Đạt được tình bạn với Chúa Giêsu là sống hạnh phúc
Hãy hiểu biết Kinh Thánh, yêu mến Phụng Vụ và sống các khía cạnh đức tin một cách sâu đậm hơn để đạt được tình bạn với Chúa Giêsu và sống hạnh phúc.
Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã khích lệ 30.000 tín hữu và du khách năm châu tham dự buổi tiếp tại quảng trường Thánh Phêrô sáng thứ tư 6-10-2010.
Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã giới thiệu gương mặt thánh nữ Gertrude Cả, nữ tu người Đức, sống vào hậu bán thế kỷ XIII tại tu viện biển đức Helfta, nơi đã nảy sinh ra vài kiệt tác của nền văn chương tôn giáo nữ giới latinh-đức. Đức Thánh Cha giới thiệu gương mặt của thánh nữ Gertrude Cả như sau:
Thuộc thế giới ấy có Gertrude, một trong những nhà thần bí nổi tiếng nhất, phụ nữ duy nhất của nước Đức được gọi là ”Cả”, vì tầm cỡ văn hóa và tin mừng trong cuộc đời của chị. Với cuộc sống và tư tưởng của mình chị đã ghi khắc một cách đặc biệt dấu ấn trên nền tu đức kitô. Đó là môt phụ nữ đặc biệt, có các tài khéo tự nhiên và các ơn thánh ngoại thường, một đức khiêm nhường thẳm sâu và lòng nhiệt thành nồng cháy đối với ơn cứu rỗi của tha nhân, kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa trong sự chiêm niệm và sẵn sàng cứu giúp những người thiếu thốn.
Thánh nữ Gertrude Cả sinh ngày mùng 6 tháng giêng năm 1256, đúng ngày lễ Hiển Linh, nhưng không ai biết gì về cha mẹ và nơi sinh của chị. Chỉ biết rằng khi lên 5 tuổi Gertrude được gửi vào học trường nội trú do các nữ tu biển đức điều hành, và được giao cho thánh Mathilde thành Hackeborn săn sóc. Gertrude sống các chặng ý nghĩa nhất đời mình tại đây. Được thánh Mathilde dậy dỗ giáo dục, trong tương quan với nữ tu Mathilde thành Magdeburg và dưới sự chăm sóc hiền mầu êm dịu và đòi hỏi của viện mẫu Gertrude, thánh nữ kín múc được từ ba phụ nữ ấy các kho tàng kinh nghiệm và khôn ngoan. Chị diễn tả sự phong phú tu đức không chỉ của thế giới đan tu, mà nhất là của thế giới kinh thánh, phụng vụ, giáo phụ và biển đức nữa, với dấu ấn rất cá biệt và sự thông truyền hữu hiệu.
Gertrude đã là một nữ sinh ngoại thường, ưa thích hiểu biết, kiên trì và hăng say học hành, ham mê văn chương, âm nhạc, thánh ca, nghệ thuật thủ công, nên đạt các thành qủa vượt sự chờ mong. Chị có cá tính mạnh mẽ, cương quyết, và dễ bị khích động. Chị thường cho mình là thiếu sót và thừa nhận các khuyết điểm và khiêm tốn xin lỗi. Chị thường khiêm tốn xin lời khuyên và lời cầu nguyện cho ơn hoán cải của mình. Có những khuyết điểm sẽ theo chị cho tới chết, khiến cho nhiều người ngạc nhiên tự hỏi làm sao Thiên Chúa lại yêu thương chị một cách đặc biệt như vậy.
Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói: từ chỗ là nữ sinh, Gertrude thánh hiến hoàn toàn cho Thiên Chúa trong đời sống đan tu và trong 20 năm trời đã không xảy ra chuyện gì đặc biệt. Chị tiếp tục trau dồi văn hóa trong mọi chiều kích khác nhau. Nhưng vào Mùa Vọng năm 1280 chị bắt đầu cảm thấy chán ghét mọi thứ đó, và nhận ra sự phù vân của chúng. Ngày 27 tháng giêng năm 1281 vào giờ Kinh Tối, Chúa soi sáng các tối tăm của chị. Với sự dịu ngọt và êm ái Chúa trấn an nỗi âu lo của chị, và ban ơn giúp chị đánh đổ ngọn tháp phù vân và tò mò, mà chị đã tìm cách xây cao với lòng kiêu căng. Chị thị kiến thấy một thiếu niên cầm tay dẫn chị vượt qua các gai góc chèn ép tâm hồn, và chị nhận ra đó là chính Chúa Giêsu, Đấng đã đổ máu trên Thánh Giá để cứu chuộc chúng ta.
Từ đó trở đi đời sống kết hiệp với Chúa của chị được củng cố, đặc biệt trong các thời gian phụng vụ ý nghĩa nhất như: Mùa Vọng Giáng Sinh, Mùa Chay Phục Sinh, các lễ của Đức Mẹ, cũng như trong những lúc đau yếu không tham dự giờ kinh chung với cộng đoàn được. Tiểu sử của chị ghi lại hai hướng đi của cuộc hoán cải ấy. Thứ nhất là trong việc học hành: từ các môn nhân văn đời hướng sang các môn thần học. Thứ hai là trong việc tuân giữ luật đan tu: từ cuộc sống lơ là sang cuộc sống cầu nguyện sâu đậm, thần bí với nhiệt tình truyền giáo ngoại thường. Giờ đây chị được dẫn lên núi của sự chiêm niệm, nơi chị từ bỏ con người cũ để mặc lấy con người mới. Từ thầy văn phạm chị trở thành nữ thần học gia. Chị tìm đọc tất cả các sách thánh có thể có và khiến cho con tim mình tràn đầy các câu kinh thánh êm dịu nhất. Và chị luôn luôn có các lời linh hứng cho những ai đến hỏi ý kiến của chị, hay để phản bác bất cứ ý kiến sai lạc nào và bịt miệng các người chống đối. Đức Thánh Cha nhấn mạnh ý hướng tông đồ của thánh nữ Gertude như sau:
Chị Gertrude biến tất cả những điều đó thành việc tông đồ: chị viết và phổ biến chân lý đức tin với sự rõ ràng và đơn sơ, duyên dáng và có sức thuyết phục. Chị trung thành phục vụ Giáo Hội đến độ sinh ích lợi cho cả các thần học gia và những người đạo đức và được họ chấp nhận. Rất tiếc là từ các sinh hoạt phong phú ấy của chị, người ta đã chỉ giữ lại được tác phẩm ”Người loan báo tình yêu Thiên Chúa” hay các ”Mạc khải” và các ”Cuộc tĩnh tâm”, là hạt ngọc của nền văn chương thần bí thiêng liêng. Lý do cũng là vì đan viện Helfta đã bị tàn phá.
Các lời nói và gương sống của chị khơi dây nơi người khác lòng sốt mến sâu xa. Ngoài đời cầu nguyện và hãm mình, chị còn có lòng đạo đức và hoàn toàn tín thác nơi Thiên, khiến cho ai gặp chị đều nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa. Thiên Chúa đã cho chị hiểu rằng Ngài kêu gọi chị chính là để chị trở thành dụng cụ ơn thánh của Ngài. Tuy nhiên, chị luôn ý thức được sự bất xứng và nghèo nàn của mính và hoàn toàn gắn bó với ý muốn của Thiên Chúa.
Có hai ơn mà chị yêu mến nhất: đó là các dấu vết cuộc khổ nạn mà Chúa in sâu trong tâm hồn chị, như đồ trang sức con tim; và vết thương tình yêu mà Ngài đã khắc ghi trong chị. Đó là các ơn trọng đại, mà nếu có phải sống xa Chúa hằng nghìn năm không nhận được sự ủi an trong ngoài nào, chỉ nhớ tới các ơn ấy cũng đủ để an ủi, soi sáng và làm cho chị tràn ngập lòng biết ơn Thiên Chúa.
Thánh nữ Gertrude Cả qua đời ngày 17 tháng 11 năm 1301 hay 1302, khi mới được 46 tuổi. Đức Thánh Cha kết luận bài huấn dụ như sau: cuộc đời của thánh nữ Gertrude Cả là một trường học của đời sống kitô, của con đường ngay thẳng. Nó cho chúng ta thấy rằng trung tâm cuộc đời hạnh phúc, của một cuộc sống đích thật là tình bạn với Chúa Giêsu. Tình bạn đó chúng ta học được trong lòng yêu mến Kinh Thánh, yêu mến phụng vụ, trong đức tin sâu đậm và trong tình yêu đối với Mẹ Maria, để ngày càng hiểu biết chính Thiên Chúa một cách đích thực hơn. Đó là hạnh phúc thật và là đích điểm cuộc sống của chúng ta.
Đức Thánh Cha đã chào nhiều nhóm khác nhau, như nhóm các Linh Mục sinh viên trường thánh Phaolô, trong đó có nhiều linh mục Việt Nam, cũng như các chủng sịnh dòng các Tôi tớ Công trình Bác Ái của Cha Guanella và các thành viên tổng tu nghị dòng Thừa Sai Tận Hiến Đức Mẹ Vô Nhiễm.
Chào các bạn trẻ, người đau yếu và các cặp vợ chồng mới cưới Đức Thánh Cha nhắc cho mọi người biết mùng 7 tháng 10 là lễ Đức Mẹ Mân Côi. Ngài mời gọi mọi người yêu mến lần hạt Mân Côi mỗi ngày. Đó là lời kinh rất thân thương của truyền thống kitô, đọc kinh Mân Côi để suy ngắm các mầu nhiệm cuộc đời của Chúa Cứu Thế và được nhiều ơn lành hồn xác.
Sau cùng Đức Thánh Cha đã cất kinh Lạy Cha và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.
bài liên quan mới nhất
- Những đoạn trích từ cuốn tự truyện "Hy vọng" của Đức Thánh Cha Phanxicô
-
Cầu nguyện cho Đức Thánh Cha dịp ngài tròn 88 tuổi -
Cuộc hành hương kỷ lục: khoảng 13 triệu người viếng Đền Thánh Đức Mẹ Guadalupe trong dịp lễ -
Tình bạn, tình huynh đệ là chứng tá Tin Mừng -
Đức Giáo Hoàng Phanxicô và “Gánh Nặng Ngày Càng Gia Tăng của Tuổi Tác” -
Diễn văn Đức Thánh Cha nhân dịp bế mạc Đại hội lòng đạo đức bình dân ở khu vực Địa Trung Hải ngày 15/12/2024 -
Huấn dụ Kinh Truyền tin ngày 15/12/2024 – Linh mục, tu sĩ chăm sóc chính mình và chăm sóc người khác -
Bài giảng tĩnh tâm Giáo triều Roma Mùa Vọng 2024: Bài 2 - Cánh cửa của niềm tin tưởng -
Đức Thánh Cha chủ sự Thánh lễ kính nhớ Đức Mẹ Guadalupe -
Hội nghị online của Ủy ban Giáo sĩ Chủng sinh năm 2024
bài liên quan đọc nhiều
- 10 điều bạn nên làm khi Thánh lễ bị đình chỉ
-
Năm Thánh Giuse: Các ngày và các việc được ơn toàn xá -
Thông cáo chung của Nhóm Làm việc chung Việt Nam - Toà Thánh -
Hướng tới Ngày Giới trẻ Thế giới 2023 - Đức Thánh Cha: Đừng đứng nhìn cuộc đời trôi qua -
Toàn văn lá thư Đức Thánh Cha Phanxicô gửi các linh mục giáo phận Roma -
Chuyến tông du Mông Cổ của Đức Thánh Cha, đánh dấu cuộc gặp gỡ giữa Công giáo và Phật giáo -
Sáu ý tưởng khích lệ người cao tuổi của Đức Thánh Cha Phanxicô -
Đức Thánh Cha Phanxicô trả lời các nghi vấn của 5 Hồng y -
Đức Thánh Cha chủ sự Công nghị phong 21 tân Hồng y -
5 chủ đề nổi bật trong 10 năm triều đại Giáo hoàng Phanxicô