Giuseppe Cafasso, vị linh mục đào tạo các linh mục thánh
Năm Linh Mục vừa mới kết thúc là thời gian ân sủng đã và sẽ đem lại nhiều hoa trái cho Giáo Hội, và là cơ may nhắc nhớ mọi người cầu nguyện cho những ai đáp trả lại ơn gọi đặc biệt này.
Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã khẳng định như trên với hơn 20.000 tín hữu và du khách hành hương năm châu tham dự buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư 30-6-2010 tại quảng trường Thánh Phêrô.
Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã giới thiệu thêm một gương mặt linh mục thánh thiện nữa đó là thánh Giuseppe Cafasso. Cách đây một tuần là ngày kỷ niệm 150 năm người qua đời ngày 23 tháng 6 năm 1860 khi mới được 49 tuổi. Ngoài ra ngày mùng 1 tháng 11 năm 1924 khi Đức Giáo Hoàng Pio XI thừa nhận các phép lạ để phong thánh cho linh mục Giovanni Maria Vianney, thì cũng công bố sắc lệnh phong chân phước cho linh mục Cafasso với các lời sau đây: ”Với sự sắp đặt đặc biệt và ích lợi của Lòng Lành Chúa chúng ta được chứng kiến các ngôi sao sáng mới mọc lên ở chân trời của Giáo Hội công giáo: cha sở họ Ars và tôi tớ đáng kính của Chúa Giuseppe Cafasso. Chính hai gương mặt xinh đẹp, thân thương và thích hợp phải được giới thiệu với chúng ta hôm nay: gương mặt bé nhỏ, khiêm hạ, nghèo khó và đơn sơ nhưng cũng vinh hiển của cha sở họ Ars, và gương mặt xinh đẹp, lớn lao và phức tạp phong phú của linh mục, bậc thầy và nhà đào tạo linh mục là Đấng đáng kính Giuseppe Cafasso”.
Thánh Cafasso đã không phải là cha sở như Cha thánh họ Ars, nhưng là nhà đào tạo các cha sở và linh mục giáo phận, còn hơn thế nữa là nhà đào tạo các linh mục thánh thiện, trong đó có thánh Don Bosco. Người cũng đã không thành lập các dòng tu hay hiệp hội như các linh mục thánh thiện của vùng Piemonte hồi thế kỷ XIX, vì việc thành lập của người là ”trường học sự sống và sự thánh thiện linh mục” với gương mẫu và việc dậy dỗ trong ”Nhà trọ thánh Phanxicô thành Assisi” ở tỉnh Torino. Đề cập tới tiểu sử của thánh Giuseppe Cafasso Đức Thánh Cha nói:
Giuseppe Cafasso sinh tại Castelnuovo d'Asti cùng quê hương với thánh Giovanni Bosco, ngày 15 tháng Giêng năm 1811 và là con thứ ba trong gia đình có bốn người con. Em gái út của người sẽ là thân mẫu của chân phước Giuseppe Allamano, người sáng lập dòng các Thừa sai nam nữ của Đức Bà ủi an. Người sinh ra trong vùng Piemonte trong thế kỷ XIX là thế kỷ có nhiều vấn đề xã hội, nhưng cũng có nhiều thánh dấn thân sửa chữa các vấn đề đó. Các vị được nối kết với nhau bởi một tình yêu toàn vẹn đối với Chúa Kitô và lòng bác ái sâu xa đối với những người nghèo túng nhất: ơn thánh Chúa biết phổ biến và nhân lên các hạt giống của sự thánh thiện! Cafasso học hết trung học và hai năm triết học tại trường Chieri, năm 1830 gia nhập trường thần học và được thụ phong linh mục năm 1833. Bốn tháng sau đó cha bước vào nơi sẽ là chỗ nền tảng và là ”chặng duy nhất” trong cuộc đời linh mục của cha: đó là ”Nhà trọ thánh Phanxicô thành Assisi” tỉnh Torino. Vào đây để hoàn thiện mình trong công tác mục vụ, cha đã tận dụng tài năng linh hướng và tinh thần bác ái của mình và khiến cho chúng sinh hoa trái. Thật thế, nhà trọ này không phải chỉ là một trường thần học luân lý nơi các linh mục trẻ tới từ khắp mọi vùng quê để học giải tội và giảng dậy, mà cũng là một trường học sống đời linh mục đích thực, nơi các linh mục được huấn luyện trong linh đạo của thánh Ignazio thành Loyola và trong nền thần học luân lý và mục vụ của thánh Giám Mục Alfonso de Liguori.
Kiểu sống linh mục mà thánh Cafasso gặp tại Nhà trọ và góp phần đào tạo, nhất là trong cương vị Giám Đốc, đã là kiểu sống của vị mục tử đích thật, với nếp sống nội tâm phong phú và lòng nhiệt thành sâu xa trong công tác mục vụ, trung thành với lời cầu nguyện, dấn thân giảng giải, dậy giáo lý, chăm chỉ sốt sắng cử hành bí tích Thánh Thể và ban bí tích Giải Tội, theo gương thánh Carlo Borromeo, thánh Phanxicô de Sales và theo tinh thần do Công Đồng Chung Trento thăng tiến. Thánh Don Bosco có kiểu nói tổng kết được ý nghĩa công tác giáo dục trong cộng đoàn này: ”Tại nhà trọ này người ta học làm linh mục”.
Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói thánh Cafasso tìm thực hiện kiểu đào tạo này cho các linh mục trẻ, để các vị có thể trở thành các người đào tạo các linh mục tu sĩ và giáo dân khác theo dây xích hàng loạt chuyên biệt và hữu hiệu. Từ ghế giảng dậy thần học luân lý người đào tạo các cha giải tội và các cha linh hướng tốt, chăm lo cho thiện ích thiêng liêng đích thật của con người, được linh hoạt bởi sự quân bình lớn lao trong việc khiến cho người ta cảm nghiệm được lòng thương xót của Thiên Chúa, đồng thời có ý thức bén nhậy và sống động đối với tội lỗi. Thánh Cafasso có ba nhân đức chính của bậc thầy: đó là bình tĩnh, chu đáo và thận trọng. Đối với người, việc kiểm thực giáo huấn dậy dỗ là thừa tác giải tội, mà người thực hành nhiều giờ mỗi ngày. Người tìm ra thời giờ cần thiết cho mọi người và trở thành cố vấn tinh thần cho rất nhiều môn sinh sau này trở thành thánh và người thành lập các dòng tu. Giáo huấn của người không trừu tượng chỉ dựa trên sách vở dùng thời đó, mà nảy sinh từ kinh nghiệm sống lòng xót thương của Thiên Chúa và sự hiểu biết sâu xa linh hồn con người mà người thủ đắc được trong những giờ giải tội lâu dài và hướng dẫn linh hướng. Đức Thánh Cha nêu bật một bí quyết của thánh Giuseppe Cafasso như sau:
Bí quyết của người rất đơn sơ: đó là người của Thiên Chúa; qua các hành động bé nhỏ thường ngày làm đều có thể khiến cho Thiên Chúa được vinh hiển hơn và ích lợi hơn cho các linh hồn. Người hoàn toàn mến yêu Chúa, được linh hoạt bởi một đức tin đâm rễ sâu và được nâng đỡ bởi lời cầu nguyện và lòng bác ái chân thành đối với mọi người. Biết bao nhiêu linh mục đã được người biến đổi khi sống gần người. Điển hình như chân phước Clemente Marchisio, sáng lập dòng các Nữ tử thánh Giuse. Cha Clemente cho biết khi nhập nhà trọ cha có tính nghịch ngợm và đầu óc trống rỗng, nhưng đã được thay đổi và hiểu biết thiên chức linh mục một cách sâu đậm hơn. Trong số những người nhận thánh Cafasso làm linh hướng và cố vấn có thánh Don Bosco được cha Cafasso linh hướng trong suốt 25 năm trời từ 1835 tới 1860. Thánh Cafasso không tìm đào tạo các linh mục khác theo mẫu gương của mình, nhưng để cho mỗi người phát triển theo các năng khiếu và ơn thánh riêng theo ý Chúa muốn. Đây là một giáo huấn qúy báu đối với tất cả những ai dấn thân trong việc giáo dục đào tạo các thế hệ trẻ. Nó cũng nhắc nhớ chúng ta về tầm quan trọng của việc có một vị linh hướng trong cuộc sống để giúp chúng ta hiểu biết điều Thiên Chúa muốn nơi chúng ta.
Đức Thánh Cha nói tiếp trong bài huấn dụ như sau: Thật thế, chính thánh Cafasso đã khẳng định như sau: ”Tất cả sự thánh thiện, sự hoàn thiện và lợi ích của một người là nơi việc chu toàn một cách toàn vẹn thánh ý Thiên Chúa... Hạnh phúc cho chúng ta, nếu chúng ta đi tới chỗ đổ con tim chúng ta vào Trái Tim Chúa, kết hiệp các ước muốn, ý chí của chúng ta với ý muốn của Chúa đến trở thành một con tim và một ý muốn với Chúa: chỉ muốn điều Chúa muốn, chỉ muốn theo kiểu Chúa muốn, và thời điểm Chúa muốn, trong các trạng huống mà Chúa muốn, và muốn tất cả những gì không do sự gì khác nếu không phải là như Thiên Chúa muốn”.
Đức Thánh Cha cũng nhắc tới một nét đặc thù khác trong cuộc sống của thánh Giuseppe Cafasso: đó là chú ý tới các người rốt hết, đặc biệt là các người bị tù trong các nhà tù vô nhân hạ nhục con người. Thánh nhân đã thường xuyên thăm viếng các người tù trong hơn 20 năm trời với tất cả sự thông cảm và lòng xót thương của một mục tử nhân lành. Chị sự hiện diện đơn sơ của người thôi cũng đủ đem lại ích lợi cho các tù nhân: nó trao ban bình an, và đánh động các con tim mà các thử thách khắc nghiệt của cuộc sống đã khiến trở thành chai đá nhất, nhất là nó soi sáng và lay động các lương tâm thờ ơ. Trong thời gian đầu thánh nhân thường hay dùng các bài giảng khiến cho hầu hết mọi người trong tù phải rúng động. Nhưng dần dần người thay đổi kiểu làm mục vụ bằng các cuộc nói chuyện găp gỡ cá nhân, và trình bầy giáo lý Kitô cho các các tù nhân và mời gọi họ lòng tín thác nơi Thiên Chúa, cũng như giúp họ hiểu ích lợi của lời cầu nguyện và việc lãnh nhận các bí tích và điểm tới là giúp họ xưng tội và gặp gỡ Thiên Chúa nhân lành thươmg xót. Thánh nhân đặc biệt chú ý đến các tội nhân bị kết án tử hình và lo lắng trợ giúp họ mọi chuyện, cũng như tháp tùng 57 tội nhân tới nơi xử, sau khi đã ban phép Giải tội cho họ và cho họ rước Mình Thánh Chúa.
Người qua đời ngày 23 tháng 6 năm 1860 sau khi hoàn toàn sống cho Chúa và tha nhân. Ngày mùng 9 tháng 4 năm 1948 Đức Giáo Hoàng Pio XII đã tuyên bố thánh Giuseppe Cafasso là Bổn Mạng các nhà tù Italia, và ngày 23 tháng 9 năm 1950 đã đề nghị thánh nhân như gương mẫu của các linh mục giải tội và linh hướng.
Sau khi chào các tín hữu bằng nhiều thứ tiếng khác nhau và chúc họ những ngày hành hương nhiều ơn thánh, Đức Thánh Cha đã cất kinh Lậy Cha và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.
bài liên quan mới nhất
- Đức Thánh Cha khen ngợi đức tin mạnh mẽ của cộng đồng người Việt ở Mỹ
-
Những đoạn trích từ cuốn tự truyện "Hy vọng" của Đức Thánh Cha Phanxicô -
Cầu nguyện cho Đức Thánh Cha dịp ngài tròn 88 tuổi -
Cuộc hành hương kỷ lục: khoảng 13 triệu người viếng Đền Thánh Đức Mẹ Guadalupe trong dịp lễ -
Tình bạn, tình huynh đệ là chứng tá Tin Mừng -
Đức Giáo Hoàng Phanxicô và “Gánh Nặng Ngày Càng Gia Tăng của Tuổi Tác” -
Diễn văn Đức Thánh Cha nhân dịp bế mạc Đại hội lòng đạo đức bình dân ở khu vực Địa Trung Hải ngày 15/12/2024 -
Huấn dụ Kinh Truyền tin ngày 15/12/2024 – Linh mục, tu sĩ chăm sóc chính mình và chăm sóc người khác -
Bài giảng tĩnh tâm Giáo triều Roma Mùa Vọng 2024: Bài 2 - Cánh cửa của niềm tin tưởng -
Đức Thánh Cha chủ sự Thánh lễ kính nhớ Đức Mẹ Guadalupe
bài liên quan đọc nhiều
- 10 điều bạn nên làm khi Thánh lễ bị đình chỉ
-
Năm Thánh Giuse: Các ngày và các việc được ơn toàn xá -
Thông cáo chung của Nhóm Làm việc chung Việt Nam - Toà Thánh -
Hướng tới Ngày Giới trẻ Thế giới 2023 - Đức Thánh Cha: Đừng đứng nhìn cuộc đời trôi qua -
Toàn văn lá thư Đức Thánh Cha Phanxicô gửi các linh mục giáo phận Roma -
Chuyến tông du Mông Cổ của Đức Thánh Cha, đánh dấu cuộc gặp gỡ giữa Công giáo và Phật giáo -
Sáu ý tưởng khích lệ người cao tuổi của Đức Thánh Cha Phanxicô -
Đức Thánh Cha Phanxicô trả lời các nghi vấn của 5 Hồng y -
Đức Thánh Cha chủ sự Công nghị phong 21 tân Hồng y -
5 chủ đề nổi bật trong 10 năm triều đại Giáo hoàng Phanxicô