Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI tiếp ngoại giao đoàn: Việt Nam và Nga được đề cập đầu tiên trong bài diễn văn

Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI tiếp ngoại giao đoàn: Việt Nam và Nga được đề cập đầu tiên trong bài diễn văn

WHĐ / Tin tổng hợp (11.01.2010) – Vào lúc 11g sáng nay (theo giờ Rôma), tức 17g (Việt Nam), tại Vatican, Đức Thánh Cha đã tiếp kiến ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh.

Dẫn đầu ngoại giao đoàn, đại sứ niên trưởng Alejandro Valladares Lanza ( Honduras), đã phát biểu chúc mừng ĐTC nhân dịp Năm mới.

ĐTC đã ngỏ lời cảm ơn ông đại sứ niên trưởng và toàn thể ngoại giao đoàn. Nhân dịp này ĐTC cũng nhờ các vị đại sứ chuyển “lời chào thân ái, cầu chúc bình an và hạnh phúc đến chính quyền và toàn thể cư dân các quốc gia mà quý vị là những đại diện xứng đáng”.

Ngay sau những lời cảm ơn và chúc mừng, ĐTC đề cập đến chuyến viếng thăm Tòa Thánh của hai vị nguyên thủ Cộng Hòa Liên bang Nga và CHXHCN Việt Nam.

ĐTC đánh giá chuyến viếng thăm Tòa Thánh của Chủ tịch Nguyễn Minh Triết là “rất có ý nghĩa” và “Việt Nam là đất nước mà lòng tôi quý mến”. ĐTC giới thiệu với ngoại giao đoàn: “Tại Việt Nam, Giáo Hội đang cử hành Năm Thánh kỷ niệm sự có mặt của Hội Thánh trong nhiều thế kỷ vừa qua”.

Sau đó ĐTC lần lượt đề cập đến những vấn đề đang là điểm nóng của thế giới.

Nói về cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, ĐTC nhắc đến Thông điệp Caritas in Veritate, đồng thời nhấn mạnh cuộc khủng hoảng này bắt nguồn từ “não trạng ích kỷ, duy vật, quên những giới hạn vốn có của mọi thụ tạo”, đồng thời còn do con người đã xây dựng một “hệ thống kinh tế thiếu sự tham chiếu được xây dựng trên nền tảng chân lý về con người”.

Hệ thống kinh tế bi đát đó đã từng được khai triển tại các quốc gia Đông Âu, từ 20 năm về trước, mà nay vẫn còn đang để lại những vết thương chưa lành, mặc dù “các chế độ duy vật và vô thần đã sụp đổ” cùng với sự sụp đổ của bức tường Bá Linh

ĐTC cũng đã nói với thế giới, qua các vị đại sứ đến từ hầu hết các quốc gia trên thế giới, về sự cần thiết cấp bách của việc giải trừ quân bị, vũ khí hạt nhân và nhất là phải bảo vệ môi trường.

ĐTC đã dành cho nội dung tôn trọng tự do tôn giáo với sự quan tâm đặc biệt. Ngài đề cập đến tình trạng tại nhiều nơi trên thế giới, trong môi trường chính trị, văn hóa và thông tin đại chúng, đang lan rộng “thái độ thiếu tôn trọng, có khi thù hằn, miệt thị tôn giáo, đặc biệt thù hằn đối với Kitô giáo”.

ĐTC phân tích: “Nếu đã coi chủ nghĩa tương đối là một thành tố của nền dân chủ, thì chỉ có thể hiểu tinh thần thế tục của nó đồng nghĩa với sự loại trừ, hoặc nói một cách chính xác, là không thừa nhận tầm quan trọng về phương diện xã hội của thực tại tôn giáo”.

Đích thân trải nghiệm sau chuyến viếng thăm Trung Đông và Thánh Địa, ĐTC lưu ý các nhà cầm quyền trên khắp thế giới: “Các cộng đồng Kitô hữu bao giờ cũng thực tâm muốn đóng góp, nhưng phải bảo đảm cho họ quyền được tôn trọng, an ninh và tự do”.

ĐTC cũng không quên các quốc gia chịu nhiều thiệt hại do thiên tai gây ra trong năm qua, trong đó có Việt Nam (lần thứ hai ĐTC nhắc đến VN): “Tôi nghĩ đến những thảm họa thiên nhiên trong năm qua đã gây tử vong, đau khổ và tàn phá Philippines, Việt Nam, Lào, Campuchia và đảo Đài Loan. Làm thế nào chúng ta cũng có thể quên được Indonesia và gần đây, vùng Abruzzo bị trận động đất tàn phá? Trước những thảm họa như vậy, rất cần sự giúp đỡ quảng đại, vì sự sống những tạo vật do chính Chúa dựng nên đang gặp thử thách. Bảo toàn mọi sự do Thiên Chúa dựng nên, nhất là tinh thần liên đới, cũng còn cần đến tinh thần hòa hợp và sự ổn định của các quốc gia”.

Cuộc gặp gỡ của ĐTC với phái đoàn các quốc gia có quan hệ ngoại giao với Tòa Thánh là dịp Giáo Hội điểm lại tình hình thế giới trong năm qua. Đồng thời, qua vị mục tử của mình, Giáo Hội đề nghị với thế giới tầm nhìn và tinh thần biết ơn khi đón nhận tặng phẩm thời gian Chúa ban qua năm mới vừa bắt đầu.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top