Đức Thánh Cha thánh hiến Đền Thờ Thánh Gia tại Barcelona
BARCELONA. Sáng chúa nhật 7-11-2010, ĐTC Biển Đức 16 đã chủ sự lễ thánh hiến Đền Thờ Thánh Gia, được khởi công xây cất cách đây 128 năm tại thành phố Barcelona, Tây Ban Nha. Nửa triệu tín hữu đã tham dự thánh lễ trong thánh đường và qua các màn hình khổng lồ.
Đền thờ này là một kiệt tác về kiến trúc của miền Catalogna, nổi tiếng trên thế giới, được kiến trúc sư Antoni Gaudí khởi công xây cất và dự kiến sẽ hoàn tất trong vòng 15 hoặc 16 năm tới khi tất cả 18 ngọn tháp được dựng lên, trong đó có 12 tháp dâng kính 12 Tông Đồ và 4 tháp dành cho 4 thánh sử Phúc Âm, một tháp dâng kính Đức Trinh Nữ Maria và ngọn tháp cao nhất, 170 mét dâng kính Chúa Giêsu.
Cho đến nay mới có 2 mặt tiền đền thờ được hoàn thành, đó là mặt tiền diễn tả sự Giáng sinh của Chúa Kitô và mặt tiền cuộc Khổ Nạn của Ngài, trong khi mặt tiền thứ ba về ”Vinh Quang Phục Sinh” còn phải được kiến thiết.
Lúc 9 giờ sáng hôm qua, ĐTC dùng xe bọc kính từ tòa TGM Barcelona tiến về Đền thờ Thánh Gia. Dọc đường dài 6 cây số có hàng chục ngàn tín hữu và dân chúng đứng hai bên đường để chào mừng ĐTC, giống như tại thành phố Santiago de Compostela hôm thứ bẩy vừa qua.
Khi đến đền thờ, ngài đã được Quốc vương Juan Carlos và Hoàng Hậu Sofia chào đón. Các vị đã hội kiến sau đó tại Bảo tàng viện của Đền thờ trước khi chuẩn bị thánh lễ.
Vì chỉ có gần 7 ngàn người được ở trong thánh đường, nên lối nửa triệu tín hữu khác tham dự thánh lễ tại các quảng trường và đường phố bên ngoài nhờ 33 màn hình khổng lồ. Trên gian cung thánh, có 2 chỗ riêng dành cho Quốc vương và Hoàng hậu.
Đồng tế với ĐTC có 1.100 tư tế trong đó có trăm GM Tây Ban Nha và nước ngoài. Hiện diện trong thánh đường có 450 tu sĩ nam nữ và 2.100 giáo dân đại diện các giáo xứ trong giáo phận. Phần thánh ca do 600 ca viên đảm trách.
Bài giảng của Đức Thánh Cha
Trong bài giảng thánh lễ, sau khi chào thăm mọi người hiện diện, ĐTC nhận xét rằng ”Ngày hôm nay là một điểm ý nghĩa trong một lịch sử dài của những mong ước, làm việc, và quảng đại kéo dài hơn 1 thế kỷ”. Ngài cũng đặt câu hỏi:
”Thánh hiến đền thờ này có nghĩa là gì? Giữa lòng thế giới, trước cái nhìn của Thiên Chúa và loài người, trong một hành vi đức tin khiêm tốn và vui mừng, chúng ta đã dựng lên một khối lượng vật chất vô biên, kết quả của thiên nhiên và nỗ lực khôn lường của trí tuệ con người, kiến thiết công trình nghệ thuật này. Đây là một dấu chỉ hữu hình về Thiên Chúa vô hình, mà những ngọn tháp cao vút này như những mũi tên, chỉ cho thấy sự tuyệt đối của ánh sáng, Đấng là Ánh sáng, là chiều cao cả và là chính vẻ đẹp.
”Trong bối cảnh này, kiến trúc sư Gaudí đã muốn liên kết nguồn hứng ông nhận được từ 3 cuốn sách lớn mà ông nuôi dưỡng như một người, một tín hữu và một kiến trúc sư: đó là cuốn sách thiên nhiên, Kinh Thánh và sách phụng vụ. Qua đó ông nối kết thực tại thế giới và lịch sử cứu độ, như được kể lại cho chúng ta trong Kinh Thánh và hiện diện trong phụng vụ. Ông du nhập vào trong thánh đường này những viên đá, cây cối và đời sống con người, để tất cả công trình sáng tạo đều hợp tiếng chúc tụng Chúa, nhưng đồng thời, ông cũng đưa ra bên ngoài, những bức tranh, để trình bày trước con người mầu nhiệm Thiên Chúa được tỏ lộ qua sự giáng sinh, khổ nạn, cái chết và sự sống lại của Chúa Giêsu Kitô. Qua cách thức đó, ông cộng tác một cách tuyệt vời vào việc kiến tạo một ý thức của con người, được ăn rễ trong thế giới, cởi mở đối với Thiên Chúa, được Chúa Kitô soi sáng và thánh hóa. Ông đã thực hiện điều mà ngày nay là một trong những công tác quan trọng nhất, đó là vượt thắng sự tách biệt giữ lương tâm con người và lương tâm Kitô, giữa cuộc sống ở trần thế chóng qua này và sự cởi mở đối với đời sống vĩnh cửu, giữa vẻ đẹp của vạn vật và Thiên Chúa Đấng là chính vẻ đẹp. Antoni Gaudí không thực hiện tất cả những điều đó bằng lời nói, nhưng bằng những viên đá, những đường nét, mặt bằng và chiều thẳng. Thực vậy, vẻ đẹp chính là một nhu cầu lớn của con người là căn cội từ đó nảy sinh thân cây hòa bình và những hoa trái hy vọng của chúng ta. Vẻ đẹp cũng biểu lộ Thiên Chúa, vì như Ngài, công trình đẹp đẽ chính là một sự nhưng không tinh truyền, mời gọi tự do và tước bỏ sự ích kỷ.
Từ những nhận xét trên đây, ĐTC mời gọi mọi người hãy quan tâm đến một nền tảng tối hậu của mọi công trình là chính Chúa Giêsu Kitô. Ngài nói:
”Thánh Phaolô đã nói trong bài đọc thứ hai từ thư thứ I gửi tín hữu Corinto: ”Mỗi người hãy chú ý đến cách thức mình xây dựng. Thực vậy không ai có thể đặt một nền móng khác với nền tảng đã có là Chúa Giêsu Kitô” (1 Cr 3,10-11). Chúa Giêsu chính là tảng đá nâng đỡ toàn thế giới, duy trì sự gắn bó hòa hợp của Giáo Hội, và gồm tóm tất cả những chinh phục của nhân loại trong sự thống nhất chung kết. Trong ngài chúng ta có Lời và Sự hiện diện của Thiên Chúa, và từ Ngài Giáo Hội nhận lãnh chính sự sống, đạo lý và sứ mạng của mình. Giáo Hội không có sự kiên vững tự mình; Giáo Hội được kêu gọi trở thành dấu chỉ và dụng cụ của Chúa Kitô, trong sự ngoan ngoãn hoàn toàn tuân phục Chúa và phục vụ mệnh lệnh của Ngài. Chỉ có Chúa Kitô duy nhất thiết lập Giáo Hội duy nhất; Ngài là đá tảng mà niềm tin của chúng ta dựa vào. Dựa trên niềm tin ấy, chúng ta cùng nhau chứng tỏ cho thế giới tôn nhan Thiên Chúa, Đấng là Tình Thương và là vị duy nhất có thể đáp ứng khát vọng mong được sung mãn của con người. Đây chính là một nghĩa vụ lớn lao, nghĩa vụ chứng tỏ cho mọi người thấy Thiên Chúa là Thiên Chúa của hòa bình chứ không phải của bạo lực, của tự do chứ không phải cưỡng bách, của hòa hợp chứ không phải bất thuận. Theo nghĩa đó, tôi tin rằng việc thánh hiến nhà thờ Thánh Gia này, trong một thời đại mà con người tự phụ xây dựng cuộc sống không cần Thiên Chúa, như thể Chúa chẳng có gì để nói với con người, đây thực là một biến cố có ý nghĩa rất lớn. Qua công trình của mình, Ông Gaudí đã chứng tỏ cho chúng ta thấy Thiên Chúa là mực thước đích thực của con người, bí quyết sự đặc sắc của ông, như ông vẫn nói, đó là trở về với nguyên thủy là Thiên Chúa. Chính ông, khi cởi mở tâm trí như thế với Thiên Chúa, ông đã có thể kiến tạo trong thành phố này một không gian đẹp đẽ, một không gian tin, cậy, dẫn đưa con người đến gặp gỡ Đấng là chính sự thật và vẻ đẹp. Kiến trúc sư Gaudí đã diễn tả tâm tình của ông thế này: ”Một thánh đường là điều duy nhất đáng diễn tả tâm tình của một dân tộc, vì tôn giáo là điều cao cả nhất trong con người”.
Tiếp tục bài giảng trong lễ Thánh hiến Đền thờ Thánh Gia, ĐTC nhắc nhở các tín hữu về nghĩa vụ bảo vệ sự sống con người. Ngài nói:
”Lời quả quyết này về Thiên Chúa kéo theo sự khẳng định tột đỉnh và bảo vệ phẩm giá của mỗi người và tất cả mọi người: ”Anh em không biết anh em là đền thờ của Thiên Chúa sao?.. Đền thờ của Thiên Chúa là thánh thiêng, anh chị em cũng vậy” (1 Cr 3,16-17). Ở đây chân lý và phẩm giá Thiên Chúa được liên kết với sự thật và phẩm giá con người. Khi thánh hiến bàn thờ của Thánh đường này, và ý thức Chúa Kitô chính là nền móng của thánh đường, chúng ta trình bày cho thế giới Thiên Chúa là bạn của con người và chúng ta mời gọi mọi người hãy trở thành bạn củaThiên Chúa. Như giai thoại ông Zakêu mà bài Tin Mừng hôm nay nói tới (Xc Lc 19,1-10), nếu con người để cho Thiên Chúa đi vào cuộc sống của mình và trong thế giới, nếu họ để Chúa Kitô sống trong tâm hồn, thì họ sẽ không sẽ không hối hận, trái lại họ sẽ cảm nghiệm niềm vui chia sẻ chính của sống của mình, vì họ là người được đón nhận tình thương vô biên của Chúa.
ĐTC cũng nhắc đến chủ đích của những người bảo trợ việc xây cất Đền thờ Thánh Gia này, muốn tỏ cho thế giới tình thương, lao công và việc phục vụ được sống trước mặt Thiên Chúa, như Thánh Gia Nazareth đã sống. Ngài nhận xét rằng: ”Hoàn cảnh sống ngày nay đã biến đổi sâu xa và người ta đã đạt được những tiến bộ rất lớn trong các lãnh vực kỹ thuật, xã hội và văn hóa. Chúng ta không thể hài lòng với những tiến bộ ấy. Chúng ta còn phải luôn nghĩ đến những tiến bộ về luân lý, như sự quan tâm, bảo vệ và giúp đỡ gia đình, vì tình yêu quảng đại và không thể phân ly giữa một người nam và một người nữ là khung cảnh hữu hiệu và là nền tảng sự sống con người trong khi được cưu mang, sinh ra, lớn lên và kết thúc tự nhiên. Nơi nào có tình thương và lòng chung thủy, thì nơi đó tự do đích thực được nảy sinh và trường tồn”.
”Vì thế, Giáo Hội cổ võ những biện pháp kinh tế, xã hội để phụ nữ có thể được thể hiện mình trọn vẹn tại gia và trong nơi làm việc, để người nam và người nữ kết hiệp với nhau trong hôn nhân và họp thành một gia đình, được nhà nước quyết liệt nâng đỡ, và để sự sống của những người con được bảo vệ như thánh thiêng và bất khả xâm phạm từ lúc mới được hoài thai, để sự sinh sản được quí chuộng, đề cao giá trị và được nâng đỡ về mặt pháp lý, xã hội và lập pháp. Bởi vậy, Giáo Hội chống lại bất kỳ hình thức nào chối bỏ sự sống con người và ủng hộ những gì cổ võ trật tự tự nhiên không khuôn khổ định chế gia đình.
Thánh hiến Đền thờ
Thánh lễ được tiếp tục với kinh tin kính và nghi thức thánh hiến Nhà thờ: cộng đoàn hát kinh cầu Các Thánh, rồi ĐTC xức dầu bàn thờ và trong khi 12 HY GM đi xức dầu các tường nhà thờ, rồi ĐTC xông hương bàn thờ và thắp sáng thánh đường.
Cuối thánh lễ, ĐHY Sistach, TGM Barcelona sở tại đọc Tông sắc của ĐTC nâng Nhà thờ Thánh Gia lên hàng tiểu Vương cung Thánh đường.
Thánh lễ kéo dài gần 3 tiếng đồng hồ. Tiếp đó, ĐTC đã tiến ra cửa Giáng Sinh của Thánh đường, trước một quảng trường có 36 ngàn tín hữu tụ tập, để để chủ sự buổi đọc Kinh Truyền Tin.
Ngỏ lời trong dịp này, ĐTC đã nhắc đến lễ tôn phong chân phước tại thành phố Porto Alegre bên Brazil chiều thứ bẩy 6-11 vừa qua cho Nữ Tôi Tớ Chúa Maria Barbara Chúa Ba Ngôi cực thánh, sáng lập dòng các nữ tu Khiết Tâm Đức Mẹ Maria. Ngài nói: ”Đức tin sâu xa và lòng bác ái nhiệt thành của chị trong việc theo Chúa đã khơi dậy nơi nhiều người ước muốn hoàn toàn hiến thân để làm vinh danh Chúa và quảng đại phục vụ anh chị em, nhất là những người nghèo khổ nhất.”
ĐTC cũng nhắc đến giáo huấn của Chúa Giêsu Con Thiên Chúa về phẩm giá và giá trị của hôn nhân và gia đình, là niềm hy vọng của nhân loại, trong đó sự sống được đón nhận, từ lúc mới thụ thai cho đến lúc chết tự nhiên. Chúa cũng dạy chúng ta rằng toàn thể Giáo Hội, khi lắng nghe và mang Lời Chúa ra thực hành, thì được trở nên gia đình của Chúa. Và hơn nữa, Chúa đã để lại cho chúng ta sứ mạng trở thành hạt giống huynh đệ, được gieo vào mọi tâm hồn, nuôi dưỡng niềm hy vọng.
Sau thánh lễ, ĐTC đã về tòa TGM giáo phận Barcelona để dùng bữa với các HY và GM. Ban chiều, vào lúc quá 5 giờ, ngài đã đến thăm trung tâm xã hội Chúa Hài Đồng Giêsu của tổng giáo phận địa phương rồi ra phi trường. Tại đây, ĐTC đã có cuộc hội kiến ngắn với thủ tướng José Zapatero, và được Quốc vương Juan Carlos tiễn biệt.
bài liên quan mới nhất
- Đức Thánh Cha khen ngợi đức tin mạnh mẽ của cộng đồng người Việt ở Mỹ
-
Những đoạn trích từ cuốn tự truyện "Hy vọng" của Đức Thánh Cha Phanxicô -
Cầu nguyện cho Đức Thánh Cha dịp ngài tròn 88 tuổi -
Cuộc hành hương kỷ lục: khoảng 13 triệu người viếng Đền Thánh Đức Mẹ Guadalupe trong dịp lễ -
Tình bạn, tình huynh đệ là chứng tá Tin Mừng -
Đức Giáo Hoàng Phanxicô và “Gánh Nặng Ngày Càng Gia Tăng của Tuổi Tác” -
Diễn văn Đức Thánh Cha nhân dịp bế mạc Đại hội lòng đạo đức bình dân ở khu vực Địa Trung Hải ngày 15/12/2024 -
Huấn dụ Kinh Truyền tin ngày 15/12/2024 – Linh mục, tu sĩ chăm sóc chính mình và chăm sóc người khác -
Bài giảng tĩnh tâm Giáo triều Roma Mùa Vọng 2024: Bài 2 - Cánh cửa của niềm tin tưởng -
Đức Thánh Cha chủ sự Thánh lễ kính nhớ Đức Mẹ Guadalupe
bài liên quan đọc nhiều
- 10 điều bạn nên làm khi Thánh lễ bị đình chỉ
-
Năm Thánh Giuse: Các ngày và các việc được ơn toàn xá -
Thông cáo chung của Nhóm Làm việc chung Việt Nam - Toà Thánh -
Hướng tới Ngày Giới trẻ Thế giới 2023 - Đức Thánh Cha: Đừng đứng nhìn cuộc đời trôi qua -
Toàn văn lá thư Đức Thánh Cha Phanxicô gửi các linh mục giáo phận Roma -
Chuyến tông du Mông Cổ của Đức Thánh Cha, đánh dấu cuộc gặp gỡ giữa Công giáo và Phật giáo -
Sáu ý tưởng khích lệ người cao tuổi của Đức Thánh Cha Phanxicô -
Đức Thánh Cha Phanxicô trả lời các nghi vấn của 5 Hồng y -
Đức Thánh Cha chủ sự Công nghị phong 21 tân Hồng y -
5 chủ đề nổi bật trong 10 năm triều đại Giáo hoàng Phanxicô