Chúa nhật 17 Thường niên năm C (+video)

Chúa nhật 17 Thường niên năm C (+video)

Chúa nhật 17 Thường niên năm C (+video)

Lc 11,1-13

"Vì hễ ai xin thì nhận được,

ai tìm thì thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở cho (Lc 11,10)

Các Tông đồ đã nhiều lần thấy Ðức Giêsu cầu nguyện. Có lẽ khi Người cầu nguyện, có một cái gì đó thật đẹp, thật huyền bí và cũng thật lôi cuốn toả ra. Vì thế, hôm nay như Tin Mừng thuật lại các Tông đồ xin Người dạy cho các ông cách cầu nguyện. Và Người đã dạy các ông cầu nguyện bằng Kinh Lạy Cha.

Kinh Lạy Cha mạc khải cho ta hai điều quan trọng.

1.Trước hết Chúa Giêsu dạy cho chúng ta biết: Thiên Chúa là Cha Chúng Ta.

Một ngày kia, Thiên Chúa đưa mắt nhìn xuống trần gian để xem người ta thờ phượng Người như thế nào. Người thấy một tín đồ Ấn giáo đang ngồi trầm mặc thinh lặng như thể quên hết mọi sự trên trần gian này. Thiên Chúa rất hài lòng về cử chỉ  ấy nhưng Người nói: "Tại sao phải nhọc thân khổ xác như thế?". Người lại thấy một nhà sư Phật giáo đang mỉm cười và cố gắng tạo ra sự hài hòa giữa cái thiện và cái ác. Thiên Chúa vui mừng vì nụ cười ấy, nhưng Người lại nói: "Tại sao con người lại tốn công nhọc sức như thế mà không nhờ đến trời cao?". Người lại thấy một người bán khai đang tế thần với tất cả sự run rẩy sợ hãi. Thiên Chúa xúc động trước cử chỉ ấy, nhưng lại nói: "Tại sao con người lại có thể run sợ như thế?". Người lại thấy một người Hồi giáo đang quì phủ phục hướng về thành La Mecque. Thiên Chúa gật đầu thán phục, nhưng Người lại nói: "Tại sao lại phải phủ phục nhiều như thế?" Người lại thấy một nhà thông luật Do Thái cất tiếng dọc to những khoản luật trong Kinh Thánh. Thiên Chúa cũng hài lòng vì những lời cầu nguyện, nhưng Người lại nói: "Tại sao có quá nhiều luật lệ như thế?"

Sau khi đã quan sát tất cả những hình thức cầu nguyện và thờ phượng của con người, Thiên Chúa Cha nói với Con Một như sau: "Con hãy xuống nói với thế gian và mang Thần Khí yêu thương xuống cho chúng. Cha không muốn những hi tế vô ích bởi vì Cha là Cha. Cha không muốn sự sợ hãi bởi vì Cha là Cha. Cha không muốn lề luật bởi vì Cha là Cha. Cha chỉ muốn một tình yêu thanh thản và chân thành, bởi vì tất cả mọi người đều là con cái của Cha".

Gọi ai là Cha, tức là nhận người ấy là ân nhân lớn nhất cuộc đời mình. Vì nhờ Cha, ta nhận được món quà tặng quí giá nhất đó là sự sống. Có những người cha không chỉ sinh con về mặt thể xác mà còn cho con một đời sống tinh thần. Ðó là những người Cha có nhân cách lớn, kiên trì đúc nặn nên những đứa con có tâm hồn cao đẹp, có lý tưởng, có tư cách làm người.

Khi mạc khải cho ta biết Thiên Chúa là Cha, Ðức Giêsu đã đưa ra một hình ảnh về Thiên Chúa hoàn toàn khác với hình ảnh các vị thần của các tôn giáo khác. Không những Người cho ta thấy Thiên Chúa Cha yêu thương ta vô cùng, mà còn muốn ta đi vào tình nghĩa thâm sâu, tha thiết với Cha. Vì thế, Người đã dạy ta tiếng "Abba" là tiếng gọi "Ba ơi" rất thân thương của một đứa trẻ vừa nũng nịu, vừa tin tưởng, phó thác mọi sự trong tay Cha.

2. Mọi Người Là Anh Em.

Trong Kinh Lạy Cha, Ðức Giêsu dạy ta cầu nguyện: "Lạy Cha chúng con... Xin Cha cho chúng con..." Chứ không dạy ta đọc: "Lạy Cha của con...Xin Cha cho con...". Điều đó có nghĩa là tất cả mọi người đều là con của Thiên Chúa, những người con có cùng một Cha. Và mọi người được sống với Thiên Chúa như những người được sống trong cùng một gia đình.

Trong Kinh Lạy Cha chúng ta không thể tìm thấy những từ như "tôi và của tôi". Những từ như thế có thể nói Chúa Giêsu đã loại ra khỏi đời sống của chúng ta và thay vào những từ "chúng con và của chúng con". Chúa không còn là sở hữu độc quyền của riêng ai mà là Cha của mọi người. Mọi người đều là con Chúa, tứ hải giai huynh đệ, bốn bể đều là anh em một nhà, con cùng một Cha. Chức phận Cha của Thiên Chúa là căn bản duy nhất cho tình huynh đệ của loài người.

Câu hỏi chúng ta đặt ra ở đây: Khi mọi người là con của Thiên Chúa, là anh em với nhau thì chúng ta phải sống với nhau như thế nào?  Là phải sống liên đới và yêu thương nhau.

Câu trả lời thật chính xác. Vâng, chúng ta là anh em nên phải liên đới, có trách nhiệm về nhau. Chúng ta hãy nhìn vào tấm gương của tổ phụ Abraham khi Ngài tha thiết cầu nguyện cho thành Sôđôma như thế nào. Thật là đẹp vô cùng.

Nếu trong gia đình đứa em út yếu đuối bệnh tật luôn được thương yêu cưng chiều, thì trong kinh nguyện, ta cũng phải ưu tiên cầu nguyện cho những anh em bé nhỏ trước hết.

Nếu lời cầu nguyện của ta là lời của đứa con nhỏ nói với Cha, và là tâm tình liên đới yêu thương với mọi anh em trên khắp thế giới, lời cầu nguyện ấy sẽ rất đẹp và Thiên Chúa sẽ hài lòng.

Lạy Cha chúng con ở trên trời, xin thương xót chúng con. Amen.

Top