Chương trình làm việc của Đức Thánh cha Bênêđictô trong năm 2011
Mặc dù sẽ bước sang tuổi 84 trong năm tới, nhưng dường như Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI ít có ý định giảm bớt công việc, càng ít bỏ viết lách hay các chuyến tông du nước ngoài hơn.
Ngài bắt đầu Năm Mới bằng cách cử hành Thánh lễ cầu cho Ngày Hòa bình Thế giới, 1-1, trước sự hiện diện của các đoàn ngoại giao được bổ nhiệm đến Tòa Thánh. Ngài phát hành một thông điệp nhân dịp này, có tựa đề “Quyền tự do tôn giáo, con đường dẫn tới hòa bình”, và qua đó khẳng định Kitô hữu là nhóm bị ngược đãi nhất trên thế giới. Chắc chắn ngài đề cập đến vấn đề này trong bài giảng.
Vào ngày 10-1, ngài sẽ chuyển lời chúc mừng Năm Mới đến các đại sứ của 177 quốc gia trên thế giới có quan hệ ngoại giao đầy đủ với Tòa Thánh. Trung Quốc là quốc gia vắng mặt đáng chú ý và dường như có thể vẫn như thế trong một thời gian khá dài, theo phán đoán từ tình hình quan hệ hiện nay giữa hai bên.
Trong bài phát biểu với các đại sứ, Đức Thánh cha thần học gia được mong khoanh vùng các điểm bùng nổ chính trị chính trên thế giới, cũng như vấn đề quyền tự do tôn giáo.
Vào đầu mùa Chay, Thứ Tư Lễ Tro rơi vào ngày 9-3, Tòa Thánh sẽ phát hành tập ba của cuốn “Đức Giêsu thành Nazareth” của Đức Thánh cha học giả, hiện đang được biên dịch sang nhiều ngôn ngữ, trong đó có tiếng Anh.
Đức Thánh cha nhạc sĩ sẽ mừng sinh nhật thứ 84 của mình vào ngày 16-4, trước Chúa nhật Lễ Lá, và sẽ kỷ niệm sáu năm được bầu làm người kế vị Thánh Phêrô vào ngày 19-4, Thứ Ba Tuần Thánh.
Khi được bầu làm giáo hoàng, ngài phát biểu với các hồng y rằng một trong những lý do ngài chọn tên Bênêđictô là vì vị giáo hoàng gần đây nhất chọn tên này có ‘triều đại ngắn’. Nhưng nay, khi ngài bước sang năm thứ bảy trong chức vụ giáo hoàng, triều đại của ngài trông như thể không quá ngắn: ngài trông có vẻ khỏe mạnh so với một người cùng tuổi và có đầu óc minh mẫn.
Thật vậy, dựa trên thực tế đó mọi người tự tin mong ngài sẽ chủ tế tất cả các nghi thức Tuần Thánh, bao gồm Chúa nhật Lễ Lá, Thánh lễ Thứ Năm Tuần Thánh, nghi thức phụng vụ Thứ Sáu Tuần Thánh tại thánh đường Thánh Phêrô, đi Đàng Thánh giá tại Đại hý trường La Mã, và Canh thức Phục sinh.
Ngài sẽ gởi lời chúc mừng Phục sinh đến thành phố Rôma và khoảng 2 tỷ thính giả trên toàn thế giới vào Chúa nhật Phục sinh, 24-4, và chào mừng họ bằng hơn 60 ngôn ngữ.
Ngay sau đó, ngài sẽ bắt đầu các chuyến tông du hải ngoại và đã ghi bốn chuyến đi vào nhật ký. Chuyến đi thứ nhất sẽ sang Croatia, nơi có 80% dân là người Công giáo. Ngày đi chưa được thông báo, nhưng có thể sẽ rơi vào ngày 4-5/6. Đức Hồng y Josip Bozanic của Croatia nói ngài sẽ ở lại Zagreb để nghỉ cuối tuần và sẽ cầu nguyện tại mộ Chân phước Alojzije Stepinac, giáo chủ của quốc gia này trong thời Đệ nhị thế chiến được Đức Gioan Phaolô II phong chân phước trong chuyến tông du tại đây năm 1998.
Đức Thánh cha cao tuổi gần như chắc chắn sẽ nghỉ hè (từ tháng 7-9) tại dinh thự mùa hè của giáo hoàng tại Castel Gandolfo, thuộc đồi Alban, cách Rôma 40 phút lái xe về phía nam, nơi có không khí mát mẻ hơn.
Trong thời gian đó, ngài sẽ tiếp tục nghiên cứu và có lẽ sẽ viết xong cuốn sách thứ ba tập trung vào các bài tường thuật về sự giáng thế của Chúa Giêsu trong Tin mừng.
Từ Castel Gandolfo, ngài sẽ đi sang Madrid vào giữa tháng 8 để tham dự Ngày Giới trẻ Thế giới, cùng với hơn 2 triệu người trẻ đến từ cả năm châu lục. Đây sẽ là lần thứ ba ngài tham dự sự kiện này kể từ khi lên ngôi giáo hoàng: hai sự kiện trước được tổ chức tại Cologne, Đức, năm 2005, và Sydney, Úc, năm 2008.
Đức Bênêđictô XVI là vị giáo hoàng người Đức thứ tám trong lịch sử Giáo hội, và nắm giữ triều đại giáo hoàng lâu nhất trong tám vị giáo hoàng người Đức tính đến nay.
Ngài sẽ viếng thăm mẫu quốc ngài lần ba vào ngày 22-25/9, với tư cách là khách mời cấp nhà nước của Đức. Đây sẽ là chuyến viếng thăm cấp nhà nước và là chuyến viếng thăm lịch sử vì ngài sẽ ở lại Berlin, thành phố thủ đô. Còn điều có ý nghĩa đặc biệt nữa là ngài sẽ đến giáo phận Erfurt thuộc Đông Đức trước đây, một giáo phận mạnh mẽ bảo vệ di sản Công giáo trong suốt 40 năm dưới chế độ cộng sản. Ngài cũng sẽ viếng thăm tổng giáo phận Freiburg nơi ở của Đức Tổng Giám mục Chủ tịch Hội đồng Giám mục Đức Robert Zollitsch.
Khoảng 26 triệu trong số 80 triệu dân Đức là người Công giáo.
Trong chuyến tông du nước ngoài thứ tư ngài sẽ đến Benin, Tây Phi, từ ngày 18-19/11, kỷ niệm 150 năm ngày truyền giáo đầu tiên trên thuộc địa trước đây của Pháp, và trình bày với các giám mục của châu lục này Tông huấn bao gồm những kết luận của Thượng Hội đồng Phi châu lần hai diễn ra năm 2009. Tông huấn sẽ được dùng như một kế hoạch chính để hướng dẫn Giáo hội năng động và phát triển nhanh trong lục địa vốn là một vùng đất màu mỡ cho đức tin Kitô giáo.
Trong khi ở đó ngài sẽ cầu nguyện tại mộ Đức cố Hồng y Bernadin Gantin, người làm việc sát cánh bên ngài trong nhiều năm tại Vatican. Đức Hồng y Gantin làm việc tại Vatican từ năm 1977, còn là hồng y niên trường Hồng y Đoàn, nhưng từ chức vào năm 2002 và trở về quê nhà Benin. Đức Hồng y Ratzinger, vị giáo hoàng tương lai, lúc đó được bầu làm Hồng y niên trưởng và việc này đã đặt ngài vào một vị thế có tầm nhìn cao tại các cuộc họp trước mật tuyển viện năm 2005, và còn làm cho ngài có thể chủ trì Thánh lễ an táng cho Đức Gioan Phaolô II.
Chuyến thăm Benin sẽ là chuyến thăm Phi châu lần thứ hai của Đức Thánh cha. Có lẽ đây sẽ là chuyến tông du nước ngoài cuối cùng của ngài trong năm 2011, nhưng một số người ở Rôma nghĩ vẫn có khả năng ngài sẽ thêm một quốc gia khác vào trong chương trình viếng thăm của ngài trong năm nay, nhưng quốc gia đó không thể ở châu Á, lục địa duy nhất Đức Thánh cha Bênêđictô chưa từng đến, nơi chiếm 2/3 dân số thế giới. Các nguồn tin nghĩ rằng ngài không thể đến châu Á được vì họ nói các bác sĩ khuyên ngài không nên đi các chuyến bay đường dài.
Ngoài tông du nước ngoài ra, Đức Bênêđictô với tư cách là giám mục Rôma và giáo chủ của Ý, sẽ tiếp tục viếng thăm các giáo xứ trong thành đô muôn đời này và những điểm đến trên khắp nước Ý trong đó có Venice vào tháng 5.
Khi nhìn qua phần còn lại trong nghị trình của Đức Thánh cha trong năm 2011, ta thấy một khối lượng công việc ngán ngẩm thậm chí đối với cả một người trẻ hơn nhiều.
Công việc hàng ngày trong tuần của ngài bao gồm các buổi họp với các nhân viên gần gũi và họp hàng tuần hay định kỳ với các vị đứng đầu các cơ quan của Vatican. Ngoài ra ngài còn phải biệt kiến chung một tuần ít nhất một lần vào các ngày thứ tư và gặp gỡ khách hành hương từ cửa sổ phòng đọc sách của ngài ở Vatican vào Chúa nhật theo truyền thống.
Ngài còn dự kiến gặp các Hội đồng Giám mục của các quốc gia khác nhau trong cả năm, và điều này đòi hỏi ngài tiếp chuyện riêng từng giám mục cũng như tiếp chung cả đoàn. Trong năm 2010 chẳng hạn, ngài tiếp nhóm đầu tiên thuộc Hội đồng Giám mục rất lớn của Philippines, và ngài sẽ hội kiến các giám mục còn lại của Philippines vào tháng 2.
Suốt năm ngài tiếp đón các nguyên thủ nhà nước hoặc chính phủ viếng thăm, cũng như các lãnh đạo của các tổ chức quốc tế như Liên hiệp quốc hay Liên minh châu Âu, …. Ngài còn tiếp đón các tân đại sứ được bổ nhiệm đến Tòa Thánh và tiễn biệt các đại sứ mãn nhiệm.
Mỗi cuộc hội kiến như thế này đòi hỏi sự chuẩn bị, đọc tiểu sử tóm tắt để hiểu được người mà ngài sắp tiếp đón và những vấn đề cần thảo luận. Ngoài ra còn có phỏng vấn sau các cuộc gặp quan trọng.
Một nhiệm vụ chính của Đức Thánh cha là bổ nhiệm giám mục cho các giáo phận trên toàn thế giới, như trong năm nay phải bổ nhiệm cho Milan (Ý), Manila (Philippines) và Seoul (Korea), chỉ mới kể vài nơi thôi. Ngài còn phải đọc bản tóm tắt của các ứng cử viên được đề nghị và ra quyết định.
Tương tự như thế, trong năm 2011 ngài sẽ phải chọn các vị giám chức cho một số chức vụ cấp cao trong Giáo triều Rôma. Có một vài chức vụ đang được xem xét, trong đó có chức vụ mang tính quyết định là chức Tổng trưởng Thánh bộ truyền giáo, vốn chịu trách nhiệm về Giáo hội tại Á châu và Phi châu, và một số vùng truyền giáo khác. Đức Hồng y Ấn Độ Ivan Dias, hiện đang giữ chức vụ này, có sức khỏe không được tốt và dự định sẽ từ chức vào tháng 4, khi đến tuổi 75.
Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng là việc Đức Thánh cha có nhiệm vụ bổ nhiệm các sứ thần (đại sứ của Tòa Thánh) đến các nước trên khắp địa cầu.
Các nguồn tin tại Rôma nghĩ Đức Bênêđictô có thể quyết định tổ chức một mật hội hồng y khác để vinh thăng các tân hồng y vào tháng 11-2011, vì đến lúc đó sẽ có ít nhất 9 ghế trống trong Hồng y Cử tri Đoàn.
Ngoài tất cả chuyện này ra, Đức Thánh cha còn mong sẽ ban hành các sắc lệnh tôn phong chân phước cho một số Tôi tớ Chúa và đích thân chủ trì nghi lễ tôn phong chân phước cho người tiền nhiệm là Đức Thánh cha Gioan Phaolô II, tại Rôma, có thể là vào ngày 16-10, ngày kỷ niệm ngài được bầu làm giáo hoàng năm 1978, sự kiện sẽ thu hút rất đông người đến thành đô muôn đời.
Như rất thường xảy ra trước đây, Đức Bênêđictô XVI đã tạo ra nhiều điều ngạc nhiên, vì thế hãy chuẩn bị đón nhận thêm trong năm 2011.
bài liên quan mới nhất
- Đức Thánh Cha khen ngợi đức tin mạnh mẽ của cộng đồng người Việt ở Mỹ
-
Những đoạn trích từ cuốn tự truyện "Hy vọng" của Đức Thánh Cha Phanxicô -
Cầu nguyện cho Đức Thánh Cha dịp ngài tròn 88 tuổi -
Cuộc hành hương kỷ lục: khoảng 13 triệu người viếng Đền Thánh Đức Mẹ Guadalupe trong dịp lễ -
Tình bạn, tình huynh đệ là chứng tá Tin Mừng -
Đức Giáo Hoàng Phanxicô và “Gánh Nặng Ngày Càng Gia Tăng của Tuổi Tác” -
Diễn văn Đức Thánh Cha nhân dịp bế mạc Đại hội lòng đạo đức bình dân ở khu vực Địa Trung Hải ngày 15/12/2024 -
Huấn dụ Kinh Truyền tin ngày 15/12/2024 – Linh mục, tu sĩ chăm sóc chính mình và chăm sóc người khác -
Bài giảng tĩnh tâm Giáo triều Roma Mùa Vọng 2024: Bài 2 - Cánh cửa của niềm tin tưởng -
Đức Thánh Cha chủ sự Thánh lễ kính nhớ Đức Mẹ Guadalupe
bài liên quan đọc nhiều
- 10 điều bạn nên làm khi Thánh lễ bị đình chỉ
-
Năm Thánh Giuse: Các ngày và các việc được ơn toàn xá -
Thông cáo chung của Nhóm Làm việc chung Việt Nam - Toà Thánh -
Hướng tới Ngày Giới trẻ Thế giới 2023 - Đức Thánh Cha: Đừng đứng nhìn cuộc đời trôi qua -
Toàn văn lá thư Đức Thánh Cha Phanxicô gửi các linh mục giáo phận Roma -
Chuyến tông du Mông Cổ của Đức Thánh Cha, đánh dấu cuộc gặp gỡ giữa Công giáo và Phật giáo -
Sáu ý tưởng khích lệ người cao tuổi của Đức Thánh Cha Phanxicô -
Đức Thánh Cha Phanxicô trả lời các nghi vấn của 5 Hồng y -
Đức Thánh Cha chủ sự Công nghị phong 21 tân Hồng y -
5 chủ đề nổi bật trong 10 năm triều đại Giáo hoàng Phanxicô