Thứ Hai tuần 19 Thường niên năm I - Để khỏi làm cớ sa ngã (Mt 17,22-27)

Thứ Hai tuần 19 Thường niên năm I - Để khỏi làm cớ sa ngã (Mt 17,22-27)

Thứ Hai tuần 19 Thường niên năm I - Để khỏi làm cớ sa ngã (Mt 17,22-27)

Những người thu thuế cho đền thờ đến hỏi ông Phê-rô:
“Thầy các ông không nộp thuế sao?” (Mt 17, 24)

BÀI ĐỌC I (năm I): Ðnl 10, 12-22

“Các ngươi hãy cắt bì lòng dạ các ngươi. Hãy yêu thương khách trọ, vì chính các ngươi cũng đã là khách trọ”.

Trích sách Ðệ Nhị Luật.

Môsê nói với dân chúng rằng: “Giờ đây, hỡi Israel, Chúa là Thiên Chúa các ngươi, đòi hỏi các ngươi điều gì, nếu không phải là kính sợ Chúa là Thiên Chúa các ngươi, đi theo mọi đường lối của Người, yêu mến Người, làm tôi Chúa là Thiên Chúa các ngươi hết lòng và hết linh hồn các ngươi, tuân giữ các giới răn và nghi lễ của Thiên Chúa mà hôm nay tôi truyền cho các ngươi để các ngươi được hạnh phúc.

“Hãy xem trời và các tầng trời, trái đất và mọi sự trên mặt đất đều thuộc về Chúa là Thiên Chúa các ngươi. Nhưng Chúa chỉ quyến luyến cha ông các ngươi, đã yêu thương các ông ấy, và sau đó, trong mọi dân tộc, Người đã chọn dòng dõi kế tiếp các ông ấy là chính các ngươi như ngày hôm nay.

“Vậy các ngươi hãy cắt bì lòng dạ các ngươi, và đừng cứng cổ nữa, vì Chúa là Thiên Chúa các ngươi, là Thiên Chúa trên hết các chúa, là Chủ Tể trên hết các chủ tể, là Chúa cao cả, quyền năng và đáng khiếp sợ, là Ðấng không vị nể ai, và không để cho lễ vật hối lộ; Người giải oan cho cô nhi quả phụ, Người yêu mến người khách trọ và cho họ cơm ăn áo mặc. Vậy các ngươi hãy yêu thương khách trọ, vì các ngươi cũng đã là khách trọ trong đất Ai-cập.

“Các ngươi phải kính sợ Chúa là Thiên Chúa các ngươi, và phụng sự một mình Người, phải trìu mến Người và lấy danh Người mà thề. Chính Người là Ðấng các ngươi phải ca tụng và là Chúa các ngươi. Người đã thực hiện cho các ngươi những điều trọng đại và khủng khiếp, mà mắt các ngươi đã xem thấy. Cha ông các ngươi chỉ có bảy mươi khi xuống ở Ai-cập, và nay Chúa, là Thiên Chúa các ngươi, đã làm cho các ngươi đông như sao trên trời”.

Ðó là lời Chúa.

 

ĐÁP CA: Tv 147, 12-13. 14-15. 19-20

Ðáp: Giêrusalem hỡi, hãy ngợi khen Chúa! (c. 12a)

Xướng: Giêrusalem hỡi, hãy ngợi khen Chúa, hãy ngợi khen Thiên Chúa của ngươi, hỡi Sion, vì Người giữ chặt các then cửa ngươi, Người chúc phúc cho con cái ngươi trong thành nội.

Xướng: Người giữ cho bờ cõi ngươi được bình an, Người dưỡng nuôi ngươi bằng tinh hoa của lúa mì. Người đã sai lời Người xuống cõi trần ai, và lời Người lanh chai chạy rảo.

Xướng: Người đã loan truyền lời Người cho Giacóp, những thánh chỉ và huấn lệnh Người cho Israel. Người đã không làm cho dân tộc nào như thế, Người đã không công bố cho họ các huấn lệnh của Người.

 

Tin mừng: Mt 17, 22-27

22 Khi thầy trò tụ họp ở miền Ga-li-lê, Đức Giê-su nói với các ông: “Con Người sắp bị nộp vào tay người đời, 23 họ sẽ giết chết Người, và ngày thứ ba Người sẽ trỗi dậy.” Các môn đệ buồn phiền lắm.

24 Khi thầy trò tới Ca-phác-na-um, thì những người thu thuế cho đền thờ đến hỏi ông Phê-rô: “Thầy các ông không nộp thuế sao?” 25 Ông đáp: “Có chứ!” Ông về tới nhà, Đức Giê-su hỏi đón ông: “Anh Si-môn, anh nghĩ sao? Vua chúa trần gian bắt ai đóng sưu nộp thuế? Con cái mình hay người ngoài?” 26 Ông Phê-rô đáp: “Thưa, người ngoài.”

Đức Giê-su liền bảo: “Vậy thì con cái được miễn.27 Nhưng để khỏi làm gai mắt họ, anh ra biển thả câu; con cá nào câu được trước hết, thì bắt lấy, mở miệng nó ra: anh sẽ thấy một đồng tiền bốn quan; anh lấy đồng tiền ấy, nộp thuế cho họ, phần của Thầy và phần của anh.”

 

1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp: Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, đáng lẽ không phải nộp thuế cho đền thờ, nhưng Chúa vẫn nộp để khỏi làm cớ cho người ta gai mắt. Chúa khước từ quyền lợi đáng được hưởng để sống vì người khác.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã để lại mẫu gương quên mình để hoàn toàn sống vì người khác. Chúa có quyền không nộp thuế cho đền thờ bởi vì Chúa là Con Thiên Chúa, Chúa mới là Đấng mà người ta phải nộp thuế để lo việc tế lễ tôn thờ. Nhưng dù vậy Chúa vẫn nộp thuế để khỏi trở nên cớ cho người ta công kích và chống lại sứ điệp của Chúa.

Suốt cả cuộc đời, Chúa đã không sống cho mình, nhưng chỉ biết sống cho chúng con. Dù là Con Thiên Chúa đáng được địa vị và vinh quang như Chúa Cha, nhưng Chúa đã khước từ và hủy mình ra không. Chúa không sống theo sở thích của mình, nhưng hy sinh tất cả vì chúng con. Đối với chân lý mà Chúa phải mạc khải, thì Chúa cương quyết không bao giờ nhượng bộ. Còn đối với quyền lợi Chúa đáng hưởng, thì Chúa lại khước từ tất cả.

Lạy Chúa, trong khi đó, con lại thích sống ích kỷ, quyền lợi thì đòi hưởng thật nhiều, còn bổn phận thì lại trốn tránh. Xin Chúa giúp con canh tân cuộc sống, biết hy sinh quyền lợi và đặc ân, biết từ khước những điều con đáng được hưởng để chỉ biết sống cho tha nhân. Những điều có thể trở nên gương xấu, thì dù có thể làm, con cũng sẽ không làm. Còn những điều có thể giúp ích cho người khác, thì dù không muốn làm, con sẽ cố làm. Con bắt chước Chúa sống như thế không phải là giả hình, vì lời khen tiếng chê, nhưng vì con muốn sống cho tha nhân, vì con yêu mến họ, vì con muốn nâng đỡ đức tin của họ. Xin Chúa dẫn dắt con. Amen.

Ghi nhớ: “Họ sẽ giết Người, nhưng Người sẽ sống lại. Con cái thì được miễn thuế”.

 

2. Suy niệm (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)

Phân tích

Đoạn Tin Mừng này gồm hai câu chuyện:

1. Chúa Giêsu loan báo lần thứ hai Ngài sẽ chịu nạn: Nội dung hầu như giống y như lần thứ nhất (x.16, 21), chỉ khác một điều là Ngài sắp bị nộp vào tay “người đời” (Lần thứ nhất: “chịu nhiều đau khổ do các kì mục thượng tế và kinh sư”).

2. Vấn đề nộp thuế vào đền thờ:

Mọi người đàn ông Do Thái, kể cả những người sống ngoài lãnh thổ Palestina, đều phải nộp cho đền thờ hàng năm một món tiền thuế là hai đồng drachme, tương đương với giá hai ngày công. Số tiền này dùng để trang trải các chi phí của đền thờ. Người ta bắt đầu thu thuế vào quãng 15 ngày trước Lễ Vượt Qua. Vấn đề được nêu ra là Chúa Giêsu có phải nộp thứ thuế này hay không?

Chúa Giêsu trước hết đưa ra một định hướng nền tảng cho vấn đề, sau đó mời độc giả tìm đến một giải pháp thực tế.

Định hướng nền tảng được trình bày bằng một dụ ngôn: Các bậc vua chúa thường không thu thuế con cái họ mà chỉ thu thế các thần dân khác: “Vậy, con cái thì được miễn”: được miễn bởi vì chúng không phải nộp thù lao hay phải làm tạp dịch để bố chúng xem chúng là con. Tương quan phụ tử phát sinh từ một sự nhưng không mà tương quan chủ tớ không hề có. Chúa Giêsu đã kiên nhẫn dạy các môn đệ mình cư xử với Thiên Chúa như với Người Cha của họ là Đấng ngự trên trời và là Đấng luôn trung tín với con cái mình mà chẳng hề đòi buộc chúng phải nộp thuế. (Claude Tassin).

Một giải pháp thực tế: “Nhưng để khỏi làm gai mắt họ anh hãy lấy đồng tiền ấy nộp thuế cho họ, phần của Thầy và phần của anh”. Các Kitô hữu gốc Do Thái luôn tự do trong việc nộp thuế đền thờ. Họ luôn chu toàn bổn phận nộp thuế để tránh gây hoang mang vô ích cho đồng bào mình, bởi vì không nộp thuế thì họ sẽ khiến cho các người kia có cảm tưởng họ đã ly khai khỏi dân Israel.

Suy gẫm

1. “Con Người sắp bị nộp vào tay người đời”: Động từ bị nộp ở thể thụ động hiểu ngầm người nộp chính là Thiên Chúa. Thiên Chúa nộp ai và nộp cho ai? Thưa nộp Chúa Con cho người thế gian.

Ta hãy suy gẫm về tình thương của Thiên Chúa: Ngài ban cho loài người Người Con độc nhất mà Ngài rất yêu quý.

Ta cũng hãy suy nghĩ về sự hy sinh tự hạ của Chúa Giêsu: Là Con Thiên Chúa, Ngài sẵn lòng bị nộp vào tay người đời để cho người đời hành hạ và giết chết.

2. “Nhưng ngày thứ ba Ngài sẽ sống lại. Các môn đệ rất đỗi buồn phiền”: Các môn đệ buồn phiền chỉ vì nhớ phần thứ nhất của lời loan báo (Chúa Giêsu bị giết) chứ không để ý đến phần thứ hai (Ngài sẽ sống lại).

Xin cho con luôn nhớ rằng Thập giá là đường dẫn tới vinh quang, vì có nhớ như thế con mới có thể lạc quan vác Thánh Giá theo Chúa.

3. Câu chuyện này nhắc mọi tín hữu góp phần mình vào đền thờ, vào việc chung của Giáo hội. Đây là một bổn phận công bằng, vì ta đã hưởng những ơn ích của Giáo hội thì ta cũng phải góp phần mình vào đấy, góp phần bằng vật chất và bằng tinh thần.

4. Thánh Mát Thêu viết Tin Mừng trong giai đoạn Do Thái giáo đã khai trừ các Kitô hữu. Cho nên lẽ ra ho không có bổn phận đóng góp cho đền thờ Giê-ru-sa-lem nữa. Thế mà, “để khỏi làm cớ vấp phạm” (làm dịp cho người Do Thái kết án là tại Kitô hữu bỏ bổn phận trước đó), họ vẫn chu toàn bổn phận nộp thuế cho đền thờ.

Có nhiều việc tôi không bị buộc làm, nhưng “để khỏi gây cớ vấp phạm” và vì bác ái, tôi vẫn nên làm.

5. Chúa Giêsu nói với Phê rô: “Anh ra biển thả câu, con cá nào câu được trước hết thì hãy bắt lấy, mở miệng nó ra: anh sẽ thấy một đồng tiền 4 quan. Hãy lấy tiền ấy nộp thuế cho họ, phần của Thầy và của anh” (Mt17, 27).

Là một ngư phủ, việc câu cá đối với Phê rô là việc dễ dàng. Chúa Giêsu đã sai Phê rô làm một việc trong tầm tay của ông để tuân hành luật lệ xã hội. Nhưng đồng thời trong cuộc sống, Ngài luôn lưu ý Phê rô và các môn đệ về thế đứng của họ: sống trong thế gian nhưng không thuộc về thế gian. Qua đó, tôi đọc ra nơi Chúa Giêsu một khả năng tinh tế: hòa mình vào thế giới nhưng không đánh mất bản sắc riêng của mình.

Trong thực tế, nhiều lần tôi đã lạm dụng hai chữ “hội nhập” để ngụy biện cho những ích kỷ, lười biếng, và những hành động thiếu yêu thương, công bằng trong bổn phận của một Kitô hữu.

 

3. Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)

Việc đóng thuế cho Đền thờ (Mt 17,22-27)

  1. Chúa Giêsu báo cho các môn đệ biết: Ngài sẽ bị nộp, bị giết nhưng ngày thứ ba sẽ sống lại. Các ông nghe Chúa nói vậy thì buồn lắm, nhưng không dám nói gì, vì sợ Chúa quở như đã quở ông Phêrô. Còn việc nộp thuế cho Đền thờ, Chúa Giêsu chính là Con Thiên Chúa, Người có quyền không nộp thuế cho Đền thờ. Nhưng việc Chúa Giêsu nộp thuế chứng tỏ người chu toàn lề luật, sống khiêm nhường như những người Do thái bình thường. Chúa đã để lại cho chúng ta một mẫu gương khiêm tốn và chu toàn lề luật.
  2. “Nhập gia tùy tục, đáo giang tùy khúc

Thích nghi với đời sống xã hội là một trong những đòi hỏi cơ bản nhất của đời sống.

Khi nhập thể làm người, Thiên Chúa như phải làm một cuộc hội nhập văn hoá. Ngài không phải là con người trừu tượng, nhưng là người Do thái với tất cả quá khứ của một dân tộc. Ngài nên giống con người trong mọi sự, ngoại trừ tội lỗi. Làm người Do thái dưới thời đế quốc Rôma bảo hộ, Ngài cũng đăng ký trong một cuộc tổng kiểm tra dân số trên toàn lãnh thổ đế quốc. Là người Do thái sống dưới sự cai trị của người Rôma, Ngài đóng thuế cho đế quốc. Nhưng dĩ nhiên, Ngài cũng tuân thủ tất cả lề luật của Do thái giáo: chịu cắt bì, được dâng trong Đền thờ, đến Hội đường, giữ ngày hưu lễ, nộp thuế tôn giáo.

  1. Vấn đề nộp thuế cho Đền thờ

Vào thời Chúa Giêsu, người Do thái không những phải đóng thuế cho nhà nước tức là thuế dân sự, mà còn phải đóng thuế cho Đền thờ nữa. Theo đó, mọi đàn ông Do thái, kể cả những người sống ngoài lãnh thổ Palestina, đều phải nộp thuế cho đền thờ hằng năm một món tiền thuế là hai đồng drachme, tương đương với giá hai ngày công. Số tiền này dùng để trang trải các chi phí của Đền thờ. Người ta bắt đầu thu thuế vào quãng 15 ngày trước lễ Vượt qua. Vấn đề được nêu ra là Chúa Giêsu có phải nộp thứ thuế này không.

  1. Chúa Giêsu giải quyết thế nào về việc nộp thuế cho Đền thờ?

Theo bài Tin mừng, khi Phêrô về tới nhà, Chúa Giêsu hỏi đón ông: “Simon, con nghĩ sao? Vua chúa trần gian lấy thuế của ai? Con cái mình hay người ngoài?” Phêrô đáp: “Thưa, người ngoài”. Chúa Giêsu liền bảo: “Thế thì con cái được miễn”.

Đây cũng là một mạc khải, bởi vì qua câu: “Thế thì con cái được miễn”, Chúa Giêsu muốn nói rằng xét về bản tính Thiên Chúa, Ngài không phải nộp thuế, bởi vì câu: “Thế thì con cái được miễn”. Chúa Giêsu muốn nói rằng xét về bản tính Thiên Chúa, Ngài không phải nộp thuế, nhưng xét về bản tính loài người, Ngài cũng tuân giữ việc nộp thuế cho đền thờ như bất cứ ai. Tuy nhiên, Ngài nộp thuế bằng một phép lạ: Chúa Giêsu bảo Phêrô đi câu cá, bắt được con cá đầu tiên, trong miệng có một đồng bạc, đủ để nộp thuế cho Ngài và cho Phêrô. Chúa không bảo Giuđa xuất quỹ mà nộp, cũng không bảo các phụ nữ đạo đức dâng cúng, nhưng Ngài làm phép lạ để các môn đệ tin vào quyền năng của Ngài (Mỗi ngày một tin vui).

  1. Chúa Giêsu là gương mẫu của vâng phục. Suốt 30 năm ẩn dật tại Nazareth Ngài đã vâng phục cha mẹ, tuân theo các lề luật của Maisen. Tin mừng hôm nay ghi lại việc Ngài đóng thuế cho Đền thờ, đây là một điển hình của rất nhiều cử chỉ vâng phục, mà Chúa Giêsu đã thể hiện trong suốt cuộc đời trần thế của Ngài.

Vâng phục là nói lên tính cách bất toàn và giới hạn của thân phận con người. Đã làm người, Chúa Giêsu đã không đi ra ngoài những quy luật ấy của thân phận con người, nhưng chính vì vâng phục mà Ngài đã trọn kiếp con người. Ngài là một mẫu người hoàn hảo. Hoàn hảo không phải vì không có giới hạn trong kiếp người mà chính là vì đã vâng phục. Thánh Phaolô đã khẳng định rằng: “Chính vì Ngài đã vâng phục mà Thiên Chúa đã siêu tôn Ngài và tặng ban cho Ngài danh hiệu, vượt trên muôn ngàn danh hiệu”.

  1. Thánh Mátthêu viết Tin mừng trong giai đoạn Do thái giáo đã khai trừ các Kitô hữu. Cho nên lẽ ra họ không còn bổn phận đóng góp cho đền thờ Giêrusalem nữa. Thế mà, “để khỏi làm cớ vấp phạm” (làm dịp cho người Do thái kết án là tại Kitô hữu bỏ bổn phận trước), họ vẫn chu toàn bổn phận nộp thuế cho đền thờ. Có những việc tôi không bị buộc làm, nhưng “để khỏi gây cớ vấp phạm” và vì bác ái, tôi vẫn nên làm.
  2. TruyệnPhải tránh gương xấu

Một cha sở kia ở miền núi, mỗi ngày trước khi lên giường ngủ, ngài thường quỳ xuống quay mặt về hướng nghĩa địa gần nhà cầu nguyện cho những người ở đó. Ngài cầu nguyện thật sốt sắng. Một đêm kia, ngài nghe thấy có tiếng chân người và tiếng đá rơi. Ngài nhìn kỹ thì thấy bóng một người đang trèo lên thành nghĩa địa và đi giữa những nấm mồ. Một kẻ trộm chăng? Một tên điên chăng? Qua đêm thứ tư, ngài núp sau một gốc cây, ngài thấy rõ có một người lạ mặt đến quỳ trước ngôi mộ và khóc than thảm thiết: “Cha ơi, cha có tha cho con không? Cha nói đi! Cha nói đi”.

Cha nhìn kỹ và nhận ra đó là một người bổn đạo trong họ. Người này đã ngỗ nghịch làm cho người cha phiền muộn quá đến nỗi chết đi. Ngài rón rén đến gần, đặt tay lên vai người đó và nói:

- Ô con, con còn bị cắn rứt không thể nào ngủ được sao?

Người bổn đạo khiếp sợ quá, nhưng khi nhận ra tiếng cha sở thì định thần lại nói:

- Thưa cha, con không được bằng an chút nào cả. Hình ảnh cha con đang tức giận luôn theo dõi con.

- Con biết con đã xử tệ với cha con, con cái của con cũng xử tệ với con như vậy. Ngày mai, con hãy đem con cái đến đây và xin chúng đừng bắt chước gương xấu của con đã làm nữa.

10 năm sau, người bổn đạo đó chết và được chôn cất trong nghĩa địa ấy. Trong khi cha sở đang làm phép mộ, con cái ông ta lên tiếng nhạo báng và chửi rủa.

Cha sở buồn rầu thốt lên một lời:

- Ôi các bạn trẻ, đừng bao giờ quên chuyện này (Trích “Phúc”).

Top