Diễn văn Đức Thánh Cha dành cho phái đoàn Hội đồng Rabbi Âu Châu

Diễn văn Đức Thánh Cha dành cho phái đoàn Hội đồng Rabbi Âu Châu

Diễn văn Đức Thánh Cha dành cho phái đoàn Hội đồng Rabbi Âu Châu

WHĐ (11.10.2023) – Sáng hôm mồng 06.11 vừa qua, cùng với sự hiện diện của Đức Hồng Y Kurt Koch, Tổng trưởng Bộ Đối thoại Liên tôn, Đức Thánh Cha Phanxicô đã dành cho Phái đoàn Hội đồng các Rabbi Do thái Âu Châu buổi tiếp kiến riêng. Tuy nhiên, vì sức khỏe của Đức Thánh Cha không được tốt, nên thay vì đọc trực tiếp, ngài đã trao bài diễn văn cho từng thành viên của Phái đoàn. Sau đây là nội dung bài diễn văn của Đức Thánh Cha:

DIỄN VĂN ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ DÀNH CHO PHÁI ĐOÀN HỘI ĐỒNG RABBI ÂU CHÂU

Thứ Hai, ngày mồng 06.11.2023

Anh em thân mến,

Xin chào anh em với lời chào nồng nhiệt. Tôi cảm ơn và đánh giá cao chuyến viếng thăm thân tình này. Trước đây, ngay tại Vatican tôi đã có dịp gặp gỡ tổ chức của anh em, tiếng nói của các Rabbi ở Châu Âu. Tôi rất vui vì chúng ta đã có thể củng cố mối tương quan của chúng ta theo thời gian, và đặc biệt là trong những năm gần đây.

Tuy nhiên, tư tưởng và lời cầu nguyện đầu tiên của tôi, trước hết, hướng tới những gì đã xảy ra trong vài tuần qua. Một lần nữa bạo lực và chiến tranh lại bùng phát trên Mảnh đất được Đấng Tối Cao chúc phúc, nơi dường như liên tục bị tấn công bởi sự tàn ác của lòng hận thù và những cuộc đụng độ chết người với vũ khí. Sự lan rộng của các cuộc biểu tình bài Do Thái, vốn là điều mà tôi cực lực lên án, cũng là một vấn đề rất đáng lo ngại.

Anh em thân mến, trong bóng tối của xung đột, là những người tin vào Thiên Chúa duy nhất, chúng ta hãy nhìn lên Đấng mà ngôn sứ Isaia gọi là “trọng tài giữa các quốc gia và phân xử cho muôn dân tộc”. Và vị ngôn sứ thêm liền sau đó, như là kết quả của sự phân xử của Thiên Chúa, là lời tiên tri tuyệt vời về hòa bình: “Họ sẽ đúc gươm đao thành cuốc thành cày, rèn giáo mác nên liềm nên hái. Dân này nước nọ sẽ không còn vung kiếm đánh nhau, và thiên hạ thôi học nghề chinh chiến” (Is 24). Trong thời điểm mà chúng ta đang chứng kiến bạo lực và hủy diệt này, các tín hữu chúng ta được kêu gọi xây dựng tình huynh đệ và mở ra những lộ trình hòa giải cho tất cả mọi người và trước mắt tất cả mọi người, nhân danh Đấng Toàn Năng, Đấng mà, như một vị ngôn sứ khác đã nói, có “kế hoạch thịnh vượng, chứ không phải tai ương” (Gr 2911). Không phải vũ khí, không phải khủng bố, không phải chiến tranh, nhưng lòng nhân ái, công lý và đối thoại mới là những phương thế thích hợp để xây dựng hòa bình.

Tôi muốn suy tư về nghệ thuật đối thoại. Con người, vốn có bản chất xã hội và sống liên đới với người khác, tìm thấy sự sung mãn trong việc dệt nên các mối tương quan xã hội. Theo nghĩa này, con người không chỉ có khả năng đối thoại, mà con người cũng chính là sự đối thoại. Được đặt giữa trời và đất, nên chỉ trong đối thoại với Đấng siêu việt và với anh chị em đồng hành, chúng ta mới có thể hiểu biết và trưởng thành. Từ “đối thoại” về mặt từ nguyên có nghĩa là “thông qua lời”. Lời của Đấng Tối Cao là ngọn đèn soi, là ánh sáng chỉ đường sự sống (x. Tv 119105): Lời hướng dẫn bước đi của chúng ta tới việc tìm kiếm người khác, tới sự đón nhận, và tới sự kiên nhẫn; chứ không phải tới sự báo thù thô bạo và sự căm ghét cay đắng điên cuồng. Vì thế, thật quan trọng đối với chúng ta là những tín hữu đó  trở thành những chứng nhân của đối thoại!

Nếu áp dụng những nhận xét này vào bối cảnh đối thoại giữa Do Thái giáo và Kitô giáo, chúng ta có thể nói rằng chúng ta xích lại gần nhau hơn qua sự gặp gỡ, lắng nghe và trao đổi huynh đệ, nhận ra mình là tôi tớ và môn đệ của Lời thần linh đó, kênh sống động mà từ đó lời nói của chúng ta phát sinh. Vì vậy, để trở thành những người kiến tạo hòa bình, chúng ta được mời gọi trở thành những người xây dựng đối thoại, không chỉ bằng sức mạnh và khả năng của mình, mà còn với sự trợ giúp của Đấng Toàn Năng. Thật vậy, “ như CHÚA chẳng xây nhà, thợ nề vất vả cũng là uổng công” (Tv 1271).

Cuộc đối thoại với Do Thái giáo có tầm quan trọng đặc biệt đối với chúng tôi là những Kitô hữu, bởi vì Kitô giáo có nguồn gốc Do Thái. Chúa Giêsu được sinh ra và sống như một người Do Thái; chính Chúa Giêsu là người bảo đảm đầu tiên cho di sản Do Thái giáo ở trung tâm của Kitô giáo và chúng tôi, những Kitô hữu cần anh em, hỡi những người anh em thân mến. Kitô hữu cần Do Thái giáo để hiểu về chính mình hơn. Do đó, điều quan trọng là cuộc đối thoại Kitô giáo - Do Thái giáo phải giữ cho chiều kích thần học được sống động, đồng thời vẫn tiếp tục đối diện với những vấn đề xã hội, văn hóa và chính trị.

Các truyền thống tôn giáo của chúng ta đan xen chặt chẽ với nhau: chúng ta không thuộc về hai tín ngưỡng xa lạ với nhau, phát triển độc lập trong những thời điểm và địa điểm riêng biệt, và không ảnh hưởng lẫn nhau. Trong chuyến viếng thăm Hội đường Do Thái ở Roma, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã nhận xét rằng Do Thái giáo không phải là ngoại tại, “nhưng theo một cách nào đó, Do Thái giáo ‘nội tại’ đối với Kitô giáo”. Ngài gọi anh em là “những người anh em yêu quý của chúng tôi”, “những người anh của chúng tôi” (Diễn văn ngày 13. 041986). Vì vậy, có thể nói rằng cuộc đối thoại của chúng ta không chỉ là cuộc đối thoại liên tôn mà còn cuộc đối thoại mang tính gia đình. Khi đến Hội đường Do Thái ở Rôma, tôi đã minh định rằng “Tất cả chúng ta đều thuộc về một gia đình duy nhất, gia đình của Thiên Chúa, Đấng đồng hành với chúng ta và bảo vệ chúng ta như dân của Ngài” (Diễn văn, ngày 17. 012016).

Anh em thân mến, chúng ta được liên kết với nhau trước vị Thiên Chúa duy nhất; cùng nhau chúng ta được mời gọi làm chứng cho lời của Ngài bằng cuộc đối thoại của chúng ta, và cho sự bình an của Ngài bằng hành động của chúng ta. Xin Chúa của lịch sử và sự sống ban cho chúng ta lòng can đảm và kiên nhẫn để thực hiện điều đó. Chúc bình an! (Shalom)!

Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: vatican.va (06.11.2023)

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top