qua động từ này, Đức Giêsu nhắc ta phải cảnh giác trước những biến cố bất ngờ có thể xảy tới. Động từ “coi chừng” được dùng bốn lần trong Mc 13. Coi chừng kẻo bị lường gạt (Mc 13,5), coi chừng trước cơn bách hại (Mc 13,9), coi chừng những ngày gian nan sẽ đến (Mc 13,23).
  11. Đức Giêsu đòi ta phải canh thức hay tỉnh thức và Ngài đã đưa ra lý do, diễn tả bằng liên từ “vì” (Mt 13,33.35). Phải canh thức luôn “vì anh em không biết khi nào thời ấy đến” (câu 33). “Thời ấy” (ho kairos) là ngày tận thế hay ngày Người Con quang lâm. Chính Đức Giêsu là Người Con (ho huios) cũng không biết khi nào ngày này xảy đến. Phải canh thức “vì anh em không biết khi nào chủ nhà sẽ đến” (câu 35). Nói chung, ta có thái độ canh thức là vì ta tin chắc Đức Giêsu sẽ trở lại trong vinh quang, nhưng ta lại không biết chắc khi nào Ngài trở lại.
  12. Khi đọc Mc 13,3 ta thấy Đức Giêsu giảng bài về thời cánh chung này trên núi Ô-liu cho bốn môn đệ Phêrô, Giacôbê, Gioan và Anrê. Vậy những từ “anh em” trong bài Tin Mừng này hẳn là để chỉ về bốn môn đệ trên. Tuy nhiên, bài giảng này cũng dành cho các môn đệ khác, thậm chí cho mọi người chúng ta, như Đức Giêsu nói ở cuối bài giảng: “Điều Thầy nói với anh em đây, Thầy cũng nói với mọi người: ‘Hãy canh thức!’ (Mc 13,37).
  13. Trong dụ ngôn, ông chủ nhà ra lệnh cho người giữ cửa phải canh thức (câu 34), kẻo ông về bất ngờ mà lại thấy đang ngủ (câu 36). Ngoài nghĩa đen, ngủ còn được hiểu theo nghĩa bóng. Có khi “ngủ” được dùng để chỉ cái chết thể lý (Ga 11,11-14; 1 Tx 5,10). Theo thánh Phaolô, chúng ta là con cái ánh sáng, con cái ban ngày. Chúng ta không thuộc về ban đêm, cũng không thuộc về bóng tối. Bởi đó ngài khuyên chúng ta “đừng ngủ, nhưng hãy canh thức và sống tiết độ” (x. 1 Tx 5,5-7). Đời sống mới của kitô hữu là sống như con cái ánh sáng, không thông đồng với những việc của bóng tối, nên có lời khuyên: “Tỉnh giấc đi, hỡi người đang ngủ! Từ cõi chết, trỗi dậy đi nào!” (x. Ep 5,8-14).
  14. “Canh thức” là luôn sẵn sàng như người giữ cửa, vì ông chủ có thể đến vào bất cứ lúc nào. Đặc biệt ông chủ có thể trở về vào ban đêm, vào lúc người ta dễ buồn ngủ nhất. Có bốn thời khắc trong đêm tương ứng với bốn canh theo lối tính của người Rôma: lúc chập tối (từ 6-9 giờ tối), lúc nửa đêm (từ 9-12 giờ đêm), lúc gà gáy (từ 12 giờ đêm đến 3 giờ sáng) hay lúc tảng sáng (từ 3-6 giờ sáng). Để vào được trong nhà, ông chủ cần được người giữ cửa mở cho, vì cửa khóa bên trong. Dụ ngôn này của Mác cô rất gần với dụ ngôn ở Lc 12,35-40. Điều ông chủ đòi hỏi là người giữ cửa vẫn còn thức dù đêm đã khuya, và mở cửa ngay cho chủ khi nghe tiếng gõ.
  15. Ngoài chuyện về người giữ cửa, bài Tin Mừng hôm nay còn nói đến chuyện các đầy tớ: “một người đi xa, để nhà của mình lại, trao quyền hành cho các đầy tớ của mình, mỗi người một việc” (Mc 13,34). Thánh sử Máccô đã không khai triển chuyện này, nhưng hai thánh sử Mátthêu và Luca đã coi đây là một dụ ngôn quan trọng (Mt 24,45-51; 25,14-30; Lc 12,42-48; 19,11-27).

  16. Trong Mc 14,32-42, Đức Giêsu nhắc các môn đệ “canh thức” ở các câu 34,37 và 38. Động từ “ngủ” được nhắc 4 lần trong các câu 37, 40 và 41. Trong đoạn Tin Mừng ở Vườn Ghếtsêmani, Đức Giêsu nhiều lần mời gọi các môn đệ “canh thức” với Thầy theo nghĩa đen, nghĩa là cùng qua một đêm không ngủ với Thầy. Các môn đệ đã không làm được như Thầy muốn. Họ ngủ li bì sau khi ăn bữa tiệc Vượt Qua, và khi đêm đã về khuya. Dù Thầy chỉ xin họ thức một giờ thôi (câu 37), họ vẫn ngủ vì mắt họ nặng trĩu (câu 40). Đức Giêsu đã chấp nhận sự yếu đuối của họ và chấp nhận cô đơn trong cuộc chiến nội tâm. Quả thật, “thể xác lại yếu hèn” (câu 38). Nhưng chính vì không canh thức và cầu nguyện mà các môn đệ đã bỏ chạy (Mc 14,38.50).
  17. Trong Chúa nhật I Mùa Vọng, Giáo Hội thường cho đọc bài Tin Mừng về ngày Quang Lâm của Chúa Giêsu. Mùa Vọng không chỉ là thời gian sống tâm tình chờ mong Đấng Mêsia đến, như những người Do-thái ngày xưa. Chúng ta tin Đấng Mêsia đã đến rồi, Đấng ấy là Con Thiên Chúa được sinh ra khiêm hạ ở Belem. Mùa Vọng còn là thời gian các kitô hữu thực sự trông đợi ngày Chúa Giêsu trở lại trong vinh quang để xét xử kẻ sống và kẻ chết. Chúng ta mong ngóng ngày Quang Lâm như một kết thúc trọn vẹn cho toàn bộ kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa.
  18. Thái độ cần có khi chờ Chúa trở lại: chu toàn những việc được Chúa trao (Mt 24,45-51; Lc 12,42-48) và tận dụng mọi khả năng Chúa ban để sinh lợi (Mt 25,14-30; Lc 19,11-27).

Top