Diễn văn của Đức Thánh Cha trước Đại diện một số Tổ chức bác ái
Sau khi gặp gỡ các nạn nhân của bạo lực, lúc 6 giờ 30 chiều, Đức Thánh Cha đã gặp gỡ các Đại diện của một số tổ chức bác ái hiện diện tại CHDC Congo.
Diễn văn của ĐTC trước các Đại diện một số công việc bác ái
tại đất nước CHDC Congo
Kinshasa, Toà Sứ thần, ngày 1 tháng 2 năm 2023
Anh chị em thân mến,
Tôi trìu mến chào anh chị em và cảm ơn anh chị em vì những bài hát, những lời chứng và những gì anh chị em đã nói với tôi, nhưng trên hết là vì mọi việc anh chị em làm! Ở đất nước này, nơi có quá nhiều bạo lực, vang dội như tiếng gầm của một cái cây bị đốn hạ, anh chị em là khu rừng lớn lên mỗi ngày trong im lặng và làm cho không khí trở nên trong lành hơn, dễ thở hơn. Chắc chắn, cây đổ gây ra nhiều tiếng ồn hơn, nhưng Thiên Chúa yêu thương và vun trồng lòng quảng đại âm thầm làm cho nó nảy mầm và đơm hoa kết trái, và vui mừng nhìn những ai phục vụ những người túng thiếu. Đây là cách sự thiện lớn lên, trong sự đơn sơ của đôi tay và trái tim vươn tới người khác, trong sự can đảm bước từng bước nhỏ đến gần những người yếu đuối nhất nhân danh Chúa Giêsu. Điều này đúng với châm ngôn được thánh Celicia trích dẫn: “Hành trình vạn dặm bắt đầu từ một bước chân!”
Một điều làm tôi ấn tượng: anh chị em không chỉ liệt kê các vấn đề xã hội và nhiều dữ liệu về nghèo đói, nhưng trên hết anh chị em nói chuyện với người nghèo một cách trìu mến. Anh chị em đã kể về bản thân và về những người mà anh chị em chưa từng biết trước đây cũng như những người giờ đã trở nên thuộc tên quen mặt. Cảm ơn anh chị em vì cặp mắt có khả năng nhận ra Chúa Giêsu nơi những người anh chị em của mình. Chúa phải được tìm kiếm và yêu mến nơi người nghèo và, là Kitô hữu, chúng ta phải chú ý nếu chúng ta xa cách họ, bởi vì có điều gì đó không ổn khi một tín hữu giữ khoảng cách với những người được Chúa Kitô yêu mến.
Trong khi nhiều người ngày nay loại bỏ họ, anh chị em ôm lấy họ; trong khi thế giới khai thác họ, anh chị em thăng tiến họ. Thăng tiến chống lại bóc lột: Cánh rừng vẫn mọc lên mặc cho nạn phá rừng và phế thải vẫn hoành hành dữ dội! Tôi muốn lên tiếng về những gì anh chị em đang làm, để thúc đẩy sự phát triển và hy vọng ở Cộng hòa Dân chủ Congo và trên lục địa này. Tôi đến đây, được thúc đẩy bởi mong muốn mang lại tiếng nói cho những người không có tiếng nói. Tôi ước gì các phương tiện truyền thông sẽ dành nhiều không gian hơn cho đất nước này và cho toàn bộ Châu Phi! Cầu mong cho các dân tộc, các nền văn hóa, những đau khổ và hy vọng của Lục địa trẻ của tương lai này được biết đến! Chúng ta sẽ khám phá ra những tài năng to lớn và những câu chuyện về sự vĩ đại của con người và Kitô giáo đích thực, những câu chuyện được sinh ra trong một bầu khí chân thực, biết tôn trọng những người nhỏ nhất, người già và thụ tạo.
Thật đẹp khi trao cho anh chị em một tiếng nói ở đây tại Tòa Sứ thần này, bởi vì các Cơ quan đại diện của Giáo hoàng, những “ngôi nhà của Giáo hoàng” nằm rải rác trên khắp thế giới, đang và phải là những bộ khuếch đại của việc thăng tiến con người, những trung tâm bác ái, đi đầu trong hoạt động ngoại giao của lòng thương xót, để trợ giúp cụ thể và cổ vũ các mạng lưới hợp tác. Điều này đã xảy ra, không kèn vang inh ỏi, ở nhiều nơi trên thế giới và ở đây trong một thời gian dài; ngôi nhà này đã hiện diện gần gũi trong nhiều thập kỷ: được khánh thành cách đây 90 năm với tư cách là Đại diện Tông toà, vài ngày nữa nó sẽ kỷ niệm 60 năm ngày được nâng lên Toà Sứ thần.
Anh chị em thân mến, anh chị em là những người yêu mến đất nước này và hết lòng vì người dân; những gì anh chị em đang làm thật tuyệt vời, nhưng không hề dễ dàng. Anh chị em có thể khóc khi nghe những câu chuyện giống như những câu chuyện mà anh chị em đã kể cho tôi, về những người đau khổ bị buộc phải sống cuộc sống lang thang do sự thờ ơ nói chung, khiến họ phải sống trên đường phố, khiến họ có nguy cơ bị bạo lực thể xác và lạm dụng tình dục, và thậm chí bị tố là phù thủy, trong khi điều duy nhất họ cần là tình yêu và sự chăm sóc. Tôi bị ấn tượng bởi những gì Tekadio kể với chúng ta, rằng vì bệnh phong mà cho đến ngày nay, năm 2023, bạn vẫn cảm thấy “bị phân biệt đối xử, bị coi thường và sỉ nhục”, trong khi, với sự pha trộn giữa xấu hổ, hiểu lầm và sợ hãi, người ta vội vã tẩy rửa nơi thậm chí chỉ cái bóng của bạn đi qua. Nghèo đói và bị từ chối xúc phạm con người, làm xấu đi phẩm giá của con người: chúng giống như tro tàn dập tắt ngọn lửa mà con người có nơi mình. Đúng vậy, mỗi người, vì được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa, đều tỏa sáng với ngọn lửa rực rỡ, nhưng chỉ có tình yêu mới loại bỏ được lớp tro tàn bao phủ họ: chỉ bằng cách phục hồi phẩm giá, nhân loại mới có thể được phục hồi! Tôi rất buồn khi biết rằng ở đây cũng như ở nhiều nơi trên thế giới, trẻ em và người già đang bị bỏ rơi. Hơn cả sự xúc phạm, điều này còn có hại cho toàn xã hội vốn được xây dựng bằng việc chăm lo cho người già và trẻ em, cho cội nguồn và cho tương lai. Chúng ta hãy nhớ rằng: một sự phát triển thực sự của con người không thể thiếu ký ức và tương lai. Ký ức được mang đến bởi những người già và tương lai được tiếp nối bởi những người trẻ.
Anh chị em thân mến, hôm nay tôi muốn chia sẻ với anh chị em, và ngang qua anh chị em với nhiều người lao tác cho sự tốt lành ở đất nước vĩ đại này, hai câu hỏi. Trước tiên là: có đáng không? Có đáng dấn thân khi đối diện với một đại dương nhu cầu đang gia tăng liên tục và nhanh chóng không? Đó chẳng phải là một nỗ lực vô ích, cũng như thường làm nản lòng sao? Điều sơ Maria Celeste đã nói giúp ích cho chúng ta: “Mặc dù chúng ta nhỏ bé, nhưng Chúa chịu đóng đinh muốn có chúng ta ở bên cạnh Người để nâng đỡ thảm kịch của thế giới”. Đó là sự thật, lòng bác ái đồng điệu với Chúa, và Người làm chúng ta ngạc nhiên với những điều kỳ diệu bất ngờ xảy ra qua những ai được Người yêu mến. Những câu chuyện của anh chị em chứa đầy những sự kiện kỳ diệu, được biết đến với trái tim của Chúa và không thể nào chỉ với sức mạnh của con người. Tôi nghĩ về những gì Pierre đã nói với chúng ta rằng trong sa mạc của sự bất lực và thờ ơ, trong biển đau đớn, cùng với những người bạn của mình, anh đã khám phá ra rằng Chúa không hề quên anh, bởi vì Người đã gửi cho anh những người không ngoảnh mặt làm ngơ khi đi ngang qua đường chỗ anh. Như vậy, nơi khuôn mặt của họ, anh đã tái khám phá ra Chúa Giêsu và bây giờ anh muốn làm điều tương tự cho những người khác. Điều tốt lành là như thế, nó lan tỏa, nó không để mình bị tê liệt bởi sự cam chịu và những con số thống kê, nhưng mời gọi chúng ta trao tặng cho người khác những gì chúng ta đã nhận được cách nhưng không. Tôi nhận và tôi cho đi. Trên hết, những người trẻ cần nhìn thấy điều này: những khuôn mặt vượt qua sự thờ ơ khi nhìn thẳng vào mắt của con người, những bàn tay không cầm vũ khí và không nắm lấy tiền, nhưng vươn tới những người đang đứng trên mặt đất và nâng đỡ họ lên xứng phẩm giá của họ, xứng phẩm giá của con cái Thiên Chúa. Chỉ một cách hợp lệ khi một người từ trên cao nhìn xuống là để giúp đỡ và nâng người ta dậy. Ngược lại, không bao giờ được nhìn một người bằng cái nhìn từ trên cao nhìn xuống.
Do đó, điều này là đáng, và đó là một dấu hiệu tốt cho thấy Giới chức chính quyền, thông qua các thỏa thuận gần đây với Hội đồng Giám mục, đã công nhận và đánh giá cao công việc của những người tham gia vào các lĩnh vực xã hội và bác ái. Điều này chắc chắn không có nghĩa là việc chăm sóc những người yếu thế nhất, cũng như dấn thân về y tế và giáo dục, có thể được ủy thác một cách có hệ thống cho hoạt động tình nguyện. Đây là những nhiệm vụ ưu tiên của những nhà điều hành đất nước, với sự quan tâm đến việc đảm bảo các dịch vụ cơ bản cho cả những người dân sống xa các trung tâm đô thị lớn. Đồng thời, những người tin vào Chúa Kitô không bao giờ được làm vấy bẩn chứng từ bác ái, lời chứng về Thiên Chúa, bằng việc tìm kiếm những đặc quyền, uy tín, danh tiếng và quyền lực. Đây là một điều xấu xa mà không bao giờ được làm. Không, các phương tiện, nguồn lực và kết quả tốt là dành cho người nghèo, và bất cứ ai chăm sóc họ luôn được mời gọi để nhớ rằng quyền lực là sự phục vụ và bác ái không được đưa đến chỗ ở lại (trong vinh dự, nhưng đòi hỏi sự cấp bách và cụ thể. Theo nghĩa này, trong số rất nhiều việc phải làm, tôi muốn nhấn mạnh đến một thách đố liên quan đến tất cả mọi người chứ không chỉ đất nước này. Nguyên nhân gây ra nghèo đói không phải là do thiếu của cải và cơ hội, mà là do sự phân phối không đồng đều. Những người giàu có, đặc biệt nếu họ là Kitô hữu, được yêu cầu chia sẻ những gì họ có với những người thiếu thốn những thứ cần thiết, đặc biệt khi họ thuộc cùng một dân tộc. Đó không phải là một đòi hỏi của lòng tốt, mà là của sự công bằng. Đó không phải là lòng nhân từ, mà là niềm tin; bởi vì, như Kinh thánh nói, “đức tin không có việc làm là đức tin chết” (Gcb 2,26).
Kế đến là câu hỏi thứ hai, chấn vấn về bổn phận và sự cấp bách của việc làm điều tốt, đó là: thực hiện nó như thế nào? Làm bác ái như thế nào, theo tiêu chí nào? Ở đây tôi muốn gợi ý cho anh chị em ba điểm đơn giản. Đây là những khía cạnh mà các tổ chức bác ái hoạt động tại đây đã biết, nhưng cũng là điều tốt để ghi nhớ, bởi vì việc phục vụ Chúa Giêsu nơi người nghèo là một chứng tá ngày càng phong phú hơn.
Trên tất cả, bác ái đòi hỏi sự gương mẫu: thật vậy, đó không chỉ là việc anh chị em làm, mà nó còn là biểu hiện của con người anh chị em. Đó là một lối sống, là sống Tin mừng. Do đó, cần có sự tín nhiệm và minh bạch: Tôi đang nghĩ đến việc quản lý tài chính và hành chính của các dự án, nhưng cũng nghĩ đến sự dấn thân cung cấp các dịch vụ đầy đủ và chất lượng. Đây chính là tinh thần đặc trưng cho rất nhiều công việc của Giáo hội mà từ đó đất nước này được hưởng và đã đánh dấu lịch sử của nó. Luôn luôn phải làm gương!
Điểm thứ hai: tầm nhìn xa, tức là biết nhìn về phía trước. Điều cần thiết là các sáng kiến và công việc tốt, ngoài việc đáp ứng các nhu cầu trước mắt, còn phải bền vững và lâu dài. Không chỉ đơn giản là theo kiểu trợ giúp, mà còn được xây dựng trên cơ sở những gì thực sự có thể làm được và với tầm nhìn dài hạn, để chúng tồn tại theo thời gian và không kết thúc với bất kỳ ai bắt đầu chúng. Ví dụ, ở đất nước này có đất đai hết sức màu mỡ; lòng quảng đại của những người giúp đỡ không thể không nắm lấy đặc điểm này, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển địa phương của những người cư trú trên vùng đất này, dạy họ canh tác, mang lại sức sống cho các dự án phát triển để đặt tương lai vào tay họ. Thay vì phân phát trợ giúp vốn luôn trong tình trạng thiếu thốn, tốt hơn cần truyền tải kiến thức và công cụ giúp phát triển tự chủ và bền vững. Về vấn đề này, tôi cũng nghĩ đến sự đóng góp to lớn của ngành y tế Công giáo, mà ở đất nước này, cũng như ở nhiều nơi khác trên thế giới, mang lại sự an ủi và hy vọng cho người dân, giúp đỡ những người đau khổ một cách miễn phí và nghiêm túc, bằng cách luôn, như nó phải là, trợ giúp thông qua các công cụ hiện đại và thích hợp.
Gương mẫu, tầm nhìn xa và cuối cùng – yếu tố thứ ba – là kết nối. Anh chị em thân mến, chúng ta cần tạo ra một mạng lưới, không chỉ mạng lưới ảo mà còn cụ thể, như đã xảy ra ở đất nước này trong bản giao hưởng cuộc sống của khu rừng lớn và thảm thực vật đa dạng của nó. Mạng lưới: làm việc với nhau ngày càng nhiều hơn, liên tục hiệp lực với nhau, hiệp thông với các Giáo hội địa phương và với vùng lãnh thổ. Mạng lưới: mỗi người có đặc sủng riêng nhưng được kết nối với nhau, chia sẻ những cấp bách, ưu tiên, nhu cầu, không đóng cửa và tự quy chiếu, sẵn sàng tham gia với các cộng đoàn Kitô hữu khác và các tôn giáo khác, và với nhiều tổ chức nhân đạo hiện diện. Tất cả vì lợi ích của người nghèo. Tạo nên mạng lưới với tất cả.
Anh chị em thân mến, tôi để lại cho anh chị em những ý tưởng này và tôi cảm ơn anh chị em vì những gì anh chị em đã để lại trong trái tim tôi ngày hôm nay. Vâng, cảm ơn anh chị em rất nhiều vì đã làm cho trái tim tôi xúc động. Anh chị em thật quý giá. Tôi chúc lành cho anh chị em và xin anh chị em tiếp tục cầu nguyện cho tôi, là điều mà tôi cần. Xin cảm ơn!
Nguồn: vaticannews.va/vi
bài liên quan mới nhất
- Đức Thánh Cha thành lập Ủy ban Tòa Thánh về ngày Thế giới Trẻ em
-
Việt Nam, quốc gia có tỷ lệ phá thai cao hàng đầu thế giới, dẫn đầu sáng kiến của Liên Hợp Quốc về sinh non -
Đức Giáo hoàng Phanxicô tuyên bố hoàn tục một linh mục lạc giáo người Argentina -
Đức Thánh Cha thiết lập ngày lễ các thánh, chân phước, những người thánh thiện của các giáo phận -
Nhận định của Đức Bênêđictô XVI về vấn đề giáo sĩ lạm dụng tình dục trẻ em -
Giáo hội và Nhà nước Pháp đang chuẩn bị sự kiện mở cửa lại Nhà thờ Đức Bà Paris -
Kitô hữu chiếm 75% tổng số các cuộc bách hại chống các tôn giáo thiểu số -
Ngày thế giới người nghèo: Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ dùng bữa trưa với 1.300 người nghèo -
Vatican tổ chức khám bệnh miễn phí cho người nghèo nhân Ngày Thế giới Người nghèo lần thứ VIII -
Tại sao Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ sẽ bỏ phiếu cho một bản dịch Kinh Thánh mới?
bài liên quan đọc nhiều
- 10 điều bạn nên làm khi Thánh lễ bị đình chỉ
-
Năm Thánh Giuse: Các ngày và các việc được ơn toàn xá -
Thông cáo chung của Nhóm Làm việc chung Việt Nam - Toà Thánh -
Hướng tới Ngày Giới trẻ Thế giới 2023 - Đức Thánh Cha: Đừng đứng nhìn cuộc đời trôi qua -
Toàn văn lá thư Đức Thánh Cha Phanxicô gửi các linh mục giáo phận Roma -
Chuyến tông du Mông Cổ của Đức Thánh Cha, đánh dấu cuộc gặp gỡ giữa Công giáo và Phật giáo -
Sáu ý tưởng khích lệ người cao tuổi của Đức Thánh Cha Phanxicô -
Đức Thánh Cha Phanxicô trả lời các nghi vấn của 5 Hồng y -
Đức Thánh Cha chủ sự Công nghị phong 21 tân Hồng y -
5 chủ đề nổi bật trong 10 năm triều đại Giáo hoàng Phanxicô