ĐTC Phanxicô: Trở thành người bảo vệ sự sống và trái đất bằng việc chiêm ngắm và chăm sóc nó
Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu tìm lại vị trí của chúng ta trong công trình sáng tạo của Chúa bằng việc chăm sóc cho nhau và học nghệ thuật chiêm ngắm công trình sáng tạo.
Trong buổi tiếp kiến chung tại sân Damaso vào sáng thứ Tư 16 tháng 9, Đức Thánh Cha tiếp tục suy tư về đại dịch dưới ánh sáng học thuyết xã hội của Giáo hội. Ngài nhắc lại vai trò quan trọng của rất nhiều người quảng đại chăm sóc tha nhân, đặc biệt là chăm sóc các bệnh nhân, người cao niên và người dễ tổn thương nhất. Đặc biệt ngài nhắc lại trách nhiệm của con người trong việc chăm sóc thế giới tự nhiên, hãy chiêm ngắm vẻ đẹp mà chúng ta thường bỏ qua khi chỉ nhắm khai thác tài nguyên của trái đất.
Cần quan tâm chăm sóc lẫn nhau
Bắt đầu bài giáo lý, Đức Thánh Cha nhấn mạnh: Để thoát ra khỏi đại dịch, chúng ta cần quan tâm chăm sóc lẫn nhau. Và chúng ta cần hỗ trợ những người chăm sóc cho những người yếu nhất, các bệnh nhân và người già. Có một thói quen loại bỏ người già sang một bên, bỏ rơi họ. Điều này thật tồi tệ. Những người chăm sóc các bệnh nhân đóng một vai trò thiết yếu trong xã hội ngày nay, ngay cả khi họ thường không được nhìn nhận và không nhận được thù lao xứng đáng. Chăm sóc là quy tắc vàng của bản tính loài người chúng ta, và nó mang đến sức khỏe và hy vọng (xem TĐ. Laudatosi '[LS], 70). Chăm sóc người đau bệnh, người nghèo khổ, người bị loại sang một bên: đây là sự phong phú nhân bản và cũng của Ki-tô giáo.
Cũng phải chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta: trái đất và mọi sinh vật
Đức Thánh Cha nói tiếp rằng chúng ta cũng phải dành sự chăm sóc này cho ngôi nhà chung của chúng ta: cho trái đất và cho mọi sinh vật. Tất cả mọi sự sống đều có mối liên hệ với nhau (x.sđd., 137-138), và sức khỏe của chúng ta phụ thuộc vào hệ sinh thái mà Thiên Chúa đã tạo dựng và được Người trao phó cho chúng ta chăm sóc (x. St 2,15). Trái lại, lạm dụng nó là một tội trọng làm thiệt hại, gây hại cho chúng ta và làm chúng ta bị bệnh (xem LS, 8; 66).
Chiêm ngắm thiên nhiên giúp chúng ta biết sử dụng nó đúng cách
Thuốc giải độc tốt nhất cho việc sử dụng không đúng cách ngôi nhà chung của chúng ta là chiêm ngắm (x.sđd., 85; 214). "Nếu bạn không học cách dừng lại và chiêm ngưỡng vẻ đẹp, thì không lạ gì khi mọi thứ đều bị bạn không ngần ngại biến thành một đồ vật để sử dụng và lạm dụng" (sđd, 215), ngay cả trở thành đồ vật để “dùng rồi vất bỏ”. Tuy nhiên, ngôi nhà chung của chúng ta, công trình sáng tạo, không chỉ là một nguồn tài nguyên.
Mỗi sinh vật phản chiếu sự khôn ngoan và tình yêu vô cùng của Chúa
Các sinh vật tự chúng có một giá trị và “mỗi loài phản chiếu theo cách riêng của nó, một tia sáng của sự khôn ngoan và tốt lành vô cùng của Thiên Chúa” (Sách Giáo lý của Giáo hội Công giáo, 339). Giá trị này và tia sáng thần linh này phải được khám phá, và để khám phá nó, chúng ta cần phải thinh lặng, lắng nghe và chiêm niệm. Chiêm ngắm cũng chữa lành tâm hồn. Nếu không có sự chiêm ngắm, chúng ta sẽ dễ dàng rơi vào một chủ nghĩa mất quân bình, quá đề cao, xem con người là trung tâm, quá coi trọng vai trò của con người chúng ta, xem chúng ta là kẻ thống trị tuyệt đối tất cả các sinh vật khác.
Thay vì là người bảo vệ sự sống chúng ta trở thành "kẻ săn mồi"
Đức Thánh Cha lưu ý: Việc giải thích sai lệch các văn bản Kinh Thánh về sự sáng tạo đã góp phần vào sự hiểu sai này, dẫn đến việc khai thác trái đất đến mức bóp nghẹt nó. Khai thác bóc lột thiên nhiên là một tội. Chúng ta tin rằng chúng ta ở trung tâm, muốn chiếm chỗ của Chúa và vì vậy chúng ta phá hỏng sự hài hòa trong kế hoạch của Người. Chúng ta trở thành những kẻ săn mồi, quên đi thiên chức của mình là người bảo vệ sự sống.
Chúng ta có thể và phải canh tác trái đất để tồn tại và phát triển. Nhưng làm việc không đồng nghĩa với bóc lột, nhưng là luôn đi kèm với chăm sóc: cày và bảo vệ, làm việc và chăm sóc ... Đây là sứ mạng của chúng ta (x. St 2,15). Chúng ta không thể muốn tiếp tục phát triển trên bình diện vật chất mà không chăm sóc ngôi nhà chung đang chào đón chúng ta. Những người anh em nghèo nhất của chúng ta và đất mẹ than thở về những thiệt hại và bất công mà chúng ta đã gây ra, và yêu cầu chúng ta một cách sống khác. Họ yêu cầu chúng hoán cải, thay đổi con đường: chăm sóc cho cả trái đất, cho thiên nhiên.
Phục hồi cách chiêm ngắm: nhìn trái đất như món quà, khám phá giá trị nội tại của nó
Do đó, Đức Thánh Cha nhấn mạnh: điều quan trọng là phải phục hồi chiều kích chiêm ngắm, nghĩa là nhìn trái đất, thiên nhiên như một món quà chứ không phải là thứ để khai thác vì lợi ích của tôi. Khi chúng ta chiêm ngắm, chúng ta khám phá ra nơi người khác và trong tự nhiên một điều gì đó lớn hơn nhiều so với tính hữu ích của họ. Ở đây có trọng tâm của vấn đề: chiêm ngắm là vượt qua sự hữu ích của một vật. Chiêm ngắm vẻ đẹp không có nghĩa là khai thác nó. Chúng ta khám phá ra giá trị nội tại của mỗi sự vật được Thiên Chúa ban cho chúng. Như rất nhiều bậc thầy tâm linh đã dạy, bầu trời, mặt đất, biển cả, mọi sinh vật đều có khả năng mang tính biểu tượng hoặc thần bí này để đưa chúng ta trở lại với Đấng Tạo Hóa và hiệp thông với các loài thụ tạo. Ví dụ, thánh Inhaxiô thành Loyola, vào cuối cuốn Linh thao, mời gọi chúng ta thực hiện bài “Chiêm niệm để đạt tới tình yêu”, nghĩa là nhìn xem Thiên Chúa ngắm nhìn các thụ tạo của Người như thế nào và vui mừng với chúng; là khám phá sự hiện diện của Thiên Chúa trong các thụ tạo của Người, với sự tự do và ân sủng, để yêu thương và chăm sóc chúng.
Chiêm ngắm từ vị trí của một thành phần của công trình sáng tạo
Theo Đức Thánh Cha, sự chiêm ngắm, điều dẫn chúng ta đến một thái độ chăm sóc, không nhìn vào thiên nhiên từ bên ngoài, như thể chúng ta không đắm mình trong đó. Đúng hơn, nó được thực hiện từ bên trong, nhận ra mình là một phần của công trình sáng tạo, biến chúng ta thành nhân vật chính chứ không chỉ là khán giả của một thực tại không có hình hài nhất định chỉ để khai thác. Bất cứ ai chiêm ngắm theo cách này đều ngạc nhiên không chỉ bởi những gì họ nhìn thấy, mà còn vì cảm thấy một phần không thể thiếu của vẻ đẹp này; và cũng cảm thấy mình được kêu gọi bảo vệ và gìn giữ nó.
Không biết chiêm ngắm thiên nhiên sẽ không biết chiêm ngắm con người
Và có một điều chúng ta không được quên: ai không biết chiêm ngắm thiên nhiên, và công trình sáng tạo thì không biết chiêm ngắm con người trong sự phong phú của chính họ. Và bất cứ ai sống để khai thác thiên nhiên, cuối cùng họ sẽ bóc lột con người và đối xử với họ như nô lệ. Đây là một quy luật phổ quát. Nếu bạn không biết chiêm ngắm thiên nhiên, bạn sẽ rất khó biết được cách chiêm ngắm con người, vẻ đẹp của con người, chiêm ngắm anh chị em.
Từ chiêm ngắm thiên nhiên dẫn đến thay đổi cách sống và bảo vệ nó
Những người biết chiêm ngắm sẽ dễ dàng bắt tay vào việc thay đổi những gì gây nên sự suy thoái và tổn hại cho sức khỏe. Họ sẽ nỗ lực giáo dục và cổ võ các thói quen mới trong sản xuất và tiêu dùng, đóng góp vào một mô hình tăng trưởng kinh tế mới đảm bảo tôn trọng ngôi nhà chung và tôn trọng con người. Người chiêm ngắm trong hành động hướng tới việc trở thành người bảo vệ môi trường. Mỗi người chúng ta phải trở thành người bảo vệ môi trường, bảo vệ sự trong sạch của môi trường, bằng cách cố gắng kết hợp kiến thức của nền văn hóa có từ hàng ngàn năm của tổ tiên với kiến thức kỹ thuật mới, để lối sống của chúng ta có thể bền vững.
Chiêm ngắm và chăm sóc
Hai thái độ chỉ ra cách điều chỉnh và cân bằng lại mối quan hệ của chúng ta, những con người, với thiên nhiên chính là chiêm ngắm và chăm sóc. Đức Thánh Cha nhận xét: Nhiều khi, mối quan hệ của chúng ta với thiên nhiên dường như là mối quan hệ giữa những kẻ thù: tiêu diệt thiên nhiên vì lợi ích của mình. Khai thác thiên nhiên vì lợi ích của riêng tôi. Đừng quên rằng bạn phải trả giá đắt cho điều này; chúng ta đừng quên câu nói của người Tây Ban Nha: “Thiên Chúa luôn tha thứ; đôi khi chúng ta tha thứ; thiên nhiên không bao giờ tha thứ ”.
Mối tương quan huynh đệ và bảo vệ trái đất
Đức Thánh Cha chia sẻ: Hôm nay tôi đã đọc trên báo về hai sông băng lớn ở Nam Cực, gần biển Amundsen, sắp sụp đổ. Sẽ thật khủng khiếp, bởi vì mực nước biển sẽ dâng cao và điều này sẽ mang lại rất nhiều khó khăn và rất nhiều thiệt hại. Tại sao ? Bởi vì sự nóng lên của trái đất, sự không quan tâm đến môi trường, không quan tâm đến ngôi nhà chung. Thay vào đó, khi chúng ta có mối quan hệ này - cho phép tôi dùng từ - “huynh đệ", một mối quan hệ “huynh đệ” với tạo vật, chúng ta sẽ trở thành những người bảo vệ ngôi nhà chung, người bảo vệ sự sống và người bảo vệ niềm hy vọng. Chúng ta canh giữ di sản mà Thiên Chúa đã trao phó cho chúng ta để các thế hệ mai sau được hưởng. Và có thể có người nói: "Nhưng, tôi đang làm như thế này." Nhưng vấn đề không phải là bạn sẽ quản lý như thế nào ngày hôm nay - điều này đã được Bonhoeffer, một nhà thần học Tin lành người Đức, nói - vấn đề không phải là cách bạn quản lý ngày hôm nay; vấn đề là di sản, sự sống của thế hệ mai sau sẽ như thế nào ? Chúng ta hãy nghĩ đến con cháu: chúng ta sẽ để lại gì nếu chúng ta khai thác bóc lột thiên nhiên ?
Chiêm ngắm để chăm sóc và để bảo vệ và để lại di sản cho thế hệ mai sau
Những ai đi theo con đường chiêm ngắm và chăm sóc thiên nhiên sẽ trở thành “người bảo vệ” của ngôi nhà chung, người bảo vệ của sự sống và hy vọng. Đức Thánh Cha giải thích: Họ canh giữ di sản mà Thiên Chúa đã trao phó cho chúng ta, để các thế hệ mai sau được hưởng chúng. Tôi đang nghĩ cách đặc biệt về những người dân bản địa mà tất cả chúng ta đều mắc nợ ân nghĩa, cả sự thống hối, để đền bù điều xấu mà chúng ta đã làm. Nhưng tôi cũng nghĩ đến những phong trào, hiệp hội, nhóm quần chúng dấn thân bảo vệ lãnh thổ của họ với các giá trị tự nhiên và văn hóa của nó. Những thực tế xã hội này không phải lúc nào cũng được đánh giá cao, thậm chí đôi khi chúng còn bị cản trở bởi vì nó không sinh ra tiền; nhưng trên thực tế chúng đóng góp vào cuộc cách mạng hòa bình, "cuộc cách mạng của sự chăm sóc". Hãy chiêm ngắm để chăm sóc, chiêm ngắm để bảo vệ, bảo vệ chúng ta, thiên nhiên, con cháu chúng ta và bảo vệ tương lai. Chiêm ngắm để chăm sóc và để bảo vệ và để lại di sản cho thế hệ mai sau.
Chăm sóc và bảo vệ thiên nhiên là nhiệm vụ của mỗi con người
Cuối cùng, Đức Thánh Cha nhắn nhủ chăm sóc và bảo vệ thiên nhiên là nhiệm vụ của mỗi con người. Mỗi người chúng ta có thể và phải trở thành một “người bảo vệ ngôi nhà chung”, có khả năng ca ngợi Thiên Chúa về các tạo vật của Người, có khả năng chiêm ngưỡng và bảo vệ chúng.
Nguồn: vaticannews.va
bài liên quan mới nhất
- Sứ điệp Giáng sinh năm 2024 và Phép lành toàn xá Urbi et Orbi của Đức Thánh Cha
-
Lễ Đêm Giáng Sinh 2024 - Niềm hy vọng -
Bài giảng tĩnh tâm Giáo triều Roma Mùa Vọng 2024: Bài 3 - Sự nhỏ bé -
Tổng thống Biden giảm án cho tử tù -
Thông điệp chia tay của Đức Hồng y Bo khi kết thúc nhiệm kỳ chủ tịch FABC -
Ngày 24 Tháng 12 Kính nhớ Các Thánh Tổ Tiên của Chúa Giêsu Kitô -
Diễn văn của Đức Phanxicô cho Giáo triều Roma nhân dịp chúc mừng Giáng sinh 2024: Hãy nói tốt chứ đừng nói xấu -
Đức Thánh Cha khen ngợi đức tin mạnh mẽ của cộng đồng người Việt ở Mỹ -
Những đoạn trích từ cuốn tự truyện "Hy vọng" của Đức Thánh Cha Phanxicô -
Cầu nguyện cho Đức Thánh Cha dịp ngài tròn 88 tuổi
bài liên quan đọc nhiều
- 10 điều bạn nên làm khi Thánh lễ bị đình chỉ
-
Năm Thánh Giuse: Các ngày và các việc được ơn toàn xá -
Thông cáo chung của Nhóm Làm việc chung Việt Nam - Toà Thánh -
Toàn văn lá thư Đức Thánh Cha Phanxicô gửi các linh mục giáo phận Roma -
Hướng tới Ngày Giới trẻ Thế giới 2023 - Đức Thánh Cha: Đừng đứng nhìn cuộc đời trôi qua -
Chuyến tông du Mông Cổ của Đức Thánh Cha, đánh dấu cuộc gặp gỡ giữa Công giáo và Phật giáo -
Sáu ý tưởng khích lệ người cao tuổi của Đức Thánh Cha Phanxicô -
Đức Thánh Cha Phanxicô trả lời các nghi vấn của 5 Hồng y -
Đức Thánh Cha chủ sự Công nghị phong 21 tân Hồng y -
5 chủ đề nổi bật trong 10 năm triều đại Giáo hoàng Phanxicô