Đức Thánh Cha viếng thăm Sulmona nhân kỷ niệm thánh Phêrô Celestinô
Đức Thánh Cha đã dành suốt ngày chúa nhật hôm qua đề thăm viếng giáo phận Sulmona, cách Rôma 180 cây số về phía Đông Bắc, nhân dịp Năm thánh kỷ niệm 800 năm sinh nhật của thánh Phêrô Celestinô. Chào đời năm 1209 tại miền Molise (miền Nam nước Ý), khi lên 11 tuổi cậu Phêrô đã đi tu dòng Biển đức tại Montagano. Sau khi thụ phong linh mục tại Roma vào năm 1234, cha rút vào đời sống cô tịch trên núi Morrone, gần Sulmona. Nhưng tiếng tăm thánh thiện của cha đã thu hút nhiều thanh niên đến xin thụ giáo, và không bao lâu con số các đệ tử tăng gia buộc cha phải xin Toà thánh lập một dòng tu. Nhưng sau đó, cha lại xin từ chức viện phụ để sống đời cô tịch. Năm 1292, sau khi tòa giáo hoàng đã trống ngôi đã hơn hai năm (27 tháng) các hồng y đã thoả thuận để chọn nhà ẩn sĩ già nua 83 tuổi lên kế vị thánh Phêrô. Cha miễn cường chấp nhận, lấy danh hiệu là Celestinô V. Những chỉ sau 5 tháng ở trên ngôi giáo hoàng (từ ngày 29/8 đến 13/12/1294), người tuyên bố từ chức rút lui về đời ẩn sĩ. Vị kế nhiệm là Bonifaxiô VIII đã bắt giam lỏng trong dinh, vì nể sợ danh tiếng của người cho đến lúc từ trần vào ngày 19/5/1296. Người được phong thánh vào ngày 5/5/1313.
Nhân dịp kỷ niệm 800 năm sinh nhật của thánh Phêrô Celestinô, các giáo phận thuộc miền Abruzzo và Molise đã được phép mở một năm Toàn xá từ ngày 28/8/2009 cho đến ngày 28/8/2010. Đức Bênêđictô XVI đã có dịp đến viếng mộ của vị thánh ở thành phố L’Aquila khi đi uỷ lạo các nạn nhân trận động đất vào ngày 29 tháng 4 năm ngoái. Lần này ngài trở lại Sulmona, nơi mà thánh nhân đã chọn làm nơi ẩn tu.
Rời Vaticanô lúc 8 giờ 30 phút, đức thánh cha đã đáp máy bay trực thăng đến Solmona lúc 9 giờ 20. Sau những nghi thức tiếp đón, ngài đã cử hành Thánh lễ cho cộng đồng giáo phận tại quảng trường Garibaldi lúc 10 giờ, kết thúc với kinh Truyền tin. Sau đó ngài về toà giám mục, làm phép khánh thành nhà hưu dưỡng dành cho các linh mục. Vào ban chiều ngài tiếp ban giám đốc, đại diện của các tù nhân của trại giam. Cuộc gặp gỡ cuối cùng được dành cho bạn trẻ. Bài tường thuật hôm nay chỉ giới hạn vào Thánh lễ ban sáng.
Bài giảng dựa trên những đoạn Sách Thánh của Chúa nhật XIV Thường niên, và áp dụng cách riêng vào tấm gương của thánh Phêrô Celestinô, nổi bật ở việc tìm Chúa qua sự thinh lặng, và từ sự thinh lặng đến rao giảng Tin mừng. Sau đây là những đoạn chính.
“Từ thuở thiếu thời, Phêrô đã tỏ ra là một con người đi tìm kiếm Chúa, một người ước ao tìm giải đáp cho những câu hỏi của cuộc sống: tôi là gi, tôi từ đâu tới, sống để làm gì, sống cho ai? Anh ta đã lên đường đi tìm chân lý và hạnh phúc, đi tìm Thiên Chúa, và để có thể nghe thấy tiếng Chúa, anh đã quyết định xa cách thế gian và sống đời ẩn dật. Sự thinh lặng trở nên yếu tố đặc hữu của đời anh. Nhờ sự thinh lặng bên ngoài, và nhất là sự thinh lặng bên trong mà anh đã nhận được tiếng Chúa, có khả năng định hưóng cuộc đời mình. Đây là một điều quan trọng cho cuộc đời. Chúng ta đang sống trong một xã hội trong đó mọi không gian, mọi khoảnh khắc đều được “chất đầy” bởi các dự án, hoạt động, âm thanh; chúng ta thường không còn thời giờ để lắng nghe và đối thoại nữa.
Anh chị em thân mến, chúng ta đừng sợ tạo ra sự thinh lặng bên ngoài và bên trong, nếu chúng ta muốn lắng nghe không những là tiếng Chúa mà cả tiếng nói của người khác. Tuy nhiên cũng nhấn mạnh đến điểm thứ hai. Anh Phêrô đã khám phá Thiên Chúa không do nỗ lực riêng mình, nhưng còn nhờ Ân sủng của Chúa nữa. Nhưng gì mà anh có được thì không phải do bởi mình, nhưng anh đã được Chúa ban, và vì thế cũng trở thành một trách nhiệm đối với Thiên Chúa và đồng loại. Mặc dù cuộc đời của chúng ta khác hẳn với cuộc đời của anh, nhưng cũng có một điều tương tự, đó là cốt lõi cuộc đời của mình là do ơn Chúa ban. Sự kiện mà chúng ta hiện hữu thì không tuỳ thuộc vào ta; sự kiện đã có những người hiện hữu trước ta và đưa ta vào đời , đã dạy ta biết yêu thương, đã truyền thông đức tin cho ta: những điều đó hoàn toàn là hồng ân chứ không do tay ta làm ra. Chúng ta không thể làm được gì hết nếu chúng ta đã không được nhận lãnh trước. Thiên Chúa đã đi bước trước, đã chuẩn bị mọi điều tốt đẹp cho ta. Chúng ta cần biết quan tâm đến điều ấy, và biết mở ra “những con mắt nội tâm” để nhận ra những cái tốt đẹp mà Chúa dành cho chúng ta. Nếu chúng ta chịu khó tìm kiếm Chúa thì chúng ta sẽ nhận thấy Ngài, nhận ra tình thương của Ngài, nhận ra những dấu chỉ của sự hiện diện gần gũi của Ngài, cũng như lời khích lệ: “Con hãy tin tưởng vào Cha”
Đức Thánh Cha tiếp tục. Trong bài đọc thứ hai, chúng ta có thể gặp được một câu nói tóm tắt cuộc đời của thánh Phêrô Celestinô: “Tôi không hãnh diện về điều gì khác ngoài Thập giá của Chúa Giêsu Kitô; nhờ đó thế gian đã chịu đóng đinh đối với tôi, cũng như tôi đối với thế gian vậy (6,14). Thập giá trở nên trung tâm cuộc đời của thánh nhân, mang đến cho người sức mạnh để đương đầu với những cuộc khổ chế và những gian truân, từ khi còn trẻ cho đến những năm cuối đời. Thập giá cùng mang lại cho Người ý thức về thân phận tội lỗi, đòng thời với ý thức về lòng từ bi hải hà của Thiên Chúa. Ngắm nhìn đôi tay mở rộng của Chúa Kitô trên thập giá, thánh nhân đã bị thu hút để trở thành tác viên ban phát lòng từ bi của Thiên Chúa nhờ bí tích thống hối.
Sau cùng, tuy sống đời cô tịch nhưng thánh nhân không đóng của khép kín. Người được hôi thúc muốn mang Tin mừng đến cho tha nhân. Hoạt động phong phú của người bắt nguồn từ chỗ biết “ở lại với Chúa”, trong sự cầu nguyện, như bài Tin mừng nhắc nhở chúng ta: điều đầu tiên phải làm là cầu xin Chúa sai thêm thợ gặt. Và sau khi đã in sâu niềm thâm tín ấy, Chúa Giêsu mới dạy các môn đệ các điều khác, như là loan báo sự thật cách can đảm, không sợ những sự bách hại, hãy phó thác vào Chúa quan phòng, chứ đừng bận tâm đến tiền bạc.
Vào cuối Thánh lễ, đức thánh cha đã xướng kinh Truyền tin, và ký thác tất cả giáo phận Sulmona cho đức Maria. Thánh Phêrô Celestinô đã tìm thấy nơi đức Maria mẫu guơng hoàn toàn về sự vâng phục Thiên Chúa, đời sống khiêm tốn giản dị, mải miết đi tìm điều gì cốt yếu cho đời sống, biết cảm tạ Thiên Chúa trong mọi hoàn cảnh. Chúng ta cũng cần học biết quý trọng một nếp sống giản dị, ngõ hầu có thể giữ được tinh thần thanh thoát và biết chia sẻ cho tha nhân những gì mình có.
bài liên quan mới nhất
- Đức Thánh Cha khen ngợi đức tin mạnh mẽ của cộng đồng người Việt ở Mỹ
-
Những đoạn trích từ cuốn tự truyện "Hy vọng" của Đức Thánh Cha Phanxicô -
Cầu nguyện cho Đức Thánh Cha dịp ngài tròn 88 tuổi -
Cuộc hành hương kỷ lục: khoảng 13 triệu người viếng Đền Thánh Đức Mẹ Guadalupe trong dịp lễ -
Tình bạn, tình huynh đệ là chứng tá Tin Mừng -
Đức Giáo Hoàng Phanxicô và “Gánh Nặng Ngày Càng Gia Tăng của Tuổi Tác” -
Diễn văn Đức Thánh Cha nhân dịp bế mạc Đại hội lòng đạo đức bình dân ở khu vực Địa Trung Hải ngày 15/12/2024 -
Huấn dụ Kinh Truyền tin ngày 15/12/2024 – Linh mục, tu sĩ chăm sóc chính mình và chăm sóc người khác -
Bài giảng tĩnh tâm Giáo triều Roma Mùa Vọng 2024: Bài 2 - Cánh cửa của niềm tin tưởng -
Đức Thánh Cha chủ sự Thánh lễ kính nhớ Đức Mẹ Guadalupe
bài liên quan đọc nhiều
- 10 điều bạn nên làm khi Thánh lễ bị đình chỉ
-
Năm Thánh Giuse: Các ngày và các việc được ơn toàn xá -
Thông cáo chung của Nhóm Làm việc chung Việt Nam - Toà Thánh -
Hướng tới Ngày Giới trẻ Thế giới 2023 - Đức Thánh Cha: Đừng đứng nhìn cuộc đời trôi qua -
Toàn văn lá thư Đức Thánh Cha Phanxicô gửi các linh mục giáo phận Roma -
Chuyến tông du Mông Cổ của Đức Thánh Cha, đánh dấu cuộc gặp gỡ giữa Công giáo và Phật giáo -
Sáu ý tưởng khích lệ người cao tuổi của Đức Thánh Cha Phanxicô -
Đức Thánh Cha Phanxicô trả lời các nghi vấn của 5 Hồng y -
Đức Thánh Cha chủ sự Công nghị phong 21 tân Hồng y -
5 chủ đề nổi bật trong 10 năm triều đại Giáo hoàng Phanxicô