Điều gì xảy ra sau khi Đức Giáo hoàng qua đời?

Điều gì xảy ra sau khi Đức Giáo hoàng qua đời?

Điều gì xảy ra sau khi Đức Giáo hoàng qua đời?

TGPSG / VATICAN NEWS (23.4.2025) – Việc Đức Giáo hoàng qua đời đánh dấu khởi đầu của một loạt sự kiện dẫn đến việc triệu tập Mật nghị Hồng y và cuộc bầu chọn người Kế vị mới của Thánh Phêrô. Dưới đây là trình tự cụ thể của các sự kiện dẫn đến việc bầu chọn ra một Giáo hoàng mới.

Nhưng điều gì thực sự diễn ra tại Vatican trong thời kỳ Sede Vacante hay Tông Tòa trống ngôi ?

Những thay đổi chính được ban hành vào năm 1996 qua Tông hiến Universi Dominici Gregis
Được Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II ban hành ngày 22 tháng 2 năm 1996, dịp lễ kính Ngai tòa Thánh Phêrô, Tông hiến Universi Dominici Gregis (UDG) đã sửa đổi và cập nhật các quy định hiện hành liên quan đến việc kế vị Tông Tòa Thánh Phêrô, vốn trước đó được điều chỉnh bởi Tông hiến Romano Pontifici Eligendo của Đức Giáo hoàng Phaolô VI (1975).

Tông hiến này được chia thành hai phần chính:

- Phần thứ nhất quy định về thời kỳ Tông Tòa trống ngôi, tức là khoảng thời gian giữa lúc quyền cai quản Giáo hội của Giáo hoàng chấm dứt và việc bầu chọn người kế vị.

- Phần thứ hai xác định các thủ tục chuẩn bị và tiến hành cuộc bầu chọn Giáo hoàng Rôma.

Như được nêu trong phần Mở đầu, việc sửa đổi các quy định này được thúc đẩy bởi “nhận thức về bối cảnh thay đổi của Giáo hội ngày nay và nhu cầu xem xét đến cuộc cải tổ toàn bộ Giáo luật [...] vốn được gợi hứng từ Công đồng Vatican II. [...] Trong khi lưu tâm đến các nhu cầu của thời đại hôm nay, tôi đã cẩn trọng khi thiết lập những quy tắc mới để không đi chệch khỏi truyền thống khôn ngoan và đáng kính đã được thiết lập từ trước. (UDG, trang 4-5)

Tông hiến này phần nào xác nhận lại những quy định đã có trước đó liên quan đến việc bầu chọn Đức Giáo hoàng mới.

Những điểm chính yếu:

Hồng y đoàn vẫn là cơ quan có trách nhiệm bầu chọn Giáo hoàng, tiếp nối thông lệ đã có từ hàng ngàn năm được chuẩn nhận rõ ràng trong các quy tắc giáo luật:

“Dù rằng theo tín lý đức tin, quyền tối thượng của Giáo hoàng xuất phát trực tiếp từ Đức Kitô, Đấng mà ngài là Đại diện hữu hình trên trần thế, thì cũng chắc chắn rằng quyền tối thượng này trong Giáo hội được trao cho ngài do việc bầu chọn hợp pháp mà ngài đã chấp nhận, cùng với sự tấn phong giám mục.” (UDG, trang 5)

Tính đến ngày 21.4.2025, Hồng y đoàn252 vị, trong đó có 135 Hồng y cử tri (dù Tông hiến Universi Dominici Gregis quy định con số tối đa là 120 vị), có 108 vị được Đức Giáo hoàng Phanxicô bổ nhiệm, và có 117 vị không còn quyền bầu chọn.

Những vị đã tròn 80 tuổi vào ngày bắt đầu thời kỳ Tông Tòa trống ngôi sẽ không còn quyền tham dự cuộc bầu chọn. Tuy nhiên, các Hồng y trên 80 tuổi vẫn có thể tham dự các phiên họp chuẩn bị (Các Phiên họp Toàn thể được tổ chức trước khi tiến hành cuộc bầu chọn).

Cử chi đoàn bầu Giáo hoàng chỉ bao gồm các vị Hồng y:

“Nơi họ, ta nhận thấy một sự tổng hợp đặc biệt về hai khía cạnh làm nên căn tính và sứ vụ của Giáo hoàng Rôma: Rôma, vì ngài là Giám mục của Giáo hội tại Rôma, nên có sự gắn bó mật thiết với hàng giáo sĩ của Thành đô này, được thể hiện qua các Hồng y thuộc các đẳng linh mục và phó tế của Rôma, cũng như các Hồng y đẳng Giám mục của các giáo phận ngoại thành Rôma; và Giáo hoàng của Giáo hội hoàn vũ, vì ngài được kêu gọi trở thành dấu chỉ hữu hình của Đấng Mục tử vô hình, Đấng hướng dẫn toàn thể đoàn chiên đến đồng cỏ sự sống đời đời. Tính hoàn vũ của Giáo hội được thể hiện rõ nét ngay trong thành phần của Hồng y đoàn, với các thành viên đến từ mọi châu lục.” (UDG, trang 6)

 

Mật nghị Hồng y, như một “định chế lâu đời,” tiếp tục là nơi diễn ra cuộc bầu chọn vị tân Giáo hoàng. Đức Gioan Phaolô II đã tái khẳng định cấu trúc thiết yếu của mật nghị và quy định rằng toàn bộ cuộc bầu chọn chỉ được diễn ra trong Nhà nguyện Sistine thuộc Dinh Tông Tòa:

“Một cuộc nghiên cứu lịch sử cẩn trọng xác nhận rằng định chế này hoàn toàn phù hợp với hoàn cảnh đã dẫn đến sự hình thành và phát triển của nó theo thời gian, đồng thời vẫn tiếp tục chứng tỏ tính hữu ích trong việc đảm bảo quá trình bầu chọn diễn ra có trật tự, nhanh chóng và thích hợp, đặc biệt trong những thời kỳ căng thẳng và biến động. Chính vì lý do này, trong khi thừa nhận rằng các nhà thần học và giáo luật qua mọi thời đại đều đồng ý rằng định chế này không phải là yếu tố tất yếu để cuộc bầu chọn Giáo hoàng hợp lệ, tôi xác nhận qua Tông hiến này rằng Mật nghị Hồng y sẽ tiếp tục tồn tại với cấu trúc thiết yếu của nó.” (UDG, trang 8)

“Xét đến tính thánh thiêng của việc bầu chọn này, cũng như nhu cầu phải tiến hành trong một bối cảnh thích hợp, nơi mà một mặt, các cử hành phụng vụ có thể được kết hợp hài hòa với các thủ tục pháp lý, và mặt khác, các Hồng y cử tri có thể dễ dàng mở lòng đón nhận những tác động nội tâm của Chúa Thánh Thần, tôi quyết định rằng cuộc bầu chọn sẽ tiếp tục diễn ra tại Nhà nguyện Sistine. Tại đây, mọi yếu tố đều giúp các cử tri ý thức sâu sắc về sự hiện diện của Thiên Chúa, trước nhan Ngài, mỗi người chúng ta sẽ phải chịu phán xét trong ngày sau hết.” (UDG, trang 9)

Như trong quá khứ, nhu cầu bảo vệ việc bầu chọn Giáo hoàng Rôma khỏi những ảnh hưởng từ bên ngoài và trao phó việc này cho một thể chế bầu chọn được xác định trước và có đủ tư cách vẫn luôn được nhìn nhận.

Hơn nữa, các quy trình của Mật nghị Hồng y không chỉ nhằm bảo đảm sự tự do, mà còn nhằm bảo vệ sự độc lập trong phán đoán của từng vị Hồng y cử tri, giúp các ngài tránh khỏi sự tò mò quá mức và những áp lực không phù hợp.

Ba thay đổi chính yếu được Tông hiến Universi Dominici Gregis thiết lập:

1. Trong suốt thời gian diễn ra cuộc bầu chọn, nơi cư trú của các Hồng y cử tri, cũng như của những người có nhiệm vụ hỗ trợ đảm bảo tiến trình bầu chọn diễn ra đúng quy định, được ấn định là tại Nhà trọ Thánh Marta trong Thành Vatican (UDG, Số 42). Trước đây, các hồng y không được rời khỏi Nhà nguyện Sistine trong toàn bộ thời gian bỏ phiếu.

2. Các Hồng y cử tri chỉ có thể bầu chọn Giáo hoàng bằng hình thức bỏ phiếu kín (UDG, trang 9). Quy định này bãi bỏ các hình thức bầu chọn trước kia như: bầu chọn bằng cách tán đồng theo kiểu cảm hứng, không còn phù hợp để diễn tả ý kiến của một Hồng y đoàn với số lượng đông đảo và xuất thân từ nhiều nền văn hóa khác nhau; đồng thời cũng bãi bỏ hình thức bầu chọn qua ủy quyền, vốn khó thực hiện và có xu hướng làm giảm trách nhiệm cá nhân của từng cử tri, những người theo hình thức này sẽ không trực tiếp bày tỏ ý kiến lựa chọn của mình. (UDG, trang 9). Theo hình thức này, nếu sau nhiều vòng bỏ phiếu vẫn không có ứng viên nào đạt đủ đa số cần thiết, các Hồng y cử tri có thể đồng thuận tuyệt đối để tiến hành một thỏa thuận, áp dụng một tiêu chí đa số khác.

3. Về số phiếu cần thiết để cuộc bầu chọn Giáo hoàng thành sự, Số 75 của Tông hiến Universi Dominici Gregis ban đầu quy định rằng sau vòng bỏ phiếu thứ 33 hoặc 34, nếu vẫn chưa đạt được sự đồng thuận, thì có thể chuyển sang hình thức bầu với đa số tuyệt đối là đủ. Tuy nhiên, quy định này đã được Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI sửa đổi qua Tự sắc Aliquibus mutationibus in normis de electione Romani Pontificis, được ký ngày 11 tháng 6 năm 2007 và có hiệu lực từ ngày 26 cùng tháng. Tự sắc này khôi phục quy định truyền thống rằng, để việc bầu tân Giáo hoàng có hiệu lực, luôn luôn cần đạt đa số hai phần ba số phiếu của các Hồng y cử tri hiện diện.

Tông Tòa trống ngôi

Thuật ngữ "Sede Vacante" (tiếng Latinh có nghĩa là “Tông Tòa trống ngôi”) chỉ khoảng thời gian giữa việc kết thúc sứ vụ lãnh đạo Giáo hội của một vị Giáo hoàng và việc bầu chọn người kế vị.

Khoảng thời gian này được quy định trong Tông hiến Universi Dominici Gregis, do Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II ban hành ngày 22.2.1996.

Ai “điều hành” Tòa Thánh trong thời gian trống ngôi?

Theo các quy định của Tông hiến, trong thời gian Tông Tòa trống ngôi, việc điều hành Giáo hội được trao phó cho Hồng y đoàn. Tuy nhiên, thẩm quyền của các ngài bị giới hạn: chỉ được giải quyết những công việc thường nhật hoặc khẩn cấp, và trong việc chuẩn bị cho cuộc bầu chọn tân Giáo hoàng.

Hồng y đoàn cũng tiếp nhận tất cả các quyền dân sự của Giáo hoàng liên quan đến việc quản trị Thành quốc Vatican.

Tuy nhiên, các ngài không có thẩm quyền đối với những vấn đề vốn là đặc quyền riêng của Đức Thánh Cha lúc sinh thời.

Điều gì xảy ra với các vị đứng đầu Giáo triều Rôma trong thời gian Tông Tòa trống ngôi?

Ngay sau khi Đức Giáo hoàng qua đời, tất cả các vị đứng đầu các Bộ của Giáo triều Rôma đều chấm dứt chức vụ của mình, ngoại trừ một số trường hợp ngoại lệ nhằm đảm bảo hoạt động thường nhật của Vatican được duy trì.

Những vị tiếp tục thi hành nhiệm vụ bao gồm: Hồng y Nhiếp chính (hiện là Đức Hồng y Kevin Farrel), người có nhiệm vụ trông coi và quản trị tài sản cũng như các quyền lợi thuộc về Tòa Thánh trong thời gian trống ngôi; Chánh án Tòa Ân giải Tối cao (Đức Hồng y Angelo De Donatis); Hồng y Giám quản Giáo phận Rôma (Đức Hồng y Baldassare Reina); Hồng y Giám quản Đền thờ Vatican và Giám quản Thành Vatican (Đức Hồng y Mauro Gambetti); Chánh Sở Từ thiện của Giáo hoàng (Đức Hồng y Konrad Krajewski); Phụ tá Quốc vụ khanh (Đức Tổng Giám mục Edgar Peña Parra); Bộ trưởng Ngoại giao Tòa Thánh (Đức Tổng Giám mục Paul Richard Gallagher); Chưởng nghi Các Cử hành Phụng vụ Giáo hoàng (Đức Tổng Giám mục Diego Giovanni Ravelli).

Ngoài ra, các Thư ký của các Bộ vẫn tiếp tục thi hành nhiệm vụ của mình.

Hồng y đoàn làm gì trong thời gian Tông Tòa trống ngôi?

Trong thời gian Sede Vacante, Hồng y đoàn (tất cả các hồng y đều quy tụ về Rôma, trừ những trường hợp bị ngăn trở vì lý do sức khỏe) sẽ tiến hành hai loại cuộc họp:

1. Phiên họp Toàn thể: Gồm toàn thể Hồng y đoàn (kể cả những vị đã quá tuổi không có quyền bầu tân Giáo hoàng). Các phiên họp này diễn ra tại Dinh Tông Tòa và do Niên trưởng Hồng y đoàn (Đức Hồng y Giovanni Battista Re) chủ sự. Nếu Niên trưởng và Phó Niên trưởng không thể chủ sự, thì vị Hồng y cử tri cao niên nhất đảm nhận vai trò này.

2. Phiên họp Riêng biệt: Các phiên họp này bao gồm:

– Hồng y Nhiếp chính của Giáo hội Rôma và ba Hồng y khác, mỗi vị đại diện cho một đẳng (đẳng Giám mục, đẳng Linh mục, đẳng Phó tế), được chọn bằng cách rút thăm trong số các Hồng y cử tri đã có mặt tại Rôma.

– Ba vị Hồng y này sẽ phục vụ trong vòng ba ngày, sau đó sẽ được thay thế qua một cuộc rút thăm mới. Quá trình này tiếp tục ngay cả trong suốt thời gian bầu chọn;

– Phiên họp Riêng biệt đảm nhận các công việc thường nhật, trong khi những vấn đề quan trọng hơn sẽ được đưa ra Phiên họp Toàn thể.

Những quyết định khẩn cấp được đưa ra trong các Phiên họp Toàn thể là gì?

Các Phiên họp Toàn thể (được tổ chức trước khi bắt đầu tiến trình bầu chọn) phải nhanh chóng thảo luận về các quyết định quan trọng sau đây (ngoại trừ các thủ tục liên quan đến việc Đức Giáo hoàng qua đời):

– Chuẩn bị nơi cư trú tại Nhà trọ Thánh Marta cho các Hồng y, và sắp xếp để Nhà nguyện Sistine sẵn sàng phục vụ tiến trình bầu chọn;

– Chỉ định hai vị giáo sĩ được biết đến về nền tảng tín lý vững chắc, sự khôn ngoan và luân lý, để trình bày trước Hồng y đoàn hai bài suy niệm về các thách đố mà Giáo hội đang đối diện và sự cần thiết phải phân định cẩn trọng trong việc lựa chọn Giáo hoàng mới, và ấn định ngày giờ cho các bài suy niệm này;

– Hủy bỏ chiếc Nhẫn Ngư phủ và con dấu chì được dùng để đóng ấn các văn kiện Tông Tòa;

– Ấn định ngày và giờ bắt đầu tiến trình bỏ phiếu.

Điều gì xảy ra ngay trước khi cuộc bầu chọn bắt đầu?

Trước khi tiến hành cuộc bầu chọn, một Thánh lễ trọng thể được cử hành cầu cho cầu cho việc bầu chọn Giáo hoàng, do các Hồng y cử tri tham dự. Vào buổi chiều cùng ngày, các Hồng y cử tri long trọng tiến vào Nhà nguyện Sistine, nơi diễn ra Mật nghị Hồng y bầu chọn tân Giáo hoàng.

Khi kết thúc cuộc rước trong Nhà nguyện Sistine, mỗi Hồng y cử tri sẽ tuyên thệ theo quy định tại Số 53 của Tông hiến Universi Dominici Gregis. Qua lời tuyên thệ này, họ cam kết, nếu được bầu chọn, sẽ trung thành thi hành sứ vụ Phêrô trong vai trò Mục tử của Giáo hội hoàn vũ. Họ cũng cam kết giữ bí mật tuyệt đối về mọi việc liên quan đến cuộc bầu chọn Giáo hoàng và kiên quyết không ủng hộ bất kỳ sự can thiệp bên ngoài nào vào cuộc bầu chọn.

Vào thời điểm này, Chưởng nghi các Cử hành Phụng vụ Giáo hoàng ra lệnh Extra omnes, có nghĩa là tất cả những ai không tham gia Mật nghị phải rời khỏi Nhà nguyện Sistine. Chỉ còn lại vị Chưởng nghi và vị giáo sĩ được chỉ định để thuyết giảng bài suy niệm thứ hai. Bài suy niệm này tập trung vào bổn phận quan trọng của các Hồng y cử tri và sự cần thiết phải hành động với ý hướng ngay thẳng vì lợi ích của Giáo hội hoàn vũ, và duy chỉ có Thiên Chúa trước mắt họ (UDG, Số 52).

Sau khi bài suy niệm được giảng xong, cả vị giáo sĩ và vị Chưởng nghi các Cử hành Phụng vụ Giáo hoàng rời khỏi Nhà nguyện. Các Hồng y cử tri, sau khi đọc các lời nguyện theo Sách Nghi thức Mật nghị Hồng y quy định, lắng nghe Hồng y Niên trưởng, người bắt đầu bằng cách hỏi các Hồng y cử tri xem cuộc bầu chọn có thể bắt đầu hay không, hoặc liệu còn những thắc mắc nào cần được làm rõ về các quy định và thủ tục đã được đặt ra trong Tông hiến Universi Dominici Gregis.

Các biện pháp bảo vệ bí mật và ngăn chặn sự can thiệp bên ngoài

Tất cả các thủ tục bầu chọn chỉ diễn ra bên trong Nhà nguyện Sistine thuộc Dinh Tông Tòa Vatican, nơi hoàn toàn bị phong tỏa cho đến khi tiến trình bầu chọn kết thúc.

Tông hiến của Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II nhấn mạnh sự cần thiết phải đảm bảo hoàn toàn bí mật về tất cả những gì diễn ra trong Mật nghị Hồng và những điều liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến cuộc bầu chọn Giáo hoàng. Văn kiện này trình bày tất cả các biện pháp phòng ngừa nhằm bảo vệ sự bí mật và ngăn chặn sự can thiệp bên ngoài (các Số 51-61).

Trong suốt tiến trình bầu chọn, các Hồng y cử tri phải tuyệt đối tránh gửi thư từ hoặc tham gia bất kỳ cuộc trò chuyện nào, kể cả qua điện thoại, trừ khi có trường hợp cực kỳ khẩn cấp. Các ngài không được phép gửi hoặc nhận bất kỳ thông điệp nào, nhận báo chí hay tạp chí của bất kỳ loại nào, hoặc theo dõi các chương trình phát thanh hay truyền hình.

Số phiếu cần thiết và đa số cần có để được bầu chọn

Để cuộc bầu chọn tân Giáo hoàng hợp lệ, ứng viên phải nhận được ít nhất hai phần ba số phiếu của Hồng y cử tri có mặt. Nếu tổng số Hồng y cử tri không chia hết cho ba, sẽ cần thêm một phiếu bầu nữa (UDG, Số 62).

Nếu việc bầu chọn bắt đầu vào buổi chiều của ngày đầu tiên, sẽ chỉ có một lần bỏ phiếu. Trong những ngày tiếp theo, sẽ có hai lần bỏ phiếu vào buổi sáng và hai lần vào buổi chiều.

Quy trình bầu chọn được quy định chi tiết trong Tông hiến Universi Dominici Gregis, bao gồm các quy định cho các Hồng y cử tri bị bệnh và cần phải bỏ phiếu từ phòng riêng tại Nhà trọ Thánh Marta. Sau khi kiểm phiếu, tất cả các lá phiếu đều bị thiêu hủy.

Điều gì xảy ra nếu không đạt được đa số phiếu cần thiết?

Nếu các Hồng y cử tri không đạt được sự đồng thuận về một ứng viên sau ba ngày bỏ phiếu không kết quả, việc bỏ phiếu sẽ được tạm ngừng tối đa một ngày để dành thời gian cầu nguyện, thảo luận không chính thức giữa các cử tri, và lắng nghe một bài huấn đức thiêng liêng ngắn do vị Hồng y niên trưởng đẳng Phó tế trình bày (Đức Hồng y Dominique Mamberti).

Sau đó, việc bỏ phiếu được tiếp tục theo cách thức thông thường, và nếu sau bảy vòng bỏ phiếu vẫn chưa có kết quả, sẽ có một khoảng tạm ngừng khác để cầu nguyện.

Quá trình này sẽ tiếp tục sau mỗi bảy lần bỏ phiếu không thành công. Vào thời điểm này, Hồng y Nhiếp chính sẽ tham khảo ý kiến các Hồng y để quyết định cách tiếp tục.

Điều quan trọng cần lưu ý là Số 75 của Tông hiến Universi Dominici Gregis đã được Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI sửa đổi qua Tự sắc ban hành ngày 26.6.2007. Văn kiện này khôi phục quy định truyền thống đòi hỏi phải đạt đa số ít nhất hai phần ba số phiếu của các Hồng y hiện diện thì cuộc bầu chọn Giáo hoàng mới được coi là hợp lệ. Quy định này cũng đã được xác nhận lại trong Tự sắc mà Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI ban hành ngày 25.2.2013, trong đó quy định rằng số phiếu cần thiết được tính dựa trên số hồng y hiện diện và tham gia bỏ phiếu.

Điều gì xảy ra ngay sau khi bầu chọn được tân Giáo hoàng?

Khi cuộc bầu chọn kết thúc, vị Hồng y trẻ nhất thuộc đẳng Phó tế triệu tập Thư ký Hồng y đoàn và Chưởng nghi các Cử hành Phụng vụ Giáo hoàng vào Nhà nguyện Sistine.

Hồng y Niên trưởng, thay mặt cho tất cả các Hồng y cử tri, hỏi sự ưng thuận của vị được bầu: “Ngài có chấp nhận cuộc bầu chọn theo giáo luật đặt ngài làm Giáo hoàng không?”

Khi nhận được sự chấp thuận, ngài tiếp tục hỏi: “Ngài muốn được gọi bằng tông hiệu nào?”

Vị Chưởng nghi các Cử hành Phụng vụ Giáo hoàng, với vai trò công chứng viên, và có sự chứng kiến của hai vị Chưởng nghi được triệu tập lúc ấy, soạn thảo một văn bản chứng nhận sự chấp nhận của vị tân Giáo hoàng và tông hiệu mà ngài đã chọn.

Từ thời điểm này, vị được bầu nhận trọn vẹn quyền tối thượng đối với toàn thể Giáo hội hoàn vũ. Mật nghị Hồng y kết thúc ngay lập tức.

Sau đó, các hồng y cử tri bày tỏ lòng kính trọng và tuyên hứa vâng phục vị tân Giáo hoàng, và cộng đoàn cùng dâng lời tạ ơn Thiên Chúa.

Tiếp đó, Hồng y trưởng đẳng Phó tế loan báo cho các tín hữu cuộc bầu chọn đã hoàn tất  và tông hiệu của vị tân Giáo hoàng bằng câu nói nổi tiếng: “Annuntio vobis gaudium magnum; Habemus Papam.”

Ngay sau đó, vị tân Giáo hoàng sẽ ban Phép lành Tòa Thánh Urbi et Orbi từ ban công của Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô (UDG, Số 87-91)

Bước cuối cùng là sau lễ khai mạc trọng thể triều đại Giáo hoàng và trong một khoảng thời gian thích hợp, vị tân Giáo hoàng chính thức nhận ngai tòa tại Vương cung Thánh đường Lateranô – nhà thờ Chính tòa của Giáo hoàng – theo nghi thức đã được quy định.

______________________
Tâm Bùi (TGPSG) chuyển ngữ
Nguồn: Vatican News

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top