"Đức Mẹ gỡ nút thắt" - một ảnh tượng chữa lành và hòa giải

"Đức Mẹ gỡ nút thắt" - một ảnh tượng chữa lành và hòa giải

"Đức Mẹ gỡ nút thắt" - một ảnh tượng chữa lành và hòa giải

TGPSG / Aleteia -- Khi đi thăm hồ Thánh nữ Anna Canada hôm 26/7/2022 vừa qua, Đức Giáo hoàng Phanxicô (ĐGH) đã làm phép một bức tượng điêu khắc lớn bằng người thật, tả Đức Mẹ đang gỡ nút thắt". Đây là một cách diễn tả Đức Maria, được ĐGH đặc biệt sùng kính Ngài đã góp phần phổ biến ảnh tượng này ngay từ khi bắt đầu sứ vụ Giáo Hòang.

Sau khi chủ sự phần Phụng vụ Lời Chúa tại hồ Thánh Anna ngày 26/7/2022, nhân lễ mừng bà ngoại của Chúa Giêsu, ĐGH Phanxicô cũng đã mừng kính Đức Mẹ Maria, con gái của hai thánh Anna và Gioakim, khi làm phép một bức tượng điêu khắc, lớn bằng người thật, mang tên "Đức Mẹ gỡ nút thắt", tặng những người hành hương có mặt những ảnh tượng "Đức Mẹ gỡ nút thắt" thu nhỏ. Ảnh tượng này có một chỗ đứng đặc biệt trong tim của ĐGH, và nhờ đó ảnh tượng này đã trở nên nổi tiếng, từ thời điểm ngài trở thành vị mục tử trên toàn thể Giáo hội Công giáo vào năm 2013.

Sự sùng kính "Đức Mẹ gỡ nút thắt" xuất phát từ một bức tranh phong cách baroque đầu những năm 1700, treo trong nhà thờ Thánh Phêrô trên sông Perlach ở TP Augsbourg nước Đức, do nghệ sĩ Johann Melchior Georg Schimttdner thực hiện. Bức tranh vẽ các thiên thần bao quanh Đức Nữ Đồng Trinh đang gỡ những nút thắt trong cuộc đời chúng ta, chân đạp trên con rắn - tác nhân gây nên tội nguyên tổ.

Trong cuộc phỏng vấn với tuần báo Đức, Die Zeit, xuất bản tháng 4/2017, ĐGH Phanxicô giải thích rằng ngài đã gặp bức ảnh này lần đầu tiên vào những năm 1990, khi ngài vẫn còn đang ở Buenos-Aires, Ác-hen-ti-na. Một dịp Giáng Sinh năm nọ, một nữ tu mà ngài đã gặp khi đang du học tại Đức, đã gởi đến ngài một thiệp chúc mừng, trên đó in bản vẽ Đức Mẹ gỡ nút thắt. Ngài đã bị ấn tượng mạnh bởi câu chuyện đng sau tác phẩm này đến mức ngài đã bắt đầu gởi cho những linh mục ở Buenos-Aires những bưu thiếp có hình ảnh này.

Câu chuyện đng sau bức tranh gốc

Bức tranh gốc "Đức Maria gỡ nút thắt" do linh mục tiến sĩ giáo luật Hieronymus Ambrosius Langenmantel (1666-1709) đặt vẽ; linh mục này đã hiến dâng một bàn thờ gia đình cho nhà thờ Saint Pierre am Perlach. Họa sĩ Johann lấy cảm hứng từ câu chuyện về ông nội của cha Hieronymus là ông Wolfgang Langenmantel (1568-1637). Ông Wolfgang đã tiếp xúc với một linh mục dòng Tên để xin giúp đỡ khi ông và vợ chuẩn bị ly hôn. Ông và vị linh mục, cùng cầm giải ruy-băng trắng từng dùng trong lễ cưới của cặp vợ chồng, và cùng cầu xin với Đức Trinh Nữ Maria.

Trong cuộc phỏng vấn với tuần báo Đức, Die Zeit, ĐGH Phanxicô đã giải thích rằng thực ra ông ấy (nhân vật trong câu chuyện) đã đọc chính những dòng chữ của thánh Irênê: "Như vậy, nút thắt do sự bất tuân của bà Evà đã được sự vâng lời của Đức Maria tháo gỡ, vì sự gì mà Evà đã buộc thắt lại vì sự cả tin của mình, thì Đức Trinh Nữ Maria đã nhờ đức tin của mình mà tháo gỡ ra." (Chống Dị Giáo, III, 22,4). Cuối cùng thì ông Wolfgang và vợ đã không ly dị nữa để tiếp tục cuộc hôn nhân trong hạnh phúc.

Cách diễn tả Đức Mẹ như vậy đã trở nên khá phổ biến và được biết đến nhiều vào cuối thế kỷ 20, nhất là tại Ác-hen-ti-na và Bra-xin, hai nơi có nhiều nhà thờ và đền thánh tôn kính Đức Mẹ dưới danh hiệu này. ĐGH Phanxicô vẫn tiếp tục sùng kính Đức Mẹ gỡ nút thắt trong tư cách Giáo hoàng, chẳng hạn như dâng cho Mẹ những nút thắt do đại dịch toàn cầu gây nên, nhân cuộc cầu nguyện marathon vào tháng 5/2021 của ngài.

Tượng điêu khắc bên hồ Thánh Anna: từ nước Đức đến Canada

Bức tượng lớn bằng người  thật bên hồ Thánh nữ Anna được lấy cảm hứng từ bức tranh gốc, thể hiện lại những yếu tố chính nhưng thêm nhiều chi tiết khác như thể hiện Đức Mẹ đứng trên quả địa cầu, nhằm tháo gỡ những vấn đề của nó. Tượng cũng cho phép tín hữu đặt thêm những sợi dây có nút thắt của mình hay gỡ chúng ra nếu họ cho rằng vấn đề nào đó đã được giải quyết. Tác phẩm cao chưa tới 2 mét rưỡi và được làm bằng đồng.

Trong thông cáo báo chí ra ngày 27/7, tác giả của bức tượng - nhà điêu khắc Timothy Schmalz người Canada - đã tuyên bố: "Bức tượng cho thấy Đức Mẹ đang cố gắng gỡ những nút thắt của con người. Điều này cũng giống như ĐGH đang đi khắp thế giới để tháo gỡ những nút thắt của lịch sử ". Với những lời ấy, ông đã liên kết thông điệp tinh thần của bức tượng Đức Mẹ gỡ nút thắt với ý nghĩa chuyến đi Canada của ĐGH, trong bối cảnh một hành trình hòa giải với các nhóm dân tộc bản địa, sau những vụ lạm dụng diễn ra trong các trường nội trú do Giáo hội Công giáo quản lý vào thế kỷ 19 và thế kỷ 20.

Timothy Schmalz là một nghệ sĩ Canada đã thực hiện nhiều tượng điêu khắc tôn giáo khắp thế giới, trong đó có bức "Angels Unawares" (Thiên Thần vô ưu), một bức tượng những người di dân, được đặt trên quãng trường Thánh Phêrô và được Đức Giáo Hoàng Phanxicô làm phép năm 2019.

Isabella H. de Carvalho (Aleteia)
Lê Hưng (TGPSG) chuyển ngữ

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top