Đức Lêô XIV: Giáo hội hiệp nhất và mở rộng vòng tay với thế giới

Đức Lêô XIV: Giáo hội hiệp nhất và mở rộng vòng tay với thế giới

Đức Lêô XIV: Giáo hội hiệp nhất và mở rộng vòng tay với thế giới

TGPSG/ Fr.Aleteia --- Đức Giáo hoàng Lêô XIV đã giảng trong Thánh lễ khai mạc sứ vụ Phêrô tại Quảng trường thánh Phêrô bằng tiếng Ý vào ngày 18-5-2025. Trước 200 ngàn tín hữu cùng các vị đại diện chính quyền và tôn giáo từ khắp nơi trên thế giới, ngài nhấn mạnh: Giáo hội cần phải “hiệp nhất” và “mở rộng vòng tay với thế giới”.

Mục tiêu của Mật nghị Hồng y bầu Giáo hoàng

“Trong tinh thần Đức tin ấy, Hồng Y Đoàn đã tụ họp để cử hành Mật nghị. Đến từ những hành trình và câu chuyện khác nhau, chúng tôi đã phó thác ước nguyện chọn người kế vị Thánh Phêrô, Giám mục Roma, vào tay Chúa: một mục tử biết gìn giữ gia sản đức tin phong phú của Kitô giáo, đồng thời biết hướng tầm nhìn xa hơn để đáp lại những khát vọng, băn khoăn và thách đố của thời đại.  Được nâng đỡ bởi lời cầu nguyện của anh chị em, chúng tôi đã cảm nhận sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, Đấng biết hòa hợp những nhạc cụ khác nhau, để tấu lên một bản hợp ca duy nhất từ sâu thẳm tâm hồn chúng ta.

Tôi được chọn không do công trạng nào

Tôi được chọn không do công trạng nào, và với tâm tình khiêm tốn, tôi đến với anh chị em như một người anh em, mong được trở nên người phục vụ đức tin và niềm vui của anh chị em, cùng nhau bước đi trên con đường tình yêu Chúa, Đấng muốn quy tụ tất cả chúng ta thành một gia đình duy nhất.

Nhiệm vụ của Giám mục Rôma

“Tình yêu và hiệp nhất: đó là hai chiều kích của sứ vụ Chúa Giêsu trao cho Thánh Phêrô.. [...] Phêrô được trao nhiệm vụ ‘yêu thương nhiều hơn’ và hiến mạng sống vì đoàn chiên.

Sứ vụ của Phêrô được đánh dấu bằng tình yêu hiến dâng này, bởi Giáo hội Rôma lãnh đạo trong đức ái, và thẩm quyền đích thực của ngài chính là đức ái của Đức Kitô, chứ không bao giờ là việc chiếm đoạt người khác bằng quyền lực, bằng tuyên truyền tôn giáo hay thống trị, mà luôn luôn chỉ là yêu thương như Chúa Giêsu đã yêu”

Không phải là “lãnh đạo cô độc”

Phêrô phải chăn dắt đoàn chiên mà không bao giờ sa vào cám dỗ trở thành một thủ lĩnh đơn độc hay một người đứng trên anh em, thống trị những người được trao phó (x. 1Pr 5,3).

Trái lại, ngài được mời gọi phục vụ đức tin của anh em, đồng hành cùng họ: tất cả chúng ta đều được trở nên “những viên đá sống động” (1Pr 2,5), nhờ Bí tích Rửa Tội, để xây dựng ngôi nhà Thiên Chúa trong hiệp thông huynh đệ, trong sự hòa hợp của Chúa Thánh Thần, trong sự đa dạng của các nền văn hóa.

Hiệp nhất, khát vọng lớn lao của Đức Lêô XIV

Như Thánh Augustinô nói: “Giáo hội gồm tất cả những ai sống hòa hợp với anh chị em mình và yêu thương tha nhân” (Bài giảng 359, 9).

Anh chị em thân mến, đây là ước nguyện lớn lao đầu tiên của tôi: một Giáo hội hiệp nhất, dấu chỉ của hiệp thông, trở nên men cho một thế giới được hòa giải.”

Điều “chúng ta muốn nói với thế giới”

Trong thời đại chúng ta, chúng ta vẫn thấy quá nhiều chia rẽ, quá nhiều vết thương gây ra bởi hận thù, bạo lực, thành kiến, sợ hãi người khác, bởi một mô hình kinh tế khai thác tài nguyên trái đất quá mức và gạt người nghèo ra bên lề. 

Chúng ta muốn trở thành một chút men nhỏ bé của hiệp nhất, hiệp thông, tình huynh đệ trong khối bột ấy.

Chúng ta muốn nói với thế giới, với sự khiêm tốn và niềm vui: Hãy nhìn lên Đức Kitô! Hãy đến gần Người! Hãy đón nhận Lời Người, Lời soi sáng và an ủi! Hãy lắng nghe lời mời gọi yêu thương của Người để trở thành một gia đình duy nhất của Người: trong Đức Kitô duy nhất, chúng ta là một. Và đây là con đường chúng ta cùng nhau bước đi, không chỉ với nhau mà còn với các Giáo hội Kitô chị em, với những người thuộc các tôn giáo khác, với những ai khao khát tìm kiếm Thiên Chúa, với tất cả những người thiện chí, để xây dựng một thế giới mới, nơi hòa bình ngự trị.

Là một Giáo hội hiệp nhất “mở rộng vòng tay chào đón thế giới”

Đây là tinh thần truyền giáo phải thúc đẩy chúng ta, không khép kín trong nhóm nhỏ của mình hay cảm thấy mình cao trọng hơn thế giới; chúng ta được mời gọi trao tặng tình yêu Thiên Chúa cho mọi người, để đạt tới sự hiệp nhất không xóa bỏ khác biệt, nhưng trân quý hành trình cá nhân của mỗi người và văn hóa xã hội, tôn giáo của mỗi dân tộc.

“Anh chị em thân mến, đây là giờ của tình yêu! Đức Ái của Thiên Chúa, Đấng làm cho chúng ta trở nên anh chị em với nhau, là trái tim của Tin Mừng. Với Đức Giáo Hoàng Lêô XIII, hôm nay chúng ta có thể tự hỏi: nếu tiêu chuẩn này “được áp dụng trên thế giới, có phải mọi xung đột sẽ chấm dứt và hòa bình sẽ trở lại không?” (Thông điệp Rerum Novarum, 21)

Với ánh sáng và sức mạnh của Chúa Thánh Thần, chúng ta hãy xây dựng một Giáo hội đặt nền trên tình yêu Thiên Chúa và trở thành dấu chỉ hiệp nhất, một Giáo hội truyền giáo, mở rộng vòng tay với thế giới, loan báo Lời Chúa, để lịch sử chất vấn mình, và trở thành men hòa hợp cho nhân loại.”

Tác giả: I.Media

Xuân Đại (TGPSG) biên dịch từ Fr.Aleteia

 

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top