ĐHY GB. Phạm Minh Mẫn trả lời Tom Fox, chủ bút National Catholic Reporter

ĐHY GB. Phạm Minh Mẫn trả lời Tom Fox, chủ bút National Catholic Reporter

WGPSG – Vừa qua, ông Tom Fox, chủ bút của tờ National Catholic Repoter, một tờ báo Công giáo độc lập hàng đầu ở Hoa Kỳ, đã có cuộc phỏng vấn với Đức Hồng y Gioan B. Phạm Minh Mẫn với 10 câu hỏi như sau:

1. Tôi nghe nói Giáo Hội tại Tổng giáo phận TP.HCM đang trên đà tăng trưởng mạnh nhất. Những con số cụ thể ra sao? Giáo Hội tăng trưởng như thế nào? Xin Ngài cho biết lý do.

2. Ngài cảm thấy đâu là những thách đố lớn nhất của ngài trong tư cách là người lãnh đạo Tổng giáo phận TP.HCM?

3. Mỗi năm có bao nhiêu linh mục được phong chức? Có bao nhiêu chủng sinh trong Chủng viện chờ được phong chức?

4. Có bao nhiêu nữ tu tuyên khấn? Con số này có bị chính quyền giới hạn không?

5. Tôi nghe nói việc đào tạo tu sĩ đang có vấn đề. Xin ngài giải thích.

6. Tôi nghe nói hiện nay tỉ lệ phá thai ở Việt Nam rất cao. Con số cụ thể là bao nhiêu? Giáo Hội làm gì để hạ thấp tỉ lệ này?

7. Việc bổ nhiệm giám mục có sự thỏa thuận với chính quyền diễn tiến ra sao? Các điều thỏa thuận này là gì?

8. Ngài từng nói việc đào tạo giáo dân và người lãnh đạo là một mục tiêu lớn. Việc này tiến triển ra sao?

9. Xin Ngài cho biết quan hệ giữa Giáo Hội và Nhà nước như thế nào? Quan hệ này đã thay đổi ra sao? Liệu vẫn còn sự khác biệt giữa miền Bắc với miền Nam trong cách Giáo Hội tiếp xúc với Nhà nước?

10. Có thể Đức Giáo Hoàng sẽ đến thăm Việt Nam trong hai, ba năm nữa không?

Và Đức Hồng y đã trả lời:

1. Về sự tăng trưởng của gia đình giáo phận

– Những con số:
 
giáo xứ
giáo dân
linh mục triều
linh mục dòng
tu sĩ
nam nữ
1998
191
524.281
244
169
2.655
2009
200
662.148
318
327
4.754

– Lý do tăng trưởng: (1) số sinh cao hơn số tử; (2) hằng năm có từ 5 đến 7 ngàn người lớn nhập đạo; (3) có một số di dân công giáo nhập cư...

– Nguyên nhân sâu xa: (1) Thiên Chúa thương gieo nhiều hạt giống kitô hữu trên thửa đất mà các tiền nhân đã khai hoang, (2) máu đào của các chứng nhân đức tin đã đổ ra vun tưới cho thửa đất trở nên phì nhiêu; (3) lòng đạo cùng đời sống cầu nguyện và lòng bác ái hy sinh, quảng đại cống hiến của nhiều gia đình công giáo, của nhiều cộng đoàn tín hữu, đã vun phân tưới nước cho hạt giống phát triển và đơm bông kết trái như ngày nay.

2. Thách đố hôm nay

Với truyền thống lâu đời nay đã thành khung nếp xơ chai, gia đình giáo phận hôm nay phải đáp lại lời Đại Hội Dân Chúa trong Năm Thánh 2010 kêu gọi đổi mới và mở rộng sự hiệp thông trong Giáo Hội Chúa Kitô, cho dân Chúa Việt Nam hoà nhập vào đời sống xã hội, và loan báo Tin Mừng Sự Sống, Tin Mừng Tình Thương của Ngài trong thế giới toàn cầu hoá hôm nay.

3. Về đào tạo linh mục

Từ năm 2007, tôi không còn phải xin phép cho việc nhận ứng sinh linh mục mới, cho việc phong chức linh mục, cho việc thuyên chuyển linh mục trong giáo phận. Trước thì 2 năm chiêu sinh 20 người, nay thì hằng năm 20 người. Hiện nay, còn gần 300 bạn trẻ trong Thành phố nầy đang xếp hàng chờ ngày được nhận vào Đại Chủng viện. Trong những năm tới, con số ứng sinh linh mục sẽ là 140 cho Saigon, và 140 cho Phú Cường và Mỹ Tho, tổng cộng là 280 tu học chung trong Đại Chủng Viện Saigon. Trong 12 năm qua, mỗi năm có 10 tân linh mục. Sau 4 năm nữa, hy vọng con số sẽ là gần 20 mỗi năm.

4. Về tu sĩ

Cũng từ 4 năm nay, tu sĩ nam nữ không còn phải xin phép để nhập tu. Trong 12 năm nay, số linh mục dòng tăng lên từ 169 lên 327, số tu sĩ nam nữ từ 2.655 lên 4.754. Chưa kể đến số nhập tu vào trên 50 tu hội ngoài Việt Nam.

5. Về vấn đề đào tạo nhân sự

Hiện nay trong giáo phận có đến 10 học viện lo việc huấn luyện nam nữ tu sĩ. Nói chung, giới tu sĩ cũng như linh mục và giáo dân, cần thoát ra khỏi khung nếp tự vệ xưa nay để tồn tại, để cùng nhau bước theo Chúa Kitô trên con đường vừa hội nhập và dấn thân phục vụ cho Tin Mừng Chúa Kitô và sự sống con người, vừa yêu thương tới cùng và hiến thân vì sự sống mới và sự hiệp nhất gia đình nhân loại trong thế giới toàn cầu hoá hôm nay.

6. Về nạn phá thai

Cách đây 10 năm. tôi có nêu vấn đề cho mọi người: theo các phương tiện truyền thông, hằng năm có trên hai triệu vụ phá thai. Tệ nạn đó đi ngược lại truyền thống đạo lý và văn hoá của dân tộc, và rồi sẽ đưa tương lai của cộng đồng dân tộc đi về đâu...? Sau đó thì giới hữu trách có lưu tâm đến vấn đề, có công khai cảnh báo về tai hoạ đó. Đồng thời có những tổ chức công giáo và không công giáo tìm nhiều cách giúp đỡ nhiều phụ nữ thoát ra khỏi tệ nạn đó. Nhưng nay thì phát sinh một tệ nạn khác, là ngày càng có nhiều trẻ sơ sinh bị bỏ rơi. Đến nay cũng có những tổ chức đạo đời lo khắc phục những hậu quả tệ hại của lối sống văn hoá sự chết. Nhưng chưa có cách vận động mọi thành phần trong xã hội chung lòng chung sức vun đắp lối sống văn hoá sự sống và văn minh tình thương cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau. Sau Đại Hội Dân Chúa Việt Nam năm 2010, tôi có bức thư ngỏ kêu gọi mọi người quan tâm đến công việc đó, nhằm mở ra một tương lai tươi sáng hơn cho thế hệ trẻ hôm nay.

7. Về bổ nhiệm giám mục

Thông thường, các giám mục đề xuất danh sách ứng viên và gởi cho Vatican. Vatican chọn người và gởi tên cho chính phủ Việt Nam có ý kiến. Sau đó Vatican công bố việc bổ nhiệm. Nói chung thì đến nay, bên cạnh nhiều trường hợp không có trở ngại, có vài trường hợp có gặp khó khăn. Thế nhưng Vatican cũng đã vượt qua.

8. Huấn luyện giáo dân

Trong gần 30 năm sau 1975, người giáo dân không có cơ hội mở rộng và nâng cao kiến thức đức tin và mục vụ. Trung Tâm Mục Vụ và Học viện Mục Vụ của giáo phận được hình thành từ năm 2004 nhằm đáp ứng nhu cầu đó, đặc biệt cho các tổ chức mục vụ giáo xứ, (gồm trên 5.000 thành viên Hội Đồng Giáo Xứ, trên 5.000 giáo lý viên, và nhiều thành viên của 900 ca đoàn thuộc 200 giáo xứ trong giáo phận), và 25 tổ chức tông đồ giáo dân. Hằng năm có trên 6.000 lượt người qua những khoá, những lớp huấn luyện tại Trung Tâm Mục Vụ giáo phận, giúp cho giáo dân phát huy khả năng tham gia vào công cuộc xây dựng Giáo Hội, đổi mới đời sống đạo, và đáp ứng những nhu cầu mục vụ mới phát sinh. Ngoài ra cũng đã hình thành đến nay là 15 tổ chức mục vụ giáo phận, đáp ứng những nhu cầu mục vụ chuyên ngành: Thiếu Nhi, Giới Trẻ, Gia Đình, Di Dân, Giáo Lý, Ơn Gọi, Phụng Tự, Thánh Nhạc, Truyền Giáo, Caritas, Truyền Thông, Văn Hoá Công Giáo, Giáo dục Công Giáo, Đối Thoại Liên Tôn, Công Lý và Hoà Bình.

9. Bang giao giữa Giáo Hội và Nhà Nước

Hai lần đi Ad Limina, các Giám Mục Việt Nam đều được 2 vị Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và Bênêđitô XVI nhắc nhở: Giáo Hội cần kiên trì trên con đường đối thoại và hợp tác với mọi thành phần trong xã hội, với cả Nhà Nước, nhằm phục vụ cho Tin Mừng, cho sự sống con người, cho sự phát triển vững bền của đất nước. Hoàn cảnh văn hoá và lịch sử, kinh tế và chính trị Bắc Nam có khác nhau, nên có sự khác biệt trong suy nghĩ cũng như trong ứng xử là lẽ thông thường. Hy vọng qua công cuộc từng bước xây dựng hiệp thông trong Giáo Hội, những khác biệt đó sẽ giảm dần.

10. Việc Đức Giáo Hoàng viếng thăm Việt Nam

Tôi bày tỏ niềm hy vọng này ít là 2 lần. Lần I với Đức Gioan Phaolô II: nhân dân Việt Nam sẽ rất vui mừng đón tiếp Đức Thánh Cha ở Việt Nam. Ngài hỏi tôi, còn người cộng sản và Trung Quốc thì sao...? Lần II với Đức Bênêđitô XVI: Viếng thăm Việt Nam, Đức Thánh Cha sẽ đem lại sự ổn định và hy vọng cho nhiều dân tộc trong miền Đông Nam Á, như Ngài đã làm đối với miền Trung Đông. Ngài đưa 2 tay lên trời, mời gọi cầu nguyện và tìm ý Chúa Quan Phòng. Tôi không rõ Ngài muốn ám chỉ sức khoẻ của Ngài hay tình hình thế giới hôm nay? Hoặc cả hai?...

Toà Tổng Giám mục Thành phố HCM 17.2.2011

Gioan B. Phạm Minh Mẫn
Hồng Y Tổng Giám mục

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top