Gia đình trong ý định của Thiên Chúa
Gia đình trong ý định của Thiên Chúa
***
Bài giảng của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI
trong Thánh lễ bế mạc Đại hội Thế giới các Gia đình lần thứ VII
tại Công viên Bresso ở Milano
(03 tháng Sáu 2012)
Quý anh em Giám mục thân mến,
Kính thưa quý vị trong chính quyền,
Anh chị em thân mến,
Đây là giờ phút của niềm vui lớn lao và của tình hiệp thông mà chúng ta đang được sống sáng nay khi cử hành Hy lễ tạ ơn: một cuộc tập họp lớn, hiệp nhất với người kế vị Phêrô, quy tụ các tín hữu đến từ nhiều quốc gia. Đây là một hình ảnh hùng hồn về Giáo hội, duy nhất và phổ quát, do Đức Kitô thiết lập và là kết quả của sứ vụ Chúa Giêsu đã trao cho các tông đồ của Người, như chúng ta đã được nghe trong bài Tin Mừng hôm nay: “Hãy đi thâu nạp môn đồ khắp muôn dân, thanh tẩy họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần” (Mt 28,18-19). Với lòng quý mến và biết ơn, tôi xin chào mừng Đức hồng y Angelo Scola, Tổng giám mục Milano, và Đức hồng y Ennio Antonelli, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về Gia đình, những nhà thiết kế chính của Đại hội Thế giới các Gia đình lần thứ VII này, cùng với các cộng sự viên của các ngài là các giám mục phụ tá Milano và các giám mục khác.
Tôi cũng vui mừng kính chào tất cả quý vị trong chính quyền có mặt hôm nay. Tôi cũng xin nồng nhiệt chào đón quý gia đình thân mến! Cám ơn quý vị đã đến tham dự Đại hội này.
Trong bài đọc thứ hai của Thánh Lễ hôm nay, Thánh Phaolô nhắc nhở chúng ta rằng trong bí tích Thánh Tẩy, chúng ta đã nhận lãnh Chúa Thánh Thần, Đấng kết hiệp chúng ta với Chúa Kitô như anh chị em và làm chúng ta thành con cái của Cha, khiến chúng ta có thể kêu lên “Abba, lạy Cha!” (xem Rm 8, 15.17). Khi ấy, chúng ta đã được ban cho một tia sự sống mới, sự sống Thiên Chúa. Sự sống ấy sẽ lớn lên cho tới khi đạt tới tầm vóc viên mãn trong vinh quang trên trời; chúng ta trở thành những thành viên của Giáo hội, gia đình của Thiên Chúa, “sacrarium Trinitatis” như cách nói của Thánh Ambrôsiô, “một dân duy nhất do sự hiệp nhất của Cha, Con và Thánh Thần tạo nên”, như Công đồng Vatican đã dạy (Lumen Gentium, 4). Lễ kính trọng thể Chúa Ba Ngôi chúng ta cử hành hôm nay mời gọi chúng ta chiêm ngắm mầu nhiệm này và cũng thôi thúc chúng ta cam kết sống tình hiệp thông với Thiên Chúa và với nhau theo mô hình của sự hiệp thông Ba Ngôi Thiên Chúa. Chúng ta được kêu gọi đón nhận và đi vào trong sự thật của niềm tin với một tinh thần hòa hợp, sống tình yêu thương nhau và yêu thương mỗi người, chia sẻ vui buồn, học cách tha thứ và xin tha thứ, nhận ra giá trị của các đặc sủng khác nhau dưới sự hướng dẫn của các giám mục. Tắt một lời, chúng ta được giao nhiệm vụ xây dựng các cộng đoàn giáo hội ngày càng nên giống các gia đình, có thể phản chiếu vẻ đẹp của Chúa Ba Ngôi và loan báo Tin Mừng không chỉ bằng lời, mà, tôi muốn nói, bằng sự “tỏa sáng”, nhờ sức mạnh của việc sống yêu thương.
Không chỉ có Giáo hội mà cả các gia đình, đặt nền tảng trên hôn nhân giữa người nam và người nữ, cũng được mời gọi trở thành hình ảnh của Thiên Chúa Độc nhất trong Ba ngôi. Vào buổi đầu, “Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình, Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa, Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ. Thiên Chúa ban phúc lành cho họ, và Thiên Chúa phán với họ: ‘Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất’” (Kn 1, 27-28). Thiên Chúa đã dựng nên chúng ta, người nam và người nữ, bình đẳng trong phẩm giá, nhưng với những đặc điểm riêng và bổ túc cho nhau để cả hai đều có thể là quà tặng cho nhau, quý trọng nhau và làm thành một cộng đoàn của tình yêu và sự sống. Chính tình yêu khiến con người trở thành hình ảnh đích thực của Thiên Chúa.
Các đôi hôn nhân thân mến, khi sống cuộc sống hôn nhân, các bạn không trao cho nhau một cái gì hay một hoạt động nào riêng biệt, mà là toàn thể cuộc sống của các bạn. Và tình yêu của các bạn sinh hoa kết trái trước tiên và chủ yếu cho chính các bạn, bởi vì các bạn ao ước và thực hiện điều tốt lành cho nhau, các bạn trải nghiệm niềm vui đón nhận và ban tặng. Tình yêu ấy còn sinh hoa kết trái trong việc sinh sản con cái, với lòng quảng đại và tinh thần trách nhiệm, trong sự chăm sóc và giáo dục con cái một cách cẩn trọng và khôn ngoan. Và cuối cùng, tình yêu ấy cũng đem lại hoa trái cho xã hội bởi vì đời sống gia đình là trường học đầu tiên và không thể thay thế, dạy những đức tính xã hội, như sự tôn trọng con người, tình yêu vô vị lợi, sự tin tưởng, tinh thần trách nhiệm, tình liên đới, sự hợp tác. Các đôi hôn nhân thân mến, hãy chăm nom con cái của các bạn. Trong một thế giới bị chế ngự bởi kỹ thuật, hãy truyền đạt cho chúng, trong sự bình tâm và tin cậy, những lý do để sống và sức mạnh của niềm tin; hãy chỉ cho chúng hướng tới những mục đích cao cả và nâng đỡ chúng vì chúng thật mỏng manh. Đến đây tôi cũng muốn nói thêm một lời với con cái của các bạn: các con hãy tin rằng các con luôn được cha mẹ rất mực yêu thương chăm sóc và hãy biết rằng tương quan với các anh chị em của các con là dịp để tăng trưởng trong tình yêu.
Kế hoạch của Thiên Chúa đối với đôi vợ chồng trở nên viên mãn nơi Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã nâng hôn nhân lên hàng bí tích. Các đôi hôn nhân thân mến, nhờ ơn đặc biệt của Chúa Thánh Thần, Chúa Kitô đã cho các bạn dự phần vào tình yêu hôn ước của Ngài, biến các bạn thành một dấu chỉ tình yêu của Ngài đối với Giáo hội - một tình yêu trung tín và bảo bọc. Một khi đón nhận ân sủng này, làm mới lại lời “đồng ý” hằng ngày bởi lòng tin, nhờ sức mạnh của ân sủng bí tích, thì gia đình các bạn sẽ lớn lên trong tình yêu của Thiên Chúa theo mô hình của Thánh Gia Nazaret. Các gia đình thân mến, hãy thường xuyên cầu xin Đức Trinh nữ Maria và Thánh Giuse giúp đỡ, dạy anh chị em biết đón nhận tình yêu của Thiên Chúa như các ngài. Ơn gọi của anh chị em không phải dễ sống, nhất là ngày nay, nhưng ơn gọi tình yêu là một điều tuyệt diệu, đó là sức mạnh duy nhất có thể thực sự biến đổi thế giới. Anh chị em đã thấy được chứng tá của rất nhiều gia đình vạch ra những con đường để tăng trưởng trong tình yêu, qua việc duy trì mối tương quan hệ bền chặt với Thiên Chúa và tham gia vào đời sống của Giáo hội, qua việc trau dồi đối thoại, tôn trọng quan điểm của người khác, sẵn sàng phục vụ và kiên nhẫn với những lỗi lầm của người khác, qua việc có thể tha thứ và xin tha thứ, qua việc khôn ngoan và khiêm tốn khắc phục các xung khắc có thể xảy ra, qua việc chấp nhận các nguyên tắc về sự dạy dỗ, và qua sự cởi mở với các gia đình khác, quan tâm tới người nghèo và có trách nhiệm trong xã hội. Đó là tất cả các yếu tố xây dựng gia định. Anh chị em hãy sống những điều ấy một cách can đảm, và hãy tin chắc rằng một khi sống tình yêu với nhau và với mọi người nhờ ơn Chúa giúp, anh chị em sẽ trở thành một Tin Mừng sống động, một Giáo hội tại gia thực sự (xem Familiaris Consortio, 49).
Tôi cũng muốn nói đôi lời với các tín hữu đã có những kinh nghiệm đau thương về sự đổ vỡ và chia ly, mặc dù họ vẫn chấp nhận các giáo huấn của Giáo hội về gia đình. Tôi muốn anh chị em hiểu rằng Giáo hoàng và Giáo hội nâng đỡ anh chị em trong cuộc chiến đấu của anh chị em. Tôi khuyến khích anh chị em hãy gắn bó với cộng đoàn và tôi tha thiết hy vọng rằng giáo phận của anh chị em có những nỗ lực thích hợp để đón nhận và đồng hành với anh chị em.
Trong sách Sáng Thế, Thiên Chúa đã giao thụ tạo của Ngài cho hai người nam và nữ để họ gìn giữ, canh tác và điều hành theo kế hoạch của Ngài (x. 1, 27-28; 2,15). Trong sứ vụ này, chúng ta có thể nhận ra trách nhiệm của người nam và người nữ là cộng tác với Thiên Chúa trong tiến trình biến đổi thế giới qua lao động, khoa học và kỹ thuật. Người nam và người nữ cũng là hình ảnh của Thiên Chúa trong công việc quan trọng này mà họ thực thi với chính tình yêu của Thiên Chúa. Trong các học thuyết kinh tế hiện đại, thường có một khái niệm vị lợi về lao động, sản xuất và thị trường. Nhưng kế hoạch của Thiên Chúa cũng như kinh nghiệm đã cho thấy rằng cái logic một chiều của tính hữu dụng thuần túy và lợi nhuận tối đa không dẫn tới một sự phát triển hài hòa, đem lại điều tốt lành cho gia đình hay giúp xây dựng một xã hội công bằng hơn, bởi vì nó kéo theo sự cạnh tranh khốc liệt, những bất bình đẳng sâu sắc, sự hủy hoại môi trường, cuộc chạy đua về tiêu thụ, và các căng thẳng trong gia đình. Thực vậy, óc thực dụng có khuynh hướng gây thiệt hại cho những tương quan cá nhân và gia đình, làm cho những tương quan này chỉ còn là một cuộc kết hợp các lợi ích cá nhân dễ đổ vỡ và phá hủy tình liên đới của màng lưới xã hội.
Một điểm cuối cùng: con người, với tính cách là hình ảnh của Thiên Chúa, cũng được mời gọi nghỉ ngơi và mừng lễ. Tường thuật về cuộc tạo dựng kết thúc như sau: “Ngày thứ bảy, Thiên Chúa đã hoàn thành công việc Người làm. Khi làm xong mọi công việc của Người, ngày thứ bảy, Thiên Chúa nghỉ ngơi. Thiên Chúa ban phúc lành cho ngày thứ bảy và thánh hoá ngày đó” (St 2,2-3). Đối với các Kitô hữu chúng ta, ngày lễ là ngày Chúa nhật, ngày của Chúa, ngày Phục sinh hằng tuần. Đó là ngày của Giáo hội, cuộc tập họp được Chúa quy tụ xung quanh bàn tiệc Lời Chúa và Hy lễ tạ ơn, như chúng ta đang làm lúc này, để được Người nuôi dưỡng, để đi vào trong tình yêu của Người và sống bởi tình yêu của Người. Đây là ngày của con người và những giá trị của con người: lòng hiếu khách, tình bằng hữu, tình liên đới, ngày của văn hóa, của sự gắn bó với thiên nhiên, chơi thể thao. Đây là ngày của gia đình để cùng nhau trải nghiệm một ý thức về cử hành, gặp gỡ, chia sẻ, nhất là qua việc tham dự Thánh Lễ.
Các gia đình thân mến, mặc dù nhịp sống của thế giới hiện đại không ngừng nghỉ, anh chị em đừng đánh mất ý thức về ngày của Chúa! Nó giống như một nơi thoải mái để nghỉ ngơi cũng như để nếm trải niềm vui gặp gỡ và làm dịu cơn khát Thiên Chúa của chúng ta.
Gia đình, công việc, ngày lễ: ba quà tặng của Thiên Chúa, ba chiều kích của cuộc sống chúng ta phải được diễn ra trong sự quân bình hòa điệu. Kết hợp hài hòa công việc với những đòi hỏi của gia đình, đời sống nghề nghiệp với chức năng làm mẹ, công việc với lễ lạy, là điều quan trọng để xây dựng một xã hội có dung mạo con người. Về vấn đề này, hãy luôn dành ưu tiên cho logic của cái hiện hữu trên logic của cái sở hữu: cái hiện hữu thì xây dựng còn cái sở hữu thì kết thúc trong sự phá hủy. Chúng ta cần phải học biết tin tưởng trước hết ở gia đình, ở tình yêu đích thực, thứ tình yêu từ Thiên Chúa mà đến và kết hiệp chúng ta với Người, và vì thế “biến chúng ta thành một ‘chúng tôi’ vượt lên trên mọi sự chia rẽ và làm chúng ta nên một, cho tới khi Thiên Chúa trở nên ‘mọi sự trong mọi người’ (1 C 15, 28)” (Deus Caritas Est, 18). Amen.
(Giuse Nguyễn chuyển ngữ theo bản tiếng Anh của Libreria Editrice Vaticana)
bài liên quan mới nhất
- Đức Thánh Cha khen ngợi đức tin mạnh mẽ của cộng đồng người Việt ở Mỹ
-
Những đoạn trích từ cuốn tự truyện "Hy vọng" của Đức Thánh Cha Phanxicô -
Cầu nguyện cho Đức Thánh Cha dịp ngài tròn 88 tuổi -
Cuộc hành hương kỷ lục: khoảng 13 triệu người viếng Đền Thánh Đức Mẹ Guadalupe trong dịp lễ -
Tình bạn, tình huynh đệ là chứng tá Tin Mừng -
Đức Giáo Hoàng Phanxicô và “Gánh Nặng Ngày Càng Gia Tăng của Tuổi Tác” -
Diễn văn Đức Thánh Cha nhân dịp bế mạc Đại hội lòng đạo đức bình dân ở khu vực Địa Trung Hải ngày 15/12/2024 -
Huấn dụ Kinh Truyền tin ngày 15/12/2024 – Linh mục, tu sĩ chăm sóc chính mình và chăm sóc người khác -
Bài giảng tĩnh tâm Giáo triều Roma Mùa Vọng 2024: Bài 2 - Cánh cửa của niềm tin tưởng -
Đức Thánh Cha chủ sự Thánh lễ kính nhớ Đức Mẹ Guadalupe
bài liên quan đọc nhiều
- 10 điều bạn nên làm khi Thánh lễ bị đình chỉ
-
Năm Thánh Giuse: Các ngày và các việc được ơn toàn xá -
Thông cáo chung của Nhóm Làm việc chung Việt Nam - Toà Thánh -
Hướng tới Ngày Giới trẻ Thế giới 2023 - Đức Thánh Cha: Đừng đứng nhìn cuộc đời trôi qua -
Toàn văn lá thư Đức Thánh Cha Phanxicô gửi các linh mục giáo phận Roma -
Chuyến tông du Mông Cổ của Đức Thánh Cha, đánh dấu cuộc gặp gỡ giữa Công giáo và Phật giáo -
Sáu ý tưởng khích lệ người cao tuổi của Đức Thánh Cha Phanxicô -
Đức Thánh Cha Phanxicô trả lời các nghi vấn của 5 Hồng y -
Đức Thánh Cha chủ sự Công nghị phong 21 tân Hồng y -
5 chủ đề nổi bật trong 10 năm triều đại Giáo hoàng Phanxicô