Chúa nhật 3 Thường niên năm B (Mc 1,14-20)

Chúa nhật 3 Thường niên năm B (Mc 1,14-20)

Chúa nhật 3 Thường niên năm B (Mc 1,14-20)

Người bảo họ: “Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh
thành những kẻ lưới người như lưới cá.” (Mc 1,17)

BÀI ĐỌC I: Gn 3, 1-5. 10

“Dân thành tin tưởng nơi Chúa: họ công bố việc ăn chay”.

Trích sách Tiên tri Giona.

Lời Chúa phán cùng Giona rằng: “Hãy chỗi dậy và đi đến Ninivê, một thành phố lớn, và rao giảng cho nó điều Ta sẽ nói cho ngươi”. Giona chỗi dậy và đi đến Ninivê theo lời Chúa dạy. Ninivê là một thành phố lớn, rộng bằng ba ngày đàng, Giona tiến vào thành phố đi một ngày đàng, rồi rao giảng rằng: “Còn bốn mươi ngày nữa, Ninivê sẽ bị phá huỷ”. Dân thành tin tưởng nơi Chúa: họ công bố việc ăn chay và mặc áo nhặm, từ người lớn đến trẻ nhỏ. Chúa thấy việc họ làm, vì họ bỏ đời sống xấu xa, Chúa bỏ ý định phạt họ, và Người không thực hiện điều đó.

Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 24, 4bc-5ab. 6-7bc. 8-9.

Đáp: Lạy Chúa, xin dạy bảo con về lối bước của Ngài (c. 4b).

Xướng:

1) Lạy Chúa, xin chỉ cho con đường đi của Chúa, xin dạy bảo con về lối bước của Ngài. Xin hướng dẫn con trong chân lý và dạy bảo con, vì Chúa là Thiên Chúa cứu độ con. - Đáp.

2) Chúa nhân hậu và công minh, vì thế Ngài sẽ dạy cho tội nhân hay đường lối. Ngài hướng dẫn kẻ khiêm cung trong đức công minh, dạy bảo người khiêm cung đường lối của Ngài. - Đáp.

3) Lạy Chúa, xin hãy nhớ lòng thương xót của Ngài, lòng thương xót tự muôn đời vẫn có. Xin hãy nhớ con theo lòng thương xót của Ngài, vì lòng nhân hậu của Ngài, thân lạy Chúa. - Đáp.

BÀI ĐỌC II: 1 Cr 7, 29-31

“Bộ mặt thế gian này đang qua đi”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Anh em thân mến, tôi nói cùng anh em điều này là: Thời giờ vắn vỏi; còn có cách là những ai có vợ, hãy ở như không có; những ai than khóc, hãy ăn ở như không than khóc; những kẻ hân hoan, hãy ăn ở như không hân hoan; những người mua sắm, hãy ăn ở như không có gì; những ai dùng sự đời này, hãy ăn ở như không tận hưởng, vì chưng bộ mặt thế gian này đang qua đi.

Đó là lời Chúa.

Tin mừng: Mc 1,14-20

14 Sau khi ông Gio-an bị nộp, Đức Giê-su đến miền Ga-li-lê rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa. 15 Người nói: “Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin mừng.”

16 Người đang đi dọc theo biển hồ Ga-li-lê, thì thấy ông Si-môn với người anh là ông An-rê, đang quăng lưới xuống biển, vì họ làm nghề đánh cá.

17 Người bảo họ: “Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá.” 18 Lập tức hai ông bỏ chài lưới mà đi theo Người.

19 Đi xa hơn một chút, Người thấy ông Gia-cô-bê, con ông Dê-bê-đê, và người em là ông Gio-an. Hai ông này đang vá lưới ở trong thuyền.

20 Người liền gọi các ông. Và các ông bỏ cha mình là ông Dê-bê-đê ở lại trên thuyền với những người làm công, mà đi theo Người.

 


Bài giảng của Lm. Ignatio Hồ Văn Xuân

Giáo lý cho bài giảng Chúa nhật 3 Thường niên năm B:

WHĐ (17.01.2024) - Để hỗ trợ các nhà giảng thuyết thuận tiện hơn trong việc thêm giáo lý vào bài giảng, Ban Biên tập xin được trích dẫn những điểm giáo lý phù hợp với các bài đọc Kinh Thánh của các lễ Chúa nhật, lễ trọng theo sự theo hướng dẫn của Bộ Phụng tự và Kỷ luật các Bí tích trong Tập sách Hướng dẫn giảng thuyết được công bố qua Sắc lệnh ký ngày 29.06.2014.

 

Số 51-64: Kế hoạch Mặc khải của Thiên Chúa

Số 1427-1433: Hối cải nội tâm và liên tục

Số 1886-1889: Sự hối cải và xã hội

Bài Ðọc I: Gn 3, 1-5. 10

Bài Ðọc II: 1Cr 7, 29-31

Phúc Âm: Mc 1, 14-20

Số 51-64: Kế hoạch Mặc khải của Thiên Chúa

51. “Do lòng nhân lành và khôn ngoan, Thiên Chúa đã muốn mạc khải chính mình và tỏ cho biết mầu nhiệm của ý muốn Ngài; nhờ mầu nhiệm đó, loài người có thể đến cùng Chúa Cha, nhờ Chúa Kitô, Ngôi Lời nhập thể, trong Chúa Thánh Thần, và được thông phần vào bản tính Thiên Chúa”[1].

52. Thiên Chúa, Đấng “ngự trong ánh sáng siêu phàm” (1 Tm 6,16), muốn truyền thông sự sống thần linh của Ngài cho loài người mà Ngài đã tự ý tạo dựng, để cho họ được trở nên nghĩa tử trong Con Một của Ngài[2]. Khi tự mạc khải, Thiên Chúa muốn làm cho loài người có khả năng đáp lại Ngài, nhận biết và yêu mến Ngài vượt quá những gì họ có thể làm được tự sức mình.

53. Kế hoạch của Thiên Chúa về Mạc Khải được thể hiện cùng một lúc “bằng các việc làm và lời nói có liên hệ mật thiết với nhau”[3], và soi sáng cho nhau. Kế hoạch đó bao hàm “một đường lối sư phạm thần linh” đặc biệt: Thiên Chúa truyền thông chính mình cho con người một cách tiệm tiến. Ngài chuẩn bị con người qua nhiều giai đoạn để đón nhận mạc khải siêu nhiên về chính bản thân Ngài. Mạc khải này sẽ đạt tới tột đỉnh nơi Ngôi Vị và nơi sứ vụ của Ngôi Lời nhập thể, là Chúa Giêsu Kitô.

Thánh lrênê thường nói về đường lối sư phạm này của Thiên Chúa dưới hình ảnh Thiên Chúa và con người dần dần làm quen với nhau: “Ngôi Lời của Thiên Chúa đã ở giữa loài người và trở thành Con Người, để làm cho con người quen dần với việc đón nhận Thiên Chúa, và làm cho Thiên Chúa quen dần với việc ngự trong con người, theo ý muốn của Chúa Cha”[4].

Từ khởi thuỷ, Thiên Chúa tự mạc khải cho con người

54. “Thiên Chúa, Đấng tạo dựng và bảo tồn mọi sự nhờ Ngôi Lời, không ngừng làm chứng cho loài người về chính mình nơi các thụ tạo; hơn nữa, vì muốn mở ra con đường cứu độ cao vời, ngay từ khởi thuỷ, Ngài đã tỏ mình ra cho nguyên tổ biết”[5]. Ngài đã mời gọi nguyên tổ của chúng ta sống hiệp thông thân mật với Ngài, khi ban cho họ ân sủng và đức công chính rạng ngời.

55. Mạc khải này không bị tội nguyên tổ làm gián đoạn. Quả vậy, “sau khi tổ tông sa ngã, bằng việc hứa ban ơn cứu chuộc, Ngài đã nâng họ dậy hướng tới niềm hy vọng cứu độ. Ngài đã không ngừng săn sóc nhân loại, để ban sự sống đời đời cho tất cả những ai tìm kiếm ơn cứu độ bằng cách kiên tâm làm việc lành”[6].

“Và khi con người đã mất tình nghĩa với Cha vì bất phục tùng, Cha đã không bỏ mặc con người dưới quyền lực sự chết.... Nhiều lần Cha đã giao ước với loài người”[7].

Giao ước với ông Nôê

56. Khi sự hợp nhất của nhân loại bị tội lỗi phá vỡ, Thiên Chúa lập tức có ý định cứu độ nhân loại khi can thiệp qua từng nhóm người. Giao ước với ông Nôê sau cơn lụt đại hồng thủy[8] nói lên nguyên tắc của Nhiệm cục thần linh đối với “các dân tộc”, nghĩa là đối với những người quy tụ lại “theo tiếng nói, dòng họ và dân tộc của mình” (St 10,5)[9].

57. Trật tự đa dân tộc này, vừa có tính vũ trụ, vừa có tính xã hội và tôn giáo[10], nhằm hạn chế tính kiêu căng của một nhân loại đã sa ngã, muốn đồng lòng trong sự ngoan cố của mình[11], muốn tự mình gầy dựng sự hợp nhất theo kiểu xây tháp Babel[12]. Nhưng vì tội lỗi[13], nên thuyết đa thần cũng như việc tôn thờ các ngẫu tượng là dân tộc và lãnh tụ của mình, đã không ngừng đe doạ biến Nhiệm cục tạm thời này thành sự gian tà ngoại đạo.

58. Giao ước với ông Nôê có hiệu lực trong suốt thời gian của các dân tộc[14], cho tới khi Tin Mừng được loan báo một cách phổ quát. Thánh Kinh tôn kính một số vĩ nhân của “các dân tộc”, như “Abel, người công chính”, vua tư tế Melchisêđê[15], ông này là hình bóng của Đức Kitô[16], hoặc các người công chính “Nôê, Đaniel và Job” (Ed 14,14). Như vậy Thánh Kinh nói lên mức độ thánh thiện cao vời mà những người sống theo Giao ước Nôê có thể đạt tới, đang khi mong đợi Đức Kitô “quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi về một mối” (Ga 11,52).

Thiên Chúa chọn ông Abraham

59. Để quy tụ loài người đang tản mác về một mối, Thiên Chúa chọn ông Abram và phán với ông: “Hãy rời bỏ xứ sở, họ hàng và nhà cha ngươi” (St 12,1); với ý định làm cho ông thành Abraham, nghĩa là “cha của vô số dân tộc” (St 17,5): “Nhờ ngươi, mọi gia tộc trên mặt đất sẽ được chúc phúc” (St 12,3)[17].

60. Dân tộc phát sinh từ ông Abraham sẽ được thừa hưởng lời Thiên Chúa hứa với các tổ phụ, tức là dân được Ngài tuyển chọn[18], họ được gọi để chuẩn bị cho việc quy tụ trong tương lai mọi con cái Thiên Chúa trong sự duy nhất của Hội Thánh[19]; dân tộc này sẽ là gốc rễ mà các dân ngoại khi tin vào Thiên Chúa sẽ được tháp ghép vào[20].

61. Các tổ phụ, các tiên tri và những vĩ nhân khác của Cựu ước đã và sẽ luôn được tôn kính như những vị Thánh trong tất cả các truyền thống phụng vụ của Hội Thánh.

Thiên Chúa huấn luyện dân Israel của Ngài

62. Sau thời các Tổ phụ, Thiên Chúa lập Israel làm dân của Ngài khi cứu họ khỏi ách nô lệ Ai cập. Ngài lập Giao ước Sinai với dân và ban Lề Luật của Ngài cho họ qua ông Môisen, để họ nhận biết và phụng sự Ngài với tư cách là Thiên Chúa duy nhất hằng sống và chân thật, là Cha quan phòng và là thẩm phán chí công, và để họ mong đợi Đấng Cứu Độ mà Ngài đã hứa ban[21].

63. Israel là dân tư tế của Thiên Chúa[22], được “mang danh Đức Chúa” (Đnl 28,10). Đó là dân của “những người đầu tiên được nghe lời Chúa phán dạy”[23], dân của “những người làm anh” trong đức tin của tổ phụ Abraham[24].

64. Qua các tiên tri, Thiên Chúa đào tạo dân Ngài trong niềm hy vọng ơn cứu độ, trong sự mong đợi Giao ước mới và vĩnh cửu dành cho tất cả mọi người[25], Giao ước đó sẽ được ghi khắc trong các trái tim[26]. Các Tiên tri loan báo ơn cứu chuộc triệt để cho dân của Thiên Chúa, ơn thanh tẩy khỏi mọi bất trung của họ[27], và ơn cứu độ ấy sẽ bao gồm tất cả các dân tộc[28]. Đặc biệt những người nghèo khó và khiêm nhu của Chúa[29] sẽ ấp ủ niềm hy vọng này. Những phụ nữ thánh thiện như các bà Sara, Rêbecca, Rachel, Miryam, Đêbora, Anna, Juđitha và Esther, đã gìn giữ cho niềm hy vọng cứu độ ấy của Israel luôn sống động. Hình ảnh tinh tuyền nhất của niềm hy vọng này là Đức Maria[30].

Số 1427-1433: Hối cải nội tâm và liên tục

1427. Chúa Giêsu kêu gọi hối cải. Lời kêu gọi này là một phần cốt yếu của việc loan báo Nước Thiên Chúa: “Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,15). Trong việc rao giảng của Hội Thánh, lời kêu gọi này trước hết nhằm đến những người chưa biết Đức Kitô và Tin Mừng của Người. Như vậy, bí tích Rửa Tội là vị trí đầu tiên và căn bản của việc hối cải. Chính nhờ tin vào Tin Mừng và nhờ bí tích Rửa Tội[31] mà người ta từ bỏ sự dữ và đạt được ơn cứu độ, nghĩa là được ơn tha thứ mọi tội lỗi và được hưởng hồng ân sự sống mới.

1428. Lời kêu gọi hối cải của Đức Kitô vẫn tiếp tục vang vọng trong đời sống các Kitô hữu. Cuộc hối cải thứ hai này là một nhiệm vụ liên tục của toàn thể Hội Thánh vì “mang trong lòng mình những tội nhân, vừa thánh thiện vừa luôn cần được thanh luyện, Hội Thánh phải không ngừng thống hối và canh tân”[32]. Nỗ lực hối cải này không chỉ là công việc của con người. Việc thống hối là hành động của một “tâm hồn tan nát”[33] được ân sủng lôi kéo và thúc đẩy[34], để đáp lại tình yêu thương xót của Thiên Chúa, Đấng đã yêu thương chúng ta trước[35].

1429. Có thể lấy cuộc hối cải của thánh Phêrô, sau khi chối Thầy mình ba lần, làm bằng chứng cho điều đó. Cái nhìn của lòng thương xót vô biên của Chúa Giêsu khiến ông khóc lóc thống hối[36] và, sau khi Chúa sống lại, ông đã ba lần khẳng định tình yêu của ông đối với Người[37]. Cuộc hối cải thứ hai cũng mang chiều kích cộng đoàn. Điều này được thấy rõ trong lời kêu gọi của Chúa với toàn thể Hội Thánh: “Hãy hối cải!” (Kh 2,5.16).

Thánh Ambrôsiô nói về hai cuộc hối cải: “Hội Thánh có nước và nước mắt, nước của bí tích Rửa Tội, và nước mắt của bí tích Thống Hối”[38].

1430. Cũng như các tiên tri thuở trước, lời kêu gọi hối cải và thống hối của Chúa Giêsu không nhằm trước tiên đến những việc bên ngoài, “mặc áo vải thô, rắc tro trên đầu”, giữ chay và khổ chế, nhưng nhằm đến sự hối cải tâm hồn, sự thống hối nội tâm. Nếu không có sự hối cải nội tâm, các việc thống hối bên ngoài sẽ vô hiệu và dối trá; ngược lại, sự hối cải nội tâm thúc đẩy diễn tả tâm tình ấy bằng những dấu chỉ hữu hình, bằng những cử chỉ và những việc làm thống hối[39].

1431. Thống hối nội tâm là định hướng mới cách triệt để cho cả cuộc đời, là trở về, là trở lại cùng Thiên Chúa với cả tâm hồn, đoạn tuyệt với tội lỗi, quay lưng với sự dữ, và ghê tởm những hành động xấu xa chúng ta đã phạm. Đồng thời thống hối nội tâm cũng bao gồm ước muốn và quyết tâm thay đổi đời sống, với niềm hy vọng vào lòng thương xót của Thiên Chúa và lòng tin tưởng vào sự trợ giúp của ân sủng của Ngài. Cuộc hối cải nội tâm này được kèm theo bằng sự đau khổ và buồn phiền hữu ích được các Giáo phụ gọi là nỗi thống khổ của tâm hồn, sự cắn rứt của trái tim[40].

1432. Lòng người nặng nề và cứng cỏi. Con người phải được Thiên Chúa ban cho một trái tim mới[41]. Hối cải trước hết là công trình của ân sủng của Thiên Chúa, Đấng làm cho lòng chúng ta trở lại với Ngài: “Xin đưa chúng con về với Ngài, lạy Chúa, để chúng con trở về” (Ac 5,21). Thiên Chúa ban cho chúng ta sức mạnh để chúng ta bắt đầu lại. Tâm hồn chúng ta, một khi khám phá ra sự cao cả của tình yêu Thiên Chúa, sẽ bị chấn động vì sự khủng khiếp và nặng nề của tội lỗi và bắt đầu sợ không dám phạm tội xúc phạm Thiên Chúa và sợ bị xa lìa Ngài. Lòng người hối cải, khi nhìn lên Đấng đã bị tội lỗi chúng ta đâm thâu[42].

“Hãy chiêm ngắm Máu Đức Kitô và nhận biết rằng Máu ấy quý giá biết bao đối với Thiên Chúa là Cha Người, Máu ấy, khi đổ ra để cứu độ chúng ta, đã mang lại cho toàn thế giới ơn thống hối”[43].

1433. Khởi từ cuộc Vượt Qua, Chúa Thánh Thần tố cáo thế gian về tội lỗi, vì thế gian đã không tin vào Đấng[44] Chúa Cha đã sai đến. Nhưng cũng chính Chúa Thánh Thần, Đấng tố cáo tội lỗi, lại là Đấng An Ủi[45], Đấng ban cho tâm hồn con người ân sủng để họ thống hối và hối cải[46].

Số 1886-1889: Sự hối cải và xã hội

1886. Xã hội là cần thiết để ơn gọi nhân linh được thực hiện. Để đạt tới mục tiêu này, phải tôn trọng bậc thang đúng đắn của các giá trị, là “những gì thuộc vật chất và tự nhiên được đặt ở dưới những gì thuộc nội tâm và tinh thần”[47].

“Vì vậy, xã hội của con người … trước hết phải được coi như một thực tại đặc biệt liên quan tới tâm hồn; nhờ xã hội, người ta thông chuyển cho nhau các kiến thức, trong ánh sáng của chân lý; người ta có thể khẳng định các quyền lợi và chu toàn các bổn phận; người ta khích lệ nhau tìm kiếm những điều thiện hảo cho tâm hồn; người ta chia sẻ cho nhau sự thưởng thức mọi vui thú lành mạnh; người ta luôn cố gắng trao cho người khác những gì tốt đẹp nhất của mình; người ta chăm chú học hỏi để những phong phú tinh thần của người khác trở thành của mình. Những điều tốt lành này vừa có ảnh hưởng, vừa hướng dẫn, tất cả những gì liên quan đến các học thuyết, các vấn đề kinh tế, các tổ chức xã hội, các trào lưu và thể chế chính trị, pháp chế, và sau cùng, các tổ chức khác, tất cả những gì thiết lập nên và không ngừng làm phát triển cộng đồng nhân loại từ bên ngoài”[48].

1887. Việc đảo lộn các phương tiện với các mục đích[49] dẫn tới việc coi phương tiện như mục đích tối hậu, hay xem những cá vị chỉ là những phương tiện để đạt mục đích, điều này sinh ra những cơ cấu bất công “làm cho cách sống Kitô giáo, phù hợp với các giới răn của Đấng Làm Luật tối thượng, trở nên khó khăn, hoặc hầu như là không thể”[50].

1888. Vì vậy, để đạt được những cải tổ xã hội thật sự giúp phục vụ con người, phải chạy đến với các khả năng tinh thần và luân lý của cá vị, và với sự đòi hỏi thường xuyên là sự hối cải nội tâm của cá vị. Việc ưu tiên cho sự hối cải trái tim không hề loại trừ, nhưng trái lại, còn bắt buộc đem lại những lành mạnh hoá thích hợp cho các cơ chế và điều kiện sống, khi các cơ chế và điều kiện sống đó đưa đến tội lỗi, để chúng trở thành phù hợp với các quy tắc của đức công bằng, không chống đối nhưng củng cố điều thiện hảo[51].

1889. Không có sự trợ giúp của ân sủng, con người không biết “khám phá ra con đường, thường là nhỏ hẹp, giữa một bên là sự hèn nhát muốn nhượng bộ điều xấu và một bên là sức mạnh, tự lừa dối mình rằng mình có thể chiến thắng điều xấu, nhưng thật sự lại làm cho điều xấu nhân rộng thêm”[52]. Con đường đó là con đường của đức mến, nghĩa là của lòng mến Chúa và yêu người. Đức mến là điều răn mang tính xã hội cao nhất. Đức mến tôn trọng người khác và các quyền lợi của họ. Đức mến đòi hỏi sự thực thi đức công bằng và chỉ có đức mến mới làm cho chúng ta có khả năng thực hiện điều đó. Đức mến gợi hứng cho một cuộc đời tự hiến: “Ai tìm cách giữ mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình, thì sẽ bảo tồn được mạng sống” (Lc 17,33).

 

 

Bài giảng Đức Thánh Cha: Chúa nhật 3 Thường niên năm B:

Đức Phanxicô:

24.01.2021 – Bài giảng: Chúa nói về điều gì và Chúa nói với ai?

24.01.2021 – Huấn dụ: Thời gian đón nhận ơn cứu độ thì ngắn ngủi

25.01.2015 – Huấn dụ: Chúa Giêsu là sự thành toàn các lời hứa của Thiên Chúa

 

1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)

Ðức Giêsu đến loan báo Tin Mừng cứu độ, Ngài kêu gọi con người canh tân, để được đón nhận vào triều đại nước Thiên Chúa.

Trong chương trình của Thiên Chúa: Mọi người đều được hưởng ơn cứu độ. Vì thế các tông đồ, những người kế vị được kêu gọi để cùng với Ðức Giêsu đem Tin Mừng cho toàn thế giới.

Là người Kitô hữu, tôi cũng được tuyển chọn để thi hành sứ vụ này: Tôi đã làm gì để đóng góp vào chương trình của Chúa ?

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa muốn các tông đồ cộng tác với Chúa trong sứ mệnh loan báo Tin Mừng. Ngày nay Chúa cũng muốn nơi mỗi Kitô hữu chúng con. Xin cho chúng con có tâm hồn quảng đại, mau mắn đáp lại lời mời gọi của Chúa. Xin cho chúng con biết sống một đời Kitô hữu tốt: tốt đạo đẹp đời. Cách sống gương mẫu của chúng con là một lời loan báo sống động cho Tin Mừng cứu độ. Amen.

Ghi nhớ: “Anh em hãy ăn năn sám hối và tin vào Phúc âm”.

 

2. Suy niệm (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)

A. phân tích (Hạt giống...)

Bài Tin mừng này gồm hai đoạn:

a. Tóm lược lời rao giảng của Chúa Giêsu: Ngài nói “Nước Thiên Chúa đã đến gần”; Ngài cho biết điều kiện để được vào Nước ấy là “Hãy sám hối và tin vào Tin mừng”.

b. Ơn gọi của người môn đệ đầu tiên. Qua đó ta biết được những điểm chính yếu của ơn gọi:

- Chúa Giêsu “thấy” (động từ đầu tiên của cả hai bài tường thuật): ơn gọi xuất phát từ sáng kiến của Chúa.

- “Hãy theo tôi”: được gọi tức là được mời đi theo Chúa Giêsu , chia xẻ sứ mạng của Ngài.

- “Lập tức”: mau mắn đáp trả lời Chúa gọi.

- “Hai ông bỏ (bài đầu “Bỏ chài lưới; bài sau “bỏ cha và những người làm công”) mà đi theo Ngài”: theo ơn gọi thì phải từ bỏ, kể cả những gì thân thiết nhất.

B. Suy niệm (...nẩy mầm)

1. Sám hối: Satan phàn nàn với Chúa: “Ngài không công bằng. Nhiều tội nhân làm điều sai trái và Ngài lại đón nhận họ. Thật ra, có người trở lại sáu bảy lần và Ngài vẫn nhận. Tôi chỉ phạm một lỗi lớn mà Ngài kết án tôi đời đời.” Chúa nói:” Đã bao giờ ngươi xin tha thứ hoặc ăn năn chưa ?”. (Góp nhặt)

2. Paddy đang hồi phục sau ca mổ, ba bạn thân ghé thăm để khích lệ anh. Ngoài chuyện thăm hỏi, họ kể cho anh về những ca mổ họ cho biết.

Một người nói: “Tôi nghe có một ca mổ họ để quên cái gạc trong bụng bệnh nhân và phải mổ để lấy ra”.

Người khác kể về ca mổ bác sĩ để quên kéo bên trong và bệnh nhân phải mổ lần nữa để lấy ra. Vừa nói xong, bác sĩ thực hiện ca mổ cho Paddy thò đầu vào cửa gọi lớn: “Có ai thấy mũ của tôi không ?” Và Paddy ngất đi.

Một lần xưng thú không chân thành giống như một ca mổ tồi tệ. Một vài thứ bị để quên phải thực hiện một ca mổ khác để lấy ra. (Góp nhặt)

3. Người ta thường hiểu ơn gọi theo nghĩa hẹp là ơn gọi làm Linh mục, Tu sĩ. Nhưng thực ra mọi Kitô hữu xứng đáng trong bậc sống của mình.

4. Khi Chúa gọi ai, việc đầu tiên là Ngài bảo người đó từ bỏ. Ơn gọi đầu tiên trong Cựu ước là như thế: Thiên Chúa nói vói Abraham “Hãy đi khỏi xứ sở ngươi, khỏi nhà cha ngươi…” (St 12,1). Ơn gọi đầu tiên trong Tân ước cũng như thế: 4 môn đệ đầu tiên của Chúa Giêsu “lập tức bỏ chài lưới (bỏ thuyền, bỏ cha mẹ lại) mà theo Ngài” (Mt 4,20.22). Tất cả những ơn gọi khác cũng phải như thế thôi.

5. Hai người giáo dân đứng ngoài chợ nói chuyện với nhau:

- Anh nghĩ xem chúng ta có cần tiếp tay với Cha xứ để lo việc họ đạo không ? Người thứ nhất hỏi.

- Tôi cũng thường nghĩ đến điều đó. Nhưng khi tôi thấy chung quanh Cha chỉ có một nhóm nhỏ những người thân tín thì tôi không muốn gia nhập nhóm nhỏ ấy nữa.

Nảy giờ đứng bên cạnh đã nghe hết, anh chen vào:

- Đúng thế, chung quanh cha xứ chỉ có một nhóm nhỏ thôi. Nhưng các anh có biết tại sao không ?

-Tại sao ? Tại sao ? Xin cho chúng tôi biết với.

- Hồi cha mới đến xứ đạo, cha đã kêu mời mọi người cộng tác. Nhưng sau đó chỉ có một ít người đáp lời thôi. Đó lả những người biết nói “VÂNG”. (Góp nhặt)

 

3. Suy niệm (Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ.)

TRỞ THÀNH NGƯ PHỦ LƯỚI NGƯỜI

Có một ngày bình thường, một ngày như mọi ngày,

trong đời sống của những người đánh cá quanh hồ Galilê.

Có hai cặp anh em ruột đang làm việc.

Họ sống nhờ cái hồ nước ngọt đầy cá này.

Họ đang sống bình an với gia đình, ổn định với nghề nghiệp.

Dường như chẳng điều gì có thể làm xáo trộn đời sống của họ.

Vậy mà một chuyện bất ngờ đã xảy ra,

khi có người mang tên Giêsu đi dọc theo bờ hồ,

đến gặp họ, khiến mọi sự đi theo một hướng khác.

Người mang tên Giêsu không phải là một vị thầy học thức cao.

Ngài đơn giản chỉ là một người thợ ở làng Nadarét.

Ngài đã chịu phép rửa của Gioan Tẩy giả,

và đã bắt đầu đi rao giảng Tin Mừng ở vùng Galilê.

Lời loan báo của Ngài thật ấn tượng, làm mọi người chú ý:

Nước Thiên Chúa đã đến gần rồi, không phải chờ đợi nữa.

Đây là thời cuối cùng, Thiên Chúa đến để ban ơn cứu độ.

Lời loan báo cũng kèm theo một lời mời thiết tha:

Hãy hối cải và tin vào Tin Mừng (Mc 1,15).

Chắc các anh đánh cá đã có lần nghe Đức Giêsu giảng,

và họ bị thu hút bởi quyền uy của một vị thầy,

toát ra từ phong cách, từ chính con người Ngài.

Họ có mong được gặp Ngài không ?

Nhưng không ngờ hôm nay Ngài đến gặp họ.

Sáng kiến cho cuộc gặp gỡ này đến từ Thầy Giêsu.

Ngài thấy Simôn và Anrê đang quăng lưới xuống biển.

Có lẽ Ngài đã đứng ngắm nhìn cảnh tượng này một lúc lâu:

hai người cùng làm với nhau để kéo được một mẻ cá.

Chính Thầy Giêsu là người mở lời trước tiên.

Một lời mời cũng là một mệnh lệnh: Hãy theo tôi!

Hãy gắn bó với tôi như một môn đệ.

Và Ngài hứa sẽ làm một cuộc tạo dựng mới:

“Tôi sẽ làm cho các anh trở thành những kẻ lưới người ta.”

Từ những ngư phủ lưới cá trở thành ngư phủ lưới con người.

Bây giờ con người là mối bận tâm, chứ không phải là cá.

Thầy Giêsu mời họ chia sẻ mối bận tâm của Ngài về con người.

Như thế là phải bỏ nghề đánh cá.

Hai ông đã hiểu lời mời đó, nên đã bỏ lưới mà theo Thầy Giêsu.

Thầy Giêsu còn muốn đi tiếp và mời thêm môn đệ.

Thầy lại một cặp anh em ruột khác là Giacôbê và Gioan.

Họ cũng đang làm việc: vá lưới ở trong thuyền với cha.

Cảnh tượng cha con cùng làm việc thật dễ thương và ấm áp.

Lập tức, Thầy Giêsu gọi hai ông.

Tiếng gọi của Thầy đã tạo nên cuộc chia ly xa cách.

Hai anh con trai đi theo Thầy Giêsu,

bỏ lại người cha và những người làm công trên thuyền.

Chính tiếng gọi uy quyền của Thầy Giêsu làm nên người môn đệ.

Không phải các con đã chọn Thầy, nhưng Thầy đã chọn các con.

Khi đáp lại tiếng gọi, các ngư phủ đã đi vào một chuyển động.

Họ phải bỏ lại sau lưng nhà cửa, nghề nghiệp, cha mẹ, vợ con,

để đi theo một vị thầy vô gia cư, rong duổi nay đây mai đó.

Họ sẽ theo Thầy đi khắp nước Israen, qua các vùng dân ngoại.

Khi theo Thầy Giêsu, họ sẽ mãi mãi là học trò của Thầy.

Khác với những môn đệ của các rabbi khác,

họ chẳng bao giờ múc cạn hết nơi Thầy sự khôn ngoan.

Chẳng bao giờ họ phải chia tay Thầy vì chẳng còn gì để học.

Ngay khi bắt đầu sứ vụ, Đức Giêsu đã cần người cộng tác,

để cùng với Ngài xây dựng Nước Thiên Chúa đang đến.

Ngài không coi đó là việc riêng của mình, và làm một mình.

Hôm nay, Thầy Giêsu vẫn cần chúng ta cộng tác,

vì thế giới hôm nay bao la hơn nhiều, phức tạp hơn nhiều.

Thầy vẫn thấy, vẫn gọi, vẫn chờ chúng ta từ bỏ điều thân thương

để theo Thầy trên những nẻo đường xưa Thầy chưa kịp đi.

CẦU NGUYỆN

Giữa một thế giới mê đắm bạc tiền,

xin được sống nhẹ nhàng thanh thoát.

Giữa một thế giới lọc lừa dối trá,

xin được sống chân thật đơn sơ.

Giữa một thế giới trụy lạc đam mê,

xin được sống hồn nhiên thanh khiết.

Giữa một thế giới thù hận dửng dưng,

xin được chia sẻ yêu thương và hy vọng.

Lạy Chúa Giêsu mến thương,

xin dạy chúng con biết cách làm chứng cho Chúa giữa cuộc đời.

Xin giúp chúng con tìm ra những cách thức mới

để người ta tin và yêu Chúa hơn.

Ước gì hơn hai tỉ Kitô hữu

giữ được vị mặn của muối và sức biến đổi của men,

để chúng con làm cho thế giới này mặn mà tình người,

và làm cho trần gian trở thành tấm bánh thơm ngon.

Chỉ mong Thiên Chúa Cha được tôn vinh

qua những việc tốt đẹp chúng con làm cho những người bé nhỏ.

 

4. Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)

THEO TIẾNG CHÚA KÊU GỌI

A. DẪN NHẬP.

Tuần trước chúng ta đã đề cập đến ơn gọi của mọi người: Chúa muốn con người hợp tác với Chúa trong việc ban phát ơn cứu độ, vì Chúa không muốn làm việc một mình. Tuần này chúng ta suy niệm việc Đức Giêsu khởi sự rao giảng Tin mừng cùng với lời kêu gọi “Hãy sám hối và tin vào Tin mừng” để được vào Nước trời và được hưởng ơn cứu độ Chúa thương ban.

Để thực hiện chương trình này, Chúa đã chọn một số người cộng tác với Ngài trong việc rao giảng này, trước hết Chúa đã gọi 4 ngư phủ đầu tiên làm tông đồ là Anrê và Phêrô, Giacôbê và Gioan. Trông thấy các ông đang đánh cá, Chúa chỉ gọi các ông rất vắn tắt: “Hãy theo Ta”, thế mà các ông đã dứt khoát từ bỏ mọi sự mà đi theo Chúa.

Thái độ từ bỏ dứt khoát của 4 Tông đồ là mẫu gương đẹp cho mọi Kitô hữu. Trong cuộc sống hằng ngày Chúa vẫn kêu gọi chúng ta theo Chúa, Chúa vẫn khích lệ chúng ta cố gắng sống xứng đáng một Kitô hữu chính danh. Muốn đáp lại lời mời gọi của Chúa, chúng ta cần phải nỗ lực làm việc, chịu đựng vất vả hy sinh, đôi khi phải hy sinh cả tính mạng để tỏ lòng trung thành với Chúa và xứng đáng là tông đồ của Ngài.

B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA.

+ Bài đọc 1: Gn 3,1-5.10

Giona là một trong số 12 tiên tri nhỏ của người Do thái, nên sách Giona cũng chỉ là một tác phẩm nhỏ. Sách này được viết ra để loan báo tính cách phổ quát của Tin mừng, nghĩa là Thiên Chúa yêu thương tất cả mọi người, muốn cho mọi người được ơn cứu độ, không phân biệt chủng tộc, màu da hay một nền văn hoá nào.

Thiên Chúa sai tiên tri Giona đến thành Ninivê rộng lớn, để công bố lời Thiên Chúa phán quyết huỷ diệt những kẻ ngoại đạo, theo những tư tưởng ông nhận được tại Israel. Ông ngại ngùng và cố tình đi hướng khác, nhưng Chúa cho tàu chở Giona bị bão, thuỷ thủ quăng ông xuống biển. Một con cá nuốt ông vào bụng rồi nhả ông trên bờ biển Ninivê. Cuối cùng Giona chỉ còn đành theo lệnh Chúa vào thành rao giảng. Kết quả là thành Ninivê đã hoán cải ngay sau lần giảng đầu tiên của Giona. Dân thành Ninivê đã được ơn tha thứ.

+ Bài đọc 2: 1Cr 7,29-31

Thánh Phaolô nhắc nhở các tín hữu Côrintô về giá trị của thực tại trần gian. Tất cả chỉ mỏng manh không có gì là tuyệt đối vững bền, cho nên đừng dính bám vào của cải trần gian. Chỉ có Chúa là Đấng tuyệt đối và là cùng đích và duy nhất của cuộc sống, còn tất cả chỉ là tương đối và chóng qua.

Vì thế, thánh Phaolô đưa ra một lời kêu gọi có vẻ nghịch lý nhưng thực sự đó là chân lý: “Ai có vợ hãy ăn ở như không có, ai than khóc hãy ăn ở như không than khóc, kẻ hân hoan hãy ăn ở như không hân hoan, người mua sắm hãy ăn ở như không có gì”. Chỉ những ai ý thức được chân lý này mới có thể từ bỏ tất cả, để theo đuổi mục đích tối hậu là chiếm hữu được Thiên Chúa.

+ Bài Tin mừng: Mc 1,14-20

Bài Tin mừng hôm nay có thể được chia thành 2 phần:

- Phần một: Sau khi Gioan bị bỏ tù, Đức Giêsu khởi sự sứ vụ rao giảng Tin mừng ở Galilêa, một vùng đất có đa số là dân ngoại. Nội dung việc rao giảng của Ngài là: “Thời giờ đã mãn và Nước Thiên Chúa đã đến gần. Hãy sám hối và tin vào Tin mừng”.

- Phần hai: Để loan báo Nước Thiên Chúa, Đức Giêsu gọi 4 môn đệ đầu tiên mà 3 trong 4 ông đã có dịp gặp Ngài trước kia ở Giuđêa do ông Gioan Tẩy giả giới thiệu là Anrê và Phêrô, Giacôbê và Gioan. Ngài mời gọi các ông rời bỏ tất cả, từ bỏ cả địa vị xã hội và gia đình của họ để trở nên Tông đồ.

C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA: Thiên Chúa vẫn mời gọi con người

Bài Tin mừng hôm nay nói về những việc xảy ra sau khi Đức Giêsu khởi sự rao giảng. Chúng ta nhận ra hai ý tưởng chính:

* Tóm tắt việc Chúa rao giảng: giới thiệu Nước Thiên Chúa và điều kiện để được vào Nước Thiên Chúa: sám hối và tin vào Tin Mừng.

* Đức Giêsu chọn 4 Tông đồ đầu tiên đang khi các ông thả lưới dưới biển.

I. ĐỨC GIÊSU ĐI RAO GIẢNG TIN MỪNG

1. Đề tài rao giảng

Sau khi đã ăn chay cầu nguyện 40 đêm ngày trong hoang địa, Đức Giêsu bỏ xứ Giuđêa vì ở đây không thuận tiện cho việc rao giảng, nhất là sau khi Gioan bị bắt. Chúa trở về Galilêa để rao giảng Tin mừng vì ở đây dân chúng dễ chấp nhận lời Chúa hơn; đàng khác Hêrôđê cũng ít biết đến Ngài nên không có gì đáng ngại.

Nội dung việc rao giảng của Đức Giêsu là: “Thời giờ đã mãn và Nước Thiên Chúa đã gần đến. Hãy sám hối và tin vào Tin mừng”. Đức Giêsu loan báo cho họ biết thời giờ Thiên Chúa dự liệu đời đời, để Nước Người trị đến thì nay đã đến. Thời giờ mong chờ Đấng Cứu thế đã hết, vì Đấng Cứu thế đã đến rồi. Chúa dạy họ hãy dọn lòng để thực hiện những điều kiện để được vào Nước đó.

Đây là hai điều kiện để được vào Nước đó:

a) Hãy sám hối.

Sám hối là một thái độ cởi bỏ những chướng ngại là tội lỗi, để sẵn sàng đón nhận những chân lý phải tin.

Sám hối là ăn năn thống hối về các lỗi lầm của mình. Theo nguyên ngữ, Metanoia có nghĩa là trở về, có ám chỉ một thái độ từ bỏ tâm trạng cũ, một não trạng xưa. Việc sám hối đây không phải chỉ bỏ một số tội lỗi, hay lo buồn về một hành vi quá khứ đáng tiếc, nhưng là quay trở về hoàn toàn. Từ quay trở về căn bản là trở về với Thiên Chúa, con người sẽ trở về với chính mình. Với thái độ quay trở về, thay đổi não trạng cũ xưa, con người mới đáng đón nhận Tin mừng từ Thiên Chúa ban cho.

Đức Giêsu bắt đầu sứ vụ bằng lời kêu gọi “Hãy sám hối”. Lời này được gửi đến ai ? Dĩ nhiên là gửi đến những người tội lỗi trước tiên, nhưng cũng gửi đến tất cả mọi người nữa, kể cả những người tốt lành. Việc sám hối đối với những người tội lỗi thì dễ hiểu, còn đối với người tốt lành thì khó hiểu, bởi vì họ không thấy có gì phải sám hối. Họ thấy lỗi của người khác rõ ràng, còn đối với họ thì rất mù mờ, họ có thể lên án người khác mà lại quên chính bản thân mình. Đúng như người ta nói: Bàng quan giả tỉnh, đương cục giả mê”: việc người thì sáng, việc mình thì quáng.

Truyện: Việc mình thì quáng

Thi sĩ La Fontaine, một nhà thơ ngụ ngôn của Pháp, có kể chuyện như sau: Một hôm, chúa tể sơn lâm triệu tập cả triều thần nhà thú lại và phán bảo:

- Hiện nay tất cả chúng ta đều bị bệnh dịch hoành hành. Theo trẫm xét thấy thì hẳn có người đã phạm tội xúc phạm đến Thượng Đế. Bởi vậy, theo ý trẫm thì tất cả mọi người đều phải thú tội. Ai có tội nặng hơn cả thì phải làm con vật hy sinh đền tội. Có như vậy, mới mong Thượng Đế nguôi cơn giận, tha phạt cho toàn dân. Thế là mọi người đều lần lượt thú nhận tội lỗi.

Trước hết sư tử thú nhận hay ăn cừu, ăn nai, đôi khi ăn cả thịt người.

Sau sư tử, các con thú khác cũng ra trước mặt mọi người thú tội một cách công khai.

Cuối cùng, một chú lừa hiền lành, khờ khạo, than rằng mình cũng có ăn một ít cỏ mà không xin phép chủ ruộng. Thế là cả hội đồng đứng lên la hét buộc tội chú lừa, cho chú lừa là kẻ phạm tội nặng nhất, là nguyên nhân của tai hoạ.

Lắm khi chúng ta cũng có thái độ của thú đối với người đồng loại của chúng ta. Tội ác đè nặng con người của chúng ta, chúng ta không thấy được. Nhưng một lỗi lầm nhỏ bé của người bên cạnh đã khiến chúng ta phẫn uất và lên án gắt gao.

Sám hối là nhận diện con người của chúng ta, và khi cảm nhận được lòng tha thứ của Chúa, chúng ta hãy sẵn sàng tha thứ cho những người chung quanh. (Cử hành phụng vụ Chúa nhật, năm B, tr 117)

Con người sám hối trước hết phải thấy không hài lòng với chính mình, và kế đó phải mong muốn cho mình được tốt hơn. Phải ý thức có một cái gì đó sai lạc hoặc ít ra là còn thiếu. Cảm nghiệm sám hối bắt đầu với sự nhận biết rằng: mình chưa phải là con người hoàn thiện, mình chưa phải là điều mình phải là.

Sám hối cũng cần có một sự can đảm: can đảm nhận ra thực trạng của mình, can đảm phá bỏ con đường cũ để theo con đường mới, phải giết con người cũ để mặc lấy con người mới. Sự can đảm này rất cần thiết, bởi vì con người thường thích đi trên những đường xưa lối cũ, con người thường đã lún sâu trong những thói quen đã ăn sâu, cho nên thay đổi là rất khó.

Sám hối còn đòi con người biết hạ mình khiêm nhường nhận lỗi lầm của mình, không đổ lỗi cho người khác, con người biết can đảm nói lên: lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng. Khiêm nhường hạ mình xuống là một điều kiện để được Chúa ban ơn tha thứ.

Truyện: Ma quỷ và sám hối

Một hôm Satan kêu trách Chúa rằng:

- Chúa thật là bất công! Cụ thể là có rất nhiều kẻ phạm đủ thứ tội ác, thế mà Ngài vẫn hay tha tội cho chúng. Có nhiều kẻ sa đi ngã lại nhiều lần cùng một thứ tội, mà khi chúng ăn năn sám hối thì Ngài vẫn tha thứ cho chúng. Còn tôi, tôi chỉ phạm tội không vâng lời Ngài duy chỉ một lần, thế mà Ngài kết án phạt tôi phải hoả ngục đời đời, và không bao giờ tha thứ cho tôi. Bấy giờ Thiên Chúa ôn tồn nói với tên quỷ kia rằng

- Sở dĩ Ta tha tội cho con cái loài người tội lỗi, vì chúng khiêm tốn nhận mình là kẻ có tội, và hồi tâm sám hối, quyết tâm canh tân đời sống. Còn ngươi, từ ngày ngươi phạm tội kiêu ngạo bất tuân lời Ta và bị phạt trong hỏa ngục đến nay, đã có bao giờ ngươi khiêm nhường nhận lỗi và hồi tâm sám hối để xin Ta tha thứ cho ngươi hay chưa ?

b) Hãy tin vào Tin mừng.

Phải thi hành hai điều kiện thì mới được vào Nước trời: Sám hối và tin vào Tin mừng. Tin Mừng nào ?

Ở đây Marcô dùng một từ ngữ chuyên môn. Thoạt đầu chữ “Tin mừng” gợi lên những buổi trọng đại trong đời sống xã hội. Sứ giả của nhà vua được sai đi thông cáo cho toàn dân thiên hạ biết những sự vui mừng có liên hệ mật thiết đến hạnh phúc của họ. Nào là việc mới có một hoàng đế lên ngôi, ngài vừa có một thái tử, ngài lập đông cung thái tử lên chức kế vị ngai vàng, chẳng hạn... Đó là những Tin mừng vì mật thiết liên hệ đến đời sống ấm no của chư dân. Nhưng phần lớn, đó chỉ là những tin mừng chủ quan và hạn chế.

Tin mừng đích thực cho mọi thời và mọi nơi đúng như lời các thiên sứ đã loan báo cho mục đồng là Chúa Cứu thế đã giáng sinh. Thành ra khi sách Tân ước dùng chữ Tin mừng và giục chúng ta tin vào Tin mừng, thì chúng ta phải hiểu đây chính là sứ điệp cứu độ: Thiên Chúa đã thi hành kế hoạch cứu thế của Ngài khi sai Con của Ngài đến chịu chết và sống lại cho loài người chúng ta. Đó là Tin mừng của Thiên Chúa công bố trong thời đại cuối cùng. Và nội dung Tin mừng ấy toàn nói về Đức Giêsu Kitô; và cũng là chính Đức Giêsu Kitô. Rao giảng Tin mừng của Thiên Chúa là công bố kế hoạch cứu thế của Ngài trong Đức Giêsu Kitô, là công bố đời sống và sự nghiệp của Đức Giêsu Kitô, là công bố chính Đức Giêsu Kitô. Nên Tin mừng và Đức Giêsu Kitô cũng là một.

Vậy, đã có Đức Giêsu Kitô là sứ giả đặc biệt của Thiên Chúa để rao giảng Tin mừng; Ngài đã đến đất Galilêa dân ngoại để làm chứng Tin mừng phải được mang đến cho các dân tộc. Hơn nữa Người đã rao giảng Tin mừng khi thực hiện việc chịu chết và sống lại để cứu thế; thì không những từ nay người ta phải hối cải và tin vào Tin mừng, và hơn nữa phải có nhiều người đi rao giảng Tin mừng ấy.

(Gm Nguyễn Sơn Lâm, Lời Chúa các Chúa nhật năm B, tr 244-245)

II. ĐỨC GIÊSU CHỌN 4 TÔNG ĐỒ ĐẦU TIÊN.

Đức Giêsu bắt đầu chức vụ công khai bằng rao giảng Tin mừng về Nước Thiên Chúa. Tin mừng này rõ ràng ngày càng liên hệ đến bản thân và chức vụ của Ngài. Thời gian tại thế ngắn ngủi mà ý định mà mọi người khắp thế giới phải được nghe Tin mừng cứu độ. Vậy việc gọi và chọn môn đệ để huấn luyện và sai đi là cần thiết.

Chúa gọi 4 môn đệ đầu tiên vào thời gian trước ngày rao giảng và làm phép lạ tại Capharnaum. Các ông này là những người bình thường chuyên nghề đánh cá, tính tình thì mộc mạc dễ thương, không có cao vọng.

1. Chúa gọi Phêrô và Anrê.

Từ Giuđêa trở về, các ông lại tiếp tục công việc thường nhật của các ông là đánh cá. Chính trong lúc đang hành nghề mà Chúa đã kêu gọi các ông. Các ông sinh sống bằng nghề đánh cá ở Biển hồ. Biển này dài 21 cây số và rộng 12 cây số, mang nhiều tên khác nhau: Biển hồ, hồ Gênêsareth hoặc biển hồ Tiberiade. Gọi là Tiberiade, vì vua Antipas muốn lấy lòng vua Tibère nên khi xây một thành phố ở Biển hồ đã lấy tên Tibère mà đặt. Tại đây, khi nghe tiếng Chúa gọi, các ông đã bỏ tất cả mà đi theo Chúa.

2. Chúa gọi Giacôbê và Gioan.

Hai ông này là anh em con ông Giêbêđê và bà Salomê, làm nghề chài lưới và thường hợp tác với Simon và Anrê (Lc 15,10) và sống không cách xa nhau. Sau khi Chúa gọi, hai ông cũng mau mắn bỏ mọi sự mà theo Chúa.

3. Cách thức Chúa gọi.

Chúa gọi các ông một cách gọn gàng và đơn sơ: “Hãy theo Ta”. Vừa nghe, chúng ta thấy 4 ông này tưởng chừng bị thôi miên, vừa nghe một tiếng nói đã đứng lên theo ngay, không suy nghĩ, không tính toán.

Thật ra, bốn ông này không xa lạ gì với Chúa Giêsu. Ít ra, hai người đã biết Chúa Giêsu lúc ông Gioan Tẩy giả giới thiệu cho Anrê và Gioan khi Chúa Giêsu đi ngang qua “Đây là Con chiên Thiên Chúa, Đấng gánh tội trần gian”. Hai ông nghe xong liền đi theo Chúa Giêsu, đàm đạo với Ngài từ 4 giờ chiều tới tối. Sau đó, ông Anrê lại giới thiệu Simon cho Chúa Giêsu và Chúa đã nói với Simon: “Ngươi sẽ được gọi là Kê-pha” nghĩa là Đá.

Ta có cảm giác như Đức Giêsu có cái nhìn hết sức lôi cuốn. Ngài không nói: “Ta có một hệ thống thần học muốn đầu tư vào các ngươi, Ta có một số triết thuyết muốn các ngươi suy nghĩ, Ta muốn được thảo luận với các ngươi”. Nhưng Ngài chỉ phán: “Hãy theo Ta”. Tất cả đều bắt đầu bằng một xúc động từ thâm tâm, làm nảy sinh lòng trung thành không gì lay chuyển nổi.

Nói thế không có nghĩa là một khi đã theo Chúa Giêsu chẳng có ai suy nghĩ gì cả, nhưng phần đông chúng ta, theo Chúa Cứu thế như là “phải lòng”, là bắt đầu yêu vậy. Nói theo số đông, sở dĩ chúng ta theo Chúa Giêsu chẳng phải do điều Ngài đã phán, nhưng do tất cả những gì vốn tự có nơi Ngài.

Truyện: Montalembert và cô con gái

Văn hào Montalembert có một cô con gái dâng mình làm nữ tu. Ông viết: “Người tình ấy là ai, chết treo trên cây thập giá mà có thể lôi kéo như vậy ? Người tình ấy là ai mà có một sức hấp dẫn không cưỡng lại được, như một con chim mồi sà xuống và cuốn đi ? Phải chăng đó là một người ? Không. Đó là Thiên Chúa. Đó là bí ẩn, đó là chìa khóa đưa vào cõi thâm sâu. Chỉ có Thiên Chúa mới có thể thành công và đòi hỏi một cuộc hy sinh như thế”.

Ngài không gọi để họ gặp mọi sự dễ dãi, thoải mái, Ngài gọi họ để phục vụ. Ngài gọi họ vào một nhiệm vụ mà họ phải dành cả đời sống, phải hăng say gấp rút để cuối cùng, phải chết cho Ngài và cho đồng loại. Ngài gọi họ vào một nhiệm vụ mà chẳng những họ không được gì cho riêng mình, nhưng còn phải hiến dâng tất cả cho Ngài và cho tha nhân.

4. Thái độ của các ông.

Khi Đức Giêsu kêu gọi các ông theo Ngài, các ông đã có thái độ nào ? Ta hãy nghe thánh Marcô kể lại: “Hai ông bỏ cha là Giêbêđê ở lại trên thuyền cùng với các người làm và đi theo Ngài”. Tác giả hình như muốn cho chúng ta thấy hai ông đã phải hy sinh lớn lao: hai ông không những bỏ chài lưới, nhưng bỏ cả cha già tức là bỏ cả gia đình để theo Chúa. Chúa đã lôi cuốn được người ta bỏ mọi sự mà theo Ngài. Mà Chúa cũng muốn cho người ta thấy rằng muốn theo Chúa thì phải bằng lòng bỏ tất cả.

Thực vậy, các tông đồ đầu tiên thoát ly mọi sự trước kia đã ràng buộc các ông là để gắn bó với Chúa Giêsu. Các ông đi theo Ngài một cách tin tưởng mà không hỏi xem Ngài sẽ dẫn các ông đi đến đâu và tương lai sẽ ra sao. Các ông đi theo Ngài để chia sẻ vui sướng, nhưng đồng thời cũng đồng lao cộng khổ với Ngài. Các ông đi theo Ngài để lãnh nhận lời giáo huấn, lấy đó là mẫu mực cho đời sống mình trước hết, để rồi sau đó tuyên xưng giáo thuyết của Ngài và truyền bá giáo thuyết đó cho mọi người.

Truyện: Ai yêu tổ quốc hãy theo ta

Trận chiến giữa Pháp và hai nước liên kết Ý và Áo đầu năm 1796, kết liễu ngày 17.11.1796 như sau:

Đại tướng Bonaparte đưa quân đến một địa điểm, có cái cầu bắc qua trận tuyến địch. Trong lúc trận thế đang nguy, Đại tướng Bonaparte hô tiến qua cầu. Không một ai qua! Đại tướng xuống ngựa, giựt lá cờ quân đoàn chân bước qua cầu, miệng hô: “Ai yêu tổ quốc thì theo ta”. Ngó lại, trên cầu chỉ có một mình mà lá cờ đã rách nhiều mảnh vì đạn của quân địch. Khi ấy có cậu bé mới 13 tuổi đánh trống thúc quân. Hai tay đập mạnh vào trống chân bước qua cầu theo Đại tướng. Quân sĩ tràn theo qua cầu, Đại tướng Bonaparte toàn thắng và cũng chấm dứt cuộc chiến tranh ấy.

Tám năm sau, Bonaparte là hoàng đế Napoléon trở lại chỗ cũ, có nghi lễ đón tiếp rất linh đình. Hoàng đế Napoléon muốn bắt tay cậu bé Vidal đã 21 tuổi hiện trong quân đoàn đó.

Hỏi đến Vidal thì cậu đã đi nghỉ phép để đưa đám tang mẹ. Hoàng đế Napoléon bãi bỏ tất cả lễ nghi quân cách, đi thẳng đến làng Vidal, theo sau đám tang đến huyệt, đọc bài điếu văn. Rồi đi bộ với Vidal trở về. Vidal từ chối và mời Hoàng đế lên xe. Hoàng đế Napoléon đáp:“Tám năm trước con đã liều chết theo ta trên con đường chết, nay trên đường đau khổ, con cho ta theo con cho có bạn” (Mục sư Lê Văn Thái, Những tia sáng tập 2, tr 5).

Bài Tin mừng hôm nay chỉ cho ta cách thức mở ngỏ lòng ra để Chúa Giêsu bước vào; đồng thời cũng cho chúng ta thấy rõ cái giá chúng ta phải trả, nếu chúng ta muốn làm được điều này: chúng ta phải thực hành những gì các Tông đồ đã làm, chúng ta phải sẵn lòng chấp nhận cái giá các ngài đã phải trả, chúng ta phải sẵn lòng thiêu huỷ mọi chiếc cầu phía sau chúng ta để bước theo Chúa bất cứ nơi nào Ngài muốn dẫn đi.

Nếu chúng ta quyết định làm điều các Tông đồ đã làm, nếu chúng ta quyết định liều bỏ mọi sự vì Chúa Giêsu, thì Ngài cũng sẽ làm cho chúng ta những gì Ngài đã làm cho các vị ấy. Ngài sẽ biến chúng ta nên những thành viên chia sẻ công việc của Ngài, và ban cho đời sống chúng ta một ý nghĩa mới vượt quá mọi niềm ước mơ vĩ đại nhất của chúng ta.

Top