FABC: Nguồn gốc, cơ cấu và chức năng
Vào tháng 11 năm nay, FABC (Federation of Asian Bishops’ Conferences: Liên Hội đồng Giám mục Á châu) sẽ mừng sinh nhật thứ 40 và dự trù tổ chức Hội nghị Khoáng đại (Plenary Assembly) tại Việt Nam. Hướng về thời điểm này, nhiều người sẽ muốn có thêm những hiểu biết về FABC.
Nguồn gốc và lịch sử
Để hiểu về FABC, ta cần quay về Công đồng Vatican II. Trong thời gian họp Công đồng tại Rôma, nhiều giám mục Á châu lần đầu tiên được gặp nhau. Phát sinh từ những ngày tháng làm việc với nhau ở đây, tình bạn giữa các ngài đã hình thành trong cảm thức có chung một bản sắc. Các giám mục Á châu nhận ra rằng, cho đến nay, các ngài đã có nhiều cơ hội làm việc chung với các giám mục Âu châu, trong khi đó lại có rất ít việc và ít cơ hội để làm việc chung với nhau. Vì vậy, các ngài bắt đầu nghĩ về sự cần thiết phải có một cơ cấu nhằm tạo ra nhiều tương tác hơn giữa các giám mục trên khắp đại lục châu Á.
Sau đó, chuyến viếng thăm Manila của Đức giáo hoàng Phaolô VI vào tháng 11 năm 1970 đã tạo cơ hội cho các giám mục Á châu đến với nhau tại Philippines. Chuyến tông du này trở thành cơ hội họp mặt của 180 giám mục từ khắp châu Á, mang tên Hội nghị các Giám mục Á châu (ABM: Asian Bishops’ Meeting). Đây cũng là thời điểm cho khái niệm về một Liên Hội đồng Giám mục Á châu được hình thành.
Trong Hội nghị ABM này, các giám mục đã phân tích bối cảnh Châu Á và đề ra những phương án phục vụ hữu hiệu. Cuối Hội nghị ABM, các ngài đã ra một nghị quyết, hối thúc thành lập Liên Hội đồng Giám mục Á châu (FABC) nhằm thực hiện một cách hiệu quả các quyết định của Hội nghị. Một nhóm các giám mục đã bắt đầu ngồi lại bàn thảo về một cấu trúc cần thiết. Cuộc họp mặt tổ chức tại Hồng Kông vào tháng 3 năm 1971, với sự có mặt của 11 chủ tịch Hội đồng Giám mục, đã thảo luận về bản chất, mục tiêu và mục đích của FABC.
Dù gặp một số trở ngại, cuối cùng, cuộc họp mặt Hồng Kông này cũng đã đưa ra được một cấu trúc với quy chế dự thảo được phê duyệt trong tháng 11 năm 1972. Như vậy, FABC đã chính thức được thành lập, đúng hai năm sau Hội nghị ABM tại Manila.
Cơ cấu và chức năng
Quy chế của FABC nói rằng: FABC là một “Hiệp hội tự nguyện của các Hội đồng Giám mục ở Nam Á, Đông Nam Á, Đông Á và Trung Á” (Điều 5).
Hiện nay, FABC có 18 thành viên chính thức: (1) Bangladesh, (2) Indonesia, (3) Nhật, (4) Kazakhstan, (5) Hàn Quốc, (6) Laos-Cambodia, (7) Malaysia-Singapore-Brunei, (8) Myanmar, (9) Pakistan, (10) Philippines, (11) Sri Lanka, (12) Taiwan, (13) Thái Lan (14) Việt Nam và Ấn độ [gồm: (15) CBCI, (16) CCBI, (17) SMBS và (18) Syro-Malankara] *
Ngoài ra, FABC còn có 13 thành viên không chính thức (thành viên “liên kết”): (1) Giáo phận Baucau (Timor-Leste), (2) Giáo phận Dili (Timor-Leste), (3) Giáo phận Maliana (Timor-Leste), (4) Giáo phận Hồng Kông (Trung Quốc), (5) Giáo phận Ma cao (Trung Quốc), (6) Mông Cổ, (7) Nepal, (8) Giáo phận thánh Giuse (Irkutsk, Siberia), (9) Giáo phận Chúa Hiển dung (Novosibirsk, Siberia), (10) Kyrgyzstan, (11) Tajikistan, (12) Turkmenistan và (13) Uzbekistan.
Điều 6 của Quy chế nói rằng: “FABC hoạt động qua một hệ thống cấu trúc gồm có:
– Hội nghị Khoáng đại (Plenary Assembly),
– Ủy ban Trung ương (Central Committee),
– Uỷ ban Thường vụ (Standing Committee) và Ban Thư ký Trung ương (Central Secretariat), cùng với các Văn phòng và các Ủy ban”.
1. Hội nghị Khoáng đại - họp định kỳ bốn năm một lần - giữ vị trí tối cao của FABC. Các thành viên của Hội nghị Khoáng đại là:
– chủ tịch của các HĐGM thành viên (bao gồm Ủy ban Trung ương),
– các giám mục đại biểu (được các HĐGM thành viên bầu chọn, số đại biểu này tỷ lệ thuận với số lượng các giám mục trong HĐGM),
– các giám mục đại diện cho các quốc gia thành viên không chính thức,
– các thành viên của Ủy ban Trung ương (năm giám mục được bầu chọn định kỳ từ các miền khác nhau của châu Á).
2. Ủy ban Trung ương - họp nội bộ ít nhất hai năm một lần - cùng với Hội nghị Khoáng đại điều hành FABC.
3. Uỷ ban Thường vụ họp nội bộ ít nhất mỗi năm một lần để thực hiện các chỉ thị của Ủy ban Trung ương. Được Ban Thư ký Trung ương trợ giúp, Ủy ban Thường vụ chính là cơ quan hoạt động chủ yếu của FABC, do Tổng thư ký chịu trách nhiệm, nhưng được điều hành mỗi ngày bởi Phó Tổng thư ký. Các Văn phòng khác nhau của FABC là những cơ quan chuyên môn hoạt động thông qua Ban Thư ký Trung ương.
Hiện nay, FABC có 9 Văn phòng:
– Văn phòng Phát Triển Con Người (OHD: Office of Human Development)
– Văn phòng Rao Giảng Tin Mừng (OE: Office of Evangelization)
– Văn phòng Các vấn đề Ðại Kết và Liên Tôn (OEIA: Office of Ecumenical and Interreligious Affairs)
– Văn phòng Truyền Thông Xã Hội (OSC: Office of Social Communications)
– Văn phòng Quan Tâm Về Thần Học (OTC : Office of Theological Concerns)
– Văn phòng Giáo Dục và Tuyên Úy Sinh Viên (OESC: Office of Education and Student Chaplaincy)
– Văn phòng Giáo Dân (OL: Office of the Laity)
– Văn phòng Giáo Sĩ (OC: Office of Clergy)
– Văn phòng Tu Sĩ (OCL: Office of Consecrated Life)
Mỗi văn phòng được điều hành bởi một chủ tịch điều hành và một ủy ban gồm từ 3 đến 5 giám mục, được trợ giúp bởi thư ký điều hành. Và thư ký điều hành có thể được trợ giúp bởi một nhóm nhân viên.
Là một “hiệp hội tự nguyện”, FABC có mục đích chính là cổ võ tình liên đới và đồng trách nhiệm giữa các thành viên vì lợi ích của Giáo Hội và xã hội ở châu Á. FABC thực hiện điều này bằng cách thúc đẩy truyền thông, nghiên cứu, hợp tác dự án, cả trong và giữa các Hội đồng Giám mục khác nhau, cũng như với các giáo hội Kitô khác, với các cộng đồng tôn giáo, và với tất cả các dân tộc có thiện chí. Tất cả được thực hiện “trong ánh sáng của Công đồng Vatican II, của các tài liệu chính thức hậu công đồng, và theo nhu cầu của châu Á”.
Như là một “hiệp hội tự nguyện”, FABC không phải là một “Hội đồng Giám mục cấp cao” và do đó, quyết nghị và khuyến nghị của FABC không có tính “ràng buộc pháp lý”. FABC tôn trọng quyền tự chủ của mỗi giám mục, của từng HĐGM thành viên, và của từng Hội nghị miền trong FABC.
–––––––––––––––––––––
* CBCI (Catholic Bishop’s Conference of India): Hội đồng giám mục Ấn độ
CCBI (Conference of the Catholic Bishops of India): Hội đồng giám mục Ấn độ lễ chế Latinh
SMBS (Syro-Malabar Bishops’ Synod): Thượng Hội đồng giám mục lễ chế Syro-Malabar
Syro-Malankara (Holy Episcopal Synod): Thượng Hội đồng giám mục lễ chế Syro-Malankara
bài liên quan mới nhất
- Ngày 22/11: Thánh Cêcilia, trinh nữ tử đạo
-
Ngày 18/11: Cung hiến Đền thờ Thánh Phêrô và Phaolô Tông Ðồ -
Ngày 17/11: Thánh Elisabeth Hungari -
Ngày 15/11: Thánh Albertô Cả, giám mục, tiến sĩ Hội Thánh -
Ngày 12/11: Thánh Josaphat, giám mục tử đạo -
Ngày 11/11: Thánh Martinô Thành Tour, Giám mục -
Ngày 09/11: Cung hiến Thánh Đường Latêranô -
Ngày 02/11: Lễ các đẳng linh hồn -
Ngày 01/11: Lễ các thánh Nam Nữ -
Ngày 28/10: Thánh Simon và Thánh Giuđa, Tông đồ - lễ kính
bài liên quan đọc nhiều
- 12 điều mà người Công giáo phải trả lời được
-
Quy định về Thủ tục Hôn Phối -
Tuần bảy ngày cầu cho các linh hồn dưới luyện ngục -
Cha Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp và việc loan báo Tin Mừng tại Việt Nam hôm nay -
Về cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá (theo khoa học) -
Ngày 13/05: Đức Mẹ hiện ra tại Fatima -
Ngày 29/09: Tổng Lãnh Thiên Thần Michael, Gabriel & Raphael -
Ngày 01/10: Thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu, trinh nữ, Tiến sĩ Hội thánh -
Ngày 13/06: Thánh Antôn Padua, linh mục, TSHT (1195-1231) -
Ngày 04/10: Thánh Phanxicô Assisi