Đêm Hạ Nêu tại một tụ điểm văn hoá tư gia

Đêm Hạ Nêu tại một tụ điểm văn hoá tư gia

WGPSG -- Mùng bảy Tết còn được gọi là ngày Hạ Nêu theo truyền thống văn hóa dân tộc. Trong ngày này, nhiều nơi ở Việt Nam thường tổ chức những lễ hội hấp dẫn. Phần LỄ, tùy vùng miền, có những nghi thức và trò chơi rất đặc biệt giúp cho phần HỘI thêm phần sinh động trong những ngày xuân.

Có thể hơi quá lời khi gọi nhà riêng cha Giuse Tiến Lộc là một tụ điểm văn hóa, nhưng quả thật, từ hơn hai thập niên trở lại đây, ngôi nhà nhỏ trong con hẻm nhỏ ngoằn ngoèo ấy, đã là nơi gặp gỡ của nhiều tên tuổi lớn hoạt động văn hóa nghệ thuật như Võ Long Tê, cố nhạc sĩ Lê Thương, Phạm Đình Khiêm, cố nhạc sĩ Hùng Lân… Khởi đầu chỉ là một nhóm nhỏ vài người, rồi mở rộng ra với sự tham gia của các linh mục, tu sĩ với rất nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng và các thân hữu.

Ngôi nhà này chiều dài khoảng 20 mét, bề ngang chỉ hơn 3 mét một chút, nhưng trong đêm hạ nêu năm nay đã quy tụ gần 200 người. Được như vậy là nhờ “địa lợi” vì nhà nằm gần cuối một con hẻm cụt. Những ghế đơn đã kê tràn ra ngoài mặt trước và cả bên hông nhà, nhưng vẫn không cản trở lưu thông vì không còn đường đi. Một màn hình nhỏ trên cao, phía trước, giúp những người ngồi bên ngoài có thể theo dõi rất rõ toàn bộ các phần trình diễn trên sân khầu mini trong nhà.

Ngoài một số rất nhỏ được mời hoặc thông báo qua điện thoại, hầu hết những người tham dự đều tự đến vì đã thành thông lệ mỗi năm của ngày hạ nêu, hoặc do nghe biết rồi rủ nhau đi dự “Đêm văn nghệ nhà cha Tiến Lộc”. Tuyệt đối không có Thư mời, Giấy mời này nọ. Cũng không có chương trình và chuẩn bị trước, tất cả đều tự phát và ngay cả người MC đến phút chót mới biết, nhưng chỉ để tiện dẫn chương trình.

Chạy “sô”

Sau khi gây bầu khí với hai bản nhạc xuân: “Xuân và tuổi trẻ”, “Đón xuân”, cộng đoàn đã lần lượt được thưởng thức phần trình diễn của Nhóm Credo với Nhạc sĩ Nguyễn Bách, Ban Hợp xướng Suối Việt, Ban Hợp xướng Trùng Dương, Tam ca Áo Trắng, Câu lạc bộ Lửa Hồng, ca sĩ Đông Nghi, Kim Lệ, Thanh Thủy, Xuân Trường…

Hầu hết trong các nghệ sĩ trình diễn đêm nay đều có show ghi hình trên TV, như Nhạc sĩ Nguyễn Bách và Ca sĩ Khắc Dũng phải thu hình chương trình “Thay lời muốn nói” trên HTV 9, hoặc trên các sàn diễn, vì thế sau khi biểu diễn ở đây, họ đã phải chạy sô, như vậy vô tình, các khán giả trong căn nhà nhỏ của “đêm hạ nêu” đã được thưởng thức trước hàng triệu khán giả cả nước, vì phần thu hình chỉ được phát sau đó cả ngày trời.

Tứ ca và nhị ca

Bạn bè của cha Tiến Lộc 50 năm trước đây đã hình thành một nhóm tứ ca gồm 4 người. Bây giờ họ là những U 80, U 70, tuổi cao sức yếu, nhưng tinh thần của các vị này vẫn toát lên sức sống mạnh mẽ của tươi vui, hy vọng và tràn đầy nềm tin trong bài “Lang thang trong chiều” (hai lời Pháp – Việt). Sau khi hát xong, trước lúc tạm biệt, một vị đã phải uống thuốc, vị này đã 76 tuổi.

Riêng “Tam ca Áo Trắng”, vốn nổi tiếng với 3 cô gái thường mặc áo trắng xuất thân từ ca đoàn của một xứ đạo, nhưng tối nay chỉ còn “Nhị Ca không mặc trắng”, vì chỉ có hai cô, họ đều mặc áo sẫm mầu.

Những hỏi nhỏ thiếu tế nhị

- Thưa cha, lẽ ra không nên hỏi một câu hỏi quá vô duyên, nhưng xin tha lỗi cho con vì không cưỡng nổi tò mò, xin cha vui lòng cho biết cha có phải trả chi phí gì không và nếu có, thì là bao nhiêu cho các nghệ sĩ đến đây trình diễn ?

- Không, không gì hết. Ngay cả ca sĩ Hồng Vân và nhiều tên tuổi khác cũng không, cả MC Thanh Bạch cũng thế, mà nhiều người biết cátsê thấp nhất của MC Thanh Bạch là 2 triệu.

Buổi trình diễn văn nghệ trong đêm Hạ nêu tại nhà cha Tiến Lộc đã chấm dứt, nhưng Nhạc Sĩ Nguyễn Bách, Nhóm Credo, sau khi ghi hình xong đã trở lại, để cùng với nhiều đệ tử lớp Triết học DCCT “thu dọn chiến trường” gồm bàn ghế bừa bộn ở nhà trên và mọi thứ linh tinh trong nhà bếp.

Đêm Xuân ra về, tạm biệt căn nhà nhỏ trong con hẻm nhỏ ngoằn ngoèo để nhập vào dòng xe cộ ngược xuôi, lòng vẫn còn in đậm những ấn tượng khó tả, những lưu luyến khó quên…

Top