Đức Thánh Cha cử hành Thánh lễ Đêm Giáng sinh tại Đền thờ Thánh Phêrô

Đức Thánh Cha cử hành Thánh lễ Đêm Giáng sinh tại Đền thờ Thánh Phêrô

WHĐ/ Tin tổng hợp (25.12.2009) – Vào 22 giờ tối 24-12-2009 (4 giờ sáng 25-12 tại Việt Nam), Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã cử hành Thánh lễ Đêm Giáng sinh tại Đền thờ Thánh Phêrô. Đồng tế với ngài có 30 Hồng y. Tham dự Thánh lễ có rất đông giám mục, linh mục, nam nữ tu sĩ, đại diện ngoại giao đoàn và hàng chục ngàn tín hữu.

Quảng trường thánh Phêrô được trang hoàng bằng 27 cây thông với những dây đèn trang trí, tô điểm cho không gian thánh tích này một sắc thái rất đặc trưng, quy tụ mọi dáng vẻ của ngày đại lễ, trang trọng mà gần gũi, linh thánh và nhân văn.

Thánh lễ Đêm Giáng sinh do ĐTC chủ tế được trực tiếp truyền hình tại hơn 60 quốc gia, cho thấy sự quan tâm của rất nhiều người trên khắp thế giới, đặc biệt đối với bài giảng trong Thánh lễ của ĐTC.

Ngay khi Thánh lễ kết thúc, các hãng thông tấn khắp thế giới nhanh chóng đưa tin và bình luận, chủ yếu làm nổi bật thông điệp của ĐTC về hòa bình ẩn chứa trong bài giảng: “Những xung đột trên thế giới, những khó khăn về mặt quan hệ là do chúng ta bị mắc kẹt trong những lợi ích của riêng mình, trong những ý kiến chủ quan và trong thế giới tâm hồn nhỏ mọn.”

Tuy nhiên, đối với mọi thành phần dân Chúa, bài giảng của ĐTC, khai triển bài Tin Mừng Thánh lễ Đêm Giáng sinh – Lc 2, 1-20, trở thành một định hướng cho đời sống Kitô hữu trong cuộc hành trình nên thánh.

ĐTC gợi những suy ngẫm về các mục đồng trong sự kiện Chúa giáng sinh tại Bêlem: “Các mục đồng trước hết là những người tỉnh thức và lời Thiên thần báo tin Chúa giáng sinh đã đưa họ gặp nhau rất đúng lúc vì họ đã tỉnh thức.”

Thái độ của các mục đồng tỉnh thức và mau mắn đến gặp Chúa Hài nhi trở thành bài học sâu sắc cho người tín hữu. ĐTC giải thích: “Chúng ta phải thức dậy, bởi vì tin báo Chúa giáng sinh đã đến với chúng ta. Chúng ta phải trở thành những người thực sự tỉnh thức. Điều này có ý nghĩa gì? Người ngủ mơ và người tỉnh thức khác nhau ở chỗ người ngủ mơ sống trong một thế giới riêng biệt. Anh ta bị giam hãm trong thế giới mộng tưởng cùng với cái tôi của mình. Thức dậy nghĩa là ra khỏi tình trạng cá biệt của cái tôi và bước vào hiện thực của cộng đồng, tiến vào chân lý duy nhất liên kết tất cả chúng ta.”

Hướng vào thế giới hiện tại, ĐTC lưu ý mọi người, đặc biệt các tín hữu: “Những xung đột trên thế giới, những khó khăn về mặt quan hệ là do chúng ta bị mắc kẹt trong những lợi ích của riêng mình, trong những ý kiến chủ quan và trong thế giới tâm hồn nhỏ mọn. Óc vị kỷ của nhóm cũng như của cá nhân đối lập với chân lý và chia rẽ chúng ta với nhau. Phúc âm nói với chúng ta rằng hãy thức dậy, hãy bước ra ngoài và tiến vào chân lý lớn lao của cộng đồng, bước vào sự thông hiệp với Thiên Chúa duy nhất. Thức dậy cũng có nghĩa là trở nên nhạy cảm hơn đối với Thiên Chúa, với những dấu chỉ thầm lặng được Chúa dùng để dẫn chúng ta đi, và nhạy cảm hơn với biết bao dấu hiệu nói lên sự hiện diện của Thiên Chúa. Khả năng nhận thức Thiên Chúa, có lẽ đối với một số người, đã thành một món quà bị từ chối. Và quả thật, cách chúng ta suy nghĩ và hành động, não trạng của thế giới con người ngày nay, phạm vi những kinh nghiệm về nhiều mặt khác nhau của chúng ta có khả năng làm suy yếu sự nhạy cảm đối với Thiên Chúa, tước mất của chúng ta “đôi tai thẩm âm” lắng nghe tiếng Chúa.”

ĐTC khích lệ các tín hữu hãy nuôi dưỡng tinh thần tỉnh thức và hy vọng vào tình thương của Chúa bằng cách thực hành bên bỉ đời sống cầu nguyện: “Tuy vậy, nỗi chờ mong Thiên Chúa, khả năng gặp gỡ Ngài vẫn hằng hiện diện, dù tiềm tàng hay được bộc lộ ra, nơi mọi tâm hồn. Để có thể tỉnh thức và trỗi dậy, điều cốt yếu là chúng ta phải mong muốn được cầu nguyện, cho mình và cho người khác, cho những ai thiếu “đôi tai thẩm âm” và nơi những ai muốn được Chúa tỏ cho thấy sự sống động của Ngài. Đại thần học gia Origen đã nói: nếu tôi được ơn nhìn thấy như Phaolô, có lẽ lúc này (khi cử hành Phụng vụ) tôi đã có thể chiêm ngắm cả một đoàn thiên thần (x. Lc 23, 9). Quả thực – khi cử hành Phụng vụ thánh, các thiên thần của Thiên Chúa và các vị thánh bao quanh chúng ta. Chính Chúa đang ở giữa chúng ta. Lạy Chúa, xin mở đôi mắt của trái tim chúng con để chúng con trở nên những người biết canh thức và biết nhìn, và như vậy chúng con cũng có thể mang Chúa đến ngự ngay bên những người khác.”

ĐTC nhắc nhở mọi người về thực trạng xem nhẹ việc cầu nguyện và cử hành Phụng vụ: “Đa số thường không đặt những việc của Thiên Chúa lên hàng ưu tiên”, và “Trong danh sách ưu tiên, Thiên Chúa thường được tìm thấy gần như là nơi cuối cùng.”

ĐTC đề nghị mọi người học nơi các mục đồng cách sử dụng thời gian và biết gác bỏ mọi bận tâm để toàn tâm tìm gặp Chúa: “Trong Luật của Thánh Bênêđictô, có lời dạy: “Không xếp đặt bất cứ điều gì trước khi thực hiện việc phải làm đối với Chúa” (nghĩa là, trước khi đọc kinh thần vụ). Đối với các đan sĩ, cử hành Phụng vụ là ưu tiên hàng đầu. Mọi thứ khác đến sau. Về cơ bản, lời dạy này áp dụng cho mọi người. Thiên Chúa phải được đặt ở vị trí quan trọng, Ngài chính là thực tại tuyệt đối quan trọng của cuộc sống. Ưu tiên đúng mực này đã được các mục đồng truyền dạy chúng ta. Chúng ta cần học tập các mục đồng để đừng bị những bức xúc của cuộc sống hàng ngày nghiền nát. Chúng ta cũng muốn học biết cách sống tự do nội tâm để đặt mọi lo toan xuống hàng thứ yếu, còn quan trọng là tiến đến gần Chúa, để Ngài bước vào cuộc đời và thời gian của chúng ta. Thời gian dâng cho Thiên Chúa, và từ Chúa, dành cho tha nhân, sẽ chẳng bao giờ là thời gian bị lãng phí. Đây là thời gian mà chúng ta thực sự sống, sống với tư cách con người.”

Cộng đoàn tham dự Thánh lễ lắng vào nỗi xúc động sâu xa khi được ĐTC chia sẻ lời nguyện kết thúc bài giảng:

“Lạy Chúa Giêsu Kitô, Chúa đã sinh ra tại Bêlem, xin Chúa hãy đến với chúng con! Xin Chúa bước vào trong con, vào linh hồn con. Xin biến đổi con. Xin đổi mới con. Xin làm cho con và tất cả chúng con, từ đá và gỗ, trở thành những con người sống động, để qua chúng con, tình yêu của Chúa hiện diện và làm cho thế giới này được biến đổi.”

Thánh lễ kết thúc đúng 0 giờ (giờ Rôma) bằng cuộc rước Chúa Hài đồng đặt vào máng cỏ trong hang đá được đặt cuối đền thờ.

ĐTC tỏ dấu rất cảm động khi nhìn 10 trẻ em Âu, Á, Phi cầm các bó hoa dẫn đầu đoàn rước.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top