Hiệp hành để truyền giáo

Hiệp hành để truyền giáo

Hiệp hành để truyền giáo

Hiệp thông để cùng nhau ca tụng Chúa, cùng nhau làm vinh danh Chúa. Hiệp thông giữa mọi thành phần dân Chúa sẽ huy động được tổng lực cho việc loan báo Tin mừng. Nếu chúng ta chỉ bàn luận một cách riêng lẻ: Hiệp thông làm sao? Tham gia như thế nao? Sứ vụ là gì? Mà không vạch ra được hướng đi: hiệp thông để cùng tham gia vào sứ vụ loan báo Tin mừng thì có ích gì? Nếu không cẩn thận, chúng ta có thể đi lạc hướng.

  1. Bản chất của Giáo hội là truyền giáo

Sứ mệnh truyền giáo là công trình của chính Thiên Chúa Ba Ngôi. Sứ mệnh của Giáo hội được hiểu theo nghĩa là sự tham gia và tiếp nối sứ vụ của Ba Ngôi. Nó đâm rễ sâu vào tận trong Thiên Chúa Ba Ngôi: “Tự chính bản chất của mình, Giáo hội lữ hành là truyền giáo; vì theo kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa Cha, Giáo hội bắt nguồn từ sứ vụ của Chúa Con và của Chúa Thánh Linh.” (AG 2)  Thiên Chúa là Thiên Chúa của sứ vụ (missio Dei), là “nhà truyền giáo đầu tiên” (x. AG 1-5). Đó là tình yêu mà Thiên Chúa Cha biểu lộ cho nhân loại. Vì yêu, ngôi Cha đã tạo dựng nhân loại; rồi khi nhân loại sa ngã, ngôi Con đã ra tay cứu chuộc và ngôi Ba đã thánh hoá nhân loại.

– Ý định cứu độ của Chúa Cha

Thiên Chúa là Cha đầy lòng xót thương, đã tạo dựng nên chúng ta và mời gọi chúng ta chia sẻ sự sống và vinh quang với Ngài. Ngài còn không ngừng đổ tràn lòng nhân từ xuống trên chúng ta đến độ trở nên “mọi sự trong mọi người” (1Cr 15, 28), để làm vinh danh Ngài và mưu cầu hạnh phúc cho chúng ta (x. AG 2). Thật vậy, sứ mệnh bắt nguồn từ Thiên Chúa Cha và hành động đầu tiên của sứ mệnh này là chính sự tạo dựng và Ngài không ngừng thương yêu, quan phòng mọi loại Ngài đã dựng nên. Chúa Con và Chúa Thánh Thần được sai đến thế gian để làm chứng cho tình yêu cứu độ của Chúa Cha: Lời và Thần khí đã hiện diện ngay khi sáng tạo để diễn tả kế hoạch của Thiên Chúa, nhằm mục đích hòa giải và hợp nhất muôn loài. Thiên Chúa Cha đứng tại trung tâm của sứ mệnh. Sứ mệnh là một nguồn suối từ Thiên Chúa chảy đến nhân loại. Sứ mệnh này mang tính hoàn vũ. Nó bao trùm tất cả. Tất cả đều được Thiên Chúa yêu thương, quan phòng. Hoạt động truyền giáo chính là biểu lộ ý muốn của Thiên Chúa. Ngài là nguồn suối tình yêu và ý muốn của Ngài là cứu độ tất cả nhân loại.[1]

– Chúa Giêsu, Sứ giả của Chúa Cha

Ý định cứu độ trong Chúa Kitô đã có trước khi tạo dựng vũ trụ (x. Ep 1, 3- 10). Chúa Giêsu là Lời  từ nguyên thủy (x. Ga 1,1), là A-đam mới (x. 1Cr 15, 22, 45-49), là “ánh sáng đã đến trong thế gian, ánh sáng thật chiếu soi mọi người” (Ga 1, 9), là Đấng trung gian cứu độ duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người (x. 1Tm 2, 5). “Ngoài Ngài ra, không ai đem lại ơn cứu độ; vì dưới gầm trời này, không có một danh nào khác đã được ban cho nhân loại, để chúng ta phải nhờ vào danh đó mà được cứu độ.” (Cv 4, 12) Bởi đó, không ai đến được với Chúa Cha mà không qua Ngài (x. Ga 14, 6). Trong Chúa Giêsu, “muôn vật được tạo thành trên trời cùng dưới đất, hữu hình với vô hình. Dẫu là hàng dũng lực thần thiêng hay là bậc quyền năng thượng giới, tất cả đều do Thiên Chúa tạo dựng nhờ Người và cho Người.” (Cl 1, 16). Ngài đã được Chúa Cha đặt “đứng hàng đầu trong mọi sự.” (Cl 1, 18)

 Chúa Giêsu chính là Tin mừng của Thiên Chúa (x. Mc 1, 1; Rm 1, 1-3),  là sứ giả đầu tiên và vĩ đại nhất của Tin mừng (x. EN 7). Ngài là trung tâm của kế hoạch cứu độ của Chúa Cha. Ngay từ lúc khởi đầu sứ vụ, Ngài đã khẳng định sứ mệnh của Ngài là loan báo Tin mừng theo lệnh truyền của Chúa Cha: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa.” (Lc 4, 18; x. Is 61, 1) Công việc cứu độ thế giới của Thiên Chúa đã được hoàn tất nơi Chúa Giêsu qua cái chết và sự phục sinh của Ngài. Nhờ Ngài mà muôn vật được tha thứ và hoà giải với Thiên Chúa. “Nhờ máu Người đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa đã đem lại bình an cho mọi loài dưới đất và muôn vật trên trời.” (Cl 1, 20) Chúa Giêsu đã hoàn thành kế hoạch cứu độ của Chúa Cha trên thập giá, khi Ngài tuyên bố: “Mọi sự đã hoàn tất.” (Ga 19, 30)

Chúa Giêsu đã lập nên Giáo hội để Giáo hội tham gia và tiếp tục sứ vụ của Ngài: “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em.” (Ga 20, 21)

– Sứ vụ của Chúa Thánh Thần

Tính phổ quát của hoạt động cứu độ của Chúa Giêsu sẽ không thể nào hiểu được nếu không có hoạt động phổ quát của Chúa Thánh Thần. Trong Cựu ước, hoạt động phổ quát của Chúa Thánh Thần đã tỏ ra ngay khi tạo dựng (St 1, 2). Trong Tân ước, Chúa Thánh Thần ban đặc sủng cho mỗi người vì lợi ích chung. Ơn của Thần Khí hết sức quan trọng trong đời sống tâm linh của người Kitô hữu, bởi vì “không ai có thể nói Chúa Giêsu là Chúa mà không ở trong Thần Khí” (1Cor 12, 3). Giao ước mới là Giao ước của Thánh Thần (x. 2Cr 3, 6). Chính Chúa Giêsu đã nhận Thần khí để bắt đầu sứ vụ công khai của Ngài (x. Lc 4, 18-19; Is 61, 1- 2). Việc Nhập thể của Chúa Giêsu cũng là do tác động của Chúa Thánh Thần trong lòng Trinh nữ Maria (x. Lc 1, 35). Sự phục sinh của Ngài cũng do sự can thiệp của Chúa Thánh Thần (x. Rm 1, 4; 8, 11). Chúa Giêsu lại ban Thần khí cho các môn đệ để họ làm chứng cho Ngài (x. Cv 1, 8).

Chúa Giêsu nói về mối liên hệ của Chúa Thánh Thần với Ngài và với Chúa Cha: “Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em. Nhưng bây giờ, anh em không có sức chịu nổi. Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn. Người sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Người nghe, Người sẽ nói lại, và loan báo cho anh em biết những điều sẽ xảy đến. Người sẽ tôn vinh Thầy, vì Người sẽ lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em. Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy. Vì thế, Thầy đã nói: Người lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em.” (Ga 16, 12-15) Thật vậy, Chúa Thánh Thần không tự mình nói ra điều gì, nhưng truyền lại và cắt nghĩa cho chúng ta những gì Chúa Giêsu đã dạy.

Khi sai các môn đệ, Chúa Giêsu đã nói: “Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em. Nói xong, Người thổi Thần khí vào họ (x. Ga 20, 21-22), khiến họ và Thần khí trở thành như một để cùng làm chứng cho Chúa Kitô (x. Ga 15, 26- 27; Cv 1, 8). Chúa Thánh Thần, Đấng được sai đến bởi Chúa Cha và Chúa Con, để thực hiện công cuộc cứu độ thế giới cho tới khi hoàn tất, luôn hiện diện trong mỗi người. Ngài thâu tóm tất cả chúng ta lại trong Chúa Kitô.

Tóm tại, sứ vụ là công việc của Chúa Ba Ngôi. Thiên Chúa đang hoạt động trong thế giới và Ngài muốn chúng ta tham gia với Ngài. Sứ vụ của Giáo hội là cộng tác và tiếp tục sứ vụ ấy, theo mẫu gương của Chúa Kitô, Đấng đã hiến mình làm giá cứu chuộc cho muôn người.

  1. Hiệp hành để cùng nhau thi hành sứ vụ

Bản chất của Giáo hội là truyền giáo: không truyền giáo, Giáo hội không còn ý nghĩa, không còn là Giáo hội của Chúa. Do đó, mọi Kitô hữu đều có bổn phận phải truyền giáo tùy theo khả năng của mình (x. LG 17). Toàn thể Giáo hội cần Hiệp thông với nhau để cùng tham gia thi hành sứ vụ.

Chúng ta cần đọc lại các tài liệu hướng dẫn để xác định con đường phải đi.

– Tài liệu chuẩn bị -Hướng đến một Hội Thánh hiệp hành: Hiệp thông, Tham gia và Sứ vụ[2], nêu rõ:

+ số 2: “Câu hỏi căn bản thúc đẩy và hướng dẫn chúng ta là: Hiện nay việc “đồng hành cùng nhau” này đang diễn ra thế nào tại các bình diện khác nhau (từ bình diện địa phương đến bình diện hoàn vũ), cho phép Hội thánh loan báo Tin Mừng đúng theo sứ vụ Hội thánh được ủy thác; và Chúa Thánh Linh mời gọi chúng ta thực hiện những bước nào để thăng tiến như một Hội thánh hiệp hành?… Thử nghiệm những cách thức thi hành trách nhiệm chung trong việc loan báo Tin Mừng và nỗ lực xây dựng một thế giới tươi đẹp hơn và đáng sống hơn.”

+ số 14: “Lý do của việc tham gia vào mọi tiến trình hiệp hành là niềm khao khát được chia sẻ sứ vụ loan báo Tin Mừng, chứ không phải là những xung đột lợi ích. Nói khác đi, đây là một tiến trình mang tính Hội thánh vốn chỉ có thể được thực hiện “giữa lòng một cộng đồng có cấu trúc phẩm trật”.

+ số 15: “Trong hành trình “cùng nhau gieo bước hành trình” này, chúng ta cầu xin Chúa Thánh Thần giúp chúng ta khám phá ra rằng việc hiệp thông, vốn kết hiệp các ân ban, đặc sủng, và tác vụ khác nhau lại, là để thi hành sứ vụ: Hội thánh hiệp hành là Hội thánh “ra đi”, Hội thánh truyền giáo là “Hội thánh luôn mở rộng cửa” (EG, 46)- số 30: Sự hiệp hành là để phục vụ sứ mạng của Hội thánh, mọi thành viên trong Hội thánh đều được mời gọi tham gia vào sứ mạng này. Vì tất cả chúng ta đều là môn đệ truyền giáo, mỗi người đã lãnh phép Rửa được kêu gọi trở thành chủ thể tích cực trong sứ vụ này như thế nào? Làm thế nào để cộng đồng hỗ trợ các thành viên của mình dấn thân phục vụ xã hội”.
+ v.v.

Tổng kết của các Giáo phận, các Hội đồng Giám mục trong giai đoạn này cho thấy một số nơi chưa xác định rõ được hướng đi. Điển hình là tại Tổng Giáo phận Chicago: “Linh mục Louis J. Cameli, đặc trách phối hợp diễn trình tham khảo “đồng nghị” của tổng giáo phận Chicago, Hoa Kỳ, trên tạp chí America ngày 18 tháng 8, cho hay: ngài đã xem xét tất cả các câu trả lời về Thượng hội đồng của giáo phận ngài và ngài khám phá ra… điều mà Đức Thánh Cha Phanxicô gọi là “một Giáo Hội thu mình vào bên trong” [ecclesial introversion] chỉ tập chú vào sinh hoạt nội bộ của Giáo Hội và việc tổ chức cơ cấu-thể chế của nó. Toàn bộ trọng điểm của tính đồng nghị là “cùng nhau lên đường” đi vào sứ mệnh, ra bên ngoài chính chúng ta. Quá nhiều nhận định trong các câu trả lời nói về những đề nghị thay đổi đời sống Giáo Hội hoặc chính xác hơn bên trong đời sống Giáo Hội. Cảm thức về sứ mệnh đi ra bên ngoài nói chung khá mờ nhạt. Việc đào tạo cho sứ mệnh, một cảm thức ngày càng mở rộng về mục đích của chúng ta trong thế giới, cần phải bén rễ trong các cộng đồng đức tin của chúng ta.[3]

– Tài liệu làm việc cho Giai đoạn châu lục của Thượng Hội đồng Giám mục về tính hiệp hành 2021-2024.[4] Đây là tài liệu đúc kết giai đoạn đầu và hướng dẫn giai đoạn tiếp theo.

+ số 99 tóm lược: “Trong các báo cáo, Dân Chúa bày tỏ mong muốn không còn là một Hội thánh duy trì và bảo tồn nữa mà trở thành một Hội thánh ra đi truyền giáo. Một mối liên hệ xuất hiện giữa một mặt là sự hiệp thông sâu sắc hơn nhờ tính hiệp hành và mặt khác là củng cố sứ mạng: hiệp hành dẫn đến đổi mới sứ mạng. Như báo cáo của Tây Ban Nha nói: “chúng tôi tin rằng sự hiệp thông phải đưa chúng tôi đến một trạng thái truyền giáo vĩnh viễn: gặp gỡ và lắng nghe lẫn nhau, đối thoại, suy tư, phân định cùng nhau là tất cả những hành động có tác động tích cực trong chính chúng, nhưng chúng không thể hiểu được nếu chúng không nhằm thúc đẩy chúng ta vượt ra ngoài bản thân và các cộng đồng tham chiếu của chúng ta để thực hiện sứ mạng được giao phó cho chúng ta với tư cách là Hội thánh.”

+ số 6: Việc tạo điều kiện cho cuộc gặp gỡ và đối thoại này là ý nghĩa của tiến trình Thượng Hội đồng, với mục đích cuối cùng không phải là tạo ra các tài liệu mà là mở ra những chân trời hy vọng cho việc thi hành sứ mạng của Hội thánh.

+số 15: Nội dung các bản Tổng hợp nói lên mong ước về một Hội thánh bước đi với Đức Kitô dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần để hoàn thành sứ mạng loan báo Tin Mừng. “Kinh nghiệm ‘hiệp hành’ hiện tại của chúng tôi đã làm thức tỉnh nơi người giáo dân ý tưởng và mong muốn tham gia vào đời sống của Hội thánh, vào sự dấn thân của Hội thánh trong thế giới ngày nay, và vào hoạt động mục vụ của Hội thánh trên trần thế” (HĐGM Canada).

+ số 22: “càng ngày người ta càng hiểu rằng điều quan trọng đối với tất cả những ai đã lãnh nhận ân sủng của bí tích Thánh tẩy là phải đi cùng nhau, chia sẻ và phân định sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, Đấng đã kêu gọi họ. Người ta đã nhận thức sâu sắc rằng trong Hội thánh hiệp hành, bước đi cùng nhau là cách thức trở thành một Hội thánh truyền giáo” (HĐGM Nhật Bản).  

+số 42: “Chúa Thánh Thần thúc đẩy chúng ta đổi mới chiến lược, sự dấn thân, sự cống hiến và động lực để cùng nhau bước đi, đến với những người ở xa nhất: bằng cách loan báo Lời Chúa với niềm hăng say vui tươi, sử dụng năng khiếu, ơn huệ và tài năng của mình, đón nhận những thử thách mới và mang lại những thay đổi văn hoá dưới ánh sáng của đức tin và đời sống của Hội thánh” (HĐGM Venezuela).

+số 103: Thông điệp về đường lối hiệp hành của chúng ta rất đơn giản: chúng ta đang học cách bước đi cùng nhau, và ngồi cùng nhau để bẻ một chiếc bánh, theo cách mà mỗi người có thể tìm thấy vị trí của mình. Mọi người đều được mời gọi tham gia vào cuộc hành trình này, không ai bị loại trừ. Chúng ta cảm thấy được mời gọi hướng về sứ điệp này, để chúng ta có thể công bố Phúc Âm của Chúa Giêsu một cách đáng tin cậy cho tất cả mọi người. Đây là con đường mà chúng ta tìm cách tiếp tục dấn bước trong Giai đoạn Châu lục tiếp theo.

+ v.v.

Như vậy, “thực hiện Thượng Hội Đồng là thực hiện việc loan báo Tin mừng”: Trong một tuyên bố do Văn phòng Báo chí Tòa thánh đưa ra, Đức Hồng y Mario Grech, Tổng thư ký Thượng Hội đồng Giám mục, đã bày tỏ “lòng biết ơn và sự ngạc nhiên” của ngài sau khi kết thúc cuộc họp nhằm chuẩn bị cho các Hội đồng Châu lục:

Tôi đã nghe chứng từ về một Giáo hội đang sống! Việc chia sẻ trong những ngày này cho thấy rằng hành trình đang tiến hành tốt đẹp và chúng tôi có nhiều điều để học hỏi lẫn nhau. Tôi có niềm hy vọng lớn lao vào nhiệm vụ của chúng tôi, một nhiệm vụ trên hết và vẫn luôn là truyền giáo: loan báo Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô. Đây là lộ trình hiệp hành. Trên hành trình này, chúng ta không được sợ hãi những căng thẳng, vốn cũng có thể lành mạnh. Chúng ta không được loại trừ bất kỳ ai và cần lắng nghe tất cả mọi người! Ngay cả những người ở bên ngoài khuôn khổ chính thức của Giáo hội, bởi vì, đôi khi Giáo hội hiện diện ở nơi mà chúng ta không ngờ tới.[5]

Chúng ta hiệp thông trong thánh lễ để cùng nhau thờ lạy, cảm tạ, chúc tụng ngợi khen Chúa. Nhưng nếu sự hiệp thông đó không trở thành động lực để chúng ta cùng nhau đem tình yêu của Chúa đến cho mọi người, nhất là những người nghèo, bị bỏ rơi, thì có ích gì? Sự hiệp thông đó phải được tiếp tục vì đời ta là thánh lễ nối dài. Tông huấn Giáo Hội tại châu Á, số 41§2 viết: “Để kết luận, nên nhớ rằng khi kêu gọi các Kitô hữu làm việc và xả thân phục vụ cho sự phát triển con người, các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng đã dựa trên một số quan điểm nền tảng trong truyền thống Kinh Thánh và truyền thống Giáo Hội. Người Israel xưa hết sức nhấn mạnh tới mối quan hệ không thể cắt đứt được giữa việc thờ phượng Thiên Chúa và việc chăm sóc người yếu kém, được Kinh Thánh mô tả một cách điển hình là “cô nhi, quả phụ và ngoại kiều” (x. Xh 22,21-22; Đnl 10,18; 27,19), là những người trong các xã hội thời đó dễ bị tổn thương nhất khi có bất công đe dọa. Thỉnh thoảng trong các sách Ngôn Sứ chúng ta cũng nghe người ta kêu gào đòi hỏi sự công bằng, đòi hỏi việc tổ chức xã hội phải đúng đắn, bằng không sẽ không thể nào thờ phượng Chúa thật sự được (x. Is 1,10-17; Am 5,21-24). Như vậy, trong lời kêu gọi của các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng, chúng ta nghe thấy tiếng vang vọng của các ngôn sứ đầy tràn Thánh Thần Thiên Chúa, “Ngài là Đấng muốn lòng nhân chứ không phải hy lễ” (Hs 6,6). Đức Giêsu cũng đã từng lấy những lời ấy làm thành lời của chính mình (x. Mt 9,13), rồi các thánh ở mọi thời mọi nơi cũng hành động như thế. Hãy suy nghĩ lời thánh Gioan Kim Khẩu: “Anh em có muốn tôn kính thân thể Chúa Kitô không? Vậy thì đừng bỏ qua Ngài khi thấy Ngài trần truồng. Đừng tôn vinh Ngài với đủ gấm vóc lụa là trong đền thờ, trong khi lại bỏ mặc khi thấy Ngài đang run lạnh và trần truồng ngoài trời. Đấng đã từng nói ‘Đây là mình Thầy‘ cũng chính là Đấng đã nói “Các ngươi đã thấy ta đói mà không cho ăn“… Có ích gì khi bàn Thánh Thể thì chất nặng những chén lễ bằng vàng, trong khi Đức Kitô đang hấp hối vì đói khát? Hãy cho Ngài hết đói khát đã, rồi mới lấy những gì còn lại mà trang hoàng bàn thờ! ” (203). Trong lời kêu gọi của Thượng Hội Đồng về sự phát triển con người và công bằng trong các tương quan giữa con người với nhau, chúng ta được nghe một tiếng nói vừa cũ vừa mới. Cũ bởi vì nó xuất phát từ sâu thẳm của truyền thống Kitô Giáo vốn lưu ý đến sự hài hòa sâu xa theo như ý Đấng Tạo Hóa muốn; còn mới vì đó là tiếng nói đề cập đến cái tình trạng hiện tại của vô số người dân tại Châu Á.”

Để kết luận, xin ghi lại lời của Đức TGM Giuse Nguyễ Năng: “Tiến trình hiệp hành là con đường bắt buộc đối với Hội Thánh hôm nay. Nếu không sống hiệp thông và cùng nhau tham gia thi hành sứ vụ, Hội Thánh sẽ rất yếu vì không huy động được tổng lực cho công cuộc Phúc Âm hóa thế giới. Không thể cứ mãi an phận với thứ “mục vụ bảo tồn” lâu đời mà không dám “hoán cải mục vụ” (Niềm vui Tin Mừng, ss. 25- 27) để nhiệt tình dấn thân cho sứ vụ. Không thể cứ khư khư bảo vệ cơ chế và duy trì não trạng cũ kỹ để dửng dưng đứng ngoài cuộc.[6]

Lm. JB. Trần Hữu Hạnh, csf

[1] X. James A. Scherer and Stephen B. Bevans, New Direction in the Mission and Evangelization 1 (New York: Orbis Book, 1992), tr. 136.

[2] https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/tai-lieu-chuan-bi-thuong-hoi-dong-giam-muc-lan-thu-xvi-42903

[3] Vũ Văn An, 03/Sep/2022- https://vietcatholic.net/News/Html/278060.htm

[4] https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/tai-lieu-lam-viec-cho-giai-doan-chau-luc-cua-thuong-hoi-dong-giam-muc-ve-tinh-hiep-hanh-2021-2024-48805.

[5] https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/thuc-hien-thuong-hoi-dong-la-thuc-hien-viec-loan-bao-tin-mung-48866

[6] Hiệp hành là lối sống của Hội Thánh- ĐTGM Giuse Nguyễn Năng, https://tgpsaigon.net/bai-viet/hiep-hanh-la-loi-song-cua-hoi-thanh-64898

Dòng Thánh Gia Việt Nam

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top