Chuyên đề: Truyền thông và thế hệ trẻ thời @
Truyền thông là gì? Internet là gì?
Là người trẻ, Bạn có thể dễ dàng trả lời 2 câu hỏi trên. Thế nhưng vấn đề đặt ra là các phương tiện truyền thông và mạng internet hay còn gọi là kỹ thuật số hoá có ảnh hưởng gì trên các bạn trẻ? Đặc điểm của người trẻ trong thế giới này là gì? Các bạn có thái độ thế nào trước những việc đang diễn ra? Còn bạn, nếu là người trẻ “Công giáo” bạn đã định hướng tương lai thế nào trong thế giới kỹ thuật số hoá này?
Câu trả lời cho tất cả những vấn đề trên đây đã được sơ Maria Nguyễn Thị Ngọc Lan dòng Phan Sinh, Thạc sĩ Thần học, người đã có 10 năm cộng tác với Đài Truyền hình, trình bày tại hội trường Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn vào chiều ngày thứ bảy 12/12/2009 từ 14g00 đến 17g00.
Đến với chuyên đề lần này, có gần 150 tham dự viên, những khán giả luôn đồng hành với chuyên đề ngay từ những ngày đầu. Một thực tế, mặc dù đề tài lần này rất thiết thực với các người trẻ, nhưng số lượng người trẻ tham gia rất giới hạn. Ngoài thành phần trẻ là các nữ tu thì số tham dự viên còn lại phần đông là các bậc phụ huynh, là những người thao thức muốn hiểu hơn về thế giới mới mà con cháu mình đang phải đối diện.
Nghe Audio:
- Giới thiệu & đặc điểm của giới trẻ ngày hôm nay
- Làm sao giúp người trẻ đáp ứng được những vấn đề của cuộc sống
- Người trẻ Công giáo hướng đến tương lai cần làm gì?
- Thảo luận
Hiện nay, phần lớn người trẻ đều sử dụng điện thoại di động, còn mạng Internet thì ngay trong tầm tay. Thế giới bây giờ trở nên quá nhỏ bé khi chỉ cần vài phút là mọi thông tin, mọi chuyện trên đời này đều có thể biết được; các dịch vụ quảng cáo trên tivi, panô xuất hiện hầu như trong mọi ngõ ngách của cuộc sống. Tất cả những phương tiện truyền thông đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến người trẻ và tạo nên một nền văn hoá “định hình” bởi các phương tiện truyền thông.
Từ đó đã hình thành một số đặc điểm nơi người trẻ trong thế giới kỹ thuật số hoá này.
a) Trẻ trở nên những con người ‘dị dạng’.
- Rất nhiều bạn trẻ ngày nay có thể ngồi trước máy vi tính nhiều giờ liền để chát, chơi game, tìm kiếm thông tin… nhưng khi tiếp xúc với người khác thì tính toán từng giây từng phút;
- Các bạn trẻ ngày nay rất giỏi trong nhiều lãnh vực nhưng lại dễ dàng lao theo những thú vui nhất thời như nghiện sex, game bạo lực…;
- Trái tim của người trẻ ngày càng nhỏ bé, chỉ còn nghĩ đến mình. Khi gặp khó khăn hay thất bại thì dễ thất vọng, chán nản, thậm chí có bạn còn tìm đến cách tự tử như là giải pháp cho mọi vấn đề.
b) Những khủng hoảng và ước mơ của người trẻ
- Trong một thế giới với biết bao náo động, xã hội phát triển nhanh chóng thì việc chưa đủ kinh nghiệm đương đầu dễ làm trẻ căng thẳng; thêm nữa là từ phía gia đình, việc quá kỳ vọng vào con hoặc quan tâm quá mức cần thiết dễ khiến trẻ bị căng thẳng và khủng hoảng. Những thành ngữ mới thường xuất hiện trên môi người trẻ “buồn như con chuồn chuồn”; “chán như con gián…”
- Những ảo tưởng của người trẻ ngày càng xuất hiện nhiều hơn. Ngày càng có nhiều bạn đặt ra cho mình những mốc quá cao, đôi khi là ảo tưởng mà chính họ không nhận ra. Từ đó các bạn chỉ lao đầu vào công việc mà không biết làm thế nào để thoát ra được.
Những con người dị dạng đang khủng hoảng ấy cần được giúp đỡ. Thế nhưng ai sẽ giúp và giúp bằng cách nào trong khi thế giới truyền thông không chọn lọc, các bạn trẻ chưa đủ kinh nghiệm???
c) Ngoài ra trẻ còn mắc một số căn bệnh thời đại như bệnh VIP, nghiện ảo, Mackeno… (xem thêm ở chuyên đề những căn bệnh của người trẻ thời @)
Với tất cả những đặc điểm ấy, sơ Ngọc Lan có nêu ra một số thái độ và hướng giải quyết giúp người trẻ:
a) Dám nghĩ đúng và dám làm đúng.
- Nhiều bạn trẻ ngày nay có năng lực. Tuy nhiên dám nghĩ nhưng lại không dám làm, ngại trách nhiệm.
- Cũng có một bộ phận không nhỏ người trẻ dám làm nhưng lại không có khả năng chịu trách nhiệm.
- Các bậc phụ huynh và những nhà hữu trách phải làm thế nào giúp trẻ “là chính mình”, cần có những chương trình gây ý thức cá nhân…
b) Biết đặt ưu tiên và dám chọn lựa trước những trào lưu của cuộc sống
- Nhiều bạn trẻ ngày nay không dám chọn cho mình một quyết định. Thậm chí có nhiều bạn để cho cha mẹ quyết định tương lai thay cho mình.
- Trong khi đó một số không nhỏ khác lại không dám nhận trách nhiệm; khi được giao việc thì thoái thác, và nếu có làm sai thì cũng không dám nhận lấy trách nhiệm mà đổ lỗi tại thế này… tại thế kia…?
c) Vai trò của đời sống niềm tin và những sân chơi lành mạnh
- Niềm tin của người trẻ rất quan trọng. Nếu cảm nhận được tình thương thì người trẻ dễ dàng mở lòng ra với người khác; còn nếu ngược lại người trẻ dễ mất phương hướng và có xu hướng đi theo các băng nhóm. Vì vậy, các phương tiện truyền thông phải làm sao giúp các bạn trẻ ý thức được tình thương.
- Sân chơi lành mạnh cũng có vai trò quan trọng trong việc giáo dục trẻ. Thế nhưng các sân chơi như thế rất hạn chế, và thậm chí chưa cuốn hút nhiều các bạn trẻ. Vì vậy, cần tạo sân chơi lành mạnh trên mạng, cũng như nhiều lớp học lôi cuốn giới trẻ.
Tất cả những đặc điểm và thái độ ấy của người trẻ thời @ , đã và đang đặt ra nhiều thách đố cũng như ưu tư cho các vị hữu trách, trong gia đình cũng như trong xã hội và giáo hội. Giới trẻ ngày nay, nhất là các bạn trẻ Công giáo sẽ hướng về tương lai như thế nào? Và làm thế nào để những phương tiện truyền thông không chỉ góp phần cải thiện đời sống vật chất mà còn là phương tiện giúp đời sống tâm linh của người trẻ ngày càng thăng tiến hơn.
Người trẻ công giáo nên nhìn về Đức Giêsu như người bạn và một nhà truyền thông mẫu mực.
- Truyền thông không chỉ là truyền đạt thông tin mà còn là truyền đạt chính tâm tình ‘yêu thương’ mà người gởi muốn nhắn tới người nhận. Chính nơi Đức Giêsu là hiện thân của Thiên Chúa tình yêu nơi trần thế mà truyền thông đạt đến sự viên mãn. Để từ đó mỗi người cũng được mời gọi hoà nhập vào tình yêu truyền thông của Thiên Chúa.
- Và để đáp ứng những thách thức của sứ điệp Tin Mừng mà Chúa Giêsu đã rao giảng, là sống các mối phúc và phục vụ trong yêu thương, người trẻ cần phải được hướng dẫn và gắn bó với Giáo hội. Chính qua Giáo hội với các phương tiện truyền thông như thánh lễ, các buổi hành hương và những phương tiện trần thế khác mà người trẻ được chuẩn bị những hành trang cần thiết để bước vào tương lai.
- Cuối cùng là làm sao giúp các bạn trẻ tìm ra những giá trị đích thực của đời mình và sử dụng sao cho phù hợp.
Có 3 chỉ số mà sơ Ngọc Lan giới thiệu với mọi người về giới trẻ ngày nay trong mức độ đạt đến thành công.
- Trước đây, mọi người thường dựa vào chỉ số thông minh IQ (Intelligence Quotient) để đánh giá khả năng của người trẻ.
- Thế nhưng ngày nay các nhà tâm lý lại dùng thêm chỉ số cảm xúc EQ (Emotion Quotient) để khám phá thêm khả năng thành công của người trẻ.
- Còn đối với người công giáo thì cần thêm một chỉ số hết sức quan trọng là chỉ số tâm linh SQ (Spiritual Quotient). Khi trẻ có một đời sống nội tâm sâu sắc thì mọi lãnh vực khác sẽ trở nên dễ dàng hơn.
Các phương tiện truyền thông ngày nay phải làm thế nào để không chỉ giúp trẻ có thêm IQ, mà cả EQ và SQ để từ đó giúp thăng tiến đời sống và mang lại những bước đi vững chắc cho người trẻ trong tương lai.
Một tiểu phẩm ngắn trong vòng 5 phút phần nào minh họa cho nội dung của bài thuyết trình.
- Hai chị em Matta và Maria trong một lần gặp Chúa Giêsu đã xin Chúa những điều ước của mỗi người.
- Người chị Matta xin Chúa những thứ như điện thoại di động, máy tính xách tay, xe máy @...
- Còn người em Maria xin được ở bên Chúa và gia đình sống hạnh phúc là được.
- Chúa Giêsu giải thích với Matta về những ưu tiên. Giá trị cuộc đời không chỉ là những phương tiện trần thế mà chính là đời sống hạnh phúc thật sự trong Chúa. Cuộc đời Matta hoàn toàn thay đổi.
- Bài học dành cho người trẻ ngày nay là phải tìm cho mình con đường hạnh phúc thật sự nơi Chúa Giêsu.
Phần tiếp theo của chuyên đề là chia tổ và trả lời 6 câu hỏi mà sơ Ngọc Lan đã chuẩn bị.
Câu hỏi thứ nhất “ Các chương trình truyền thông thiếu lành mạnh có phải là nguyên nhân dẫn đến vấn đề nhiều bạn trẻ yêu sớm và dễ dãi trong quan hệ? Vì sao? Làm thế nào để thay đổi tình trạng này?”
- Một bạn nam đã chỉ ra nguyên nhân là do sự quan tâm chưa thật đúng mức của gia đình, bạn bè, xã hội và giáo hội. Và biện pháp thay đổi là giúp trẻ tự ý thức, xác định tiêu chuẩn truyền thông lành mạnh và không lành mạnh.
Câu hỏi thứ hai “Nền văn hoá đọc đang bị coi nhẹ và có nguy cơ bị gạt khỏi cuộc sống nhiều bạn trẻ. Vì sao? Bạn nghĩ thế nào về vấn đề này?"
– Nguyên nhân là do hình thức thiếu phong phú của văn hoá đọc, thêm nữa một bộ phận không nhỏ người trẻ lười tư duy, thích mì ăn liền, thường thiếu kiên nhẫn và cũng có thể do sự lạc hậu. Biện pháp giải quyết cho vấn đề này là cải tiến văn hoá đọc, giảm giá sách và tôn trọng giá trị của tác giả, tổ chức thi viết truyện ngắn ( như ở dòng Chúa Cứu Thế)…
Câu hỏi thứ ba “Ngày nay nhiều bạn trẻ có lối hành xử bạo lực, nói năng thiếu văn hoá, sống tương quan hời hợt là do đâu? Truyền thông có thể góp phần thay đổi như thế nào?"
- Thái độ ứng xử của gia đình, bạn bè và xã hội ngày càng cổ võ cho những hành vi bạo lực và văn hoá thiếu thẩm mỹ nơi người trẻ. Do đó các phương tiện truyền thông cần có sự chọn lựa cả về nội dung và hình thức. Đặc biệt là các chương trình uy tín phải có những phản hồi đối với những thông tin lệch lạc đang xâm nhập nơi cộng đồng.
Câu hỏi thứ tư “Nhiều người trẻ gia tăng sử dụng ngôn ngữ ‘hiểu được, chết liền’ làm thế nào giải cứu Tiếng Việt?”
- Nếu bố mẹ áp đặt, bắt con phải thay đổi thì quả là một điều khó khăn, nhưng nếu giúp người trẻ tự lựa chọn và nhận ra đâu là giá trị đích thực thì đó là một trong những phương thế khả thi nhất.
Câu hỏi thứ năm “Nhu cầu nhân sự cho các hoạt động truyền thông xã hội của Giáo hội hôm nay như thế nào? Bạn có đề nghị gì cho tương lai?”
- Nhân sự là yếu tố hết sức cần thiết và không chỉ cần về số lượng nhưng cả về chất lượng đào tạo nữa. Muốn làm được điều đó cần phải mở rộng qui mô đào tạo, gia tăng niềm tin cho người trẻ và nhất là phải làm sao giúp người trẻ có một đời sống tâm linh theo đúng tinh thần tin mừng. Hiện nay có rất nhiều đường dây nóng (HOTLINE) đáp ứng mọi nhu cầu của cuộc sống cả về tâm lý lẫn tư vấn sản phẩm trong khi bạn trẻ lại khó tìm được HOTLINE giải đáp các thắc mắc tâm linh cho người trẻ!!!
Câu hỏi thứ sáu “Giá trị công giáo tìm đâu những lời khuyên? Bạn nghĩ gì về vai trò của Giáo hội đối với phương tiện truyền thông?”
- Có rất nhiều trang web cũng như tài liệu giúp người trẻ hiểu hơn về Giáo hội, nhưng thực tế thì không nhiều bạn thật sự quan tâm. Tuy vậy, không vì thế mà Giáo hội bỏ rơi các bạn, trái lại còn đặt những ưu tư đó lên hàng ưu tiên như trong sứ điệp của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI nhân Ngày Quốc tế Truyền thông xã hội lần thứ 43 (24-05-2009) “Hãy là những sứ giả loan báo niềm tin ấy! Đức Giáo hoàng sẽ ở bên chúng con bằng lời cầu nguyện và phép lành của mình.”
Lời của Đức Thánh Cha như là tâm tình mà Giáo hội muốn gởi tới các bạn trẻ, và được sơ Ngọc Lan dùng thay cho lời kết buổi nói chuyện Chuyên đề hôm nay.
bài liên quan mới nhất
- Huấn thị Mục vụ Communio et Progressio - Hiệp thông và Tiến bộ
-
Truyền thông Công giáo được kêu gọi loan truyền Tin Mừng -
Truyền thông và những giấc mơ đẹp -
Trí tuệ nhân tạo và Giáo hội: AI đang định hình công tác mục vụ như thế nào? -
Các nhà truyền giáo kỹ thuật số Công giáo được mời gọi tiếp tục loan báo Tin Mừng trực tuyến -
Liên nhóm Mục vụ Truyền Thông Tân Chí Thọ mừng Bổn mạng 19.10.2024 -
Hiệp hội Truyền thông Công giáo Á châu tổ chức Đại hội 2024 -
Thoáng nhìn Trí tuệ nhân tạo theo quan điểm Kitô giáo: Cơ hội và thách đố -
Hội ngộ truyền thông thường niên năm 2024 -
Sứ mạng Truyền giáo tại Châu Á, một cuộc hội nhập Văn hóa theo bước chân của các chứng nhân vĩ đại của Đức tin
bài liên quan đọc nhiều
- Ảnh hưởng của mạng xã hội đối với giới trẻ
-
Cậu bé 14 tuổi gặp Chúa nhờ video Công giáo -
Kết quả Tổng điều tra dân số 2019 -
Sứ điệp Đức Thánh Cha cho Ngày Hòa bình Thế giới năm 2024: Trí tuệ nhân tạo và hòa bình -
Ảnh hưởng của các phương tiện truyền thông trong đời sống nhân loại hôm nay (2) -
Học hỏi Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông xã hội năm 2023 -
Hội ngộ Truyền thông thường niên 2021 của Công giáo Việt Nam -
Bộ Truyền Thông: Tài liệu suy tư mục vụ về việc tham gia Mạng xã hội -
ĐGM Phêrô Nguyễn Văn Khảm: Ngày Thế giới Truyền Thông 2020 - Những bài học từ đại dịch Covid-19 -
Hiệu quả của Truyền thông Công giáo