Đôi nét về Thượng Hội đồng Giám mục
ĐÔI NÉT VỀ THƯỢNG HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC
TGM. Giuse Nguyễn Năng
WHĐ (15.11.2021) – Thượng Hội Đồng Giám Mục (THĐGM) là một định chế do ĐGH Phaolô VI thiết lập qua Tự sắc Apostolica Sollicitudo, nhằm đáp lại nguyện vọng của các nghị phụ Công đồng chung Vaticanô II. Các ngài đã thực sự cảm nghiệm tinh thần hiệp đoàn (collégialité)[1] giữa các giám mục cùng với Đức Giáo hoàng đã đem lại hiệu quả lớn cho Công đồng, nên mong muốn có một định chế trong Giáo hội tiếp tục phát huy tinh thần ấy.
“Thượng Hội Đồng” dịch từ tiếng la-tinh: “synodus”, từ này được ghép bởi hai từ hy-lạp: syn = cùng nhau, và odos = con đường, nên có nghĩa là đồng hành, cùng nhau bước đi. Đây là một tổ chức qui tụ các giám mục được chọn từ mọi nước trên thế giới để giúp đỡ Đức Giáo hoàng trong sứ mạng Mục tử của Giáo hội hoàn vũ. Số các giám mục được bầu chọn tùy theo tổng số các giám mục từng nước ; trung bình cứ 25 giám mục được cử một đại diện, tuy nhiên số bầu chọn không vượt quá 4 vị[2].
Những đặc tính của Thượng hội đồng |
Đôi dòng lịch sử
Ngay từ trước Công đồng Vatican II, đã có nhiều đề nghị thiết lập một cơ chế để giúp Đức Giáo hoàng trong việc quản trị Giáo hội. Ngày 5-11-1959, Hồng y Silvio Oddi ao ước lập tại trung ương một định chế tư vấn thường tồn, tựa như một “Công đồng thu nhỏ”, qui tụ đại diện của các giám mục trong Giáo hội hoàn vũ, họp lại theo định kỳ, ít là mỗi năm một lần, để thảo luận về những vấn đề lớn và cùng nhau đi tìm những nẻo đường mới để chu toàn sứ mạng của Giáo hội.
Theo Hồng y Bernadus Alfrink (1959), không những từng giám mục riêng rẽ, mà tất cả các giám mục đều có trách nhiệm chăm lo cho Giáo hội hoàn vũ. Nếu Công đồng sắp tới mong muốn việc quản trị Giáo hội phải được thực thi bởi hiệp đoàn các giám mục hợp nhất với Đức Giáo hoàng, thì không phải chỉ khi nào triệu tập Công đồng, mà cần phải thiết lập một định chế mới mang tính thường tồn, gồm các giám mục được chọn từ khắp nơi, có thể cùng với Đức Giáo hoàng thi hành chức năng lập pháp, chứ không phải chỉ tư vấn và hành pháp.
Chính ĐGH Phaolô VI, từ khi còn làm Tổng giám mục Milan, và nhiều lần trong thời gian họp Công đồng, -lúc đó ngài đã được bầu làm Giáo hoàng-, đã nhấn mạnh tới sự hợp tác trong chính hiệp đoàn các giám mục (collège des évêques), gồm tất cả các giám mục hợp nhất với Đấng kế vị thánh Phêrô là Thủ lãnh của giám mục đoàn. Và ngày 15-9-1965, Tổng giám mục Pericle Felici, Tổng thư ký của Công đồng, đã công bố Tự sắc Apostolica Sollicitudo của ĐGH Phaolô VI thiết lập Thượng Hội Đồng Giám Mục (Synode des évêques).
Mục đích
THĐGM được thiết lập nhằm các mục đích sau đây:
- Duy trì sự hợp nhất và cộng tác chặt chẽ giữa Đức Giáo hoàng và các giám mục trên thế giới.
- Thông tin trực tiếp và chính xác về tình trạng và các vấn đề liên quan đến đời sống Giáo hội hoàn vũ cũng như những việc Giáo hội phải thực hiện trong thế giới hôm nay.
- Tạo điều kiện để thống nhất quan điểm, ít là về những điểm quan trọng trong giáo thuyết và đời sống Giáo hội.
- Trao đổi các thông tin hữu ích.
- Cho ý kiến về những vấn đề cụ thể được đặt ra trong mỗi kỳ THĐGM.
Như vậy, THĐ không phải là Công đồng chung, cũng không phải là một loại nghị viện, nhưng đúng là một cuộc “đồng hành” giữa các giám mục và giữa các giám mục với Đức Giáo hoàng.
Những đặc tính của Thượng hội đồng
Đặc tính chính của THĐGM là để phục vụ sự hiệp thông và để thể hiện tính hiệp đoàn giữa các giám mục trên thế giới và với Đức Giáo hoàng.
THĐ không phải chỉ là một cơ quan với một thẩm quyền giới hạn chuyên biệt như trong trường hợp các Thánh Bộ và Văn phòng thuộc Giáo triều Roma. Trái lại, THĐ có thể bàn về bất cứ đề tài nào theo văn thư triệu tập của Đức Giáo hoàng. Vì thế, định chế THĐ cùng với Văn phòng Tổng thư ký thường trực không phải là thành phần của Giáo triều và cũng không làm phương hại thẩm quyền của Giáo triều. THĐ được đặt trực tiếp dưới quyền Đức Giáo hoàng và chỉ ở dưới quyền Đức Giáo hoàng để cùng với ngài chăm lo cho Giáo hội hoàn vũ.
THĐGM là một định chế thường tồn trong Giáo hội, tuy nhiên chỉ họp lại và hoạt động khi Đức Giáo hoàng xét thấy cần hoặc thích hợp để giúp ý kiến cho ngài về những vấn đề rất quan trọng. Sau các phiên họp, Đại hội trình các đề nghị hoặc quyết định lên Đức Giáo hoàng để ngài xem xét và chính ngài mới có quyết định chung cuộc. Như vậy, THĐGM có phần nào giống Công đồng chung, vì có đại diện của toàn thể hàng giám mục trên thế giới, do Đức Giáo hoàng triệu tập, và có sự hợp nhất với Đức Giáo hoàng là thủ lãnh của giám mục đoàn.
Tóm lại, THĐGM là: a) một định chế tại trung ương, b) đại diện cho toàn thể các giám mục trên thế giới, c) một định chế mang tính thường tồn, d) nhưng nhiệm vụ chỉ mang tính ngắn hạn trong một giai đoạn, e) có tính cách tư vấn, hoặc cũng có thể có quyền quyết định nếu Đức Giáo hoàng mời gọi và chuẩn y quyết định của THĐ.
Các loại Đại hội Thượng hội đồng
Có ba cách tổ chức Đại hội THĐ:
- Đại hội chung thường lệ: thông thường ba năm một lần ; thành viên phần đông là giám mục được các Hội đồng Giám mục chọn cho từng đại hội, ngoài ra còn có các thành viên được Đức Giáo hoàng chỉ định và một số thành viên do các Hội dòng giáo sĩ chọn.
- Đại hội chung ngoại lệ: được tổ chức để bàn về những vấn đề cần có một quyết định mau lẹ. Các thành viên được chọn như trong đại hội chung thường lệ.
- Đại hội đặc biệt: thảo luận về các vấn đề trong một miền. Các thành viên được chọn chủ yếu từ những miền mà THĐ muốn nhắm tới khi tổ chức Đại hội.
Nền tảng thần học
THĐGM được thiết lập trên nền tảng của mầu nhiệm hiệp thông trong Giáo hội. Tự bản chất, Giáo hội là sự hiệp thông, và hiệp đoàn các giám mục là một cách thế cơ bản và cụ thể để diễn tả và kiến tạo sự hiệp thông của Giáo hội hoàn vũ.
THĐ là nơi các giám mục đại diện cho các giám mục trên thế giới góp ý với Đức Giáo hoàng về những vấn đề liên quan đến đời sống đức tin và phong hóa, việc tuân giữ kỷ luật Giáo hội, và các hoạt động của Giáo hội trong thế giới.
Chính các giám mục tham dự THĐ có cơ hội sống kinh nghiệm hiệp thông một cách cụ thể. Các giám mục yêu thương và lắng nghe nhau, chia sẻ và an ủi nhau, giúp nhau sửa chữa những sai lỗi theo tinh thần huynh đệ. Mọi tham dự viên được sống thực tại Giáo hội một cách cụ thể nơi từng quốc gia, văn hóa, đại lục. Qua các bài phát biểu, các thành viên được sống kinh nghiệm đa dạng của các Giáo hội địa phương, nhiều khi là những kinh nghiệm đau thương và khó khăn. Mầu nhiệm Giáo hội trở thành thực tại sống động ngay trong các phiên họp của THĐ.
Từ những phát biểu của các nghị phụ, và đôi khi của anh chị em giáo dân nữa, có thể rút ra một cái nhìn chung: cái nhìn của Giáo hội. Các “Đề nghị” được trình lên Đức Giáo hoàng vào cuối mỗi THĐ cho dù chỉ mang tính tư vấn, nhưng tự nó nói lên một đức tin duy nhất, và sự đồng tâm nhất trí của Giáo hội (consensus Ecclesiae) không do kết quả của số phiếu, nhưng do tác động của Chúa Thánh Thần là linh hồn của Giáo hội.
Phương pháp làm việc
Diễn tiến của một THĐGM gồm có nhiều giai đoạn, nhưng tất cả đều phải dựa trên ý niệm cơ bản là tính hiệp đoàn. Phương pháp làm việc gồm có nhiều giai đoạn: vừa có phần phân tích và tổng hợp xen kẽ nhau, vừa tham khảo ý kiến rồi quyết định theo từng cấp và sau đó có phần phản hồi. Tuy nhiên, dù bất cứ ở giai đoạn nào, từ khi chuẩn bị cho đến lúc kết thúc, phải làm sao để biểu lộ tính hiệp đoàn một cách rõ nhất.
1. Bước đầu tiên để chuẩn bị một kỳ họp THĐGM là xin các Giáo hội Công giáo Đông phương, các Hội đồng Giám mục, các Bộ trong Giáo triều và Hiệp hội Bề trên Thượng cấp các dòng tu, gợi ý về các đề tài có thể sẽ được thảo luận. Thường thì trong những ngày cuối của Đại hội đang họp, các nghị phụ đã được tham khảo trước một cách không chính thức trong một phiên họp khoáng đại nào đó. Khi đề nghị các đề tài, các giám mục luôn lưu ý đến các tiêu chuẩn sau:
- đề tài mang tầm mức hoàn vũ, nghĩa là liên hệ đến toàn thể Giáo hội ;
- có tính cách thời sự và khẩn cấp, theo hướng tích cực, nghĩa là có thể khơi dậy những năng lực mới làm cho Giáo hội thăng tiến ;
- dựa trên một nền tảng giáo lý chắc chắn và nhắm đến một áp dụng mục vụ, đồng thời có tính khả thi.
Các gợi ý trên sẽ được một Ủy ban của Văn phòng Tổng thư ký THĐ sắp xếp, phân tích và nghiên cứu, và trình lên Đức Giáo hoàng kết quả làm việc của mình. Ngài sẽ xem xét và chính ngài sẽ quyết định về đề tài của THĐ.
2. Sau đó Ủy ban sẽ soạn thảo văn bản đầu tiên gọi là Đề cương (Lineamenta). Đây là công trình tập thể. Các thành viên trong Ủy ban, các nhà thần học, các chuyên viên về đề tài đã chọn, họp lại để đào sâu và giới thiệu đề tài của THĐ. Bản văn sẽ được trình lên Đức Giáo hoàng để ngài phê chuẩn, sau đó được dịch sang các ngôn ngữ thông dụng rồi gửi đến các giám mục, và các ngài sẽ phổ biến cho mọi thành phần Dân Chúa để học hỏi, đóng góp ý kiến và cầu nguyện. Các giám mục có nhiệm vụ tổng hợp các ý kiến để làm thành bản trả lời chính thức cho các câu hỏi được đặt ra trong “Đề cương”, sau đó gửi về Văn phòng Tổng thư ký.
3. Sau khi nhận được các bản trả lời, Ủy ban của Văn phòng Tổng thư ký THĐ sẽ cùng với các chuyên viên soạn thảo văn bản thứ hai gọi là Tài liệu làm việc (Instrumentum laboris). Đây là cơ sở và điểm qui chiếu để các nghị phụ thảo luận trong Đại hội. Do đó, bản văn chỉ mang tính cách tạm thời để thảo luận trong Đại hội, chứ không phải là phác thảo các kết luận chung cuộc. Sau khi được Đức Giáo hoàng phê chuẩn, “Tài liệu làm việc” sẽ được dịch sang các ngôn ngữ chính và được gửi đến các giám mục cũng như những ai sẽ dự các khóa họp THĐ. Từ năm 1983, “Tài liệu làm việc” được phổ biến rộng rãi cho mọi người.
4. Trong các phiên họp chính thức của THĐGM, các nghị phụ sẽ trình bày kinh nghiệm cũng như quan điểm của mỗi cộng đoàn, cùng với kết quả từ những cuộc thảo luận của các Hội đồng Giám mục.
Trước hết, Tổng tường trình viên (Rapporteur général) được Đức Giáo hoàng bổ nhiệm sẽ trình bày bản Tường trình sơ khởi (Rapport initial). Sau đó, các phiên họp của Đại hội sẽ chia ra làm ba giai đoạn:
- Giai đoạn đầu tiên: mỗi thành viên của THĐ trình bày về tình trạng của Giáo hội địa phương liên quan đến đề tài. Các Giáo hội địa phương có dịp trao đổi kinh nghiệm sống đức tin và văn hóa cho nhau, từ đó người ta có thể nhận ra một hình ảnh thực tế về tình trạng Giáo hội.
- Giai đoạn hai: dựa vào các bản trình bày trên, Tổng tường trình viên sẽ đưa ra một loạt câu hỏi để thảo luận trong các nhóm nhỏ được chia theo ngôn ngữ gọi là Circuli minores. Bản tường trình của mỗi Nhóm sẽ được đọc trong phiên họp khoáng đại. Nếu cần, các nghị phụ có thể xin giải thích thêm để làm sáng tỏ vấn đề.
- Giai đoạn ba có 5 việc phải làm. Trước hết, các Nhóm dựa trên những gì đã thảo luận để tóm tắt các ý kiến thành những đề nghị ngắn gọn rõ ràng. Thành viên của các nhóm có thể biểu quyết về các đề nghị ấy, chấp thuận hoặc không chấp thuận (placet / non placet). Kế đến, các đề nghị này sẽ được Tổng tường trình viên và vị Thư ký đặc biệt tổng hợp trong một bản thống nhất, và Tổng tường trình viên sẽ trình bày trong một phiên họp khoáng đại. Sau đó các Nhóm sẽ họp lại để thảo luận về các đề nghị của bản tường trình trên, và có thể đóng góp ý kiến để sửa chữa. Tiếp theo, Tổng tường trình viên và Thư ký đặc biệt sẽ xét xem có thể đưa các ý kiến của các Nhóm vào “Bản liệt kê các Đề nghị” (Propositions) không ; nếu không thì phải trình bày lý do trong một tài liệu gọi là “Nghiên cứu các ý kiến sửa chữa”. Sau hết “Bản liệt kê các Đề nghị” sẽ được trình bày trong phiên họp khoáng đại để các nghị phụ biểu quyết thuận hay không thuận.
5. Kết thúc Đại hội, Tổng tường trình viên sẽ sắp xếp toàn bộ dữ liệu và soạn thảo bản “Tường trình chung cuộc” (Rapport final) để đệ trình Đức Thánh Cha.
6. Không có qui định nào về văn kiện sau khi kết thúc THĐ. Từ Đại hội chung thường lệ lần thứ III (1974), thường Đức Giáo hoàng sẽ nghiên cứu “Các Đề Nghị” để soạn thảo một Tông huấn hậu THĐ. Từ THĐ 1987, có nhiều Ủy ban được thành lập, như Ủy ban Thường trực của Văn phòng Tổng thư ký, Ủy ban hậu THĐ, Ủy ban tiền THĐ, nhằm đem lại những kết quả tốt nhất cho THĐ.
Như vậy, toàn thể diễn tiến của THĐ được thực hiện theo phương pháp hiệp đoàn. Do đó, để THĐ thực sự đem lại lợi ích cho Giáo hội, các cá nhân cũng như các tập thể trong Giáo hội cần tích cực tham gia và đóng góp ý kiến khi được mời gọi.
Các Đại hội đã được triệu tập
Có 24 Đại hội THĐGM đã nhóm họp, và Đại hội thứ 25 họp trong tháng 10 năm nay.
1. Đại Hội Chung Thường Lệ Lần I
- Thời gian: từ 29-9 đến 29-10-1967
- Số nghị phụ: 197
- Đề tài: “Gìn giữ và củng cố đức tin công giáo”.
- Điểm đặc biệt của Đại hội này là ĐTC Phaolô VI chấp thuận đề nghị của THĐ để thành lập Ủy ban Thần học Quốc tế vào năm 1969. Đại hội cũng đề nghị duyệt xét lại bộ giáo luật 1917, một ít điểm về công cuộc đào tạo linh mục, hôn nhân hỗn hợp, và về phụng vụ.
2. Đại Hội Chung Ngoại Lệ I
- Thời gian: từ 11 đến 28-10-1969
- Số nghị phụ: 146
- Đề tài: “ Sự hợp tác giữa Tòa Thánh và các Hội đồng Giám mục”
- Ngoài nội dung chính của đề tài, Đại hội đề nghị và được Đức Thánh Cha chấp thuận để THĐ sẽ họp đều đặn 2 năm một lần, về sau đổi thành 3 năm một lần.
3. Đại Hội Chung Thường Lệ Lần II
- Thời gian: từ 30-9 đến 6-11-1971
- Số nghị phụ: 210
- Đề tài: “Chức tư tế thừa tác và công bình trong thế giới”
- Các nghị phụ thảo luận về những khó khăn của các linh mục khi thi hành tác vụ, và đề ra chương trình hành động của Giáo hội để cổ võ sự công bình ở tầm mức quốc gia và quốc tế.
4. Đại Hội Chung Thường Lệ Lần III
- Thời gian: từ 27-9 đến 26-10-1974
- Số nghị phụ: 209
- Đề tài: “Loan báo Tin Mừng trong thế giới hôm nay”
- Điểm đặc biệt: vấn đề “giải phóng”, một đề tài thời sự lúc đó, đã được liên kết với việc phúc âm hóa, đó là giải phóng con người khỏi tội lỗi. ĐTC Phaolô VI đã dựa trên các đề nghị của Đại hội để công bố tông huấn “Loan báo Tin Mừng” (Evangelii Nuntiandi) vào ngày 8-12-1975.
5. Đại Hội Chung Thường Lệ Lần IV
- Thời gian: từ 30-9 đến 29-10-1977
- Số nghị phụ: 204
- Đề tài: “Việc dạy giáo lý hiện nay”
- Kết thúc Đại hội, THĐ lần đầu tiên công bố “Sứ điệp gửi Dân Chúa” nhấn mạnh Đức Kitô là trung tâm của ơn cứu độ và mọi Kitô hữu có trách nhiệm đem Đức Kitô cho thế giới. Sau đó, ngày 17-10-1979, ĐTC Gioan-Phaolô II công bố tông huấn “Dạy Giáo lý” (Catechesi tradendae).
6. Đại Hội Đặc Biệt Về Hà Lan
- Thời gian: từ 14 đến 31-1-1980
- Số nghị phụ: 19
- Đề tài: “Tình trạng mục vụ tại Hà Lan”
- Các nghị phụ bàn về mầu nhiệm hiệp thông của Giáo hội, vai trò của giám mục trong giáo phận cũng như trong Hội đồng Giám mục. Đại hội đã dựa trên Công đồng Vatican II để đưa ra các hướng dẫn liên quan đến chức tư tế thừa tác, đời sống thánh hiến, vai trò giáo dân, các bí tích, huấn giáo và đại kết.
7. Đại Hội Chung Thường Lệ Lần V
- Thời gian: từ 26-9 đến 25-10-1980
- Số nghị phụ: 216
- Đề tài: “Gia đình Kitô hữu”
- THĐ tái khẳng định lập trường của Giáo hội về tính bất khả phân ly của hôn nhân và về thông điệp “Sự sống con người” (Humanae Vitae). Các nghị phụ đề nghị Bản “Hiến chương về quyền của gia đình”, sau này sẽ được ĐTC Gioan-Phaolô II công bố ngày 22-10-1983. Trước đó, ngày 22-11-1981, ngài công bố tông huấn “Đời sống gia đình” (Familiaris Consortio) như là kết quả của đại hội THĐ.
8. Đại Hội Chung Thường Lệ Lần VI
- Thời gian: từ 29-9 đến 29-10-1983
- Số nghị phụ: 221
- Đề tài: “Hòa giải và Sám hối trong sứ mạng của Giáo hội”
- Đại hội được tổ chức trùng hợp với Năm Thánh kỷ niệm 1950 năm Chúa Giêsu chịu chết để cứu chuộc thế gian. Các nghị phụ mời gọi thế gian “hòa giải” và tuyên bố “Giáo hội là bí tích của sự hòa giải và dấu chỉ lòng thương xót của Thiên Chúa đối với tội nhân”. Đức Thánh Cha đón nhận kết quả làm việc của Đại hội để từ đó công bố tông huấn hậu THĐ “Hòa giải và sám hối” (Reconciliatio et paenitentia). Đây là lần đầu tiên có tên gọi “Tông huấn hậu Thượng Hội Đồng”.
9. Đại Hội Chung Ngoại Lệ Lần II
- Thời gian: từ 24-11 đến 9-12-1985
- Số nghị phụ: 165
- Đề tài: “Hai mươi năm sau khi bế mạc Công đồng Vaticanô II”
- Điểm đặc biệt của Đại hội lần này là các Chủ tịch của các Hội đồng Giám mục là thành phần chính yếu, nhằm xem xét việc áp dụng các văn kiện của Công đồng Vatican II. Cuối Đại hội, các nghị phụ soạn một bản “Tường trình chung cuộc” (Relatio finalis) . Theo đề nghị của THĐ, Đức Thánh Cha đã cho soạn lại và đã công bố “Sách Giáo lý của Hội Thánh Công giáo” vào ngày 11-10-1992. Ngoài ra, các nghị phụ đề nghị nghiên cứu thêm về qui chế của các Hội đồng Giám mục. ĐTC Gioan-Phaolô II chấp thuận và ngày 21-5-1998 đã công bố dưới hình thức Tự sắc một tông thư về bản chất thần học và pháp lý của các Hội đồng Giám mục.
10. Đại Hội Chung Thường Lệ Lần VII
- Thời gian: từ 1 đến 30-10-1987
- Số nghị phụ: 232
- Đề tài: “Ơn gọi và sứ mệnh của giáo dân trong Giáo hội và trong thế giới”
- Vì đề tài bàn về giáo dân, nên trong Đại hội lần này, giáo dân được mời làm dự thính viên, phát biểu trong Đại hội và chia sẻ quan điểm trong các nhóm. Lần đầu tiên có hai giáo dân, một nam và một nữ, được chỉ định làm Thư ký đặc biệt. Ngày 30-12-1988, ĐTC Gioan-Phaolô II công bố tông huấn hậu THĐ “Kitô hữu giáo dân” (Christifideles laici).
11. Đại Hội Chung Thường Lệ Lần VIII
- Thời gian: từ 30-9 đến 28-10-1990
- Số nghị phụ: 238
- Đề tài: “Đào tạo linh mục trong hoàn cảnh hiện nay”
- Đại hội THĐ năm 1971 đã bàn về chức tư tế, nhưng nhấn mạnh khía cạnh thần học. Còn Đại hội lần này tập trung nhiều hơn vào khía cạnh mục vụ: quá trình đào tạo chính con người linh mục, trước và sau khi thụ phong. Ngày 25-3-1992, ĐTC Gioan-Phaolô II công bố tông huấn hậu THĐ “Ta sẽ ban cho các ngươi những mục tử” (Pastores Dabo Vobis).
12. Đại Hội Đặc Biệt Về Châu Âu Lần I
- Thời gian: từ 28-11 đến 14-12-1991
- Số nghị phụ: 137
- Đề tài: “Để chúng ta trở nên chứng nhân của Đức Kitô, Đấng giải thoát chúng ta”
- Trước những biến cố lịch sử lớn tại châu Âu, Đại hội Đặc biệt này thảo luận xem Giáo hội có vai trò nào trong việc canh tân và tái thiết châu Âu. Qui chế THĐ được điều chỉnh để làm sao có thêm nhiều đại biểu giám mục của Trung Âu và Đông Âu. Trong thời gian chuẩn bị, Hội đồng Giáo hoàng về Văn hóa đã tổ chức một hội nghị dành cho những nhà trí thức. Điều đặc biệt là trong Đại hội này, lần đầu tiên các đại diện của Giáo hội Chính Thống và các cộng đoàn Kitô giáo chính tại châu Âu cũng được mời với danh nghĩa là “Đại biểu anh em”. Kết thúc Đại hội, các nghị phụ đã công bố một “Tuyên ngôn” kêu gọi tân phúc âm hóa cho châu Âu và mời gọi mọi công dân châu Âu liên đới với nhau.
13. Đại Hội Đặc Biệt Về Châu Phi Lần I
- Thời gian: từ 10-4 đến 8-5-1994
- Số nghị phụ: 242
- Đề tài: “Giáo hội tại châu Phi và sứ mạng phúc âm hóa hướng đến năm 2000: "Anh em sẽ là chứng nhân của Thầy" (Cv 1, 8)”
- THĐ này được Đức Thánh Cha công bố từ năm 1989, nhưng mãi đến năm 1994 mới nhóm họp, vì cần thời gian chuẩn bị, cầu nguyện và suy tư sâu xa ở tầm mức địa phương. Có nhiều yếu tố của các truyền thống phụng vụ châu Phi được hội nhập vào nghi lễ khai mạc và kết thúc. Ngày 14-9-1995, nhân chuyến viếng thăm châu Phi, Đức Thánh Cha đã công bố tông huấn hậu THĐ “Giáo hội tại châu Phi” (Ecclesia in Africa).
14. Đại Hội Chung Thường Lệ Lần IX
- Thời gian: từ 2 đến 29-10-1994
- Số nghị phụ: 245
- Đề tài: “Đời sống thánh hiến và sứ mệnh trong Giáo hội và trong thế giới”
- Sau các THĐ về linh mục và giáo dân, đây là Đại hội tập trung vào bậc tu sĩ. Các nghị phụ lắng nghe nhiều dự thính viên là nam nữ tu sĩ phát biểu. Có một nam tu sĩ và một nữ tu được bổ nhiệm làm Thư ký đặc biệt, cũng như có rất nhiều tu sĩ nam và nữ được mời làm chuyên viên của THĐ. Tông huấn hậu THĐ “Đời sống thánh hiến” (Vita consecrata) được công bố ngày 25-3-1996.
15. Đại Hội Đặc Biệt Về Liban
- Thời gian: từ 26-11 đến 14-12-1995
- Số nghị phụ: 69
- Đề tài: “Đức Kitô là niềm hy vọng của chúng ta: được Thần Khí đổi mới, chúng ta liên đới để làm chứng về tình yêu của Đức Kitô”
- Cuộc chiến kéo dài tại Liban đã tạo nên những khó khăn bất ổn cho Giáo hội tại đất nước này. Thời gian chuẩn bị THĐ kéo dài từ năm 1991 đến 1995 để các giáo phận và tổ chức trong Giáo hội tại Liban cầu nguyện và suy tư thấu đáo. Sau khi Đại hội kết thúc, Đức Thánh Cha đã công bố tông huấn hậu THĐ “Một niềm hy vọng mới cho Liban” (Une nouvelle espérance pour le Liban). Sau đó, một Ủy ban hậu THĐ được thiết lập để lượng định xem tông huấn đã tác động thế nào và được thực hiện ra sao. Hằng năm Ủy ban Đặc biệt nhóm họp để lượng giá tình hình tại Liban.
16. Đại Hội Đặc Biệt Về Châu Mỹ
- Thời gian: từ 16-11 đến 12-12-1997
- Số nghị phụ: 233
- Đề tài: “Gặp gỡ Đức Kitô hằng sống - con đường hoán cải, hiệp thông và liên đới tại châu Mỹ”
- Để chuẩn bị cho Năm Thánh 2000, sau THĐ về châu Âu và châu Phi, Đại hội Đặc biệt lần này dành cho châu Mỹ. Tông huấn hậu THĐ “Giáo hội tại châu Mỹ” (Ecclesia in America) được Đức Thánh Cha ký ngày 22-1-1999. Sau đó, Ủy ban Đặc biệt hậu THĐ nhóm họp thường xuyên để động viên các giám mục thực hiện tông huấn.
17. Đại Hội Đặc Biệt Về Châu Á
- Thời gian: từ 19-4 đến 14-5-1998
- Số nghị phụ: 191
- Đề tài: “Đức Giêsu Kitô, Đấng Cứu độ, và sứ mệnh yêu thương và phục vụ của Ngài tại châu Á: "…để họ được sống và sống sung mãn" (Ga 10, 10)”
- Châu Á là một đại lục bao la với nhiều tôn giáo lớn, mà Giáo hội lại chỉ là một đoàn chiên nhỏ bé nhưng sống động. Các nghị phụ nhấn mạnh đến Đức Giêsu là Đấng Cứu độ duy nhất, và Giáo hội cần tiếp tục sứ mạng của Ngài là yêu thương và phục vụ. Tông huấn hậu THĐ “Giáo hội tại châu Á” (Ecclesia in Asia) đã được Đức Thánh Cha ký ngày 6-11-1999 và được ngài công bố tại Tân Delhi, Ấn Độ. Một ủy ban hậu THĐ được thiết lập để thường xuyên lượng giá và thúc đẩy việc thực thi tông huấn.
18. Đại Hội Đặc Biệt Về Châu Đại Dương
- Thời gian: từ 22-11 đến 12-12-1998
- Số nghị phụ: 117
- Đề tài: “Đức Giêsu Kitô và các dân tộc tại châu Đại Dương: đi theo đường của Ngài, công bố chân lý của Ngài, sống sự sống của Ngài”
- Điểm đặc biệt của Đại hội lần này là tất cả các giám mục trong miền đều được mời tham dự. Để thực hiện điều này, Đại hội THĐ và cuộc viếng thăm “ad limina” được sắp xếp trùng thời gian. Ngày 22-11-2001, Đức Thánh Cha công bố tông huấn hậu THĐ “Giáo hội tại châu Đại Dương” (Ecclesia in Oceania). Lần đầu tiên, Đức Thánh Cha công bố tông huấn bằng cách dùng đường internet để gửi đến các giáo phận. Năm 2003, một Ủy ban hậu THĐ cũng đã họp để lượng giá việc thực thi tông huấn.
19. Đại Hội Đặc Biệt Về Châu Âu Lần II
- Thời gian: từ 1 đến 23-10-1999
- Số nghị phụ: 117
- Đề tài: “Đức Giêsu Kitô hằng sống trong Giáo hội, nguồn mạch hy vọng cho châu Âu”
- Đây là Đại hội cuối cùng trong số các Đại hội Đặc biệt cho từng miền để chuẩn bị Năm Thánh 2000. Dù Đại hội về châu Âu lần I chưa được 10 năm, nhưng nhiều biến chuyển về chính trị, văn hóa và xã hội, cùng với kế hoạch thống nhất châu Âu, đã tạo nên những thách đố mới cho mục vụ. Ngày 28-6-2003, tại Vatican, Đức Thánh Cha công bố tông huấn hậu THĐ “Giáo hội tại châu Âu” (Ecclesia in Europa). Để thúc đẩy việc thực hiện tông huấn, một Ủy ban hậu THĐ cũng đã được thiết lập.
20. Đại Hội Chung Thường Lệ Lần X
- Thời gian: từ 30-9 đến 27-10-2001
- Số nghị phụ: 247
- Đề tài: “Giám mục: người phục vụ Tin Mừng của Đức Giêsu Kitô để đem hy vọng cho thế giới”
- Nhân dịp kỷ niệm 25 năm trong vai trò Mục tử của Giáo hội hoàn vũ, ĐTC Gioan-Phaolô II công bố tông huấn hậu THĐ “Mục tử đoàn chiên” (Pastores gregis) ngày 16-10-2003.
21. Đại Hội Chung Thường Lệ Lần XI
- Thời gian: từ 2 đến 23-10-2005
- Số nghị phụ: 258
- Đề tài: “Thánh Thể: nguồn mạch và đỉnh cao của đời sống và sứ mệnh Giáo hội”
- Ngày 29-11-2003, ĐTC Gioan-Phaolô II đã quyết định triệu tập Đại hội này. Sau khi được bầu làm giáo hoàng, ĐTC Bênêđictô XVI quyết định tiếp tục thực hiện chương trình như đã dự tính, nhưng với các thay đổi sau: rút ngắn thời gian Đại hội còn 3 tuần ; thêm một giờ thảo luận tự do sau phiên họp khoáng đại vào buổi chiều ; các nghị phụ bỏ phiếu bằng hình thức điện tử thay vì viết giấy ; công bố “Các Đề nghị” bằng bản dịch tiếng Ý. Ngày 22-2-2007 Đức Thánh Cha công bố tông huấn hậu THĐ “Bí tích Tình yêu” (Sacramentum Caritatis).
22. Đại Hội Chung Thường Lệ Lần XII
- Thời gian: từ 5 đến 26-10-2008
- Số nghị phụ: 253
- Đề tài: “Lời Chúa trong đời sống và sứ mệnh của Giáo hội”
Lời Chúa và Thánh Thể có mối tương quan nội tại, nên Đại hội lần này chính là tiếp nối Đại hội lần trước. Điểm đặc biệt là THĐ về Lời Chúa diễn ra trong bối cảnh “Năm Phaolô” ; kế đến, đây là lần đầu tiên một Rabbi được mời phát biểu trước các nghị phụ, và Đức Bartôlômêô I, Thượng phụ Constantinople, cũng được mời ngỏ lời với các tham dự viên, trước mặt Đức Thánh Cha, trong giờ Kinh Chiều tại nhà nguyện Sixtine. Tông huấn hậu THĐ “Lời Chúa” (Verbum Domini) được Đức Thánh Cha công bố ngày 30-9-2010 tại Rôma.
23. Đại Hội Đặc Biệt Về Châu Phi Lần II
- Thời gian: từ 4 đến 25-10-2009
- Số nghị phụ: 224
- Đề tài: “Giáo hội tại châu Phi phục vụ sự hòa giải, công lý và hòa bình. "Anh em là muối đất… Anh em là ánh sáng cho thế gian" (Mt 5, 13.14)”
- Các tiêu chuẩn chọn nghị phụ được thích nghi để có càng nhiều nghị phụ càng tốt. Trước những thực tại chính trị, xã hội và văn hóa của lục địa, Đại hội đã thảo luận để xem Giáo hội có thể làm gì để phục vụ cho sự hòa giải, công lý và hòa bình, do đó nhiều người coi đây là THĐ của sự phục sinh và niềm hy vọng. Ngoài ra, vì nội dung tập trung vào sứ mạng của Giáo hội, nên Đại hội cũng được đánh giá là THĐ của lễ Hiện Xuống Mới. 57 Đề Nghị đã được trình lên Đức Thánh Cha để ngài có dữ liệu soạn thảo tông huấn hậu THĐ.
24. Đại Hội Đặc Biệt về Trung Đông
- Thời gian: từ 10 đến 24-10-2010
- Số nghị phụ: 160
- Đề tài: “Giáo hội Công giáo tại Trung Đông: hiệp thông và làm chứng. "Các tín hữu đông đảo mà chỉ có một lòng một ý" (Cv 4, 32)”.
- Tham dự Đại hội THĐ lần này, có các thượng phụ và giám mục của các Giáo hội Chaldée, Hy Lạp, Copte, Syrie, Maronite, Arménie, dĩ nhiên có cả Thượng phụ Công giáo Latinh tại Giêrusalem. Các tín hữu vùng Trung Đông chịu nhiều thử thách từ nhiều năm qua, ao ước được sống bình an trong tương quan với người Do Thái và Hồi giáo. Ngày 14-09-2012, trong chuyến tông du Liban, ĐTC Bênêđictô XVI đã đến Vương cung Thánh đường thánh Phaolô ở thị trấn Harissa, cách thủ đô Beirut 20km, để chủ tọa nghi thức ký và công bố tông huấn hậu THĐ “Giáo hội tại Trung Đông” (Ecclesia in Medio Oriente).
25. Đại Hội Chung Thường Lệ Lần XIII
Thế giới ngày nay đang có nhiều thay đổi sâu xa về văn hóa và xã hội khiến nhiều Kitô hữu xa rời đức tin. ĐTC Bênêđictô XVI muốn triệu tập THĐ về tân phúc âm hóa như là một nỗ lực nhằm tạo nhiệt huyết mới cho đức tin của các Kitô hữu để họ trở thành chứng nhân cho Đức Kitô.
Do đó Đại hội này:
- có đề tài là: “Tân phúc âm hóa để thông truyền đức tin Kitô giáo”,
- họp từ 7 đến 28-10-2012,
- trùng hợp với việc kỷ niệm 50 năm ngày khai mạc Công đồng chung Vatican II (12-10-1962) và 20 năm ngày công bố “Sách Giáo lý của Hội Thánh Công Giáo” (12-10-1992).[3]
Định chế THĐ được thiết lập như một dấu chỉ và đồng thời cũng là phương thế để củng cố sự hiệp thông trong Giáo hội. Mỗi THĐ đều là một biến cố của ân sủng, qua đó Chúa Thánh Thần không ngừng dẫn dắt Giáo hội xuyên qua những nẻo đường của lịch sử đan xen giữa ánh sáng và bóng tối, cơ may và nghịch cảnh, để Giáo hội từng bước thấm nhập vào thế giới và biến đổi thế giới từ bên trong như men trong bột, âm thầm nhưng sâu xa, tiệm tiến nhưng toàn diện.
Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGM VN, Số 73 (Tháng 11 & 12 năm 2012)
[1] Theo cách dịch của Bản dịch Bộ Giáo luật 1983 do Hội đồng Giám mục Việt Nam xuất bản năm 2007.
[2] Bài viết này dựa trên: Bureau de Presse du Saint-Siège, Synode des évêques - Information générale synodale, tại http://www.vatican.va/news_services/press/documentazione/documents/sinodo/sinodo_documentazione-generale_fr.html; Ordo Synodi Episcoporum, được ĐTC Bênêđictô XVI sửa đổi và ban hành ngày 29-9-2006 ; Giáo luật 1983, cc. 342-348.
[3] (Ban biên tập): Từ năm 2012 đến năm 2021, có thêm 4 Thượng Hội Đồng đã được tổ chức:
26. Đại Hội Chung Ngoại Lệ Lần III: từ 5-19 tháng Mười, 2014 tại Vatican và chủ đề là “Các thách đố mục vụ của gia đình trong bối cảnh Phúc âm hóa”
27. Đại Hội Chung Thường Lệ Lần XIV: từ 4-25 tháng Mười, 2015 tại Vatican và chủ đề là “Gia đình – Ơn gọi và sứ mạng trong Giáo hội và Thế giới”
28. Đại Hội Chung Thường Lệ Lần XV: từ 3-28 tháng Mười, 2018 tại Vatican và chủ đề là ““Người trẻ, đức tin, và sự phân định ơn gọi”
29. Đại Hội Đặc Biệt về vùng Amazon: từ 6-27 tháng Mười, 2019 tại Vatican và chủ đề là “Amazon: Những con đường mới cho Giáo hội và cho một nền sinh thái toàn diện”
Đại Hội Chung Thường Lệ Lần XVI với chủ đề "Hướng tới một Hội Thánh hiệp hành: hiệp thông, tham gia, sứ vụ" đang được tổ chức.
bài liên quan mới nhất
- Thượng hội đồng vì một Giáo hội với những mối quan hệ hài hòa hơn
-
Buổi họp báo về Thượng Hội đồng – Ngày 8/10: Quyên góp được 62 nghìn euro, đã chuyển đến giáo xứ tại Gaza -
Giới thiệu Bản tin Hiệp Thông của HĐGMVN số 143 (tháng 9 & 10 năm 2024): Nữ giới tham gia vào đời sống Giáo hội -
Buổi họp báo về Thượng Hội đồng – Ngày 7/10: Cuộc họp mặt ôm lấy nỗi đau của những người đang chịu cảnh chiến tranh -
Bài phát biểu khai mạc Đại hội Thượng Hội Đồng 10/2024 của Đức Hồng Y Carlos Aguiar Retes (05/10/2024) -
Bài phát biểu khai mạc Đại hội Thượng Hội Đồng 10/2024 của Đức Hồng Y Jean-Claude Hollerich -
Buổi họp báo về Thượng Hội đồng – Ngày 4: “Chúng ta phải vượt qua nỗi sợ hãi lẫn nhau” -
Toàn văn Bài phát biểu khai mạc của Đức Hồng Y Mario Grech -
Buổi báo cáo của Thượng Hội đồng - Ngày 3: Lời mời gọi lắng nghe mọi người -
Suy niệm tĩnh tâm Thượng Hội đồng bài 4 - Phục sinh và cuộc trò chuyện trong bữa sáng (Ga 21,15-25) (04/10/2024)
bài liên quan đọc nhiều
- Hiệp hành là lối sống của Hội Thánh
-
Từ Roma, Đức cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng chia sẻ về Thượng Hội đồng Giám mục -
ĐTC Phanxicô: Chúa Thánh Thần hướng dẫn chúng ta tiến đến hòa hợp và tôn trọng lắng nghe nhau -
Thư gửi dân Chúa của Đại hội Thường kỳ lần thứ XVI - Thượng Hội đồng Giám mục -
Thư của Đại hội thường lệ lần thứ XVI của Thượng Hội đồng Giám mục gửi Dân Chúa -
Phỏng vấn linh mục Việt Nam tham gia Cuộc gặp gỡ quốc tế các cha xứ với Thượng hội đồng -
Đại hội Thượng Hội đồng Giám mục sẽ công bố “Thư gửi Dân Chúa” vào ngày 25/10/2023 -
Hướng tới việc xây dựng Cộng đoàn Giáo hội tại Giáo xứ theo mô hình Giáo hội hiệp thông - tham gia - sứ vụ -
Kinh cầu cho Thượng Hội đồng Giám mục 2023 -
Ý nghĩa Logo chính thức của Thượng Hội đồng Giám mục về con đường hiệp hành