Hiểu và sống theo Đức Kitô trong đời sống đức tin
Thích đọc sách và được đọc sách, là một trong những đam mê thời tuổi trẻ của cậu thiếu niên Karol Józef Wojtyła (tên khai sinh của Đức cố Giáo hoàng Gioan Phaolô II). Chính nhờ sự đam mê đó, đặc biệt năm Karol Józef Wojtyła lên 14 tuổi, đã tìm ra cho mình một hướng đi, một chân lý sống, khi tình cờ đọc được câu nói của thánh Gioan Thánh Giá, câu nói như sau: “Người ta biết Đức Kitô nhiều lắm, nhưng người ta không hiểu gì về Đức Kitô…!”. Câu nói bất hủ đó, đã đánh động cậu thiếu niên Karol Józef Wojtyła cố gắng tìm hiểu về Đức Kitô, nhờ sự tìm hiểu và sống kết hiệp mật thiết với Đức Kitô trong đời sống tận hiến, đã đưa Karol Józef Wojtyła lên ngôi Giáo hoàng với tước hiệu Gioan Phaolô II từ 16/10/1978 đến 2/4/2005. Nhờ tin, yêu, hiểu và sống theo lời giáo huấn của Đức Kitô qua Tin Mừng, điều đã đem đến cho Đức cố Giáo hoàng Gioan Phaolô II tất cả sự khôn ngoan, ân sủng, lòng khiêm nhường của Đức Kitô trong cuộc đời và những thành quả lớn lao như ta đã biết qua triều đại giáo hoàng của ngài.
Vâng! Vào thời của thánh Gioan Thánh Giá, cũng như thời đại ta đang sống, nói theo ngôn ngữ của thánh nhân, người ta biết Đức Kitô nhiều lắm, người ta biết Đức Kitô qua truyền thống gia đình, qua giới thiệu, qua Tin Mừng. Tất cả đều giới thiệu Đức Kitô là Đấng quyền phép, giàu có, luôn yêu thương, trợ giúp tất cả mọi người, đặc biệt là Đấng trao ban nguồn ơn cứu độ. Chính vì thế, khi có nhu cầu, người ta chạy đến với Ngài, thuần túy như đến với một người giữ kho và là người có khả năng đáp ứng cho họ tất cả những gì họ cần trong cuộc sống hiện tại về đời sống vật chất, danh vọng… Nói chung là những gì giúp họ sống thành công và hạnh phúc nơi cuộc đời chóng qua này.
Tin vào Đức Kitô theo chiều kích đó, đã đưa đến một thực trạng đáng buồn, người ta tin và biết Đức Kitô đó, nhưng người ta không hiểu gì về Đức Kitô, đặc biệt là những lời giáo huấn và cách sống của Ngài, điều này đã rơi vào chính đời sống của các môn đệ trong hành trình đi theo Đức Kitô, đã một lần Ngài quở trách các ông một cách nhẹ nhàng: “Cả anh em nữa, anh em cũng ngu tối thế sao? Anh em không hiểu sao?” (Mc 7,18). Chính vì không hiểu và hiểu cách mù mờ, dẫn đến đời sống tin theo Đức Kitô một cách hời hợt, thực dụng, đại loại như khi người ta đạt được những gì theo ý riêng mình, thì Đức Kitô là number oen, ngược lại khi con người đã có đủ những gì họ cần, hoặc giả khi những nguyện vọng chưa được đáp ứng, hay không được đáp ứng theo như nguyện vọng và sở thích của mình, những lúc như thế, thật là tội nghiệp cho Đức Kitô, hình ảnh của Ngài chỉ là một bóng mờ trong đời sống cũng như trong mối tương quan hằng ngày, thậm chí Đức Kitô không còn trong tư tưởng và suy nghĩ của họ. Và thế là người ta chạy đi tìm sự trợ giúp của thế gian như xem quẻ, bói toán và chạy đến các tà thần… Đây chính là điều mà Đức Kitô đã cảnh báo các thánh Tông Đồ khi xưa và cũng cho ta ngày nay: “Nhưng khi Con Người ngự đến, liệu còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng?” (Lc 18,8).
Vì sao thế? Xin thưa, theo như giải thích của thánh Gioan Thánh Giá: “Người ta biết, chứ thật ra người ta không hiểu gì về con Người và tình yêu của Đức Kitô dành cho nhân loại qua cuộc đời của Ngài, người ta chưa thực sự hiểu được Đức Kitô muốn gì nơi họ, qua những lời giáo huấn, những khó khăn, khổ đau và cả cái chết nhục nhã của Ngài trên thập giá, điều mà Ngài đã bỏ trời cao xuống trần dạy và đem lại cho nhân loại phẩm giá đích thực mà nhân loại đã đánh mất khi bất phục tùng Thiên Chúa, đem lại cho nhân loại một ý thức hệ. Đó là: Cuộc sống hiện tại chỉ là bóng câu, hạnh phúc đích thực của con người không chỉ dừng lại nơi thực tại trần gian và những nhu cầu như no cơm, ấm áo, danh vọng và chức quyền… Đời sống con người không chỉ sống cho riêng mình, nhưng con người là những mắt xích được đan kết trong tình hiệp nhất và yêu thương, sự đồng cảm giữa con người với con người và giữa con người với tình yêu của Đấng Tạo Hóa. Quê hương vĩnh cửu và hạnh phúc đích thực là con người được ở trong mái nhà Thiên Chúa nơi Thiên Đàng vĩnh cửu”. Điều mà thánh Phaolô đã nhắc nhở trong thư gởi cho tín hữu Phi-líp-phê: “Vì, như tôi đã nói với anh em nhiều lần, và bây giờ tôi phải khóc mà nói lại, có nhiều người sống đối nghịch với thập giá Đức Ki-tô: chung cục là họ sẽ phải hư vong. Chúa họ thờ là cái bụng, và cái họ lấy làm vinh quang lại là cái đáng hổ thẹn. Họ là những người chỉ nghĩ đến những sự thế gian. Còn chúng ta, quê hương chúng ta ở trên trời, và chúng ta nóng lòng mong đợi Đức Giê-su Ki-tô từ trời đến cứu chúng ta. Người có quyền năng khắc phục muôn loài, và sẽ dùng quyền năng ấy mà biến đổi thân xác yếu hèn của chúng ta nên giống thân xác vinh hiển của Người” (Pl 3,17-21).
Những ngôn ngữ trên đây phải chăng chỉ dành riêng cho những vị thánh khi tin và đi theo con đường của Đức Kitô? Chắc chắn là không, nhưng dành cho tất cả nhân loại, đặc biệt là ta, những con người đã được lãnh nhận bí tích Rửa Tội, những con người đã tin Đức Kitô là Cứu Chúa, Đấng nắm giữ vận mệnh của ta ngay giây phút hiện tại cũng như tương lai, nhưng chỉ vì ta chưa thực sự hiểu và sống những gì Đức Kitô đã sống và đã dạy. Chính vì thế mà đức tin của ta dễ bị lung lạc và đời sống đức tin của ta nhiều phen rơi vào những trường hợp tồi tệ như:
1. Đức Tin Bị Pha Tạp
Tin Chúa đó, ta tin, nên ta vẫn đến với Ngài qua việc tham dự thánh lễ, đọc kinh cầu nguyện, nhưng song song ta cũng tin vào những hình thức thờ cúng dân gian như: Đặt bàn thờ thần tài, ông địa tại tư gia hoặc nơi kinh doanh, ta tỏ lòng sùng kính, ngưỡng mộ qua hình thức thắp nhang khấn vái, dâng thức ăn, thức uống… và cho rằng những gì ta thực hiện, đem lại cho ta điều mua may bán đắt…. Bài học cho ta khi Tin Mừng trình thuật sự kiện Đức Kitô bị cám dỗ nơi hoang địa vẫn còn đó, và cũng là lời nhắc nhở ta trong cuộc sống hằng ngày “Quỷ lại đem Người lên một ngọn núi rất cao, và chỉ cho Người thấy tất cả các nước thế gian, và vinh hoa lợi lộc của các nước ấy, và bảo rằng: "Tôi sẽ cho ông tất cả những thứ đó, nếu ông sấp mình bái lạy tôi." Đức Giê-su liền nói: "Xa-tan kia, xéo đi! Vì đã có lời chép rằng: Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi” (Mt 4,8-10).
2. Sai Lầm Trong Đời Sống Đức Tin Khi Gặp Thử Thách
Từ thưở nhỏ, ta đã được dạy và tin rằng Thiên Chúa là Đấng quan phòng, nhưng khi cuộc sống gặp sóng to gió lớn, những lúc bi ai, thử thách, khổ đau, bệnh tật…đôi khi những điều đó khởi đi từ chính những sai lầm của ta, đáng lý ra ta chạy đến với Thiên Chúa là Đấng có thể giúp ta nhận ra và sửa chữa những sai lầm đó, giúp ta thoát khỏi những hệ lụy. Đằng này, ta lại phạm thêm sai lầm như bà E-va xưa, nghe lời đường mật của satan, muốn khôn ngoan, biết trước vận mệnh của mình, và tìm cách giải gỡ, đó là, ta hái trái cấm ăn một cách vô tư, qua hình thức đi xem quẻ, bói toán, lên đồng, lên cốt, xem tử vi, coi ngày, giờ hiếu hỷ, cũng như ma chay, thuật phong thủy….
Những sai lầm trong đời sống đức tin của ta, khi gặp thử thách, điều mà thánh Gioan Maria Vianney đã từng gặp qua, Ngài đã kể lại khi một lần, Ngài nhân danh Thiên Chúa, với sự trợ giúp của Mẹ Maria trừ quỷ cho một người phụ nữ. Ngài kể rằng: “Khi quỷ xuất ra qua hình thức người phụ nữ tống khứ ra ngoài một cái bọc màu đỏ, trong cái bọc có chứa bảy cái sừng đại diện cho bảy quỷ, nhân danh Thiên Chúa Ba Ngôi, Ngài đã hỏi quỷ satan, tại sao ngươi nhập được vào con người này? Satan đã dõng dạc trả lời: “Vì họ tin vào chúng tôi qua những hình thức bói toán, đồng cốt…”
Vào thời thánh Phaolô những hình thức tương tự như thế đã từng xảy ra. Vì thế, Ngài đã viết thư nhắc nhở những người tín hữu Ga-lát, tất cả những điều tin vơ, thờ quấy, phù phép đều do xác thịt (satan) gây ra và đây là điều trái ngược với Thần Khí Thiên Chúa (x. Gl 5,16-21).
3. Sống Trái Ngược Đức Tin do Tính Ích Kỷ
Đức Tin dạy ta, Thiên Chúa là Đấng tạo dựng trời đất muôn loài và mạng sống con người, Ngài là Đấng luôn yêu thương và tha thứ, phục vụ và hiến thân mình chịu chết để cứu nhân loại, đem lại cho nhân loại sự sống vĩnh cửu. Nhưng, vì thiếu sự hiểu biết cặn kẽ về Đức Kitô, cộng với tính ích kỷ, hưởng thụ, đã làm cho ta sống trái ngược đức tin, mà ta vẫn tuyên tín khi đọc kinh Tin Kính, qua việc chưa thực sự sống yêu thương và tha thứ; chưa thể hiện đức tin qua việc từ bỏ và cho đi; chưa dám mạnh dạn bảo vệ đức tin của mình và của mọi người, bằng lời nói, hành động, khi niềm tin vào Thiên Chúa bị chống đối, bôi nhọ bằng nhiều hình thức khác nhau của quyền lực thế gian; sống trái ngược với đức khi trực tiếp cũng như gián tiếp, tước đi quyền sống, quyền làm người của các thai nhi; gián tiếp cộng tác với quyền lực thế gian phủ nhận quyền chi phối và chăm sóc của Thiên Chúa trong trật tự vũ trụ và con người, nơi đời sống xã hội và Giáo hội. Đây chính là những điều mà thánh Phaolô đã nhắc nhở trong thư thứ hai gởi cho ông Ti-mô-thê như sau: “Anh hãy biết điều này: vào những ngày sau hết sẽ có những lúc gay go. Quả thế, người ta sẽ ra ích kỷ, ham tiền bạc, khoác lác, kiêu ngạo, nói lộng ngôn, không vâng lời cha mẹ, vô ân bạc nghĩa, phạm thượng, vô tâm vô tình, tàn nhẫn, nói xấu, thiếu tiết độ, hung dữ, ghét điều thiện, phản trắc, nông nổi, lên mặt kiêu căng, yêu khoái lạc hơn yêu Thiên Chúa; hình thức của đạo thánh thì họ còn giữ, nhưng cái chính yếu thì đã chối bỏ. Anh hãy xa lánh cả những người ấy” (2Tm 3,1-5).
Đức tin là ân sủng Chúa ban, là quà tặng vô giá, là chiếc phao cứu hộ của ta trên bước dường lữ hành, thánh Phaolô đã nhận ra tầm quan trọng của đức tin, khi ngài gởi thư cho những tín hữu Rô-ma: “Vậy, một khi đã được nên công chính nhờ đức tin, chúng ta được bình an với Thiên Chúa, nhờ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta. Vì chúng ta tin, nên Đức Giê-su đã mở lối cho chúng ta vào hưởng ân sủng của Thiên Chúa… Nhưng không phải chỉ có thế; chúng ta còn tự hào khi gặp gian truân, vì biết rằng: ai gặp gian truân thì quen chịu đựng; ai quen chịu đựng, thì được kể là người trung kiên; ai được công nhận là trung kiên, thì có quyền trông cậy. Trông cậy như thế, chúng ta sẽ không phải thất vọng, vì Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta” (Rm 5,1-5). Nhưng đức tin của ta luôn bị chao đảo và chậm trưởng thành, đôi lúc bị suy yếu và dễ rơi vào những hệ lụy như đã được trình bày ở trên. Trước tiên là do ta lơ là với Lời Chúa, sống thờ ơ với những ân sủng Thiên Chúa ban qua các bí tích, đặc biệt là bí tích Thánh Thể, thiếu đời sống cầu nguyện, nhất là hướng về Mẹ Maria qua việc suy niệm kinh Mân Côi. Một khi ta đã lơ là với những phương thế tiếp cận với Đức Kitô, thì sao ta có thể hiểu được Ngài, và sống như Ngài đã sống, do đó ta khó đón nhận sự soi sáng, hướng dẫn nhờ Thần Khí Ngài, khó đón nhận sức mạnh của Ngài để vượt qua những lời đường mật của quyền lực satan, cũng như vượt qua những hệ lụy, khổ đau của kiếp người.
Thật may mắn cho ta, Đức Kitô đã biết và biết rất rõ cái yếu đuối của ta, thế nên Ngài đã nhắc nhở ta hãy kiên tâm cầu nguyện, chỉ trong cầu nguyện và kiên nhẫn cầu nguyện như bà góa luôn quấy rầy vị quan tòa bất chính, Ngài sẽ ở trong ta và ta ở trong Ngài. Từ đó, ta mới có thể hiểu rõ những ước muốn, ý định của Ngài nơi đời sống ta trong mọi biến cố của cuộc sống; trong cầu nguyện quyền lực satan không thể lấn át ta. Nhờ Đức Kitô và trong Đức Kitô, mọi lúc, mọi nơi và mọi hoàn cảnh, ta hân hoan cất lên lời tuyên tín: “Tôi tin kính một Thiên Chúa là Cha Toàn Năng…”. Và ước mong Ngài sẽ không nói với ta: “Nhưng khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng?” (Lc 18,8).
Lạy Chúa Giêsu! Con xin lỗi Chúa vì Chúa yêu con, ban cho con biết Chúa, nhưng thật ra con có hiểu gì về Chúa đâu…! Chính vì con không hiểu về Chúa và tình yêu Chúa đã dành cho con, mà đời sống đức tin của con luôn bị chao đảo, đôi lúc con sống ngược lại đức tin làm hình ảnh của Chúa bị lu mờ, xin dạy và giúp con hiểu sâu hơn về Chúa và về tình yêu Chúa đã dành cho con, xin dạy và giúp con cầu nguyện, để nhờ sống trong đời sống cầu nguyện mà con hiểu được những ý định và chương trình của Chúa đã sắp đặt nơi đời sống của con, nhờ cầu nguyện mà đức tin Chúa ban cho con dần được lớn lên, nhờ đức tin kiên vững, và siêng năng cầu nguyện sẽ đem đến cho con bình an, hạnh phúc và nhất là nguồn ơn cứu độ Chúa ban tặng cho con ngay đời này và cả đời sau. Amen.
bài liên quan mới nhất
- Ngày 22/11: Thánh Cêcilia, trinh nữ tử đạo
-
Ngày 18/11: Cung hiến Đền thờ Thánh Phêrô và Phaolô Tông Ðồ -
Ngày 17/11: Thánh Elisabeth Hungari -
Ngày 15/11: Thánh Albertô Cả, giám mục, tiến sĩ Hội Thánh -
Ngày 12/11: Thánh Josaphat, giám mục tử đạo -
Ngày 11/11: Thánh Martinô Thành Tour, Giám mục -
Ngày 09/11: Cung hiến Thánh Đường Latêranô -
Ngày 02/11: Lễ các đẳng linh hồn -
Ngày 01/11: Lễ các thánh Nam Nữ -
Ngày 28/10: Thánh Simon và Thánh Giuđa, Tông đồ - lễ kính
bài liên quan đọc nhiều
- 12 điều mà người Công giáo phải trả lời được
-
Quy định về Thủ tục Hôn Phối -
Tuần bảy ngày cầu cho các linh hồn dưới luyện ngục -
Cha Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp và việc loan báo Tin Mừng tại Việt Nam hôm nay -
Về cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá (theo khoa học) -
Ngày 13/05: Đức Mẹ hiện ra tại Fatima -
Ngày 29/09: Tổng Lãnh Thiên Thần Michael, Gabriel & Raphael -
Ngày 01/10: Thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu, trinh nữ, Tiến sĩ Hội thánh -
Ngày 13/06: Thánh Antôn Padua, linh mục, TSHT (1195-1231) -
Ngày 04/10: Thánh Phanxicô Assisi