Diễn văn Đức Thánh Cha dành cho tham dự viên Đại hội của các Hiệp hội giáo dân, Phong trào giáo hội và Cộng đoàn mới, năm 2024

Diễn văn Đức Thánh Cha dành cho tham dự viên Đại hội của các Hiệp hội giáo dân, Phong trào giáo hội và Cộng đoàn mới, năm 2024

Diễn văn Đức Thánh Cha dành cho tham dự viên Đại hội của các Hiệp hội giáo dân, Phong trào giáo hội và Cộng đoàn mới, năm 2024

Do Bộ Giáo dân Gia đình và Sự sống tổ chức, Đại hội lần này có chủ đề “Thách đố của tính hiệp hành đối với sứ vụ” qui tụ khoảng 80 người điều hành của khoảng 95 hiệp hội quốc tế, trong số 117 thực thể được Tòa thánh công nhận. Sau đây là toàn văn Việt ngữ bài Diễn văn của Đức Thánh Cha:

DIỄN VĂN ĐỨC GIÁO HOÀNG PHANXICÔ

DÀNH CHO THAM DỰ VIÊN ĐẠI HỘI THƯỜNG NIÊN

CÁC HIỆP HỘI GIÁO DÂN, PHONG TRÀO GIÁO HỘI, VÀ CỘNG ĐOÀN MỚI

Hội trường Thượng Hội đồng

Thứ Năm, ngày 13 tháng 06 năm 2024

[hình]

Thưa Đức Hồng y,

Anh chị em thân mến, xin chào tất cả mọi người!

Tôi hân hoan chào đón anh chị em và nhân cơ hội này cùng suy tư với anh chị em về tính hiệp hành, mà anh chị em đã chọn làm chủ đề cho cuộc gặp gỡ của mình. Tôi thường nhấn mạnh rằng lộ trình hiệp hành đòi hỏi một sự hoán cải tâm linh, bởi vì nếu không có sự biến đổi nội tâm thì không thể đạt được những kết quả lâu dài. Thật vậy, tôi mong rằng sau Thượng Hội đồng này, tính hiệp hành vẫn có thể là một phương thức làm việc thường xuyên trong Giáo hội, ở mọi cấp độ, thấm nhập tâm hồn mọi người, các mục tử cũng như các tín hữu, cho đến khi nó trở thành một “phong cách giáo hội” chung. Tuy nhiên, để đạt được điều này đòi hỏi một sự thay đổi diễn ra nơi mỗi chúng ta, một “sự hoán cải” thực sự.

Đây là một hành trình dài. Hãy nghĩ đến sự việc rằng người đầu tiên nhận thấy cần có tính hiệp hành trong Giáo hội Latinh là Thánh Giáo hoàng Phaolô VI, khi sau Công đồng Vatican II, ngài đã thành lập Ban Thư ký cho Thượng Hội đồng Giám mục. Các Giáo hội Đông phương đã bảo tồn được tính hiệp hành, song Giáo hội Latinh đã đánh mất nó. Chính Thánh Giáo hoàng Phaolô VI đã mở ra lộ trình này. Giờ đây, gần 60 năm sau, chúng ta có thể nói rằng tính hiệp hành đã đi vào cách thế hành động của Giáo hội. Yếu tố quan trọng nhất của Thượng Hội đồng về hiệp hành không phải là việc xử lý vấn đề này hay vấn đề kia mà điều quan trọng nhất là cuộc hành trình mang tính giáo xứ, giáo phận và hoàn vũ mà chúng ta cùng nhau thực hiện trong sự hiệp hành.

Và từ góc độ của sự hoán cải tâm linh này, tôi muốn nêu bật một số thái độ, một số “nhân đức hiệp hành” mà chúng ta có thể rút ra từ 3 lời loan báo về Cuộc Khổ nạn trong Tin Mừng Thánh Marcô (x. Mc 8,31; 9,31; 10,32-34): Suy nghĩ theo tư tưởng của Thiên Chúa, vượt thắng những hình thức khép kín, và trau dồi sự khiêm nhường.

Trước hết: Suy nghĩ theo tư tưởng của Thiên Chúa. Sau lời loan báo đầu tiên về Cuộc Khổ nạn, thánh sử cho chúng ta biết chính Phêrô đã khiển trách Chúa Giêsu ra sao. Phêrô, người lẽ ra phải nêu gương qua việc giúp đỡ các môn đệ khác toàn tâm toàn ý phục vụ công việc của Thầy, thì lại là người chống lại kế hoạch của Thiên Chúa khi từ khước cuộc khổ nạn và cái chết của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu nói với Phêrô: “Vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người” (Mc 8,33).

Đây là sự thay đổi nội tâm cơ bản được yêu cầu nơi chúng ta: vượt ra khỏi “tư tưởng thuần túy của con người” để đón nhận “tư tưởng của Thiên Chúa”. Trước khi đưa ra bất kỳ quyết định nào, trước khi khởi sự bất kỳ chương trình nào, hoạt động tông đồ nào, sứ vụ nào trong Giáo hội, chúng ta cần tự vấn: Thiên Chúa muốn gì nơi tôi, Thiên Chúa muốn gì nơi chúng ta, trong lúc này, trong hoàn cảnh này? Liệu điều tôi đang nghĩ đến, điều mà nhóm chúng tôi đang nghĩ đến, có thực sự phù hợp với “ tưởng của Thiên Chúa” không? Chúng ta hãy nhớ rằng Chúa Thánh Thần là nhân vật chính của lộ trình hiệp hành, chứ không phải chúng ta: chỉ có Ngài mới là Đấng dạy chúng ta lắng nghe tiếng Thiên Chúa, một cách cá vị và với tư cách là một Giáo hội.

Thiên Chúa luôn cao cả hơn những ý tưởng của chúng ta, hơn những não trạng thịnh hành, và “những kiểu mẫu giáo hội” của thời đại, thậm chí cả những đặc sủng của nhóm hay phong trào cụ thể của chúng ta. Vì thế, chúng ta đừng bao giờ cho rằng mình “đồng điệu” với Thiên Chúa: trái lại, chúng ta hãy không ngừng cố gắng vượt lên trên chính mình để đón nhận quan điểm của Thiên Chúa, chứ không phải của con người. Đây là thách đố lớn đầu tiên. Suy nghĩ theo tư tưởng của Thiên Chúa. Chúng ta hãy nhớ lại đoạn Tin Mừng khi Chúa loan báo về Cuộc Khổ Nạn của Người và Phêrô đã phản đối Người. Chúa đã nói gì? “Anh không hành động theo Thiên Chúa, anh không suy nghĩ theo tư tưởng của Thiên Chúa”.

Thứ đến: Vượt thắng những hình thức khép kín. Sau lời loan báo thứ hai về Cuộc Khổ nạn, Gioan phản đối một người thực hiện việc trừ quỷ nhân danh Chúa Giêsu nhưng không thuộc nhóm môn đệ của mình: “Thưa Thầy, chúng con thấy có người lấy danh Thầy mà trừ quỷ. Chúng con đã cố ngăn cản, vì người ấy không theo chúng ta” (Mc 9,38). Chúa Giêsu không chấp nhận thái độ này và Người nói với Gioan: “Ai không chống lạ chúng ta là ủng hộ chúng ta” (Mc 9,40); sau đó Chúa Giêsu mời gọi tất cả các Tông đồ hãy cẩn trọng hơn để không trở thành cớ vấp phạm cho người khác (x. Mc 9,42-50).

Xin chúng ta hãy cảnh giác trước sự cám dỗ của “vòng tròn khép kín”. Mặc dù được chọn làm nền tảng cho dân mới của Thiên Chúa, mở ra cho mọi dân tộc trên trái đất, nhưng các Tông đồ vẫn không nắm bắt được tầm nhìn rộng mở này. Họ thu mình lại, dường như có ý định bảo vệ những hồng ân đã nhận được từ Thầy, chẳng hạn như ơn chữa lành bệnh tật, trừ quỷ, loan báo Nước Trời (x. Mc 2,14), như thể đó là những đặc quyền.

Và đây cũng là một thách đố đối với chúng ta: giới hạn mình trong điều mà “vòng tròn” của chúng ta nghĩ, đoan chắc rằng những gì chúng ta làm là đúng đối với tất cả mọi người, và có lẽ vô tình bảo vệ các vị trí, đặc quyền hoặc uy tín của “nhóm”. Ngoài ra, chúng ta cũng có thể để mình bị cản trở bởi nỗi sợ mất đi cảm thức của sự thuộc về và bản sắc của mình khi cởi mở với người khác và với những quan điểm khác, mà không nhận ra rằng sự đa dạng là một cơ hội hơn là một mối đe dọa. Đây là những “khu vực có hàng rào” mà tất cả chúng ta đều có nguy cơ bị giam giữ bên trong. Chúng ta hãy cẩn thận: nhóm của chúng ta, linh đạo của chúng ta là những thực tại giúp chúng ta đồng hành với Dân Chúa, nhưng đó không phải là những đặc quyền, khiến chúng ta có thể bị giam cầm trong những khu vực có hàng rào này.

Thay vào đó, tính hiệp hành đòi chúng ta nhìn ra ngoài những hàng rào với sự bao dung, để thấy sự hiện diện của Thiên Chúa và hành động của Ngài ngay cả nơi những người mà chúng ta không quen biết, nơi những cách tiếp cận mục vụ mới, và nơi những lãnh thổ sứ vụ truyền giáo chưa được khám phá. Tính hiệp hành đòi chúng ta để cho mình bị đánh động, thậm chí bị “tổn thương”, trước tiếng nói, kinh nghiệm và đau khổ của người khác: của những anh chị em cùng niềm tin với chúng ta, và của tất cả những người xung quanh chúng ta. Hãy cởi mở, với một con tim rộng mở.

Cuối cùng, điều thứ ba: trau dồi tính khiêm nhường. Sau lời loan báo thứ ba về Cuộc Khổ nạn, Giacôbê và Gioan xin được ngồi vào những vị trí danh dự bên cạnh Chúa Giêsu, nhưng Người đáp lại bằng cách mời mọi người hãy coi việc làm lớn thực sự không phải là để được phục vụ mà là để phục vụ, trở thành tôi tớ của mọi người, bởi vì chính Người đã đến để thực hiện điều đó (x. Mc 10,44-45).

Tại đây chúng ta nhận ra rằng sự hoán cải tâm linh phải được khởi đi từ sự khiêm nhường, vốn là cửa ngõ dẫn đến mọi nhân đức. Tôi rất buồn khi gặp những Kitô hữu khoe khoang: vì tôi là linh mục ở nơi này, hoặc vì họ là giáo dân ở nơi đó, vì tôi thuộc tổ chức nọ… Đây là một điều tồi tệ. Khiêm nhường là cánh cửa, là sự khởi đầu. Và khiêm nhường cũng thúc đẩy chúng ta tự vấn về những ý định của mình: tôi thực sự đang tìm kiếm điều gì trong mối tương quan của tôi với anh chị em trong đức tin? Tại sao tôi thực hiện một số sáng kiến ​​trong Giáo Hội? Nếu chúng ta phát hiện ra rằng, một chút hãnh diện hoặc ngạo mạn nào đó đã xâm nhập vào mình, thì chúng ta hãy cầu xin ân sủng để tái khám phá sự khiêm nhường. Thật vậy, chỉ những người khiêm nhường mới thực hiện được những điều lớn lao trong Giáo hội bởi vì họ có nền tảng vững chắc trong tình yêu Thiên Chúa, vốn là tình yêu không bao giờ thất bại, và do đó, họ không tìm kiếm sự công nhận nào khác nữa.

Giai đoạn hoán cải tâm linh này cũng là nền tảng để xây dựng một Giáo hội hiệp hành: chỉ có người khiêm nhường mới coi trọng người khác và mới đón nhận sự đóng góp, lời khuyên, sự phong phú nội tâm của người khác, mới không làm nổi bật cái “tôi” của người khác mà là cái “chúng ta” của cộng đoàn. Tôi đau lòng khi gặp các Kitô hữu…, luôn nói câu, theo tiếng Tây Ban Nha là “yo me mí conmigo para mí”, có nghĩa là “tôi, tôi, với tôi, vì tôi”. Những Kitô hữu này đặt mình “ở trung tâm”. Thật đáng buồn. Chính người khiêm nhường là người bảo vệ sự hiệp thông trong Giáo hội, tránh chia rẽ, vượt thắng căng thẳng, biết gạt bỏ ngay cả những sáng kiến ​​của riêng mình để đóng góp cho các dự án chung. Khi phục vụ, họ tìm thấy niềm vui chứ không phải sự thất vọng hoặc oán giận. Việc sống hiệp hành, ở mọi cấp độ, thực sự không thể thực hiện được nếu không có sự khiêm nhường.

Tôi muốn nhắc lại một lần nữa, khi nhấn mạnh vai trò của các phong trào giáo hội: Các phong trào giáo hội là để phục vụ chứ không phải vì chính mình. Thật buồn khi chúng ta cảm thấy “tôi thuộc về nhóm này, nhóm nọ, nhóm kia”, như thể nó là một thứ gì đó trổi vượt hơn. Các phong trào giáo hội nhằm mục đích phục vụ Giáo hội, bản thân các phong trào này không phải là một thông điệp hay một vị trí trung tâm của Giáo hội nhưng là để phục vụ.

Tôi hy vọng rằng những suy tư này sẽ hữu ích cho anh chị em trên hành trình của anh chị em, trong các hiệp hội và phong trào của anh chị em, trong các mối tương quan của anh chị em với các vị mục tử, và với mọi khía cạnh của đời sống giáo hội. Tôi mong rằng cuộc gặp gỡ này cùng với những buổi quy tụ tương tự sẽ giúp anh chị em quý trọng các đặc sủng tương ứng của mình từ lăng kính giáo hội, giúp anh chị em cống hiến sự đóng góp quảng đại và quý giá của anh chị em cho sứ mạng loan báo Tin Mừng mà tất cả chúng ta đều được mời gọi thực hiện.

Hãy luôn nghĩ về điều này: tư cách thành viên của tôi trong một phong trào giáo hội, trong một hiệp hội hay trong Giáo hội? Tư cách này là trong phong trào của tôi, trong hiệp hội của tôi vì Giáo hội, như một “bước” để trợ giúp Giáo hội. Tuy nhiên, những phong trào khép kín cần phải bị loại bỏ, vì chúng không mang tính giáo hội.

Tôi chúc lành cho anh chị em, hãy tiến bước! Và xin anh chị em cầu nguyện cho tôi.

Bây giờ tôi sẽ ban phép lành. Nhưng trước hết chúng ta hãy cùng nhau cầu nguyện với Đức Mẹ.

Đọc kinh Kính Mừng

Ban phép lành

Về việc cầu nguyện cho tôi: Tôi nói điều này khi nghĩ về việc một lần nọ đã xảy ra với tôi. Khi tôi đang kết thúc buổi tiếp kiến ​​chung, thì có một cụ bà nhỏ nhắn, bạn có thể nhận ra là bà đến từ miền quê, một phụ nữ nhìn khiêm tốn nhưng có đôi mắt rất đẹp. Và bà ra hiệu cho tôi, bà cách tôi khoảng 20 mét. Tôi tiến lại chỗ của bà. "Bà bao nhiêu tuổi rồi?", bà trả lời: “Con 87 tuổi”. “Nhưng bà ăn gì mà nhìn bà khỏe mạnh thế?” “Con ăn ravioli do con tự làm” và bà giải thích công thức làm ravioli cho tôi. Và cuối cùng tôi nói với bà: “Xin bà hãy cầu nguyện cho tôi”. Bà đáp lại: “Con làm điều  đó mỗi ngày”. “Nhưng thưa bà, hãy cho tôi biết, bà cầu nguyện cho tôi hay cầu nguyện chống lại tôi?” Câu trả lời của một người hết sức đơn sơ: “Thưa Đức Thánh Cha, ngài biết rồi đấy! Ở trong đó, họ cầu nguyện chống lại Đức Thánh Cha đấy!” Đó là lý do tại sao tôi xin anh chị em cầu nguyện cho tôi. Cụ bà đó đã làm tôi bật cười.

Nt. Anna Ngọc Diệp, OP

Dòng Đa Minh Thánh Tâm

Chuyển ngữ từ: vatican.va (13. 06. 2024)

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top