Đại hội các gia đình thế giới 2012 – Bài giáo lý số 9: Ngày lễ: thời gian dành cho Chúa
A. Bài hát và lời chào mở đầu
B. Kinh Chúa Thánh Thần
C. Bài đọc Lời Chúa
23Vào ngày sabat, Đức Giêsu đi băng qua một cánh đồng lúa. Dọc đường, các môn đệ bắt đầu bứt lúa. 24 Người Pharisêu liền nói với Đức Giêsu: “Ông coi, ngày sabat mà họ làm gì kia? Điều ấy đâu được phép!” 25Người đáp: “Các ông chưa bao giờ đọc trong Sách sao? Ông Đavít đã làm gì, khi ông và thuộc hạ bị thiếu thốn và đói bụng? 26Dưới thời thượng tế Abiatha, ông vào nhà Thiên Chúa, ăn bánh tiến, rồi còn cho cả thuộc hạ ăn nữa. Thứ bánh này không ai được phép ăn ngoại trừ tư tế.” 27Người nói tiếp: “Ngày sabat được tạo nên cho con người, chứ không phải con người cho ngày sabat. 28Bởi đó, Con Người làm chủ luôn cả ngày sabat” (Mc 2,23-28).
1Sau đó, Đức Giêsu lại tỏ mình ra cho các môn đệ ở Biển Hồ Tibêria. Người tỏ mình ra như thế này. 2Ông Simôn Phêrô, ông Tôma gọi là Điđymô, ông Nathanaen người Cana miền Galilê, các người con ông Zêbêđê và hai môn đệ khác nữa, tất cả đang ở với nhau. 3Ông Simôn Phêrô nói với các ông: “Tôi đi đánh cá đây.” Các ông đáp: “Chúng tôi cùng đi với anh.” Rồi mọi người ra đi, lên thuyền, nhưng đêm ấy họ không bắt được gì cả. 4Khi trời đã sáng, Đức Giêsu đứng trên bãi biển, nhưng các môn đệ không nhận ra đó chính là Đức Giêsu. 5Người nói với các ông: “Này các chú, không có gì ăn ư?” Các ông trả lời: “Thưa không.” 6Người bảo các ông: “Cứ thả lưới xuống bên phải mạn thuyền đi, thì sẽ bắt được cá.” Các ông thả lưới xuống, nhưng không sao kéo lên nổi, vì lưới đầy những cá. 7Người môn đệ được Đức Giêsu thương mến nói với ông Phêrô: “Chúa đó!” Vừa nghe nói “Chúa đó!”, ông Simôn Phêrô vội khoác áo vào vì đang ở trần, rồi nhảy xuống biển. 8Các môn đệ khác chèo thuyền vào bờ kéo theo lưới đầy cá, vì các ông không xa bờ lắm, chỉ cách vào khoảng gần một trăm thước. 9Bước lên bờ, các ông nhìn thấy có sẵn than hồng với cá đặt ở trên, và có cả bánh nữa. 10Đức Giêsu bảo các ông: “Đem ít cá mới bắt được tới đây!” 11Ông Simôn Phêrô lên thuyền, rồi kéo lưới vào bờ. Lưới đầy những cá lớn, đếm được một trăm năm mươi ba con. Cá nhiều như vậy mà lưới không bị rách. 12Đức Giêsu nói: “Anh em đến mà ăn!” Không ai trong các môn đệ dám hỏi “Ông là ai?”, vì các ông biết rằng đó là Chúa. 13Đức Giêsu đến, cầm lấy bánh trao cho các ông; rồi cá, Người cũng làm như vậy. 14Đó là lần thứ ba Đức Giêsu tỏ mình ra cho các môn đệ, sau khi trỗi dậy từ cõi chết (Ga 21,1-14).
D. Giáo lý Kinh Thánh
1. Đức Giêsu là “Chúa” của ngày sabat. Ngày Chúa nhật được lập ra như “sự tưởng niệm” hằng tuần việc Chúa Giêsu sống lại, cử hành “sự hiện diện” hiện thực của Chúa Phục Sinh, mong đợi “lời hứa” trở lại của Chúa trong vinh quang. Trong những thời kỳ đầu của Kitô giáo, Chúa nhật (dies dominicus) không thay thế ngay lập tức, nhưng cộng sinh với ngày sabat của người Do Thái. Để hiểu điều này, chúng ta phải dừng lại ở ba điểm: mối liên hệ giữa Chúa Giêsu và ngày sabat; việc hình thành ngày thứ nhất trong tuần; ngày Chúa nhật trong những thế kỷ đầu. Ba điểm này cho chúng ta thấy ý nghĩa thiêng liêng và ý nghĩa thần học của ngày Chúa nhật Kitô giáo như là sự tưởng nhớ, sự hiện diện và lời hứa.
Trong Tin Mừng, Chúa Giêsu đã bộc lộ một sự tự do đặc biệt đối với ngày sabat đến mức dường như các phép lạ thường tập trung vào ngày này: người ta nghĩ đến đoạn Tin mừng về câu chuyện bứt bông lúa trong ngày sabat (Mc 2,23-28; Mt 12,1-8; Lc 6,1-5); việc chữa lành người bị bại tay (Mc 3,1-6; Mt 12,9-14; Lc 6,6-11), chữa lành người phụ nữ còng lưng (Lc 13,10-17) và người mắc bệnh phù thũng (Lc 14,1-6). Thánh sử Gioan xếp việc Chúa chữa người bị bại liệt ở hồ nước tại Bếtdatha (Ga 5,1-18) với trình thuật người mù từ khi mới sinh cũng trong ngày sabát (Ga 9,1-41).
Về ngày sabat, Chúa Giêsu đưa ra ba viễn tượng. Trước hết, Chúa Giêsu xác nhận phải tôn kính giới luật ngày sabat: vượt trên cách thực thi luật pháp của người Pharisêu, Chúa Giêsu nhìn nhận, thực hành (sống) và khuyên dạy ý nghĩa ngày sabat. Trình thuật các môn đệ bứt bông lúa trong ngày sabat giải thích Lề luật dưới ánh sáng của thánh ý Thiên Chúa: “Ngày sabát được tạo nên cho con người, chứ không phải con người cho ngày sabát”. Ngày sabat nhắm đến sự sống viên mãn của con người (Mc 3,4; Mt 12,11-12).
Điểm thứ hai: Chúa Giêsu hoàn thành ý nghĩa ngày sabat nhờ giải thoát con người khỏi sự dữ. Ngày sabat là đỉnh cao công trình của Thiên Chúa và con người được tạo dựng cho ngày sabat đích thực, nghĩa là cho sự hiệp thông với Thiên Chúa. Sứ mạng của Chúa Giêsu được hoàn tất trong việc trao ban cho nhân loại ân sủng để thực hiện ơn gọi của mình, bởi ơn gọi đó mà Thiên Chúa ngay từ nguyên thủy đã tạo dựng con người. Ân sủng được ban trước hết cho những người bị tổn thương nơi thân xác và linh hồn, đó là: những người đau yếu bệnh hoạn, những người tàn tật, những người đui mù, những người tội lỗi. Đối với Chúa Giêsu, ngày sabat là ngày của hành động giải thoát.
Cuối cùng, Chúa Giêsu là “Chúa” của ngày sabat. Qua việc canh tân công trình tạo dựng và giải thoát con người khỏi sự dữ, Chúa Giêsu mạc khải chính mình như là sự sống viên mãn, là cùng đích của giới luật ngày sabat. Chúa Giêsu là Chúa của ngày sabat bởi vì Người là Con Thiên Chúa và, như là Người Con, Người đưa ngày sabat đến viên mãn.
Để có kinh nghiệm về “sự hiện diện” của Chúa Phục Sinh, gia đình phải để Thánh lễ Chúa nhật soi sáng. Cử hành thánh lễ trở thành trung tâm sống động và tưng bừng của ngày của Chúa, như Đấng Phục Sinh hiện diện ngày hôm nay, ở nơi đây. Thánh Thể giúp ta đạt đến bến bờ mầu nhiệm thánh của Thiên Chúa. Gia đình tìm thấy trọng tâm của tuần lễ trong ngày Chúa nhật, ngày bảo vệ đời sống thường nhật của gia đình. Điều ấy sẽ xảy ra khi gia đình tự hỏi: chúng ta có thể cùng nhau gặp gỡ mầu nhiệm Thiên Chúa không? Đơn giản là Thánh lễ để chúng ta được gặp gỡ “mầu nhiệm” Thiên Chúa. Nghi lễ làm cho gia đình tiếp xúc với nguồn mạch sự sống, hiệp thông với Thiên Chúa và với anh em. Thật ra, còn hơn thế nữa: mầu nhiệm Kitô giáo là sự sống mới của Chúa Giêsu Phục sinh hiện diện trong cộng đoàn thánh thể. Thánh lễ Chúa nhật là trung tâm của ngày Chúa nhật và ngày lễ hội. Trong đó gia đình đón nhận sự sống mới của Đấng Phục Sinh, lãnh nhận hồng ân của Chúa Thánh Thần, lắng nghe Lời Chúa, chia sẻ bánh thánh, thể hiện trong tình huynh đệ. Vì thế Chúa nhật là chủ của mọi ngày, là ngày gặp gỡ Đấng Phục Sinh!
2. “Ngày thứ nhất trong tuần”. Chúa nhật là việc “tưởng niệm” mầu nhiệm Vượt qua của Chúa Giêsu. Theo chứng từ phù hợp của Tin mừng, Đức Kitô đã sống lại vào “ngày thứ nhất trong tuần” (Mc 16,2-9; Mt 28,1; Lc 24,1; Ga 20,1). Trong ngày đó tất cả mọi biến cố nền tảng cho đức tin Kitô giáo được hoàn tất: Phục sinh của Chúa Giêsu, những cuộc hiện ra của Người sau khi phục sinh, việc tuôn tràn Thần Khí. Các Kitô hữu thời sơ khai đã lấy lại nhịp điệu một tuần lễ của người Do Thái, nhưng từ khi Chúa sống lại, họ đã dành cho “ngày thứ nhất trong tuần sau ngày sabat” (Lc 24,1) một tầm quan trọng cơ bản. Trong cấu trúc của ngày này, Gioan và Luca đã đặt việc tưởng niệm những bữa ăn cùng với Đấng Phục Sinh (Lc 24,13-35 và Ga 21,1-14) với những nét đặc trưng của một cử hành Thánh thể. Bản văn của Tin mừng Gioan 21 diễn tả rất hay bầu khí của những buổi gặp gỡ Thánh Thể của các cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi. Chúa Giêsu “cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn và bẻ ra trao cho họ” (Ga 21,12.9-14), và “họ đã nhận ra Người khi Người bẻ bánh” (Lc 24,30.35). Tiếp nối những bữa ăn của Chúa Giêsu là những “buổi hội họp” ngày thứ nhất trong tuần mà Cv 20,7 nhắc đến như thời điểm của cộng đoàn hội họp để “bẻ bánh” và lắng nghe Tông đồ giảng dạy, như 1 Cr 16,2 đề cập, đó như là ngày lạc quyên cho người nghèo ở Giêrusalem. Vì thế, Chúa nhật được đặc trưng bởi ba yếu tố: lắng nghe Lời Chúa, bẻ bánh chia sẻ huynh đệ, việc bác ái. Về sau Kh 1,10 gọi ngày này là “Ngày của Chúa”. Giáo hội thời sơ khai xác định sự nối kết giữa tính liên tục và sự khác biệt với ngày sabat như thế. “Ngày của Chúa” là ngày tưởng niệm phục sinh.
Khi tham dự Thánh lễ, gia đình dành ra một khoảng thời gian và không gian để, dâng hiến sức lực và nguồn lực, học biết cuộc sống không chỉ được làm nên bởi những nhu cầu phải thỏa mãn, mà là để xây dựng những tương quan. Tính chất vô cầu của Thánh lễ Chúa nhật đòi hỏi gia đình phải tham dự vào việc tưởng niệm cuộc vượt qua của Chúa Giêsu. Trong thánh lễ, gia đình được nuôi dưỡng bởi bàn tiệc Lời Chúa và Bánh Thánh Thể, bàn tiệc này sẽ cho gia đình hưởng nếm hương vị và ý nghĩa của lời và lương thực chia sẻ nơi bàn ăn gia đình. Ngay từ thuở nhỏ, con cái cần được dạy để lắng nghe lời Chúa, nhờ việc đưa vào trong gia đình điều mà các em đã được nghe nơi cộng đoàn. Điều đó sẽ giúp chúng khám phá ra ngày Chúa nhật như là “ngày của Chúa”. Việc gặp gỡ Chúa Giêsu Phục sinh, vốn là tâm điểm của ngày Chúa nhật, phải được nuôi dưỡng nhờ tưởng niệm Chúa Giêsu, nhờ trình thuật của Tin Mừng, nhờ thực tại bánh được bẻ ra và thân mình được trao ban. Việc tưởng niệm Đấng Chịu Đóng Đinh đã phục sinh ghi dấu sự khác biệt giữa ngày Chúa nhật với thời gian rảnh rỗi. Nếu như chúng ta không gặp gỡ Người, thì ngày lễ không có ý nghĩa gì, sự hiệp thông chỉ là một cảm tính và việc bác ái chỉ còn là một hành vi tương trợ chứ không mang ý nghĩa xây dựng cộng đoàn Kitô hữu cũng như không mang tính giáo dục sứ mạng. Trong khi dẫn chúng ta vào cung lòng Thiên Chúa, thánh lễ Chúa nhật làm nên gia đình, và gia đình, trong cộng đoàn Kitô hữu, một cách nào đó, làm nên Thánh lễ.
3. Ngày Chúa Nhật trong những thế kỷ đầu tiên. Vào những thế kỷ đầu của đời sống Giáo Hội, ngày Chúa nhật và thánh lễ trong ngày của Chúa cũng nhấn mạnh đến sự mong đợi ngày Chúa trở lại.
Thánh Giustinô, là triết gia và tử đạo, đã để lại cho chúng ta một hình ảnh cộng đoàn Kitô hữu họp nhau trong “ngày của Chúa” rất gợi ý, hợp với ngày kế tiếp ngày sabat.
“Trong ngày gọi là ngày Mặt Trời, người ta tụ họp nhau lại. Tất cả những người cư ngụ trong thành phố hay ở thôn quê họp nhau tại một địa điểm, và người ta đọc những bài giảng được ghi nhớ lại của các thánh tông đồ hoặc những tác phẩm của các ngôn sứ trong hạn thời gian cho phép. Rồi khi người đọc sách dứt lời, vị chủ tọa có đôi lời nhắn nhủ hoặc khuyên răn nhằm kêu gọi người ta bắt chước làm những việc tốt đẹp như thế. Sau đó mọi người cùng đứng và dâng lời khẩn nguyện, khi kết thúc cầu nguyện, người ta bày bánh, rượu và nước ra. Bấy giờ vị chủ tọa dâng lời nguyện chúc tụng, tạ ơn với tất cả nhiệt tâm và dân chúng đồng thanh tuyên xưng: Amen! Cuối cùng, người ta phân phát bánh, rượu và nước đã dâng tiến cho mỗi người có mặt ở đó, đồng thời các vị phó tế cũng trao những của lễ này cho người vắng mặt để họ được dự phần. Cuối cùng, những người dư dật chia sẻ tùy theo lòng hảo tâm và đức tin của họ. Người ta trao những bổng lộc thu được cho vị chủ tọa để vị này trợ giúp những trẻ mồ côi, những người góa bụa và những người đau yếu hoặc những người có những nhu cầu khác, kể cả những người bị cầm tù và những người tha phương. Tóm lại là chăm sóc đến tất cả những người thiếu thốn” (x. I Apologia (Hộ giáo I), LXVII, 36).
Chúa nhật là ngày của cộng đoàn Kitô hữu tụ họp, ngày này làm cho chúng ta cảm nhận một bầu khí mà những cộng đoàn tiên khởi đã sống, như “sự tiên báo” đời sống mới và “lời hứa” biến đổi thế giới của Đấng phục sinh. Ngày nay, để không làm mất tính độc đáo của ngày Chúa nhật Kitô giáo, Giáo hội và gia đình lại được triệu tập đến nguồn mạch tràn đầy này. Đặc biệt vào một vài thời điểm trong năm, như Mùa Vọng và Giáng Sinh, Giáo hội làm mới lại niềm mong chờ Chúa trở lại, nhờ có những cử hành nhằm nuôi dưỡng ý nghĩa niềm hy vọng trong gia đình cũng như trong cộng đoàn.
E. Lắng nghe Giáo Huấn [của Giáo Hội]
Gia đình được dành riêng cho ngày Chúa nhật, “ngày của niềm vui và sự nghỉ ngơi”: Công đồng đã định nghĩa như thế trong Hiến chế Phụng vụ Sacrosanctum Concilium. Được dành riêng không chỉ vì Chúa nhật như là một ngày rảnh rỗi, ngày nghỉ ngơi của toàn thể xã hội, ngày lễ của công chúng, nhưng trước hết ngày Chúa nhật như là “ngày của Chúa”, nghĩa là như ngày của cộng đoàn tụ họp cử hành Thánh Thể, là điểm xuất phát và quy hướng (nguồn mạch và đỉnh cao) của toàn bộ đời sống Kitô hữu, hiệp nhất trong thời gian và không gian. Còn những phương diện khác về ngày Chúa nhật là thứ yếu, mặc dù quan trọng nhưng không phải thiết yếu. Sự qui tụ của cộng đoàn Thánh Thể là thiết yếu đối với gia đình. Gia đình Kitô hữu tổ chức cuộc sống của mình, giáo dục chính mình và con cái sao cho thánh lễ Chúa nhật là một trách nhiệm ưu tiên hơn hết mọi trách nhiệm khác.
Chúa nhật, ngày của Chúa
Theo truyền thống tông đồ, bắt nguồn từ chính ngày Chúa Kitô sống lại, Giáo hội cử hành mầu nhiệm vượt qua vào mỗi ngày thứ tám, ngày thật đáng gọi là “ngày của Chúa” hay “Chúa nhật”. Trong ngày đó, các Kitô hữu phải họp nhau lại để cùng với việc lắng nghe Lời Chúa và tham dự Hiến lễ Tạ Ơn, họ kính nhớ cuộc Thương khó, sự Sống lại và vinh quang của Chúa Giêsu, đồng thời cảm tạ Thiên Chúa, Đấng đã “tái sinh họ trong niềm hy vọng sống động nhờ sự phục sinh từ trong cõi chết của Chúa Giêsu Kitô” (1 Pr 1,3). Vì thế, Chúa nhật là ngày lễ nguyên thủy phải được đề cao và in sâu vào lòng đạo đức của các tín hữu đến độ cũng trở thành ngày dành cho niềm vui và sự nghỉ ngơi. Các cuộc lễ long trọng khác, nếu không thật sự rất quan trọng thì không được đặt ưu tiên hơn lễ Chúa nhật, vì đây là nền tảng và trung tâm của cả năm phụng vụ [Hc. Phụng vụ Sacrosanctum Concilium, 106].
F. Những câu hỏi để thảo luận dành cho các đôi vợ chồng và theo nhóm
Những câu hỏi dành cho các đôi vợ chồng:
1. Trong gia đình mình, chúng ta cảm nhận thế nào về ngày Chúa nhật và cuộc gặp gỡ Chúa Phục sinh?
2. Những cử chỉ và nghi thức trong gia đình và trong cộng đoàn có làm cho chúng ta cảm nhận được sức sống mới của Đấng Phục sinh, niềm vui về sự hiện diện của Ngài không?
3. Kinh nghiệm về tính chất vô cầu của những sự việc và thời gian, việc lắng nghe Lời Chúa trong gia đình và trong nhà thờ, bàn tiệc Thánh Thể chia sẻ chung với cộng đoàn có giúp chúng ta sống ngày Chúa nhật như là lễ Vượt qua hằng tuần không?
4. Những thời điểm đặc biệt nào trong năm phụng vụ và với những cử chỉ nào mà chúng ta sống thánh lễ Chúa nhật như là thời gian của sự mong đợi và hy vọng?
Những câu hỏi dành cho nhóm gia đình và cộng đoàn:
1. Trong xã hội hiện nay, điều gì ngăn cản người ta sống ngày Chúa nhật như là ngày của Chúa?
2. Việc hướng dẫn nghi thức và bầu khí của cộng đoàn Kitô hữu có thực sự dẫn đưa người ta đến gặp gỡ Đấng Chịu Đóng Đinh đã phục sinh không?
3. Làm thế nào để ngày Chúa nhật có thể trở thành ngày của Tin Mừng và của việc tưởng niệm Chúa Giêsu sống lại?
4. Làm cách nào để hành trình của năm phụng vụ, với những mùa và những ngày lễ kính, diễn tả được niềm mong đợi Chúa?
G. Một quyết tâm cho đời sống gia đình và xã hội
H. Cầu nguyện tự phát. Kinh Lạy Cha.
I. Bài hát kết thúc.
(Dịch từ bản tiếng Ý)
Maddalena Phạm Thị Thúy
bài liên quan mới nhất
- Đức Thánh Cha khen ngợi đức tin mạnh mẽ của cộng đồng người Việt ở Mỹ
-
Những đoạn trích từ cuốn tự truyện "Hy vọng" của Đức Thánh Cha Phanxicô -
Cầu nguyện cho Đức Thánh Cha dịp ngài tròn 88 tuổi -
Cuộc hành hương kỷ lục: khoảng 13 triệu người viếng Đền Thánh Đức Mẹ Guadalupe trong dịp lễ -
Tình bạn, tình huynh đệ là chứng tá Tin Mừng -
Đức Giáo Hoàng Phanxicô và “Gánh Nặng Ngày Càng Gia Tăng của Tuổi Tác” -
Diễn văn Đức Thánh Cha nhân dịp bế mạc Đại hội lòng đạo đức bình dân ở khu vực Địa Trung Hải ngày 15/12/2024 -
Huấn dụ Kinh Truyền tin ngày 15/12/2024 – Linh mục, tu sĩ chăm sóc chính mình và chăm sóc người khác -
Bài giảng tĩnh tâm Giáo triều Roma Mùa Vọng 2024: Bài 2 - Cánh cửa của niềm tin tưởng -
Đức Thánh Cha chủ sự Thánh lễ kính nhớ Đức Mẹ Guadalupe
bài liên quan đọc nhiều
- 10 điều bạn nên làm khi Thánh lễ bị đình chỉ
-
Năm Thánh Giuse: Các ngày và các việc được ơn toàn xá -
Thông cáo chung của Nhóm Làm việc chung Việt Nam - Toà Thánh -
Hướng tới Ngày Giới trẻ Thế giới 2023 - Đức Thánh Cha: Đừng đứng nhìn cuộc đời trôi qua -
Toàn văn lá thư Đức Thánh Cha Phanxicô gửi các linh mục giáo phận Roma -
Chuyến tông du Mông Cổ của Đức Thánh Cha, đánh dấu cuộc gặp gỡ giữa Công giáo và Phật giáo -
Sáu ý tưởng khích lệ người cao tuổi của Đức Thánh Cha Phanxicô -
Đức Thánh Cha Phanxicô trả lời các nghi vấn của 5 Hồng y -
Đức Thánh Cha chủ sự Công nghị phong 21 tân Hồng y -
5 chủ đề nổi bật trong 10 năm triều đại Giáo hoàng Phanxicô