Chúa nhật 30 Thường niên - năm C (+video)
Lc 18,9-14
"Ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống;
ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên." (Lc 18,14)
Qua bài Tin Mừng hôm nay, Chúa muốn nói với chúng ta về vấn đề phải biết tôn trọng mọi người. Đây là điều rất khó thực hiện trong đời sống của chúng ta nhất là trong hoàn cảnh xã hội xô bồ và đầy dẫy xảo trá hôm nay.
Tin Mừng thuật lại cả ông Pharisêu và người thu thuế đều lên đền thờ để cầu nguyện. Hai người cùng bắt đầu lời cầu nguyện của mình bằng một khuôn mẫu chung: "Lạy Chúa".
Đây là khuôn mẫu của mọi lời cầu nguyện, nhưng khi bắt đầu vào nội dung thì lời cầu nguyện của hai người bắt đầu đi theo hai hướng khác nhau.
- Ngươi Biệt phái bắt đầu lời cầu nguyện của mình bằng cách giới thiệu với Chúa về cái "Tôi" thật lớn của mình. Ông ta liệt kê ra một danh sách các nhân đức của ông. Ông nói với Chúa những lỗi lầm ông không mắc. Ông trình bày với Chúa về những việc ông đã thực hiện kể cả những điều mà luật không đòi buộc và điều mà Chúa muốn nhấn mạnh ở đây là ông đã để cho lòng căm ghét chen vào khi công khai lên án những người khác và liệt họ vào hàng những người tội lỗi cần phải loại trừ.
"Lạy Chúa, xin tạ ơn Chúa vì con không như những người khác: tham lam, bất chính, ngoại tình hoặc như tên thu thuế kia. Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười những thu nhập của con" (Lc 18,11-12).
Đó là nội dung những gì người Biệt phái nói với Chúa. Dường như đã quá đầy đủ rồi, không cần phải xin với Chúa điều gì nữa.
Còn người thu thuế, sau khi đã bắt đầu lời cầu nguyện có tính cách công thức rồi, thì bằng một lòng khiêm nhường thẳm sâu, anh ta đã tự đặt mình trước mặt Chúa như một người tội lỗi và kêu xin lòng thương xót của Người. Anh ta ý thức rất rõ về tình trạng tội lỗi của mình. Anh ta đã không dám ngước mắt lên và lời cầu nguyện của anh ta là một lời kêu xin cứu giúp.
Rồi Chúa kết luận ra sao chúng ta đã thấy!
Ngày xửa ngày xưa bên Ai Cập có một vị hiền triết tên là Zun-Nun. Ngày kia, một thanh niên đến và hỏi ông:
- Thưa ngài, tôi không hiểu tại sao những người đáng kính như ngài luôn ăn mặc theo một cách giống nhau và luôn luôn đơn giản như vậy. Chẳng lẽ không cần chưng diện một tí, không phải để khoe khoang, nhưng còn vì mục đích khác nữa chứ, thưa ngài?
Nhà hiền triết chỉ cười và cởi chiếc nhẫn ở tay ra, trao cho chàng trai và nói:
- Này anh bạn trẻ, ta sẽ trả lời câu hỏi của cậu, nhưng trước tiên cậu phải giúp ta việc này đã. Hãy cầm lấy chiếc nhẫn này và đi đến khu chợ bên kia đường, cậu hãy đổi nó lấy một đồng vàng.
Cầm chiếc nhẫn đen đúa của Zun-Nun trên tay, chàng thanh niên tỏ vẻ nghi ngại:
- Một đồng vàng? Tôi không chắc là chiếc nhẫn có thể bán được với giá đó.
- Thử trước đã chàng trai, ai biết được điều gì có thể xảy ra?
Chàng trai trẻ phóng nhanh ra chợ. Anh ta đem chiếc nhẫn vào hàng tơ lụa, rau cải, thịt cá và rất nhiều nơi khác. Nhưng sự thực là không ai đồng ý trả cho anh ta với cái giá đó. Anh ta quay về gặp Zun-Nun và nói:
- Thưa ngài, không một ai đồng ý bỏ ra một số tiền nhiều hơn một đồng bạc để mua chiếc nhẫn này cả.
Với một nụ cười nhẹ nhàng trên khuôn mặt trầm tĩnh, nhà hiền triết đáp lời:
- Bây giờ anh hãy ra tiệm vàng ở cuối đường, đưa chiếc nhẫn này cho ông chủ. Đừng yêu cầu giá bán nhưng chỉ lắng nghe xem ông ta trả giá bao nhiêu.
Chàng thanh niên đi đến tiệm vàng theo yêu cầu và sau đó quay về với vẻ mặt khác hẳn. Anh ta nói:
- Thưa ngài, những lái buôn ở chợ rõ ràng không biết giá trị của chiếc nhẫn này, người chủ tiệm vàng đã đồng ý mua chiếc nhẫn này với giá một ngàn đồng vàng, và giá trị thật của nó thì gấp cả ngàn lần so với cái giá của những con buôn ở chợ.
Zun-Nun mỉm cười và ôn tồn nói:
- Đó là câu trả lời cho câu hỏi của anh, không thể đánh giá con người mà chỉ dựa vào cách ăn mặc bề ngoài. Những lái buôn ở chợ định giá theo kiểu đó. Nhưng những nhà buôn vàng thì không như thế. Vàng và đá quý tồn tại bên trong mỗi con người, chỉ có thể được nhận ra và xác định giá trị nếu anh có thể nhìn thấu tâm hồn.
Khi Chúa Giêsu bảo: "Người này - tức là người thu thuế ra về thì được khỏi tội và người kia - tức là người Biệt phái ra về thì không. Như thế Chúa cũng có một đánh giá tương tự. Đây là một kết luận hết sức bất ngờ đối với chúng ta. Chúa đã công khai tuyên bố tình trạng công chính cho một người trước đó là tội lỗi. Và kết án là còn có tội cho một người trước đó đã tưởng mình là người công chính trước mặt Chúa, vì người đó đã không xin gì cả.
Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi. Amen.
bài liên quan mới nhất
- Thứ Tư tuần 34 Thường niên (+video)
-
Thứ Ba tuần 34 Thường niên (+video) -
Thứ Hai tuần 34 Thường niên (+video) -
Chúa nhật 34 Thường niên năm B - Đức Giêsu Kitô Vua Vũ trụ (+video) -
Thứ Bảy tuần 33 Thường niên (+video) -
Thứ Sáu tuần 33 Thường niên (+video) -
Thứ Năm tuần 33 Thường niên (+video) -
Thứ Tư tuần 33 Thường niên (+video) -
Thứ Ba tuần 33 Thường niên (+video) -
Thứ Hai tuần 33 Thường niên (+video)
bài liên quan đọc nhiều
- Chúa nhật 29 Thường niên năm A: Khánh nhật Truyền giáo (+video)
-
Ngày 29/06: Thánh Phêrô và Thánh Phaolô, tông đồ (+video) -
Chúa nhật 2 Phục sinh năm A (+video) -
Ngày 22/07: thánh nữ Maria Mađalêna, lễ kính (+video) -
Chúa nhật 6 Phục sinh năm A (+video) -
Thứ Bảy tuần 2 Phục sinh (+video) -
Chúa nhật Lễ Mình Máu Thánh Chúa năm A (+video) -
Chúa nhật 4 Phục sinh năm A - Lễ Chúa Chiên Lành (+video) -
Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu năm A (+video) -
Chúa nhật 7 Phục sinh năm A - Lễ Thăng Thiên (+video)