Chức linh mục không chỉ là chức vụ, mà còn là bí tích
Bài giảng bế mạc Năm Linh Mục của Ðức Thánh Cha trong Lễ Thánh Tâm ngày 11 tháng 6 năm 2010
Anh Em thân mến trong sứ vụ linh mục,
Anh Chị Em thân mến,
Năm Linh Mục mà chúng ta cử hành nhân một trăm năm mươi năm ngày mất của Cha Sở thánh thiện họ Ars, gương mẫu sứ vụ linh mục trong giới chúng ta, nay đang kết thúc. Ta đã để cho Cha Sở họ Ars hướng dẫn ta đến một sự nhận thức được làm mới về sự vĩ đại và vẻ đẹp của sứ vụ linh mục. Linh mục không phải chỉ là người nắm giữ một chức vụ, như những chức vụ mà mỗi xã hội đều cần đến để có thể thực hiện một số chức năng. Thay vào đó, linh mục làm điều mà không người nào có thể tự sức mình làm được: nhân danh Chúa Kitô linh mục tuyên bố lời tha tội và qua đó, khởi sự từ phía Thiên Chúa, thay đổi toàn bộ đời sống chúng ta. Linh mục đọc những lời cảm tạ của Chúa Kitô trên lễ vật bánh và rượu, những lời truyền phép biến đổi bản thể – những lời làm cho chính Chúa Kitô, Đấng Phục Sinh, Mình và Máu Ngài hiện diện – những lời biến đổi các yếu tố của thế giới, mở thế giới ra cho Thiên Chúa và liên kết thế giới với Người.
Vì thế, chức linh mục không phải chỉ là một "chức vụ" nhưng là bí tích: Thiên Chúa dùng những con người nghèo hèn chúng ta để qua chúng ta, Người hiện diện với mọi người và hành động vì họ. Sự táo bạo này của Thiên Chúa, tự phó mình cho con người, – Đấng dù biết những yếu đuối của chúng ta, vẫn coi con người có khả năng hành động và hiện diện thay cho Người – sự táo bạo này của Thiên Chúa là điều thực cao cả ẩn nấp trong từ "chức linh mục". Thiên Chúa nghĩ rằng chúng ta có thể làm điều này; bằng cách này Người mời gọi con người tham gia sứ vụ của Người và như thế từ bên trong gắn bó với họ: đây là điều chúng ta muốn suy niệm và nhận thức lại trong suốt năm qua. Chúng ta muốn nhóm lại niềm vui được Thiên Chúa gần gũi với ta và lòng biết ơn của chúng ta trước việc Người phó mình cho các sự yếu đuối của chúng ta; Người hướng dẫn và nâng đỡ chúng ta hàng ngày. Bằng cách này ta cũng muốn chứng tỏ một lần nữa cho những người trẻ rằng ơn gọi này, việc phục vụ cho Thiên Chúa và với Thiên Chúa, thực sự tồn tại – và Thiên Chúa quả thật đang chờ chúng ta thưa "vâng".
Cùng với toàn thể Hội Thánh chúng ta muốn làm rõ một lần nữa rằng chúng ta phải cầu xin Thiên Chúa ban cho ơn gọi này. Chúng ta phải cầu xin có được những người thợ gặt của Thiên Chúa và lời khẩn cầu này với Thiên Chúa, đồng thời là cách thức Người gõ cửa tâm hồn các bạn trẻ xem mình có thể thực hiện điều mà Thiên Chúa cho là họ có khả năng thực hiện. Ðiều người ta có thể chờ đợi đó là sự rạng ngời mới mẻ này của chức linh mục là điều không làm cho "kẻ thù" hài lòng; kẻ thù chỉ muốn cho chức linh mục ấy biến mất để rốt cục Thiên Chúa bị đẩy ra ngoài thế giới. Vì thế, xảy ra là chính trong năm vui mừng này về bí tích linh mục, những tội của linh mục được đưa ra ánh sáng – nhất là nạn lạm dụng trẻ em, trong đó chức linh mục, mà nhiệm vụ là thực thi sự quan tâm chăm sóc của Thiên Chúa chăm lo điều thiện hảo dành cho chúng ta lại bị hiểu ngược lại. Cả chúng ta cũng khẩn thiết cầu xin ơn tha thứ của Thiên Chúa và của những người có liên quan trong khi chúng ta muốn hứa làm tất cả những gì có thể để sự lạm dụng ấy không thể xảy ra nữa; chúng ta hứa rằng trong việc chấp nhận vào sứ vụ linh mục và trong việc huấn luyện đào tạo linh mục, chúng ta sẽ làm tất cả những gì có thể để thẩm định ơn gọi đích thực và chúng ta muốn tháp tùng nhiều hơn các linh mục trong hành trình của các vị, xin Chúa bảo vệ và gìn giữ các linh mục trong những hoàn cảnh cơ cực và giữa những nguy hiểm của cuộc sống.
Giả sử Năm Linh Mục chỉ là một sự tôn vinh thành tích con người của chúng ta, thì năm này sẽ bị hủy diệt vì những biến cố này. Nhưng đối với chúng ta, đây là điều ngược lại, năm này là để cảm tạ biết ơn vì hồng ân của Thiên Chúa, hồng ân được giấu trong "những bình đất sét" và qua sự yếu đuối của con người, hồng ân ấy luôn cụ thể hóa tình yêu của Thiên Chúa trong thế giới này. Như thế chúng ta thấy tất cả những điều xảy ra là một sự kêu mời thanh tẩy, như một nhiệm vụ mà chúng ta mang theo khi hướng đến tương lai, và nhất là càng làm cho chúng ta nhìn nhận và yêu mến hồng ân cao cả của Thiên Chúa. Như thế, hồng ân trở thành một quyết tâm đáp lại lòng can đảm và khiêm tốn của Thiên Chúa với lòng can đảm và khiêm tốn của chúng ta. Lời Thiên Chúa mà chúng ta đã hát trong Ca Nhập lễ phụng vụ hôm nay, trong giờ phút này có thể nói cho chúng ta thấy trở thành linh mục và làm linh mục có nghĩa là gì: "Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường" (Mt 11,29).
Chúng ta đang cử hành lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu, và trong phụng vụ mà chúng ta đi sâu vào, dường như, vào trong lòng Chúa Giêsu mở ra trong cái chết bởi lưỡi giáo của người lính La Mã. Trái tim Chúa Giêsu quả thật mở ra cho chúng ta và trước chúng ta – và như thế chính trái tim của Thiên Chúa được mở ra. Phụng vụ giải thích cho ta ngôn ngữ của trái tim Chúa Giêsu, bảo ta rằng trên hết mọi sự, Thiên Chúa là mục tử của nhân loại và như thế, trái tim mạc khải chức linh mục của Chúa Giêsu cho chúng ta, chức ấy vốn bám rễ sâu trong trái tim của Người; trái tim đó cũng chỉ cho ta thấy nền tảng muôn đời và tiêu chuẩn đích thực của mọi sứ vụ linh mục, phải luôn luôn neo trong trái tim Chúa Giêsu và được được sống xuất phát từ khởi điểm này.
Hôm nay tôi muốn suy niệm đặc biệt về những bản văn mà Hội Thánh cầu nguyện đáp ứng lời Thiên Chúa được trình bày trong các bài đọc. Trong những bài ca này, lời (Wort) và sự đáp trả (Antwort) thâm nhập lẫn nhau. Một mặt, các bài ca được rút ra từ lời Thiên Chúa, thế nhưng mặt khác, những bài ca đó đã là lời đáp trả của chúng ta cho lời đó, một đáp trả trong đó chính lời được thông truyền và bước vào cuộc đời chúng ta. Bản văn quan trọng nhất trong các bản văn phụng vụ của ngày hôm này là Thánh vịnh 23(22) – "Chúa là mục tử chăn dắt tôi " – trong đó Israel đang khi cầu nguyện đã được Thiên Chúa tự mạc khải ra Người là vị mục tử và đã lấy sự mạc khải đó là kim chỉ nam hướng dẫn cuộc đời của mình. "Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi không thiếu gì": câu đầu này diễn tả niềm vui và lòng biết ơn đối với sự kiện Thiên Chúa hiện diện và chăm sóc cho nhân loại. Bài đọc trích từ Sách Êdêkien bắt đầu với cùng chủ đề: "Đây, chính Ta sẽ chăm sóc chiên của Ta" (Ed 34,11). Thiên Chúa đích thân chăm sóc tôi, chăm sóc chúng ta, chăm sóc toàn thể nhân loại. Tôi không bị bỏ rơi, trôi dạt long đong trong vũ trụ và trong một xã hội khiến cho tôi lại càng bị xa lạ và lạc loài. Thiên Chúa chăm sóc tôi. Người không phải là một Thiên Chúa xa xôi, đứng trước Người, cuộc đời tôi vô giá trị. Các tôn giáo của thế giới, theo chúng ta thấy, đã luôn luôn biết rằng chung cuộc, chỉ có một Thiên Chúa. Nhưng vị Thiên Chúa này thật xa xăm. Hiển nhiên Người đã bỏ mặc thế giới cho các thế lực và các lực lượng khác, cho các thần khác. Chính với những thứ này mà ta đã phải xử lý. Đấng Thiên Chúa duy nhất thì tốt nhưng xa lạ. Người không nguy hiểm, nhưng cũng chẳng có ích bao lăm. Do đó, ta không cần lo lắng về Người. Người không thống trị chúng ta.
Lạ thay, loại suy nghĩ này lại tái xuất hiện trong thời Ánh Sáng. Vẫn còn một sự nhìn nhận rằng thế giới giả định trước là có một Đấng Tạo hóa. Tuy nhiên, vị Thượng Đế này, sau khi tạo dựng thế giới, hiển nhiên đã rút lui. Thế giới tự nó có một bộ luật nào đó để tự thân vận hành, và Thiên Chúa đã không, đã không thể, can thiệp vào đó. Thiên Chúa chỉ là một nguyên nhân xa xôi. Nhiều người có lẽ không muốn Thiên Chúa chăm sóc họ. Họ đã không muốn Thiên Chúa cản đường. Nhưng sự chăm sóc từ ái của Thiên Chúa được xem là cản đường, bị nhân loại ngờ vực.
Thật tốt lành và đầy ủi an khi biết rằng có một ai đó yêu tôi và chăm sóc tôi. Nhưng quan trọng hơn nhiều là có một vì Thiên Chúa biết tôi, yêu tôi và lo lắng cho tôi. "Tôi biết chiên của tôi, và chiên của tôi biết tôi" (Ga 10,14), Hội Thánh đã đọc câu lời Chúa này ngay trước bài Phúc âm. Thiên Chúa biết tôi, Người quan tâm đến tôi. Tư tưởng này làm ta thực sự vui. Ta hãy vào sâu trong con người của ta. Rồi ta cũng ý thức rằng như thế nghĩa là gì: Thiên Chúa muốn chúng ta, với tư cách linh mục, trong một khoảnh khắc nhỏ bé của lịch sử, chia sẻ sự quan tâm của Người về con người. Với tư cách linh mục, chúng ta muốn là những người chia sẻ sự quan tâm của Thiên Chúa đối với con người, Thiên Chúa chăm sóc con người và cho con người một kinh nghiệm cụ thể về sự Thiên Chúa bận tâm. Dù cho mình được trao phó trong lĩnh vực nào thì linh mục, cùng với Chúa, đều phải có thể nói: "Tôi biết chiên của tôi, và chiên của tôi biết tôi". Chúa biết tôi, ngài lo lắng cho tôi. Tư tưởng này phải làm cho chúng ta thực sự vui mừng. Chúng ta hãy để cho tư tưởng ấy thấm nhập sâu xa vào trong tâm hồn chúng ta. Như thế chúng ta cũng hiểu ý nghĩa của câu: Thiên Chúa muốn chúng ta, trong tư cách là linh mục, trong một điểm nhỏ của lịch sử, chúng ta chia sẻ những quan tâm của Chúa đối với con người. Là linh mục, chúng ta muốn trở thành những người kết hiệp với Chúa trong sự quan tâm của Người đối với loài người, chúng ta giúp họ cảm nghiệm cụ thể sự ân cần của Thiên Chúa. Và trong lãnh vực được ủy thác cho mình, linh mục cùng với Chúa, phải có thể nói được: "Tôi biết các chiên của tôi và chiên của tôi biết tôi". “Biết” theo nghĩa Kinh Thánh, không bao giờ chỉ là một sự biết hời hợt bên ngoài như ta biết số điện thoại của một người. "Biết" ở đây có nghĩa là gần gũi trong nội tâm với người khác. “Biết” nghĩa là yêu mến người đó. Chúng ta phải tìm cách "biết" con người như Thiên Chúa biết và vì Thiên Chúa; chúng ta phải đồng hành với họ trên con đường làm bạn nghĩa thiết với Thiên Chúa.
Ta hãy trở lại với Thánh Vịnh của chúng ta. Ta đọc: "Người dẫn tôi trên đường ngay nẻo chính vì danh dự của Người. Lạy Chúa, dầu qua lũng âm u con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng. Côn trượng Ngài bảo vệ, con vững dạ an tâm" (23[22]:3ff.). Vị mục tử chỉ ra đường chính nẻo ngay cho những ai được giao phó cho Người. Người đi trước họ và dẫn dắt họ. Ta hãy diễn tả cách khác: Chúa chỉ dẫn cho ta con đường chính trực để làm người. Người dạy ta nghệ thuật làm người. Tôi phải làm gì để không sa ngã, không phung phí đời tôi trong sự vô nghĩa? Đây chính là câu hỏi mà mỗi người phải tự đặt ra và là câu hỏi luôn luôn có giá trị tại mọi khoảnh khắc trong đời mình. Có biết bao bóng đêm vây quanh câu hỏi này trong ngày của chúng ta! Ta thường xuyên được nhắc nhở về lời của Chúa Giêsu, Đấng chạnh lòng thương đám đông bởi vì họ bơ vơ như đàn chiên không có mục tử. Lạy Chúa, xin thương xót chúng ta nữa! Xin chỉ cho chúng ta con đường! Từ Phúc âm chúng ta biết rõ điều này: Người chính là con đường.
Sống với Chúa Kitô, đi theo Người – điều này nghĩa là tìm thấy con đường ngay chính, ngõ hầu đời của ta có thể có giá trị và để cho ta có lẽ sẽ nói rằng: "Vâng, thật tốt đẹp ta đã sống như thế". Dân tộc Israel tiếp tục biết ơn Thiên Chúa bởi vì trong các Điều Răn, Người đã chỉ ra con đường sự sống. Đại Thánh vịnh 119 (118) là một diễn tả độc đáo về niểm vui khám phá sự thật này: ta không vấp ngã trong bóng đêm. Thiên Chúa đã chỉ cho chúng ta con đường và cách đi đứng ngay chính. Sứ điệp của các Điều Răn được tổng hợp trong cuộc đời của Chúa Giêsu và trở nên một gương mẫu sống động. Như thế ta hiểu rằng những luật lệ này từ Thiên Chúa không phải là xiềng xích, nhưng là con đường mà Người đang chỉ cho chúng ta. Ta có thể vui mừng và hân hoan rằng trong Chúa Kitô những luật lệ ấy đứng trước chúng ta như một thực tại đã được sống. Chính Người đã làm cho chúng ta vui mừng. Bằng cách bước đi với Chúa Kitô, chúng ta cảm nhận niềm vui Mạc Khải, và với tư cách là các linh mục ta cần thông truyền cho những người khác niềm vui là chúng ta đã được chỉ dẫn đã đi đường chính nẻo ngay.
Kế đến là cụm từ "thung lũng âm u" mà Chúa dẫn chúng ta đi qua. Con đường của chúng ta với tư cách các cá nhân một ngày kia sẽ dẫn ta vào thung lũng của sự chết, nơi không ai có thể đi theo chúng ta. Tuy nhiên Người sẽ có đó. Chính Chúa Kitô đã xuống tận đêm tối của sự chết. Ngay tại chốn đó Người cũng không bỏ rơi chúng ta. Ngay tại đó Người vẫn dẫn dặt chúng ta. "Nằm dưới âm ty, vẫn gặp thấy Ngài”, Thánh vịnh 139(138) đã nói. Lạy Chúa, quả thật Chúa hiện diện ở đó, ngay cả trong những đe dọa của sự chết, và vì thế, Thánh vịnh Đáp ca có thể nói: cả trong nơi thung lũng tối tăm, tôi không sợ tai ương nào. Khi nói về thung lũng tối tăm chúng ta cũng có thể nghĩ đến những thung lũng tối tăm của cơn cám dỗ, những nản chí và thử thách mà mỗi người phải trải qua. Cả trong những thung lũng tăm tối này của cuộc sống, Người vẫn có đó. Lạy Chúa, trong đêm tối của sự cám dỗ, vào giờ phút chạng vạng tối khi tất cả ánh sáng dường như đã tắt, xin chỉ cho con thấy Chúa ở đó. Xin giúp các linh mục chúng con để chúng con có thể ở bên cạnh những người được ủy thác cho chúng con trong những đêm tăm tối này. Để chúng con có thể chỉ cho họ thấy ánh sáng của Chúa.
“Cây gậy và côn trượng Chúa bảo vệ, con vững dạ an tâm": người mục tử cần cây gậy để chống trả dã thú muốn xông vào cắn xé đoàn chiên; chống trả những tên cướp muốn cướp chiên. Cùng với cây gậy còn có côn trượng nâng đỡ và giúp vượt qua những đoạn đường khó khăn. Cả cây gậy và côn trượng đều thuộc về thừa tác vụ của Hội Thánh, thuộc về sứ vụ linh mục. Cả Hội Thánh nũa, cũng phải dùng cây gậy mục tử, cây gậy dùng để bảo vệ đức tin chống lại những kẻ gian trá giả mạo, chống lại những đường hướng trong thực tế chỉ dẫn đoàn chiên đi lạc. Có sử dụng cây gậy mục tử thực ra mới là một hành vi phục vụ tình yêu. Ngày nay chúng ta có thể thấy rằng việc dung túng những thái độ không xứng đáng với đời sống linh mục chẳng có liên quan gì đến tình yêu. Cũng chẳng phải vì yêu nếu ta để cho lạc giáo lan tràn và đức tin bị vẹo vọ và băng hoại, như thể đó là một cái gì do chúng ta phát minh ra. Như thể chúng ta đã để cho người ta cướp mất viên ngọc quý, đó không còn là quà tặng của Thiên Chúa nữa. Dẫu vậy, một lần nữa cây gậy phải luôn luôn trở thành côn trượng của người mục tử – côn trượng giúp con người bước đi trên những nẻo đường khó khăn và để đi theo Chúa.
Cuối Thánh Vịnh chúng ta thấy có bàn tiệc dọn sẵn, dầu thơm xức lên đầu, ly rượu đầy tràn chan chứa và được ở trong nhà Chúa. Trong Thánh Vịnh đây là một diễn ngữ trước hết nói về viễn cảnh được hưởng niềm vui yến tiệc có sự hiện diện của Thiên Chúa trong đền thờ, được làm khách của Người, được Người khoản đãi, được ở cùng Người. Đối với chúng ta, là những người cầu nguyện Thánh Vịnh này cùng với Chúa Kitô và Thân Thể của Người là Hội Thánh, viễn tượng chứa chan hy vọng này lại càng sâu rộng hơn. Ta thấy trong những từ này một loại sứ ngôn báo trước về mầu nhiệm Thánh Thể, trong đó chính Thiên Chúa khoản đãi khách dự tiệc là chúng ta và tự hiến dâng làm lương thực cho chúng ta – bởi vì chỉ có bánh và rượu hảo hạng đó mới làm no thỏa vĩnh viễn, dứt điểm cơn đói khát của con người. Làm sao mà ta không vui khi một ngày kia ta sẽ là khách tại chính bàn tiệc của Thiên Chúa và được sống tại nơi Người ngự trị? Làm sao mà ta không vui vì Người đã truyền lệnh cho ta: "Hãy làm việc này để nhớ đến Thầy"? Làm sao mà ta không vui khi Người đã làm cho ta có thể dọn bàn tiệc của Thiên Chúa cho con người, đã ban cho họ Mình và Máu của Người, để ban cho họ quà tặng quý giá chính sự hiện diện của Người. Quả thật, chúng ta có thể cùng nhau cầu nguyện, với tất cả tâm hồn, những lời của Thánh vịnh: "Lòng nhân hậu và tình thương Chúa ấp ủ tôi suốt cả cuộc đời" (Tv 23[22]:6).
Sau cùng, ta hãy nhìn vào hai câu đáp xướng mà Hội Thánh cung hiến cho chúng ta trong phụng vụ của ngày hôm nay. Trước hết, đó là lời của Thánh Gioan kết thúc trình thuật Chúa Giêsu chịu đóng đinh: "Nhưng một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Người. Tức thì, máu cùng nước chảy ra" (Ga 19,34). Trái tim Chúa Giêsu bị đâm thâu bằng cây giáo. Một khi mở ra, trái tim ấy trở nên một nguồn nước: nước và máu vọt ra làm ta nhớ hai bí tích cơ bản mà Hội Thánh sống: Bí Tích Thanh Tẩy và Thánh Thể. Từ cạnh sườn Chúa bị đâm thâu, từ trái tim rộng mở của Người, trào ra suối nước hằng sống vẫn còn tiếp tục tuôn chảy qua các thế kỷ và làm nên Hội Thánh. Trái tim rộng mở là nguồn của một dòng nước sự sống mới; ở đây Gioan chắc chắn cũng đang nghĩ đến lời sứ ngôn của Êdêkien là người đã thấy một con suối tuôn chảy từ ngôi đền thờ mới mang lại hoa trái và sự sống (Ed 47): Chúa Giêsu chính là đền thờ mới và trái tim rộng mở của Người là nguồn suối sự sống mới được thông truyền cho chúng ta trong Bí Tích Thanh Tẩy và Thánh Thể.
Phụng vụ Lễ Trọng Kính Thánh Tâm Chúa Giêsu cũng cho phép một cụm từ khác, tương tự với cụm từ này, được sử dụng làm câu đáp xướng lúc rước lễ. Câu đó lấy từ Phúc Âm Gioan: "Ai khát, hãy đến với tôi, ai tin vào tôi, hãy đến mà uống! Như Kinh Thánh đã nói: Từ lòng Người, sẽ tuôn chảy những dòng nước hằng sống" (x. Ga 7,37tt). Trong đức tin, chúng ta uống, có thể nói như thế về dòng nước hằng sống của Lời Thiên Chúa. Bằng cách này người tin trở nên một con suối ban nước hằng sống cho trái đất khô cằn. Ta thấy điều này trong các thánh. Ta thấy điều này trong Đức Maria, người phụ nữ vĩ đại của đức tin và tình yêu đã trở nên trong mọi thế hệ một nguồn suối đức tin, tình yêu và sự sống. Mọi Kitô hữu và mọi linh mục phải trở nên, bắt đầu từ Chúa Kitô, một nguồn suối ban sự sống cho những người khác. Ta phải cung hiến nước ban sự sống này cho thế giới khô cằn và đang khát. Lạy Chúa, chúng con cám ơn Chúa bởi vì, vì chúng con, Chúa đã mở trái tim ra; bởi vì trong cái chết của Chúa và sự sống lại của Chúa mà Chúa đã trở thành nguồn sự sống. Xin ban làm cho chúng con được sống từ Chúa như nguồn gốc của chúng con, và xin ban cho cả chúng con nữa, chúng con cũng có thể trở thành các nguồn, các con suối có thể ban nước sự sống trong thời đại của chúng con. Chúng con cám ơn Chúa vì ân sủng sứ vụ linh mục. Xin Chúa ban phúc cho chúng ta và ban phúc cho tất cả những ai đang khát trong thời đại của chúng ta và tiếp tục tìm kiếm. Amen.
bài liên quan mới nhất
bài liên quan đọc nhiều
- Linh mục và luật độc thân
-
Tính cách của Tu sĩ Công giáo -
Linh mục với vấn đề hồi tục -
Đời sống linh mục là một đời sống khó khăn -
Thụ phong Linh mục -
Giám mục & Linh mục -
Viết cho người linh mục -
Những bước chân -
Linh mục sống tu đức trong bối cảnh thực tế Giáo Hội và Xã hội Việt Nam hôm nay -
Linh mục: Người được “chọn” và “gọi”