Trung tâm Mục vụ TGP Sài Gòn: Đại lễ Lòng Chúa Thương Xót 2019

Trung tâm Mục vụ TGP Sài Gòn: Đại lễ Lòng Chúa Thương Xót 2019

Trung tâm Mục vụ TGP Sài Gòn: Đại lễ Lòng Chúa Thương Xót 2019

WGPSG -- "Để chia sẻ cuộc sống với con người, Chúa đã đưa vết thương của Ngài cho con người chạm vào. Để yêu thương tha nhân, chúng ta cũng phải chạm vào được nỗi đau của họ để cảm nghiệm nỗi khổ họ phải chịu”. 

Đó là lời nhắn nhủ của Đức TGM Giuse Nguyễn Chí Linh (Đức Tổng Giuse) - Chủ tịch HĐGMVN - khi ngài giảng trong Thánh lễ đồng tế mừng Đại lễ Lòng Chúa Thương Xót (LCTX) ở khuôn viên Trung tâm Mục vụ (TTMV) TGP Sài Gòn lúc 17g30 Chúa Nhật 28.4.2019.

Khai mạc

Từ 14g30, cùng với các cộng đoàn Lòng Chúa Thương Xót, hàng ngàn người đã tiến về TTMV. Các tín hữu từ các giáo phận ở xa như Xuân Lộc, Bà Rịa và Phú Cường… cũng đã đến từ buổi sáng. Nhiều linh mục đã ngồi tòa trước núi Đức Mẹ và trong hành lang của Nhà Truyền Thống để giúp các hối nhân làm hòa với Chúa.

Chương trình bắt đầu cách hân hoan lúc 15g với âm thanh sôi động của đội kèn tây giáo xứ Gò Mây, màn đánh trống rất ấn tượng của các nữ tu Dòng Nữ Tỳ Chúa Giêsu Linh mục, và hai bài hát rất cảm động ("Trái Tim Tình Yêu" - "Trở về bên Chúa") của linh mục (LM) Gioan Baotixita Nguyễn Sang.

Huấn từ & Cầu nguyện

Sau lời giới thiệu của MC về những đặc điểm cơ bản của việc tôn sùng LCTX trích từ nhật ký của Thánh nữ Faustina, là bài huấn từ của LM thừa sai LCTX Giuse Đào Nguyên Vũ. LM Giuse nhắc lại việc Đức Gioan Phaolô II thành lập đại lễ LCTX từ 19 năm trước để nhắn nhủ:

- Đừng cử hành ngày lễ theo thói quen và có những biến tướng khi cử hành LCTX.

- Đừng đặt điều kiện đòi hỏi những phép lạ để biến Chúa thành công cụ thỏa mãn ý muốn riêng của chúng ta.

LM Giuse đã nói về ba cách để đón nhận LCTX:

1. Sùng kính LCTX: Tôn kính ảnh tượng LCTX, Làm tuần Cửu nhựt LCTX, Tham dự lễ cử hành phụng vụ mừng kính LCTX, Siêng năng lần Chuỗi LCTX…

2. Sống LCTX

3. Tín thác vào LCTX

Dẫn giải bài Phúc Âm hôm nay, LM Giuse đã trình bày một Đức Giêsu đầy những vết thương:

- Những đau khổ không phải dùng để đánh giá Chúa có thương con người hay không.

- Vết thương Chúa vẫn tiếp tục rỉ máu qua những hành vi sai trái của những con người lẽ ra không nên làm như thế.

Ngài cũng nói về thách đố của truyền thông sai lạc. Để biết thông tin đúng hay sai hãy tự đặt câu hỏi: Tất cả những thông tin chúng ta gởi cho người khác có diễn tả LCTX  hay chỉ phục vụ cho mục đích của chúng ta. Sống LTX Chúa sẽ mang lại bình an. Hãy trở thành LTX của Chúa cho xã hội mà chúng ta đang sống.

Sau bài huấn từ của LM Giuse, LM Ernest Nguyễn Văn Hưởng - Tổng Linh hướng Cộng đoàn Lòng Chúa Thương Xót TGP Sài Gòn - đã chia sẻ đôi nét về sự phối hợp của cộng đoàn LCTX ở Việt Nam. Ngài nói: LCTX khởi đi từ Giáo Hội và phát triển nhờ ân sủng của Chúa, mà ơn của Chúa thì giống như gió thổi, mỗi nơi mỗi khác. Ngọn gió Thánh Thần tạo ra sự đa dạng phong phú trong sự hợp nhất. Cho nên, các giáo phận có các cha đặc trách chính thức, thường xuyên họp lại với nhau để tìm tiếng nói chung. Trong những buổi họp đó, các LM phụ trách bàn về các vấn đề:

- Làm sao để vâng lời Giáo Hội? Làm sao để kết hợp với các Đức cha, với Đức Giám quản mà đẩy phong trào LCTX đi đúng hướng của Giáo Hội.

- Việc đặt tay: thay vì đặt tay thì khuyến khích người ta rước Chúa vào lòng.

- Việc làm chứng: tránh nguy cơ khoe khoang trước mặt mọi người rằng: Tôi nhận được nhiều ơn của Chúa; như vậy tôi đã được vinh dự ở đời này rồi, và như Chúa Giêsu nói, coi chừng mất vinh phúc muôn đời trên trời.

- Ơn của LCTX phải giúp mỗi người khiêm tốn đón nhận rồi phát huy như hạt giống gieo vào lòng đất để được nhiều ơn hơn.

- Việc rao giảng phải đi đôi với việc thực hành Lời Chúa.

- Những bản kinh LCTX cần được duyệt cho đúng tín lý rồi mới phổ biến.

Đại lễ sau đó đã tiếp tục với giờ Cầu nguyện tôn sùng LCTX.

Thánh lễ

Đỉnh cao ngày hội là Thánh lễ đồng tế - do Đức Tổng Giuse Nguyễn Chí Linh chủ tế -  đã bắt đầu lúc 17g30 với đoàn kiệu đi từ cuối sân TTMV tiến lên lễ đài.

Mở đầu bài giảng, Đức Tổng Giuse kể lại câu chuyện của vị bác sĩ đã từng ở Việt Nam và đã gắp một viên đạn trong tay một người lính. Cuộc giải phẫu dưới ánh đèn pin khiến ông cảm xúc sâu xa. Khi về Mỹ, ông đã chọn chuyên ngành giải phẫu bàn tay. Nhờ đi sâu vào chuyên ngành, ông đã cảm nhận được cơn đau kinh khiếp Chúa Giêsu phải chịu khi đôi tay Người bị đóng đinh vào thập giá. Theo ông, tiếng kêu của Tôma: "Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của con" không chỉ là lời tuyên xưng đức tin mà còn diễn tả nỗi xúc động trước cơn đau của Chúa và phát hiện ra tình yêu vô biên của Thầy mình. Vì vậy, mỗi khi giải phẫu bàn tay con người, vị bác sĩ ấy cũng tuyên xưng đức tin: "Lạy Chúa là Thiên Chúa của con!"

Đức Tổng dẫn giải: Chúa Giêsu sống lại có toàn quyền trên vạn vật, nhưng Ngài không hiện ra dưới hình thức một người toàn mỹ, vì muốn chúng ta hiểu rằng: tất cả các thương tích đều được Ngài mang vào vinh quang phục sinh. Phải chia sẻ được những nỗi đau của Chúa mới tiếp nhận được sức mạnh của Chúa Phục Sinh. Một trong những nỗi thống khổ sâu xa nhất của Chúa Giêsu là bị phản bội: Những người Do Thái được Chúa chữa bịnh, trừ quỷ, cuối cùng đã đòi giết Ngài. Các môn đệ thì trốn sạch, Phêrô thì chối Chúa, Giuđa thì bán Chúa… Những lý hình, luật sĩ, Pharisêu... đều là thủ phạm giết Chúa. Nhưng khi sống lại, Ngài đã ban ơn tha thứ cho tất cả mọi người.

Đức Tổng gợi ý cầu nguyện: “Xin Chúa cho chúng ta cảm nghiệm được nỗi đau của Chúa, đồng thời cảm nghiệm được sự kỳ diệu của ơn tha thứ để trở thành những chiến sĩ đi gieo rắc tình yêu của Chúa.”

Đức Tổng nhấn mạnh thêm: “Để chia sẻ cuộc sống với con người, Chúa đã đưa vết thương của Ngài cho con người chạm vào. Chúng ta cũng thế, để yêu thương tha nhân, ta cũng phải chạm vào được nỗi đau của tha nhân để cảm nghiệm nỗi khổ họ phải chịu”. 

Đức Tổng Giuse đúc kết: “Không có gì đẹp hơn thập giá, vì đó là hình ảnh thẳm sâu của tình yêu thương. Mỗi lần nhìn lên Thánh giá, hãy xin Chúa cho ta có được một cuộc đời đẹp như Thánh giá, trút tất cả tình yêu cho Chúa và cho tha nhân. Như vậy, LTXC luôn hiện diện trong đời chúng ta và biến chúng ta thành LTX của Chúa."

Kết thúc

Thánh lễ đã kết thúc lúc 19g sau lời cám ơn của Ban Tổ chức và phép lành toàn xá của Đức Tổng Giuse. Ban Tổ chức và ca đoàn đã chụp hình lưu niệm với Đức Tổng Giuse và các linh mục đồng tế. Mọi người hân hoan ra về với bức ảnh Lòng Thương Xót Chúa đã được Đức Tổng làm phép.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top