Đức Thánh Cha họp báo trên máy bay
EDINBURG. Trên chuyến bay dài hơn 3 tiếng, từ Roma đến Edinburg, sáng ngày 16-9-2010, ĐTC đã mở cuộc họp báo và trả lời 5 câu hỏi của giới ký giả tháp tùng, trong đó có cả vấn đề lạm dụng tính dục trẻ em.
Có nhiều ký giả muốn nêu câu hỏi, nhưng cha Lombardi SJ, Giám đốc phòng báo chí Tòa Thánh, đã giới hạn vào 5 câu.
Chống Công Giáo
Câu hỏi thứ I: ”Trong khi chuẩn bị cuộc viếng thăm này, đã có nhiều tranh luận và lập trường trái nghịch nhau. Trong truyền thống quá khứ của nước Anh đã có những lập trường mạnh mẽ chống Công Giáo. ĐTC có bận tâm lo lắng về việc ngài sẽ được tiếp đón thế nào hay không?
ĐTC đáp: ”Tôi phải nói là tôi không bận tâm lo lắng gì, vì hồi tôi đến nước Pháp, người ta cũng nói: ”Đây là nước bài giáo sĩ mạnh nhất với những trào lưu mạnh mẽ chống giáo sĩ và con số tín hữu ít nhất”. Khi tôi đến Cộng hòa Tiệp, người ta cũng nói: ”Đây là nước vô tôn giáo nhất ở Âu Châu và bài giáo sĩ mạnh nhất”. Các nước tây phương là thế, mỗi nước theo cách thức, theo lịch sử của mình, có những trào lưu mạnh mẽ bài giáo sĩ hoặc chống Công Giáo, nhưng cũng luôn có một sự hiện diện mạnh mẽ của đức tin. Tại Pháp cũng như tại nước Tiệp, tôi đã thấy và được tiếp đón nồng nhiệt từ phía cộng đoàn Công Giáo, một sự chú ý mạnh mẽ từ phía những người không tín ngưỡng, nhưng họ đang tìm kiếm, muốn biết, và thấy những giá trị làm cho nhân loại tiến triển và họ rất chú ý xem có thể được nghe thấy từ tôi một cái gì đó theo chiều hướng ấy hay không, họ muốn thấy có sự bao dung và tôn trọng những người chống Công Giáo hay không. Dĩ nhiên, Anh quốc có lịch sử chống Công Giáo riêng, đây là điều hiển nhiên, nhưng đây cũng là một nước có lịch sự dài về sự bao dung. Vì thế tôi chắc chắn, sẽ có sự tiếp đón tích cực từ phía Công Giáo, các tín hữu nói chung, và sự chú ý của những người đang tìm kiếm xem làm thế nào tiến bước ngày nay trong sự tôn trọng và bao dung đối với nhau. Nơi nào có trào lưu chống Công Giáo, tôi vẫn tiến bước trong sự can đảm và vui tươi.
Trào lưu vô thần ở Anh
Câu hỏi II: ”Tại Vương quốc Thống nhất, như nhiều nước Tây phương khác, có một phong trào vô thần mạnh mẽ, kể cả với những lý do văn hóa. Nhưng cũng có những dấu hiệu cho thấy tín ngưỡng, đặc biệt là niềm tin nơi Chúa Giêsu Kitô vẫn còn sinh động nơi cá nhân. Điều này có thể có ý nghĩa gì với các tín hữu Công Giáo và Anh giáo? Chúng ta có thể làm gì để Giáo Hội, như một tổ chức, đáng được tín nhiệm hơn và có sức thu hút đối với mọi người?”
ĐTC đáp: ”Tôi muốn nói rằng Giáo Hội nào chủ yếu tìm cách thu hút thì Giáo Hội ấy đang ở trên một con đường sai lầm, vì Giáo hội không làm việc cho mình, không làm việc để gia tăng số tín đồ và quyền lực của mình. Giáo Hội phục vụ tha nhân: Giáo Hội không phục vụ cho mình để trở thành một tổ chức hùng mạnh, nhưng là để làm cho lời rao giảng Chúa Giêsu Kitô đến được với mọi người, các chân lý cao cả và sức mạnh của tình thương, tình yêu hòa giải được xuất hiện và luôn luôn đến từ sự hiện diện của Chúa Giêsu Kitô. Theo nghĩa đó, Giáo Hội không tìm kiếm sự thu hút cho mình, nhưng phải tỏ cho thấy Chúa Giêsu Kitô ... Sức mạnh của tình yêu được chấp nhận, được lắng nghe. Như thế, tôi thấy cả các tín hữu Công Giáo, Anh Giáo, đều có cùng một nghĩa vụ đơn sơ và giống nhau, cùng một hướng đi phải theo. Nếu các tín hữu Anh giáo và Công giáo đều thấy rằng mình không phục vụ cho mình, nhưng là dụng cụ của Chúa Kitô, là những người bạn của vị Hôn Phu, như thánh Gioan đã nói, thì cả hai đều thi hành điều ưu tiên của Chúa Kitô, chứ không phải của mình, khi ấy ưu tiên Chúa Kitô sẽ liên kết họ với nhau, họ không cạnh tranh với nhau, mỗi bên không tìm con số tín đồ lớn hơn, trái lại họ cùng nhau dấn thân để sự thật của Chúa Kitô đi vào thế giới này, và như thế họ ở trong một phong trào đại kết đích thực và phong phú.
Xì căng đan lạm dụng tính dục
Câu hỏi thứ III: ”Các cuộc thăm dò gần đây cho thấy rõ vụ xì căng đan lạm dụng tính dục đã làm lung lay sự tín nhiệm của các tín hữu nơi Giáo Hội. ĐTC nghĩ có thể làm gì để tái lập sự tín nhiệm ấy?
ĐTC trả lời: ”Trước tiên tôi phải nói rằng những tiết lộ về các vụ lạm dụng như thế là một cú sốc, và là một đau buồn rất lớn đối với tôi. Thật là khó có thể hiểu tại sao có thể có sự sa đọa như thế trong sứ vụ linh mục. Linh mục đã được chuẩn bị nhiều năm cho sứ vụ này. Trong lúc chịu chức, linh mục thưa xin vâng đối với Chúa Kitô, trở thành tiếng nói, môi miệng, bàn tay của Chúa để phục vụ bằng tất cả cuộc sống của mình, để Vị Mục Tử nhân lành, Đấng yêu thương và giúp đỡ, hướng dẫn tới chân lý, được hiện diện trên thế giới. Làm sao một người đã làm và đã nói như thế lại có thể rơi vào sự sa đọa như vậy, thực là khó hiểu. Đó là một sự đau buồn lớn lao, một điều đau buồn nữa là giáo quyền đã không tỉnh thức đủ và không mau lẹ, quyết liệt cho đủ trong việc đưa ra những biện pháp cần thiết. Vì tất cả những điều đó, chúng ta đang ở trong một giai đoạn thống hối, khiêm tốn và chân thành. Về phần các nạn nhân, tôi muốn nói 3 điều quan trọng:
- Thứ nhất là quan tâm đến các nạn nhân: làm sao chúng ta có thể đền bù sửa chữa? Chúng ta có thể làm gì để giúp đỡ những người ấy vượt thắng chấn thương, tìm lại sự sống, tìm lại niềm tín thác nơi sứ điệp của Chúa Kitô? Chữa trị, dấn thân đối với các nạn nhân, đó là ưu tiên số một, với sự trợ giúp vật chất, tâm lý, tinh thần.
- Thứ hai là vấn đề những người có lỗi. Hình phạt đúng đắn là loại họ khỏi mọi cơ hội tiếp xúc với người trẻ, vì chúng ta biết rằng đây là một thứ bệnh và ý chí tự do không hoạt động khi có bệnh như vậy. Vì thế, chúng ta phải bảo vệ những người ấy chống lại chính mình và tìm phương thức để giúp đỡ họ, bảo vệ họ, không để họ tiếp xúc với người trẻ.
Thứ ba là phòng ngừa bằng việc giáo dục, trong việc chọn lựa các ứng sinh lên chức linh mục: phải cẩn thận để những vụ lạm dụng khỏi tái diễn trong tương lai, theo khả năng của con người. Và trong lúc này tôi muốn cám ơn hàng GM Anh quốc vì sự quan tâm, vì sự cộng tác với Tòa Thánh cũng như với chính quyền, trong sự quan tâm đối với các nạn nhân, và đối với luật pháp. Tôi thấy hàng GM Anh đã và đang làm nhiều công việc trong lãnh vực này và tôi rất biết ơn các vị về điều đó.
Phong chân phước cho ĐHY Newman
Câu hỏi thứ IV: ”Thưa ĐTC, ĐHY Newman hiển nhiên là rất ý nghĩa đối với ngài: ĐTC làm một luật trừ đối với ĐHY Newman, đó là chủ sự lễ phong chân phước cho Người. ĐTC có nghĩ rằng kỷ niệm về ĐHY có thể giúp vượt thắng những chia rẽ giữa các tín hữu Anh giáo và Công giáo hay không? Đâu là những khía cạnh trong con người của ĐHY mà ĐTC muốn nhấn mạnh nhiều nhất?
ĐTC đáp: ”Một đàng ĐHY Newman là một người tân thời, đã sống tất cả vấn đề của thời đại mới, đã sống cả vấn đề của chủ thuyết cho rằng không thể biết gì về Thiên Chúa, vấn đề tin tưởng. Ngài là một người suốt đời hành trình, để cho mình được sự thật biến đổi, suốt đời tìm kiếm trong thái độ chân thành và rất sẵn sàng để biết rõ hơn và tìm thấy, chấp nhận con đường dẫn đến sự sống đích thực. Sự tân thời nội tâm của ngài và cuộc sống của ngài cũng bao hàm sự tân thời trong đức tin của ngài: đó không phải là một niềm tin qua các công thức trong quá khứ, nhưng là một niềm tin với trọn con người của ngài, được sống thực, được tôi luyện trong đau khổ, được tìm thấy trong một hành trình dài canh tân và hoán cải.
Ngài là một người có nền văn hóa cao độ, một đàng đã tham gia vào nền văn hóa ngờ vực ngày nay, qua câu hỏi: ”Chúng ta có thể hiểu gì chắc chắn về sự thật con người, về hữu thể hay không? Và làm sao chúng ta có thể đi tới sự đồng qui của những điều tương tự như nhau?”
Đàng khác, ĐHY Newman là một người biết rõ về các Giáo Phụ, đã học hỏi và canh tân sự nảy sinh đức tin trong nội tâm của mình; ĐHY là người có linh đạo sâu xa, rất nhân bản, một người cầu nguyện, có quan hệ sâu xa với Thiên Chúa, và từ đó có một quan hệ sâu đậm với con người thời ngài cũng như thời nay. Vì thế, tôi có thể nói có 3 yếu tố: tân tiến trong cuộc sống của ngài, với tất cả những ngờ vực và vấn đề của chúng ta ngày nay; một người có nền văn hóa cao, ý thức những kho tàng lớn của nền văn hóa nhân loại, và sẵn sàng liên tục tìm kiếm, luôn canh tân; và một người có linh đạo: đời sống thiêng liêng, sống với Chúa. Các yếu tố đó mang lại cho ĐHY Newman vị thế cao cả đặc biệt đới với thời đại chúng ta. Bởi vậy, Ngài là một vị Tiến Sĩ Hội Thánh đối với chúng ta, với tất cả mọi người và là một nhịp cầu giữa các tín hữu Anh giáo và Công giáo.
Cuộc viếng thăm chính thức
Câu hỏi V: ”Cuộc viếng thăm này của ĐTC được coi là thuộc hàng cuộc viếng thăm chính thức của một vị Quốc trưởng. Điều này có ý nghĩa gì đối với quan hệ giữa Tòa Thánh và Vương quốc thống nhất? Có nhiều điểm quan trọng hòa hợp, nhất là về các thách đố lớn của thế giới ngày nay?
ĐTC đáp: ”Tôi rất biết ơn Nữ Hoàng Elisabeth II đã muốn mang lại cho cuộc viếng thăm này một vị thế như một cuộc viếng thăm chính thức và biểu lộ đặc tính công khai của cuộc viếng thăm này và cả trách nhiệm chung giữa chính trị và tôn giáo đối với tương lai của Âu Châu, tương lai của nhân loại: đó là trách nhiệm chung, lớn lao, vì các giá trị tạo nên công lý và chính trị và chúng đến từ tôn giáo là những điều đi đôi trong thời đại ngày nay. Dĩ nhiên sự kiện đây là một cuộc viếng thăm chính thức không làm cho cuộc viếng thăm này trở thành một sự kiện chính trị, bởi vì tuy Giáo Hoàng là quốc trưởng, nhưng đây chỉ là một phương tiện để bảo đảm tính cách độc lập trong việc rao giảng của ngài và đặc tính công cộng trong công việc mục tử của ngài. Theo nghĩa đó, cả cuộc viếng thăm chính thức, vẫn tiếp tục là một cuộc viếng thăm chủ yếu là mục vụ, nghĩa là một cuộc viếng thăm trong trách nhiệm đức tin của vị Giáo Hoàng. Dĩ nhiên đặc tính chính thức của cuộc viếng thăm thu hút sự tương đồng giữa những vấn đề chính trị và tôn giáo. Chính trị chủ yếu nhắm bảo đảm công lý và cùng với công lý và tự do; nhưng công lý là một giá trị luân lý, một giá trị tôn giáo, và cũng vậy đức tin, việc rao giảng Tin Mừng có liên hệ, trong công lý, với chính trị và từ đây nảy sinh những quan tâm chung. Nước Anh vốn có kinh nghiệm nhiều và nhiều hoạt động trong cuộc chiến chống lại những tai ương thời nay, chống lại sự lầm than, nghèo đói, bệnh tật, sự nô lệ hóa con người, lạm dụng con người, ma túy.. Đó cũng là những mục tiêu của đức tin, vì đó là những mục đích nhân bản hóa con người, vì nó trả lại hình ảnh Thiên Chúa chống lại sự tàn phá.
Một nghĩa vụ chung thứ hai là dấn thân cho nền hòa bình thế giới và khả năng sống hòa bình, giáo dục hòa bình; kiến tạo những đức tinh làm cho con người có khả năng hòa bình. Và sau cùng một yếu tố thiết yếu của hòa bình là sự đối thoại giữa các tôn giáo, sự bao dung, cởi mở đối với nhau, và đây là một mục đích sâu xa của Anh quốc, như một xã hội, và cũng là mục đích của đức tin Công giáo: cởi mở đối với bên ngoài, cởi mở đối thoại, đối với sự thận và con đường chung của nhân loại, cởi mở đối với sự tìm lại các giá trị là nền tảng thuyết nhân bản chung của chúng ta.
bài liên quan mới nhất
- C9 tập trung vào tính hiệp đoàn, vai trò của phụ nữ, các sứ thần và khủng hoảng thế giới
-
Tham quan 10 kho tàng của Nhà thờ chính tòa Đức Bà Paris -
Truyền giáo tại Á châu, một cuộc hội nhập văn hoá theo bước chân của những chứng nhân vĩ đại của đức tin -
Diễn văn của Đức Thánh Cha Phanxicô cho các tham dự viên cuộc họp được tổ chức bởi Tòa Thượng thẩm Rota ở Rôma năm 2024 -
Đức Thánh Cha sẽ thăm đảo Corsica của Pháp vào ngày 15/12/2024 -
Đức Thánh Cha thành lập Ủy ban Tòa Thánh về ngày Thế giới Trẻ em -
Việt Nam, quốc gia có tỷ lệ phá thai cao hàng đầu thế giới, dẫn đầu sáng kiến của Liên Hợp Quốc về sinh non -
Đức Giáo hoàng Phanxicô tuyên bố hoàn tục một linh mục lạc giáo người Argentina -
Đức Thánh Cha thiết lập ngày lễ các thánh, chân phước, những người thánh thiện của các giáo phận -
Nhận định của Đức Bênêđictô XVI về vấn đề giáo sĩ lạm dụng tình dục trẻ em
bài liên quan đọc nhiều
- 10 điều bạn nên làm khi Thánh lễ bị đình chỉ
-
Năm Thánh Giuse: Các ngày và các việc được ơn toàn xá -
Thông cáo chung của Nhóm Làm việc chung Việt Nam - Toà Thánh -
Hướng tới Ngày Giới trẻ Thế giới 2023 - Đức Thánh Cha: Đừng đứng nhìn cuộc đời trôi qua -
Toàn văn lá thư Đức Thánh Cha Phanxicô gửi các linh mục giáo phận Roma -
Chuyến tông du Mông Cổ của Đức Thánh Cha, đánh dấu cuộc gặp gỡ giữa Công giáo và Phật giáo -
Sáu ý tưởng khích lệ người cao tuổi của Đức Thánh Cha Phanxicô -
Đức Thánh Cha Phanxicô trả lời các nghi vấn của 5 Hồng y -
Đức Thánh Cha chủ sự Công nghị phong 21 tân Hồng y -
5 chủ đề nổi bật trong 10 năm triều đại Giáo hoàng Phanxicô