Giới thiệu đôi nét về Liên Hội đồng Giám mục Á châu (1)

Giới thiệu đôi nét về Liên Hội đồng Giám mục Á châu (1)

WGPSG -- Hội nghị khoáng đại thứ X của FABC sẽ khai mạc tại Gp. Xuân Lộc - Việt Nam vào ngày 18-11-2012. Việc tìm hiểu nhiều hơn về FABC sẽ giúp cho những thành quả của FABC được phát huy nơi các cộng đoàn tín hữu tại Á châu.

Thành lập FABC

Liên Hội đồng Giám mục Á châu (LHĐGMAC) (The Federation of Asian Bishop’Conferences / FABC), là một tổ chức được Tòa thánh phê chuẩn, có tính xuyên quốc gia, nhằm liên kết các Hội đồng Giám mục các Giáo Hội Công giáo địa phương ở châu Á lại với nhau trong tình hữu nghị và hợp tác.

LHĐGMAC được hình thành từ cuộc gặp gỡ lịch sử của 180 giám mục từ khắp châu Á, tại Hội nghị các giám mục Á châu (ABM: Asian Bishops’ Meeting), ở Manila (Philippines) vào tháng 11 năm 1970, nhân dịp Đức giáo hoàng Phaolô VI viếng thăm xứ này. Năm 2012 này là năm kỷ niệm lần thứ 40 Quy chế của LHĐGMAC được Tòa Thánh phê chuẩn (16/11/1972).

Hiện nay, LHĐGMAC có 18 thành viên chính thức: (1) Bangladesh, (2) Indonesia, (3) Nhật, (4) Kazakhstan, (5) Hàn Quốc, (6) Lào–Cambodia, (7) Malaysia–Singapore–Brunei, (8) Myanmar, (9) Pakistan, (10) Philippines, (11) Sri Lanka, (12) Taiwan, (13) Thái Lan (14) Việt Nam và Ấn độ [gồm: (15) CBCI (Catholic Bishop’s Conference of India): Hội đồng giám mục Ấn Độ, (16) CCBI (Conference of the Catholic Bishops of India): Hội đồng Giám mục Ấn độ lễ chế Latinh, (17) SMBS (Syro–Malabar Bishops’ Synod): Thượng Hội đồng Giám mục lễ chế Syro–Malabar và (18) Syro–Malankara (Holy Episcopal Synod): Thượng Hội đồng giám mục lễ chế Syro–Malankara.

Ngoài ra, LHĐGMAC còn có 13 thành viên không chính thức (thành viên “liên kết”): (1) Giáo phận Baucau (Timor–Leste), (2) Giáo phận Dili (Timor–Leste), (3) Giáo phận Maliana (Timor–Leste), (4) Giáo phận Hồng Kông (Trung Quốc), (5) Giáo phận Ma cao (Trung Quốc), (6) Mông Cổ, (7) Nepal, (8) Giáo phận thánh Giuse (Irkutsk, Siberia), (9) Giáo phận Chúa Hiển dung (Novosibirsk, Siberia), (10) Kyrgyzstan, (11) Tajikistan, (12) Turkmenistan và (13) Uzbekistan (xem Mạnh Hữu, WHĐ).

Chức năng của LHĐGMAC

LHĐGMAC không phải là một “Hội đồng Giám mục cấp cao” bao trùm lên trên các Hội đồng Giám mục thành viên. LHĐGMAC tôn trọng quyền tự chủ của mỗi giám mục, của từng HĐGM thành viên, và của từng Hội nghị miền trong LHĐGMAC. LHĐGMAC là một “Hiệp hội tự nguyện của các Hội đồng Giám mục ở Nam Á, Đông Nam Á, Đông Á và Trung Á”. Là một “hiệp hội tự nguyện”, các quyết nghị cũng như khuyến nghị của LHĐGMAC không có tính “ràng buộc pháp lý”. Mục đích chính của LHĐGMAC, như được giới thiệu, là củng cố tình liên đới và đồng trách nhiệm giữa các thành viên vì lợi ích của Giáo Hội và của xã hội tại châu Á.

*    Nghiên cứu các cách thức và phương tiện để thúc đẩy công việc tông đồ, đặc biệt dưới ánh sáng của Công đồng Vatican II và các văn kiện chính thức hậu công đồng và theo các đòi hỏi của châu Á.
*    Hoạt động cho việc tăng triển sự hiện diện năng động của Giáo Hội trong sự phát triển toàn diện của các dân tộc châu Á.
*    Giúp việc học hỏi các vấn đề của mối quan tâm chung của Giáo Hội tại châu Á và tìm ra các khả năng đi đến các kết luận và giải đáp cũng như hành động phối hợp.
*   Tạo sự thông tin và hợp tác giữa các Giáo Hội địa phương và các giám mục tại châu Á.
*    Phục vụ các Hội đồng Giám mục châu Á nhằm giúp các ngài đáp ứng tốt hơn các nhu cầu của Dân Chúa.
*   Củng cố một sự phát triển có tổ chức hơn các tổ chức và phong trào trong Giáo Hội ở tầm mức quốc tế.
*   Củng cố sự trao đổi và hợp tác đại kết và liên tôn.
Tổ chức
LHĐGMAC hoạt động qua một hệ thống cấu trúc gồm có: Hội nghị Khoáng đại, Ủy ban Trung ương, Uỷ ban Thường vụ, Ban Thư ký Trung ương và các Văn phòng.
· Hội nghị Khoáng đại (Plenary Assembly). Thành  viên của Hội nghị Khoáng đại là: chủ tịch của các HĐGM thành viên, hay giám mục đại diện được chính thức chỉ định, các giám mục đại diện cho các quốc gia thành viên không chính thức, các giám mục đại biểu (được các HĐGM thành viên bầu  chọn),  các  thành  viên  của  Ủy  ban  Trung  ương  (năm giám mục  được bầu chọn  định kỳ từ các miền khác nhau của châu Á) .
Hội nghị Khoáng đại giữ vị trí tối cao của LHĐGMAC. Hội nghị  Khoáng  đại  –  họp  định  kỳ  bốn  năm  một  lần. Trong lịch sử của LHĐGMAC, đã có tất cả chín Hội nghị Khoáng đại. Hội nghị Khoáng đại lần thứ mười sẽ diễn ra vào tháng mười một năm nay, và theo dự trù, tại Việt Nam.
· Ủy ban Trung ương (Central Committee), gồm các chủ tịch của các Hội đồng Giám mục thành viên hay giám mục thay thế được chính thức chỉ định, có phận sự kiểm tra, đôn đốc việc thực thi các nghị quyết và chỉ dẫn của Hội nghị Khoáng đại và cùng với Ủy ban Thường vụ đảm nhận công việc  điều hành LHĐGMAC. Ủy ban Trung  ương họp hai năm một lần.
· Uỷ ban Thường vụ (Standing Committee). Uỷ ban Thường vụ gồm năm Giám mục từ các miền khác nhau của châu Á. Được Ban Thư ký Trung ương trợ giúp, Ủy ban Thường vụ chính là cơ quan hoạt động chủ yếu của LHĐGMAC, do Tổng thư ký chịu trách nhiệm. Ủy ban có nhiệm vụ thực hiện các quyết định và chỉ thị của Ủy ban Trung ương, hướng dẫn và trợ giúp Ban Thư ký Trung ương và các bộ phận khác của LHĐGMAC. Ủy ban họp nội bộ ít nhất mỗi năm một lần. Các Văn phòng khác nhau của LHĐGMAC là những cơ quan chuyên môn hoạt động thông qua Ban Thư ký Trung ương.
· Ban Thư ký Trung ương (Central Secretariat) là bộ phận phục vụ việc điều phối bên trong LHĐGMAC và với các cơ quan, văn phòng bên ngoài, với sự giúp đỡ của các Ủy ban và các Văn phòng.
· Các Văn phòng (Office). Ở cấp điều hành, các hoạt động khác nhau của LHĐGMAC do các văn phòng liên quan đến các lĩnh vực khác nhau trong đời sống của Giáo Hội và xã hội đảm nhiệm. Có văn phòng phụ trách việc truyền giáo, giáo dân, truyền thông xã hội, phát triển con người, các vấn đề đại kết và liên tôn, giáo dục và tuyên úy sinh viên… Ngoài các văn phòng này còn có Ủy ban Tư vấn Thần học phục vụ LHĐGMAC và các bộ phận khác của LHĐGMAC:
*    Văn phòng Phát triển Con người
Office of Human Development (OHD)
*    Văn phòng Rao giảng Tin Mừng
Office of Evangelization (OE)
*    Văn phòng Các vấn đề Ðại kết và Liên tôn
Office of Ecumenical and Interreligious Affairs (OEIA)
*    Văn phòng Truyền thông Xã hội
Office of Social Communications (OSC)
*    Văn phòng Quan tâm về Thần học
Office of Theological Concerns (OTC )
*    Văn phòng Giáo dục và Tuyên úy Sinh viên
Office of Education and Student Chaplaincy(OESC)
*    Văn phòng Giáo dân
Office of the Laity (OL)
*    Văn phòng Giáo sĩ
Office of Clergy (OC)
*    Văn phòng Tu sĩ
Office of Consecrated Life (OCL)
Mỗi văn phòng được điều hành bởi một chủ tịch và một ủy ban gồm từ 3 đến 5 giám mục, được trợ giúp bởi thư ký điều hành. Và thư ký điều hành có thể được trợ giúp bởi một nhóm nhân viên.
Cấu trúc tổng quát của LHĐGMAC được hình dung như sau:
  • Các Hội đồng Giám mục
  • Hội nghị Khoáng đại
  • Các Hội nghị miền
  • Ủy ban Trung ương
  • Uỷ ban Thường vụ
  • Ban Thư ký Trung ương
  • Các Văn phòng

(Còn tiếp)

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top