Đức Thánh Cha cho phép lập quan hệ ngoại giao với Kuala Lumpur

Đức Thánh Cha cho phép lập quan hệ ngoại giao với Kuala Lumpur

Việc Malaysia và Tòa Thánh đồng ý thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức được thông báo hôm 18-7.

Đức Thánh cha Bênêđictô XVI dành 25 phút tiếp kiến thủ tướng Najib Razak. Đây là cuộc hội kiến thứ hai giữa một vị giáo hoàng với một lãnh đạo đương nhiệm của Malaysia.

“Trong cuộc nói chuyện thân mật, hai bên đã thảo luận những tiến triển tốt đẹp trong quan hệ song phương và đã đi đến thỏa thuận thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Malaysia và Tòa Thánh”, Tòa Thánh nói trong thông cáo được phát hành sau cuộc hội kiến.

Văn phòng của ông Najib cũng bình luận cuộc hội kiến này. “Thế giới đang đi đến bước ngoặt quyết định, các thế lực làm điều phi lý và gây bất hòa đang đe dọa sự ổn định và thịnh vượng mà chúng ta ấp ủ từ lâu và vất vả kiếm tìm” – theo thông cáo, Tòa Thánh đánh giá cao cam kết thúc đẩy tính ôn hòa như là học thuyết toàn cầu của Malaysia.

Mặc dù nỗ lực thiết lập quan hệ ngoại giao bắt đầu cách đây gần 20 năm, Thủ tướng lúc đó là Mahathir Mohamad đã sang thăm Vatican và hội kiến Đức Thánh cha Gioan Phaolô II năm 2002, nhưng đà này mới được đẩy mạnh sau khi Đức Tổng Giám mục Leopoldo Girelli nhậm chức đại sứ Vatican ở Singapore hồi tháng năm vừa qua với trách nhiệm trông coi cả Đông Nam Á. Ngài đã nhanh chóng thu xếp ngày hội kiến sớm.

Vị đứng đầu Giáo hội Công giáo ở Malaysia là Đức Tổng Giám mục của Kuala Lumpur Murphy Xavier Pakiam có mặt trong phái đoàn của thủ tướng tại dinh thự mùa hè Castel Gandolfo của Đức Giáo hoàng ở phía nam Rôma.

Các phương tiện truyền thông ở Kuala Lumpur đưa tin ông Najib trình bày với Đức Thánh cha về mục đích thành lập “phong trào những người ôn hòa toàn cầu” của ông.

“Tình hình chính trị và xã hội trên thế giới và lục địa Á châu đã được xem xét lại, đặc biệt là tầm quan trọng của đối thoại liên tôn và liên văn hóa để thúc đẩy hòa bình, công lý và hiểu nhau hơn giữa các dân tộc” – Vatican nói trong thông cáo.

Nhưng không cho biết việc các Kitô hữu ở Malaysia phải chịu một số hạn chế và các vụ tấn công các nơi thờ tự gần đây có được thảo luận hay không.

Hồi cuối tháng ba, chính phủ Malaysia hủy bỏ kế hoạch in số xêri lên Kinh Thánh bằng tiếng Malaysia sau vụ phản đối của Kitô hữu trên cả nước.

Để trả lại khoảng 35.100 cuốn Kinh Thánh bị tịch thu, bộ nội vụ muốn dán số xêri lên mỗi cuốn Kinh Thánh để kiểm soát số sách được lưu hành và là thông điệp cho biết chỉ dành cho Kitô giáo.

Liên đoàn Kitô hữu Malaysia kêu gọi “hủy bỏ tất cả các lệnh dựa theo Luật An ninh nội địa 1960, tuyên bố Alkitab (Kinh Thánh tiếng Malaysia) là mối đe dọa an ninh quốc gia”.

Mỹ gần đây bày tỏ quan ngại về khả năng “tự do bày tỏ khát vọng dân chủ” của người dân Malaysia sau khi có hơn 1.600 người bị bắt trong cuộc biểu tình ủng hộ cải cách bầu cử tại trung tâm Kuala Lumpur hôm 9-7.

Người Công giáo chiếm khoảng 3,5% dân số Malaysia, quốc gia đa số Hồi giáo, và là nhóm đông nhất trong Kitô giáo.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top