Đức: Tôn phong Chân phước Alois Andritzki, linh mục tử đạo thời phát xít

Đức: Tôn phong Chân phước Alois Andritzki, linh mục tử đạo thời phát xít

WHĐ / Tin tổng hợp (17.06.2011) – Ngày 13-06, tại nhà thờ chính tòa giáo phận Dresden-Meissen (Đức), 11000 tín hữu Đức đã tham dự Thánh lễ tôn phong cố linh mục Alois Andritzki (1914-1943) lên bậc Chân phước tử đạo. Đức Hồng y Angelo Amato, Đại diện Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI, đã chủ tế Thánh lễ và chủ sự Nghi thức tôn phong.

Đức tân Chân phước sinh ngày 07-02-1914 tại Radibor (Đông Đức) trong một gia đình gốc Sorb, một sắc dân thiểu số tại Đức. Ngài chịu chức linh mục năm 25 tuổi (1939). Tháng Giêng 1941, cha tổ chức cho giới trẻ công diễn một vở kịch Giáng sinh. Cơ quan mật vụ của Quốc xã Đức (Gestapo) cho rằng vở kịch có hàm ý chống chế độ nên đã bắt giam ngài. Tháng 10-1941, cha bị chuyển đến trại tập trung Dachau, mang số tù 27829. Trong tù, cha luôn thể hiện một tinh thần khoan dung, độ lượng và vui tươi. Cha tìm cách trang trí nơi cử hành Thánh lễ của mình với bức tranh Giáng sinh do cha tự tay vẽ lấy. Tháng Giêng 1943, cha nhiễm dịch sốt phát ban. Ban Y tế của trại được lệnh giết cha bằng một liều tiêm thuốc độc. Cha qua đời ngày 3-02-1943 tại Dachau.

Trong bài huấn đức trưa Chúa nhật 12-06, tại quảng trường Thánh Phêrô, Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI đã tôn vinh tân Chân phước Andritzki là “Chứng nhân đức Tin giữa lúc chịu đau khổ tột cùng”.

Trong bài giảng Thánh lễ tôn phong, Đức cha Joachim Reinelt, Giám mục giáo phận Dresden-Meissen đã khẳng định, các bạn tù của vị Chân phước đã nhận ra “Có một Thiên Chúa cao cả đang hiện diện sống động nơi vị linh mục trẻ mới ngoài hai mươi tuổi này” và “Ngài đã thể hiện một khuôn mặt ngời sáng giữa khung cảnh tối tăm của thú tính ác độc”.

Ông Stanislaw Tillich, Thủ tướng Bang Saxony (miền Đông Nam nước Đức) nói về vị tân Chân phước trong mối tương quan với thời đại ngày nay: “Sống vào thời Đức Quốc xã phi nhân, cha Alojs Andritzki đã thể hiện một bản lĩnh vững vàng, luôn trung thành với đức Tin và những giá trị Kitô giáo. Do đó, cha trở thành mẫu gương cao cả cho thời đại ngày nay, một thời đại phải nhân đạo hơn nữa và tăng cường đức Ái hơn nữa”.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top