Đức Thánh Cha chủ sự Lễ Tro, khai mạc Mùa Chay

Đức Thánh Cha chủ sự Lễ Tro, khai mạc Mùa Chay

WHĐ (06.03.2014) – Đầu tháng Ba 2014, Giáo hội Công giáo bắt đầu bước vào Mùa Chay kéo dài 40 ngày, từ thứ Tư Lễ Tro 05-03. Đây là một trong những thì mạnh của năm phụng vụ, là thời gian để cầu nguyện, sám hối và chia sẻ.

Theo truyền thống, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành Thánh lễ ngày thứ Tư Lễ Tro tại Vương cung thánh đường Thánh Sabina trên đồi Aventine ở Roma. Trước đó, cùng với các hồng y, giám mục, các tu sĩ dòng Biển Đức và dòng Đa Minh, Đức Thánh Cha đã chủ sự cuộc rước từ nhà thờ Thánh Anselmô của dòng Biển Đức đến Vương cung thánh đường Thánh Sabina.

Trong bài giảng trước khi cử hành nghi thức làm phép tro và xức tro, Đức Thánh Cha đã chia sẻ dựa vào một câu của bài đọc I trong sách tiên tri Gioel: “Hãy xé lòng chứ đừng xé áo” (Ge 2,13).

Sau bài giảng, Đức Thánh Cha đã cử hành nghi thức làm phép tro, và ngài nhận tro trên đầu từ tay Đức hồng y Jozef Tomko người Slovakia, nguyên Bộ trưởng Bộ Truyền giáo. Vương cung thánh đường Thánh Sabina cũng là nhà thờ tước hiệu của Đức hồng y Tomko.

 

Đức Thánh Cha mở đầu bài giảng: “Tiên tri Gioel nhắc nhở chúng ta rằng hoán cải không được dừng lại ở hình thức bên ngoài hay những quyết tâm mơ hồ, nhưng phải chạm đến và biến đổi toàn bộ con người, bắt đầu từ bên trong, từ lương tâm”.

“Hoán cải bắt đầu bằng việc thừa nhận rằng ‘chúng ta là những thụ tạo, chứ không phải là Thiên Chúa’. Rất nhiều người ngày nay nghĩ rằng họ có quyền lực và họ muốn đóng vai Thiên Chúa Đấng Tạo Hóa”.

“Trong Mùa Chay, Phúc Âm mời gọi các Kitô hữu thực thi ba điều sau đây để tiến triển về mặt thiêng liêng, đó là: cầu nguyện, ăn chay và bố thí”.

“Đối mặt với bao thương tích làm chúng ta đau đớn và khiến tim mình chai cứng, chúng ta được mời gọi chìm sâu trong biển cầu nguyện, là biển của tình yêu vô biên của Thiên Chúa, để cảm nếm sự dịu ngọt của Người”.

“Khi cầu nguyện thường xuyên hơn và tha thiết hơn trong mùa Chay, các Kitô hữu được mời gọi nghĩ đến nhu cầu của người khác, cầu nguyện cùng Thiên Chúa cho những cảnh đói nghèo và đau khổ trên thế giới”.

Về việc chay tịnh, Đức Thánh Cha cho biết “điểm chính yếu không phải là chỉ tuân giữ luật ăn chay và kiêng thịt trong Mùa Chay, vì điều ấy có thể dẫn đến tự mãn”.

“Chay tịnh chỉ có ý nghĩa nếu nó thực sự lấy đi sự an toàn của chúng ta và, do đó, làm ích cho người khác; nếu nó giúp chúng ta trau dồi cung cách sống của người Samaritanô nhân lành, cúi xuống trên người anh em túng thiếu và chăm sóc người ấy”.

“Chay tịnh phải ‘rèn luyện trái tim’ để nhận ra điều gì là thiết yếu nhất và để dạy chúng ta cách chia sẻ với người khác. Đó là dấu chỉ của việc ý thức và gánh lấy trách nhiệm về những bất công và áp bức, nhất là của người nghèo và người bé mọn, và là dấu chỉ của lòng tín thác chúng ta đặt ở nơi Thiên Chúa và sự quan phòng của Người”.

“Bố thí là một thực hành cần được phổ biến nơi mọi Kitô hữu, nhất là trong mùa Chay. Người Kitô hữu giúp đỡ một cách cụ thể và quan tâm đến những ai túng thiếu –mà không đòi đền đáp– bởi vì họ nhận ra Chúa đã ban cho họ nhiều biết bao dù họ không xứng đáng”.

“Bố thí cũng giúp giải thoát chúng ta khỏi nỗi ám ảnh chiếm hữu, nỗi sợ mất những gì mình đang có và nỗi buồn vì đã không chia sẻ hạnh phúc của mình với người khác”.

“Chúa đã quan phòng Mùa Chay để thức tỉnh chúng ta, lay chúng ta ra khỏi cơn ngủ mê. Rõ ràng chúng ta cần phải hoán cải. Có điều gì đó không đúng với chúng ta, với Giáo hội và xã hội chúng ta; và chúng ta cần phải thay đổi, chuyển hướng, phải hoán cải!”

Cuối cùng, Đức Thánh Cha kết luận: “Lời các tiên tri kêu gọi trở về với Chúa nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta có thể nhận ra điều gì đó mới mẻ ở trong chúng ta và chung quanh chúng ta, đơn giản bởi vì Thiên Chúa là Đấng trung tín, Người luôn giàu lòng nhân hậu và thương xót, sẵn sàng tha thứ cho chúng ta và làm lại tất cả từ đầu”.

(Nguồn: WHĐ)

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top