Gợi ý mục vụ năm 2019 – Bài 10: Chăm sóc những thương tích gia đình
Như một bác sĩ giỏi, chúng ta phải tự hỏi vết thương tổn của những anh chị em li dị “tái hôn”, gây ra bởi sự kiện họ không được hiệp thông trọn vẹn với Hội thánh, có bản chất là gì. Tiến trình hội nhập là để chữa lành vết thương này.
Nguyên nhân họ không hiệp thông trọn vẹn không phải vì cuộc hôn nhân thứ nhất thất bại
Cuộc hôn nhân thứ nhất đổ vỡ có thể rất đau đớn và gây ra những thương tổn trầm trọng mà ta cần hết sức kiên nhẫn để dần dần được chữa lành (cf. AL 241-242). Thế nhưng, đổ vỡ này không nhất thiết do tội lỗi nghiêm trọng của cá nhân, vốn là điều làm tổn thương trầm trọng đến mối tương quan cá vị với Thiên Chúa. Chẳng hạn trường hợp của một người phối ngẫu bị ruồng bỏ cách bất công, là nạn nhân vô tội. Hôn nhân thất bại tự nó không đặt tôi vào hoàn cảnh thường xuyên sống mâu thuẫn với Lời Chúa (cf. Mt 19,9; Mt 5,31; Mc 10,11-12; Lc 16,18; 1Cr 7,10-11). Thật vậy, Tông huấn Amoris laetitia số 242 dạy rằng: «những người li dị mà không tái hôn […] thường là những chứng nhân của lòng trung thành trong hôn nhân».
Vậy, đâu là căn bệnh thật sự của họ? Thưa, do chính cuộc kết hợp họ đang sống sau đó
Đó là nguyên nhân của căn bệnh của họ, tức là do “tái hôn” sau li dị. Hành động đó là vi phạm và tình trạng hệ lụy của họ mâu thuẫn với lời của Đức Kitô. Khi “kết hôn” lần thứ hai, tức là đã dấn thân bền vững sống chung như vợ chồng với một người khác, họ đã có ý chôn táng sợi dây liên kết hôn phối vốn bất khả phân li, và đồng thời như thế là đặt cuộc sống họ ở ngoài rìa nền tảng Thiên Chúa đã lập. Làm thế là họ đã chối bỏ sự thật của lời hứa của một tình yêu “mãi mãi” và “bất chấp tất cả” vốn được bảo đảm bởi Chúa Giêsu. Khi còn sống mâu thuẫn với dây hôn phối, cuộc sống của ta còn bị phân mảnh rời rạc, bởi vì ta còn bước theo nhịp điệu “còn dịp thứ hai, hoặc thứ ba” (một khi đã chấp nhận vi phạm lời hứa một lần, thì còn có thể tiếp tục vi phạm lời hứa sau đó). Bởi đó, họ sẽ gặp rất khó khăn trong việc thông truyền cho con cái điều cốt yếu của giáo dục: niềm tin có thể xây dựng toàn thể cuộc sống dựa trên tình yêu đích thật, phó thác cho tình yêu ấy toàn thể tương lai chúng ta.
Đó là một thương tổn không dễ dàng chữa lành, vì thường những người trong cuộc không ý thức tình trạng bất bình thường của họ, họ sợ công nhận nó và biện chính cho cuộc sống kết hợp thứ hai của họ. Đây là một việc hết sức tế nhị và đòi hỏi ta phải nhẫn nại, tin tưởng phó thác cho ánh sáng và ân sủng Chúa, để giúp người anh em của ta từ bỏ ngôi nhà xây trên cát mà xây dựng lại căn nhà xây trên nền đá trong hi vọng (cf. AL 8).
Họ sống trong một hoàn cảnh đặc biệt, phải đi một hành trình riêng để tiến tới hội nhập thật sự vào Hội thánh.
Ai biết mình đã phạm một tội trọng thì cần phải xưng tội trước khi đón nhận Mình Thánh Chúa, tức hiệp thông hoàn toàn với Mình Thánh Chúa, và Thân Mình huyền nhiệm Người là Hội thánh.[1]
Tuy nhiên, có một số tội minh nhiên liên quan tới các mối quan hệ cụ thể, cách thức cụ thể sống trong cộng đoàn và dệt nên lịch sử chung. Bởi thế, Chúa Giêsu cho các Tông Đồ những chỉ dẫn rõ ràng cách đối xử trước những lỗi lầm này, nhắc nhở sửa lỗi các tội nhân để họ thay đổi đời sống (cf. Mt 18,15-17). Những tội công khai phạm đến Thân Mình xã hội của Chúa, tức Giáo hội, càng làm ta khó thông dự hoàn toàn và hiệp thông Bí tích Thánh Thể. Không những cần phân định thiêng liêng mà còn phải phân định Thân Mình Chúa, trong bí tích cũng như trong cộng đoàn, nếu không ta sẽ ăn và uống án phạt mình (AL 185-186). Nghĩa là, phân định cách thức cụ thể sống các mối quan hệ, cách riêng là sự trung thành của chúng ta với dây hôn ước bất khà phân li.
Áp dụng cách đặc biệt vào hôn phối, vì là một dấu chỉ bí tích hữu hình và hữu hiệu của ân sủng. Hôn nhân không phải là một sự kiện riêng tư, lại càng không phải là một thực tại chỉ liên hệ đến người chồng, người vợ và con cái, nhưng ngược lại, đó là một yếu tố cốt yếu của đời sống chung và để xây dựng Hội thánh[2]. Thế nên, những người li dị “tái hôn” này phải đi một hành trình trước khi được hội nhập hoàn toàn vào đời sống Giáo hội và có thể lãnh nhận bí tích hiệp thông. Dù sao, họ không nên cảm thấy bị tổn thương vì Hội thánh nói họ không thể hiệp lễ (rước lễ), vì «Thánh Thể không phải là phần thưởng cho những người hoàn hảo» (cf. Evangelium gaudium 47; Al 300; 305).
Một hướng đi mới cho mục vụ gia đình
Lối đi mới mà Đức Thánh cha Phanxicô đề nghị cho mục vụ không phải là đề ra những luật mới thông thoáng hơn hay khép chặt hơn, nhưng xin người ta thay đổi con tim và yêu cầu một “hoán cải mục vụ” (cf. EG 25), đặt mục vụ gia đình ở trung tâm mọi bận tâm mục vụ và hoạt động của các giáo phận và giáo xứ. Làm sao để tất cả cùng cố gắng đồng hành với những anh chị em này trên đường về với Chúa Kitô. Tông huấn Amoris laetitia khuyến khích chúng ta hai con đường: 1) một là, yêu cầu chúng ta bắt đầu một tiến trình hội nhập những người lầm đường lạc lối này trở về với Giáo hội (cf. AL 291), tiến trình này phải do Giám mục giáo phận hướng dẫn (AL 300); b) hai là, khuyến khích các cha giải tội khi xét thấy con người hối nhân thực sự muốn sống theo Tin Mừng, cần xét đến hoàn cảnh có thể giảm khinh, trân trọng những cố gắng của thiện chí họ, nhớ rằng “một bước nhỏ, giữa những giới hạn lớn của con người, có thể làm đẹp lòng Chúa hơn là một cuộc sống đúng đắn bên ngoài êm ả trôi qua từng ngày mà không phải đối mặt với những khó khăn đáng kể nào” (EG 44; AL 306).
Câu hỏi gợi ý suy tư và thảo luận
1. Anh chị đang mang một “vết thương thuộc dây hôn ước”, anh chị tự phân định hoàn cảnh cụ thể của mình và xem có thực muốn được chữa lành không? Theo anh chị phải làm gì để được chữa lành? Hi vọng hòa giải của cuộc hôn nhân trước tới mức nào? Nếu không thể hòa giải để trở về sống chung, anh chị cần làm gì sống phù hợp với lời Chúa, lời dạy của Giáo hội?
2. Chữa lành vết thương “thiêng liêng”, hơn là vết thương thể lí hay tâm lí, trước hết anh chị phải làm gì?
3. Anh chị mong muốn gì nơi Giáo hội, nơi các mục tử của anh chị về hoàn cảnh của anh chị với những trách nhiệm và bác ái trong cuộc sống gia đình hiện tại?
bài liên quan mới nhất
- Dạy con như thế nào?
-
Ủy ban Giáo dân - Thường huấn tháng 12/2024: Vai trò của gia đình trong Giáo hội -
Bí quyết dạy con nhỏ lần chuỗi Mân Côi của Jesse và Kathleen -
Tôi có thể làm gì cho những đứa con không sống đạo của mình? -
Hội nghị Thường niên 2024 của Ủy ban Gia đình - Thánh lễ bế mạc -
Hội nghị Thường niên 2024 của Ủy ban Gia đình - Phiên làm việc thứ hai -
Hội nghị Thường niên 2024 của Ủy ban Gia đình - Thánh lễ cầu nguyện cho các gia đình -
Hội nghị Thường niên năm 2024 của Ủy ban Gia đình - Phiên họp thứ nhất -
Ủy ban Gia đình: Thư mời tham dự Hội nghị thường niên năm 2024 -
Đồng tính luyến ái và Hôn nhân đồng tính
bài liên quan đọc nhiều
- Hôn nhân khác đạo
-
Vấn đề "Chữ Hiếu" của giới trẻ ngày nay -
Phá thai & Quyền giải vạ tuyệt thông -
Sự kiện Mục vụ Gia đình 2023 với chủ đề "Ước Mơ Của Mẹ" -
Cha mẹ là những nhà giáo dục Đức Tin đầu tiên của con cái -
Giờ Kinh Chung Trong Gia Đình -
Câu chuyện gia đình cảm động -
Đặc ân Thánh Phêrô và đặc ân Thánh Phaolô -
Chăm sóc cha mẹ già -
10 điều con cái mong chờ ở cha mẹ