Đức Hồng y Hollerich: “Tất cả chúng ta đều được mời gọi trở thành một phần của Giáo hội”
ĐỨC HỒNG Y HOLLERICH: “TẤT CẢ CHÚNG TA ĐỀU ĐƯỢC MỜI GỌI TRỞ THÀNH MỘT PHẦN CỦA GIÁO HỘI”
Salvatore Cernuzio
Tổng tường trình viên của Thượng Hội đồng, Đức Hồng y của Luxembourg đã khai mạc, vào sáng thứ Hai 9/10/2023, phiên họp chung thứ tư dành riêng cho việc tiếp tục nghiên cứu Tài liệu Làm việc. “Một số người nhận xét rằng căng thẳng sẽ gia tăng, nhưng chúng ta không được sợ hãi miễn là chúng ta là anh chị em bước đi cùng nhau”, ngài nhấn mạnh và đồng thời mời gọi đưa ra “những câu trả lời cụ thể” và thể hiện tình yêu của Thiên Chúa “ngay cả với những người dường như đe dọa căn tính của chúng ta”.
Cái “tất cả mọi người, tất cả mọi người” này được Đức Thánh Cha Phanxicô diễn tả tại Lisbon để ám chỉ việc Giáo hội mở hoàn toàn các cánh cửa của Giáo hội cho mọi người trên mặt đất, Đức Hồng y Jean-Claude Hollerich đã nhắc lại trong phiên họp của Thượng Hội đồng: “Todos.. .. Tất cả mọi người.…” Ngay cả những người “làm phiền” bởi vì họ dường như, bằng cách tồn tại, đang “đe dọa căn tính của chúng ta”. “Nếu chúng ta cư xử như Chúa Giêsu, chúng ta sẽ làm chứng cho tình yêu Thiên Chúa dành cho thế giới. Nếu không làm điều này, chúng ta sẽ giống như một câu lạc bộ căn tính”.
Giai đoạn hai của công việc
Sau ngày nghỉ Chúa Nhật, Đức Hồng y Hollerich đã khai mạc vào sáng ngày 9 tháng 10, công việc của phiên họp chung thứ tư, dành cho phần thứ hai của Tài liệu Làm việc. “Một sự hiệp thông tỏa sáng. Làm thế nào để trở thành dấu chỉ và công cụ trọn vẹn hơn của sự kết hợp với Thiên Chúa và sự hiệp nhất của loài người”, đây là chủ đề của phần được đề cập, B1, mà các nhóm nhỏ sẽ tập trung vào – bắt đầu từ chiều nay – và các bài tham luận ở hội trường.
Một số tham dự viên dương tính với Covid
Việc trình bày phần này được giao cho Đức cha Hollerich. Đức Hồng y được giới thiệu bởi Đức Hồng y tổng thư ký Mario Grech, người đã thông báo sự vắng mặt của 4 tham dự viên vì họ có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19. “Sau khi nghe lời khuyên của bác sĩ, không có gì đáng báo động”, ngài trấn an và đồng thời mời gọi “các biện pháp thận trọng” như đeo khẩu trang và khử trùng tay. “Không có Covid” đối với Đức Giáo hoàng, người đã tham dự Đại hội đồng sáng nay: điều này đã được tuyên bố bởi Giám đốc Văn phòng Báo chí của Vatican, Matteo Bruni, người giải thích rằng Đức Giáo hoàng đã bỏ phiên họp vào phút cuối do “những công việc bất ngờ”.
Từ “tôi” đến “chúng ta”
Lời mở đầu của Đức Hồng y Grech và lời giới thiệu của Chủ tịch đại biểu, Đức Tổng Giám mục Perth, Đức cha Timothy John Costelloe, được tiếp nối bằng bài phát biểu của Đức Hồng Y Hollerich, sau đó là một khoảng thinh lặng, rồi đọc Tin Mừng Gioan (4, 7-30), tiếp đến bài suy niệm của Cha Timothy Radcliffe và bài “tổng quan thần học” của Giáo sư Anna Rowlands. Ngoài ra còn có bốn chứng từ từ ba thành viên của Đại hội, những người đã chia sẻ kinh nghiệm về Giáo hội địa phương của họ liên quan đến các chủ đề của phần B1.
Nêu rõ phương pháp làm việc và những thay đổi trong thành phần của các nhóm nhỏ, Đức Hồng y Hollerich nhấn mạnh rằng nếu, với công việc của phần đầu tiên, đại hội đã “lấy lại được mối liên hệ với kinh nghiệm của dân Thiên Chúa cùng đồng hành từ hai năm qua”, thì với phần hai này, đại hội sẽ đi vào trọng tâm của vấn đề bằng việc xem xét vấn đề đầu tiên trong ba vấn đề phát sinh từ giai đoạn tham vấn, đó là vấn đề lắng nghe dân Thiên Chúa. Do đó, các tham dự viên Thượng Hội đồng sẽ phải đối diện với nhau trong những ngày tới “với những vấn đề chính xác và cụ thể”, cũng được củng cố bởi “bầu không khí cộng tác” được xây dựng vào tuần trước, trong đó, “chúng ta đã bắt đầu dệt nên các mối tương quan và xây dựng các mối liên hệ, chúng tôi bắt đầu chuyển từ tôi sang chúng ta”.
Chúa yêu thương mọi thụ tạo
Sau đó, Đức Hồng y Hollerich tập trung vào chủ đề “hiệp thông”, vốn là trọng tâm của phần thứ hai của Tài liệu Làm việc: “Thiên Chúa Ba Ngôi đã tạo dựng nên nhân loại, mỗi con người; và Thiên Chúa này, Đấng là tình yêu, yêu thương toàn thể công trình tạo dựng, mỗi thụ tạo và mỗi người một cách đặc biệt. Tình yêu của Thiên Chúa lớn lao đến mức sức mạnh cứu độ của nó nằm ở cách nó thể hiện. Với tư cách là một Giáo hội, với tư cách là dân Thiên Chúa, chúng ta đang ở trong sự năng động cứu độ này. Và chính trong sự năng động này là nền tảng của sự hiệp nhất của nhân loại”.
Câu chuyện về một gia đình châu Phi ở châu Âu
Ngài kể lại một kinh nghiệm cá nhân để nhấn mạnh sự kiện rằng chính câu chuyện của mỗi người, được chia sẻ theo cách “hiệp hành”, giúp trả lời các câu hỏi của tài liệu. Đó là câu chuyện về một gia đình rời châu Phi để định cư ở một quốc gia châu Âu: “Họ đấu tranh tìm một giáo xứ để sống đức tin của mình. Giáo xứ Công giáo mà họ lui tới từ đầu là giáo xứ của những người hay đi tham dự Thánh lễ, nhưng cộng đồng này không mang lại một ý thức hiệp thông sâu xa hơn. Họ cảm thấy không được tôn trọng vì họ có những thói quen tôn giáo khác nhau. Họ cảm thấy hoàn toàn bị loại trừ”.
Gia đình đã được chào đón vào một cộng đồng Tin Lành Méthodiste, nơi họ nhận được “sự giúp đỡ cụ thể để bước những bước đầu tiên ở đất nước mới”. Trên hết, “họ được chào đón như anh chị em chứ không phải như đối tượng của bác ái, họ không chỉ đơn giản là phương tiện cho những người muốn làm điều tốt. Họ được chào đón như những con người cùng bước đi với nhau.”
Câu chuyện mang tính biểu tượng. Đức Hồng y thừa nhận: “Khi tôi nghe chứng từ này, đất nước và Giáo hội của tôi hiện lên trong tâm trí tôi. Điều tương tự có lẽ cũng đã xảy ra nơi chúng tôi, với điểm khác biệt là chúng tôi không có một nhà thờ Méthodiste nào để chào đón họ”.
“Tất cả mọi người…tất cả mọi người…tất cả mọi người…”
Sau đó, ngài đưa ra lại thông điệp của Đức Thánh Cha trong Ngày Quốc tế Giới trẻ ở Lisbon, vốn cũng được nhắc lại trong Thánh lễ khai mạc Thượng Hội đồng vào ngày 4 tháng 10: “Mọi người đều được mời gọi trở thành một phần của Giáo hội”. “Todos…todos…tất cả mọi người…”. Đức Hồng y hỏi: “Chúa Giêsu mở rộng sự hiệp thông này đến với mọi tội nhân. Chúng ta có sẵn sàng làm điều tương tự không? Liệu chúng ta có sẵn sàng làm điều này với những nhóm mà chúng ta có thể cảm thấy khó chịu vì cách sống của họ dường như đe dọa căn tính của chúng ta”.
Đối thoại đại kết
Sự hiệp thông này cũng được phản ánh trong đối thoại đại kết. Các câu hỏi khác được vị tổng tường trình của Thượng Hội đồng đặt ra: “Làm thế nào chúng ta có thể sống đức tin sâu sắc trong nền văn hóa của mình mà không loại trừ những người đến từ các nền văn hóa khác? Làm thế nào chúng ta có thể tham gia với những người nam nữ thuộc các truyền thống tôn giáo khác vì công lý, hòa bình và sinh thái toàn diện? ”
Nói không với những suy tư như những khảo luận thần học
Đức cha Hollerich nhấn mạnh rằng suy tư về những câu hỏi này là thách thức của tuần làm việc thứ hai của Thượng Hội đồng. “Chúng ta phải suy nghĩ, chúng ta phải suy tư, nhưng sự suy tư của chúng ta không được mang hình thức một khảo luận thần học hay xã hội học. Chúng ta phải bắt đầu từ những kinh nghiệm cụ thể, từ kinh nghiệm cá nhân của chúng ta và đặc biệt từ kinh nghiệm tập thể của dân Thiên Chúa, những người đã phát biểu trong giai đoạn lắng nghe”.
Đừng sợ căng thẳng
Chiều thứ Hai và sáng thứ Ba ngày 10 tháng 10, các tham dự viên Thượng Hội đồng sẽ làm việc theo các nhóm nhỏ. Thành phần đã thay đổi: không còn được chia theo sở thích ngôn ngữ nữa mà còn theo “chủ đề”. Đức Hồng Y Hollerich giải thích: “Tuy nhiên, chúng ta sẽ không ở trên các hành tinh khác nhau… Tính đặc thù của mỗi nhóm sẽ làm cho cuộc trao đổi toàn thể trở nên quan trọng hơn”. “Có người nói với tôi rằng với B1, căng thẳng sẽ tăng lên. Chúng ta đừng sợ căng thẳng, chúng là một phần của tiến trình miễn là chúng ta coi mình là anh chị em bước đi cùng nhau.”
Chuyển ngữ: Tý Linh
Theo nhật báo Vatican News (09.10.2023)
Nguồn: xuanbichvietnam.net (11.10.2023)
Đọc thêm dòng sự kiện Đại hội Thượng Hội đồng Giám mục về tính hiệp hành khóa I – tháng 10.2023:
bài liên quan mới nhất
- Tài liệu Chung kết Thượng Hội đồng Giám mục lần thứ XVI
-
Kho tàng đức tin không thay đổi và không thể thay đổi -
Sơ lược Văn kiện Chung kết của Thượng Hội đồng Giám mục thứ 16 về tính hiệp hành -
Đức Thánh Cha Phanxicô: Văn kiện của Thượng Hội đồng là quà tặng cho Dân Chúa -
Tính hiệp hành, một sự hoán cải để trở nên truyền giáo hơn -
Thượng Hội đồng: Đức Phanxicô đưa Giáo hội vào thiên niên kỷ thứ ba -
Tài liệu Cuối cùng của Thượng Hội đồng có giá trị Huấn quyền -
Suy niệm của cha Timothy Racliffe về dự thảo văn kiện cuối cùng của Thượng hội đồng -
Phỏng vấn Đức cha Mạnh Hùng và Đức cha Anh Tuấn về Thượng Hội Đồng -
Buổi họp báo về Thượng Hội đồng – Ngày 23/10: Đang tiến đến giai đoạn kết thúc
bài liên quan đọc nhiều
- Hiệp hành là lối sống của Hội Thánh
-
Từ Roma, Đức cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng chia sẻ về Thượng Hội đồng Giám mục -
ĐTC Phanxicô: Chúa Thánh Thần hướng dẫn chúng ta tiến đến hòa hợp và tôn trọng lắng nghe nhau -
Thư gửi dân Chúa của Đại hội Thường kỳ lần thứ XVI - Thượng Hội đồng Giám mục -
Thư của Đại hội thường lệ lần thứ XVI của Thượng Hội đồng Giám mục gửi Dân Chúa -
Phỏng vấn linh mục Việt Nam tham gia Cuộc gặp gỡ quốc tế các cha xứ với Thượng hội đồng -
Đại hội Thượng Hội đồng Giám mục sẽ công bố “Thư gửi Dân Chúa” vào ngày 25/10/2023 -
Hướng tới việc xây dựng Cộng đoàn Giáo hội tại Giáo xứ theo mô hình Giáo hội hiệp thông - tham gia - sứ vụ -
Giáo hội hiệp hành: Suy tư về một tinh thần hay linh hồn của tham gia -
Kinh cầu cho Thượng Hội đồng Giám mục 2023