Đức Thánh Cha cử hành Thánh lễ kính Mình Máu Thánh Chúa tại Chypre
Chúa Nhật hôm qua là ngày thứ ba và cũng là ngày cuối của chuyến tông du của Đức Bênêđictô XVI tại Chypre, với cao điểm là Thánh lễ kính Mình Máu Thánh Chúa được cử hành tại vận động trường thủ đô Nicôsia, với sự tham dự của 10 ngàn tín hữu. Vào dịp này Đức Thánh Cha đã trao Tài liệu làm việc của Thượng Hội đồng Giám mục khóa đặc biệt về Trung đông sẽ nhóm họp vào tháng 10 sắp tới. Thánh lễ được cử hành bằng tiếng Anh trong những phần đối đáp với dân chúng, bằng tiếng Latinh trong các lời nguyện và Kinh nguyện Thánh Thể. Ngoài các bài đọc Sách Thánh và các ý chỉ lời nguyện giáo dân còn được xướng bằng tiếng Hy-lạp, A-rập, Armeni, Pháp và kể cả tiếng Tagalog (Philippin) tượng trưng cho sự hiện diện của các nhóm di dân làm việc ở vùng này. Tổng thống Demetris Christofias và đức tổng giám mục Chrysostomos II của Giáo hội Chính thống cũng có mặt trong Thánh lễ
Bài giảng chú trọng đến khía cạnh hiệp nhất giữa các tín hữu như là một hồng ân của Bí tích Mình Thánh Chúa, và chúng tôi xin dịch phần chính.
Anh chị em thân mến trong Chúa Kitô
Hôm nay chúng ta mừng lễ Mình Máu Thánh Chúa. Bên Tây phương, lễ này mang tên là Corpus Christi, “Thân thể của Chúa Kitô”, một từ ngữ ám chỉ ba thực thể: - thân thể vật lý của Chúa Kitô sinh bởi đức Trinh nữ Maria; - thân thể Bí tích của Chúa, tấm bánh từ trời nuôi dưỡng chúng ta trong Bí tích trọng đại này; - thân thể mầu nhiệm của Người là Hội thánh. Khi suy gẫm về những khía cạnh khác nhau của Thânh thể Chúa Kitô, chúng ta hiểu biết sâu xa hơn về mầu nhiệm hiệp thông liên kết những ai thuộc về Hội thánh. Tất cả những ai đuợc nuôi dưỡng bởi Mình Máu Thánh Chúa Kitô thì được Thánh Linh liên kết nên một để họp thành một dân thánh của Thiên Chúa. Cũng như Thánh Linh đã xuống trên các tông đồ tại nhà Tiệc Ly ở Giêrusalem thế nào, thì cũng một Thánh Linh ấy tác động trong mỗi buổi cử hành Thánh Lễ nhằm hai mục tiêu: - nhằm thánh hóa những của lễ là bánh và rượu, biến đổi chúng trở nên Mình và Máu Đức Kitô, và nhằm đổ tràn đầy những ai được nuôi dưỡng bằng những ân huệ thánh, ngõ hầu họ trở nên một thân thể và một tinh thần trong Đức Kitô.
Thánh Augustinô đã diễn tả tiến trình này hết sức tuyệt vời (Sermo 272). Người nhắc nhở chúng ta rằng tấm bánh không được làm nên bởi một hạt lúa mì nhưng bởi nhiều hạt lúa. Trước khi những hạt lúa trở thành bánh, chúng cần phải được nghiền tán. Thánh nhân nói đến sự thanh luyện mà các dự tòng phải trải qua trước khi lãnh Bí tích rửa tội. Mỗi người chúng ta thuộc về Hội Thánh cần phải ra khỏi thế giới khép kín của cá nhân, và chấp nhận những kẻ khác đồng hành, những kẻ cùng chia cơm sẻ bánh (compania: cum + panis). Chúng ta không còn được phép suy tư từ cái “tôi” nữa nhưng là từ “chúng tôi.” Vì thế mỗi ngày chúng ta cầu nguyện lên Cha “chúng tôi”, xin cho “chúng tôi” lương thực. Điều kiện tiên quyết để được gia nhập đời sống thần linh là hạ đổ bức tường ngăn cách chúng ta với kẻ lân cận. Chúng ta cần được giải thoát khỏi những gì giam hãm và tách ly chúng ta: mối sợ hãi, nghi kỵ lẫn nhau, tính tham lam và ích kỷ, ý nghĩ xấu xa; và chúng ta cần mạnh dạn chấp nhận rủi ro mất mát khi mở rộng cho tình yêu.
Những hạt lúa mì, sau khi đã được nghiền tán, cần được trộn vào nước và nấu lên. Thánh Augustinô móc nối với nước rửa tội và ân huệ Thánh Linh hun nóng tâm hồn các tín hữu bằng lửa mến Chúa. Tiến trình kết hợp và biến đổi các hạt lúa mì rời rạc trở thành một tấm bánh cung cấp cho ta một hình ảnh sống động về tác động của Thánh Linh kết hợp các phần tử của Hội Thánh qua Bí tích Thánh Thể. Tất cả những ai tham dự Bí tích này đều trở nên Thân thể nhiệm mầu của Đức Kitô là Hội Thánh nhờ được nuôi dưỡng bởi Thánh Thể. Thánh Augustino viết như sau: “Bạn hãy trở thành điều mà mình có thể thấy, và hãy nhận điều mà bạn đã được trở thành.”
Những lời mạnh mẽ đó mời gọi chúng ta hãy đáp trả quảng đại lời mời gọi “trở thành Đức Kitô” đối với những kẻ chung quanh ta. Hiện giờ chúng ta là thân thể của Đức Kitô ở trần thế. Chúng ta có thể tán giải một lời của thánh Têrêsa Avila như thế này: chúng ta là những con mắt để cho Đức Kitô nhìn những kẻ đang túng thiếu, chúng ta là những bàn tay mà Đức Kitô dùng để thi thố điều lành, và chúng ta ra như là môi miệng nhờ đó Tin mừng của Đức Kitô được loan báo. Tuy nhiên, cần thâm tín rằng khi chúng ta tham gia vào công cuộc cứu độ như thế, thì không phải là chúng ta tôn kính kỷ niệm của một vị anh hùng đã khuất bóng bằng cách kéo dài sự nghiệp của ông. Không phải thế. Chúa Kitô đang sống trong chúng ta, trong Hội Thánh là đoàn dân tư tế của Người. Khi lãnh nhận Người trong Bí tích Thánh Thể và khi tiếp đón Thánh Linh vào tâm hồn, chúng ta thực sự trở thành Thân Thể của Đức Kitô mà chúng ta đã lãnh, chúng ta thực sự hiệp thông với Chúa và với nhau, chúng ta trở thành dụng cụ của Chúa, làm chứng nhân cho Người trên trần gian.
“Các tín hữu có một trái tim và một linh hồn” (Cv 4,32). Trong cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi được nuôi dưỡng nơi bàn tiệc của Chúa, chúng ta nhận thấy những tác dụng hợp nhất của Thánh Linh. Họ chia sẻ các tài sản cho nhau, sự quyến luyến với của cải được vượt thắng do tình yêu thương huynh đệ. Họ đã tìm ra những phương thức quân bình cho những sự khác biệt, như khi phải giải quyết những cuộc tranh luận giữa người gốc Hy lạp và người gốc Do thái về sự phân phát lương thực. Ông Tertullianô đã bình luận rằng: “Kìa xem các Kitô hữu thương yêu nhau như thế nào, họ sẵn sàng chết cho nhau như thế nào” (Apologia 39). Tình thương không chỉ giới hạn vào những kẻ đồng đạo. Họ không hề coi mình như là những kẻ độc chiếm tình yêu của Thiên Chúa, nhưng như là những sứ giả được sai đi mang tin vui cứu độ cho đến tận cùng địa cầu. Nhờ thế mà sứ điệp được Chúa Phục sinh uỷ thác cho các tông đồ đã được truyền bá khắp miền Trung đông, và từ đó đến toàn trái đât.
Bài giảng kết luận với lời kêu mời và cầu nguyện xin cho chúng ta vượt lên trên mọi sự khác biệt để mang lại hoà bình cho nơi đang tranh chấp, chia sẻ tài sản cho những kẻ túng thiếu, mang lại hy vọng cho thế giới.
Vào cuối Thánh lễ đã diễn ra nghi thức trao “Tài liệu Làm việc” của Thượng Hội đồng cho các đại biểu của các Hội đồng Giám mục. Đức Thánh Cha đã nhắc đến sự vắng mặt của Đức cha Padovese, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Thổ Nhĩ Kỳ, mới bị sát hại hôm thứ Tư tuần trước. Chúng tôi sẽ trình bày tài liệu này trong buổi phát thanh ngày mai. Thánh lễ được kết thúc với kinh Truyền Tin và Phép Lành Tòa Thánh. Trong lời chào thăm các phái đoàn hành hương bằng tiếng Ba-Lan Đức Bênêđictô XVI nhắc đến lễ phong chân phước cho cha Jerzy Popielusco diễn ra tại thủ đô Varsavia vào ban sáng.
Kế đó, ngài về Tòa Sứ Thần để dùng bữa trưa cùng với các thành viên thuộc Văn phòng Thượng hội Đồng giám mục khóa đặc biệt. Vào ban chiều, sau khi viếng thăm nhà thờ chánh toà của cộng đoàn Maronite, ngài đã đáp máy bay trở về Vatican.
bài liên quan mới nhất
- Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp kiến chung ngày 08/01/2025: Kitô hữu không thể làm ngơ khi các trẻ em bị bóc lột và lạm dụng
-
Trong 2 tuần sau khi khai mạc, có hơn nửa triệu người đã đi qua Cửa Thánh Đền thờ Thánh Phêrô -
Nữ tu Brazil 116 tuổi có thể là người cao tuổi nhất thế giới -
Đức Thánh Cha bổ nhiệm người nữ đầu tiên làm Bộ trưởng ở Vatican -
Bài giảng Lễ Chúa Hiển Linh ngày 06/01/2025: Ba đặc tính của ngôi sao chỉ đường -
Đức Hồng y Filipe Neri Ferrão, tân Chủ tịch của FABC -
Cuộc Gặp mặt Giới trẻ Châu Âu lần thứ 47 tại Tallinn -
Sứ điệp của Đức Thánh Cha gửi các bạn trẻ Taizé nhân dịp Cuộc Gặp mặt Châu Âu lần thứ 47 -
Chúa nhật, thứ Bảy và lễ Vọng: Sự khác biệt giữa thánh lễ chiều hôm trước và lễ Vọng -
12 sự kiện đánh dấu năm 2024 của Đức Thánh Cha Phanxicô
bài liên quan đọc nhiều
- 10 điều bạn nên làm khi Thánh lễ bị đình chỉ
-
Năm Thánh Giuse: Các ngày và các việc được ơn toàn xá -
Thông cáo chung của Nhóm Làm việc chung Việt Nam - Toà Thánh -
Toàn văn lá thư Đức Thánh Cha Phanxicô gửi các linh mục giáo phận Roma -
Hướng tới Ngày Giới trẻ Thế giới 2023 - Đức Thánh Cha: Đừng đứng nhìn cuộc đời trôi qua -
Chuyến tông du Mông Cổ của Đức Thánh Cha, đánh dấu cuộc gặp gỡ giữa Công giáo và Phật giáo -
Sáu ý tưởng khích lệ người cao tuổi của Đức Thánh Cha Phanxicô -
Đức Thánh Cha Phanxicô trả lời các nghi vấn của 5 Hồng y -
Đức Thánh Cha chủ sự Công nghị phong 21 tân Hồng y -
5 chủ đề nổi bật trong 10 năm triều đại Giáo hoàng Phanxicô