Đức Thượng phụ Chính thống Nga viếng thăm Trung Quốc

Đức Thượng phụ Chính thống Nga viếng thăm Trung Quốc

WHĐ (18.05.2013) – Chuyến viếng thăm của Đức Thượng phụ Kirill đến Trung Quốc đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của giới truyền thông vốn chỉ dành cho các nguyên thủ quốc gia. Chính phủ mới của Bắc Kinh, đặc biệt là Chủ tịch Tập Cận Bình, muốn biến chuyến viếng thăm của Đức Thượng phụ Chính thống Nga tại Trung Quốc trở thành một sự kiện được hết sức chú ý. Thật vậy, Đức Thượng phụ Kirill là nhà lãnh đạo tôn giáo nước ngoài đầu tiên đến thăm Trung Quốc.

Chuyến viếng thăm Trung Quốc của Đức Thượng phụ Kirill bắt đầu từ hôm thứ Sáu 10 tháng Năm. Ngoài các cuộc gặp gỡ chính thức tại Bắc Kinh, Đức Thượng phụ cũng sẽ đến thăm thành phố Cáp Nhĩ Tân ở phía Bắc, nơi có một cộng đồng người Nga đông đảo, và Thượng Hải là nơi kết thúc chuyến viếng thăm kéo dài 5 ngày của ngài.

Trong ngày cuối cùng tại Thượng Hải, Đức Thượng phụ Kirill đã chủ sự một buổi cử hành phụng vụ tại Nhà thờ Chính tòa Chính thống mang tước hiệu Đức Mẹ Thiên Chúa Bàu chữa kẻ có tội – đó là nghi lễ phụng vụ đầu tiên tại đây kể từ hơn 50 năm nay. Ngỏ lời với hàng trăm tín hữu, vị lãnh đạo Giáo hội Chính thống Nga cám ơn tất cả các tín hữu đã đóng góp cho đời sống Giáo hội này và “đặc biệt là hai linh mục đã phục vụ ở Nhà thờ Chính tòa 50 năm trước”.

Tin tức về cuộc gặp gỡ giữa Đức Thượng phụ Kirill và Chủ tịch Tập Cận Bình được đăng trên trang nhất của nhật báo Nhân dân, tờ báo chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc, và nhấn mạnh rằng chuyến viếng thăm của Đức Thượng phụ Chính thống giáo “sẽ giúp hai bên thêm hiểu biết lẫn nhau”. Hai nhà lãnh đạo đã gặp nhau tại Đại lễ đường Nhân dân, nơi thường dành tiếp đón các chức sắc nước ngoài.

Có lẽ toàn bộ chuyến viếng thăm của Đức Thượng phụ Kirill được nhìn theo quan điểm chính sách đối ngoại hơn là quan điểm tôn giáo: Đức Thượng phụ đã không nói gì đến tình hình tự do tôn giáo ở Trung Quốc. Tất cả những gì ngài làm là đề nghị chính quyền Trung Quốc công nhận Giáo hội Chính thống Trung Quốc thiểu số là một trong những tôn giáo chính thức của nước này cùng với Công giáo, Tin lành, Hồi giáo, Lão giáo và Phật giáo.

Chuyến viếng thăm của Đức Thượng phụ Kirill diễn ra sau khi Chủ tịch Tập Cận Bình đã chọn Matxcơva là điểm đến đầu tiên của mình ở nước ngoài sau khi lên cầm quyền. Mục đích của chuyến viếng thăm này là nhằm tăng cường quan hệ Trung-Nga, để cân bằng mối quan hệ đang lạnh nhạt dần giữa hai nước này và Mỹ.

Đối với chính phủ Trung Quốc, làm ngơ cho Giáo hội Chính thống Nga là một cách xua tan những lời chỉ trích của phương Tây về việc nước này đàn áp Công giáo và Tin lành, và cho thấy rằng Bắc Kinh sẵn sàng hợp tác với các Kitô hữu miễn là họ không tìm cách can thiệp vào chuyện nội bộ của Trung Quốc. Trong cuộc họp với Chủ tịch Tập Cận Bình, Đức Thượng phụ Kirill nhấn mạnh rằng “chủ quyền và độc lập dân tộc là hai chuyện” rất thiết thân với người Nga và người Trung Quốc.

Đức Thượng phụ Matxcơva nhìn nhận rằng Trung Quốc và Nga “có những trách vụ luân lý chung” trước “sự suy đồi đạo đức nhanh chóng” của “nền văn minh phương Tây” một cách đặc biệt. Sự suy đồi này “sẽ dẫn đến sự sụp đổ của toàn bộ hệ thống quan hệ giữa người với người và đưa nhân loại đến chỗ tự sát”.

Hôm thứ hai 13-05, Đức Thượng phụ Kirill đã nói với các nhà lãnh đạo tôn giáo Trung Quốc: “Trong khi phương Tây đang có dấu hiệu suy đồi đạo đức như hôn nhân đồng giới và thực hành an tử, thì nhờ có Giáo hội Chính thống, Nga và Trung Quốc lại hành động như một mặt trận để bảo vệ nền đạo đức bởi vì không nước nào “vi phạm các nguyên tắc đạo đức của sự sống, trái lại, cả hai đều cố gắng thăng tiến đời sống tinh thần của dân tộc mình”.

Phát biểu này làm hài lòng các nhà lãnh đạo Trung Quốc. Và cuộc gặp gỡ của Đức Thượng phụ Kirill với các nhà lãnh đạo các cộng đồng Kitô giáo chính thức cũng như với các vị đứng đầu cơ quan Tôn giáo vụ sẽ khơi mào cho việc xích lại gần nhau giữa chính quyền Trung Quốc và các cộng đồng tôn giáo của đất nước này.

Người Nga đã đến Trung Quốc truyền giáo từ thế kỷ thứ mười bảy. Vào năm 1949 đã có hơn 100 nhà thờ Chính thống ở Trung Quốc. Sau khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được thành lập, Liên Xô đã ký thỏa thuận với chính quyền cộng sản mới, chuyển giao cho Trung Quốc thẩm quyền đối với các nhà thờ Chính thống giáo này. Năm 1956 Giáo hội Chính thống Trung Quốc trở thành Giáo hội tự trị, chấm dứt sứ vụ của Giáo hội Chính thống Nga tại quốc gia này. Hiện nay Giáo hội Chính thống tại Trung Quốc có 13 giáo xứ với 15.000 tín hữu, nhưng không có linh mục nào.

(Tổng hợp)

(Nguồn: WHĐ)

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top