Chúa nhật 2 Mùa Chay năm B (+video)
Mc 9, 2-10
“Ðây là Con Ta Yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người”
(Mc 9,7)
Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại việc Chúa Giêsu dẫn ba môn đệ thân tín của Ngài là Phêrô, Gioan và Giacôbê lên Núi và biến hình trước mặt các ông.
1. Nếu có dịp đọc lại toàn bộ Tin Mừng, chúng ta thấy Chúa Giêsu rất mê những ngọn núi vắng vẻ.
Đây là nơi Ngài gặp gỡ Chúa Cha và chìm đắm trong cầu nguyện.
Có nhiều ngọn núi trong cuộc đời của Chúa: núi của Bài Giảng về các mối phúc, núi Thabor nơi Ngài biến hình, núi Sọ nơi Chúa chịu khổ nạn và núi Ôliu nơi Chúa thăng thiên.
Những ngọn núi trở thành cột mốc đánh dấu những chặng đường Chúa đi.
Núi Bát Phúc đánh dấu sự khởi đầu những bài giảng công khai.
Núi Thabor đánh dấu một khúc quặt quan trọng trong cuộc hành trình đi đến hồi kết thúc.
Núi Sọ đặt một dấu chấm hết cho cuộc đời công khai và Núi Ôliu đánh dấu hoàn tất cho những việc phải làm trong chương trình cứu chuộc loài người ở trên mặt đất.
Rõ ràng những ngọn núi đã đan chen vào nhau để làm nên cuộc hành trình của Chúa.
Ba môn đệ thân tín Phêrô, Gioan và Giacôbê được Ngài đưa lên núi Thabor, để củng cố niềm tin của họ, trước khi họ thấy Ngài như người Con bị Cha bỏ rơi và bị mọi người khai trừ ruồng rẫy trên núi Sọ.
Nhưng vinh quang của núi Thabor chỉ là một loé sáng bất ngờ và tạm thời, để báo trước vinh quang viên mãn khi Ngài về Thiên Quốc.
Biến hình là một hành động của Thiên Chúa Cha.
Sau khi gặp Cha, Ðức Giêsu được Cha biến hình.
Sự biến đổi này ảnh hưởng đến thân xác và khuôn mặt và đến cả y phục của Ngài.
Vinh quang của Con Thiên Chúa làm người vốn bị che khuất, nay được Cha hé mở ra cho các môn đệ thấy.
Ông Môisen ngày xưa, sau khi lên núi gặp Ðức Chúa, cũng đã được Đức Chúa làm cho khuôn mặt ông toả sáng đến nỗi sau đó mỗi lần gặp dân, ông phải lấy khăn che khuôn mặt chói lọi của mình lại.
Chẳng ai gặp Thiên Chúa thực sự mà lại không biến hình.
Ðời sống kết hiệp thực sự với Thiên Chúa làm cho người Kitô hữu tỏa sáng rực rỡ.
Biến hình không phải là trở thành cái gì khác mình, như Tôn Ngộ Không với các trò biến hoá.
Biến hình là trở lại với cái tôi tốt đẹp sâu thẳm của mình: tôi là con yêu dấu của Thiên Chúa. Thiên Chúa dựng nên tôi giống hình ảnh của Người.
Từ khi chịu phép Thánh Tẩy, chúng ta đã bước vào một cuộc biến hình, từ từ và liên tục.
Nếu chúng ta chấp nhận đi vào đường hẹp của Chúa Giêsu, chúng ta sẽ được biến hình đổi dạng và phản ánh ngời sáng hơn vinh quang Chúa (2Cr 3,18).
Chúng ta phải trở thành điều chúng ta đang là.
Ðời sống Kitô hữu là một cuộc lên núi và xuống núi với Chúa Kitô mỗi ngày.
Cần cảm nếm được sự dịu ngọt và hạnh phúc khi được chiêm ngắm Chúa Giêsu trên núi cao.
Nhưng cũng phải xuống núi với Chúa để đi đến nơi hiến mình, nơi phục vụ, đi cùng và đi sau Chúa Giêsu đến với Vườn Dầu và Núi Sọ.
2. Như, vậy qua bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu muốn chúng ta phải thực hiện sự biến hình mỗi ngày, để lột bỏ đi, để làm mất đi những vỏ bọc tầm thường nơi mỗi con người chúng ta và làm sáng lên hình ảnh của Thiên Chúa để chúng ta có thể làm chứng nhân cho Chúa nơi cuộc sống hôm nay.
Lịch sử danh nhân thế giới có để lại một tấm gương rất sáng về việc này: một sáng kia vào năm 300 trước Chúa giáng sinh, khi nhà hiền triết Bolena đang ngồi chơi giải trí với các sinh viên của mình trước hàn lâm viện thành Athène, thủ đô Hylạp, thì có một người đàn ông đến, tự giới thiệu là thầy tướng thời danh. Bấy giờ các sinh viên đề nghị ông này xem cho thầy mình là hiền triết Bolena một quẻ. Ông thầy tướng nhìn nhà hiền triết Bolena một lát, rồi nói ngay: “Giáo sư của các anh chỉ là một con người “mũi dòm miệng”, tức là con người ưa nhậu nhẹt, say sỉn.
Nghe thế, các sinh viên nóng ruột tức tối, định xông vào cho ông thầy tướng dám nói ẩu này một trận. Nhưng nhà hiền triết Bolena đã can ngăn như thế này:
Này các trò, ông thầy tướng này rất giỏi, ông đã coi tướng thầy rất trúng; khi còn trẻ, chính thầy là một thanh niên “mũi dòm miệng” nên lần kia, sau khi đã nhậu nhoẹt say sỉn, thầy đã đến Hàn Lâm Viện này, để nhạo báng các sinh viên bằng những cử chỉ và lời nói thiếu lễ độ. Bấy giờ giáo sư của thầy là hiền triết Socrate rất bình tĩnh, bỏ ngay vấn đề đang nói, mà bàn ngay tới vấn đề đức tính và tiết độ, làm cho con người có giá trị, đáng được trọng kính. Nhưng lời giảng dạy trên đây, đã giáo dục thầy, đã làm cho thầy bỏ được tính mê nết xấu, và luyện tập đức tính nên ngày nay, thầy mới trở nên con người ích lợi cho xã hội và đất nước như thế này.
Lạy Chúa, xin cho con được biến đổi mỗi ngày nên tốt hơn để được giống Chúa nhiều hơn mỗi ngày. Amen.
bài liên quan mới nhất
- Ngày 03/01 (+video)
-
Ngày 02/01: Thánh Basiliô Cả và thánh Grêgôriô Nazianzênô (+video) -
Ngày 1 tháng 1: Cuối tuần Bát nhật Giáng sinh - Thánh Maria, Mẹ Thiên Chúa (+video) -
Ngày 31 tháng 12 (+video) -
Ngày 30 tháng 12 (+video) -
Lễ Thánh Gia: Chúa Giêsu, Đức Maria và thánh Giuse (+video) -
Ngày 28/12: Kính Các thánh Anh hài (+video) -
Ngày 26/12: Thánh Stêphanô, tử đạo tiên khởi (+video) -
Ngày 25 tháng 12: Chúa Giáng sinh (+video) -
Ngày 23 tháng 12 (+video)
bài liên quan đọc nhiều
- Chúa nhật 29 Thường niên năm A: Khánh nhật Truyền giáo (+video)
-
Chúa nhật 2 Phục sinh năm A (+video) -
Ngày 22/07: thánh nữ Maria Mađalêna, lễ kính (+video) -
Chúa nhật 6 Phục sinh năm A (+video) -
Thứ Bảy tuần 2 Phục sinh (+video) -
Chúa nhật Lễ Mình Máu Thánh Chúa năm A (+video) -
Chúa nhật 4 Phục sinh năm A - Lễ Chúa Chiên Lành (+video) -
Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu năm A (+video) -
Chúa nhật 7 Phục sinh năm A - Lễ Thăng Thiên (+video) -
Thứ Hai tuần 22 Thường niên (+video)