Chúa nhật 13 Thường niên năm A (02.07.2023) – Đón tiếp ngôn sứ ngày nay
KINH TRUYỀN TIN VỚI ĐỨC THÁNH CHA
Chúa nhật 13 Thường niên năm A
Chúa nhật, 02.07.2023
ĐÓN TIẾP NGÔN SỨ NGÀY NAY
Vatican News (02.07.2023) - Trưa Chúa Nhật 02.07, Chúa Nhật thứ 13 Thường niên năm A, Đức Thánh Cha đã cùng đọc kinh Truyền Tin với khoảng 15 ngàn các tín hữu hiện diện tại quảng trường thánh Phêrô.
Bài huấn dụ ngắn của Đức Thánh Cha trước khi đọc Kinh Truyền Tin:
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nói: “Ai đón tiếp một ngôn sứ, vì người ấy là ngôn sứ, thì sẽ được lãnh phần thưởng dành cho bậc ngôn sứ” (Mt 10,41). Chúa nói ba lần về từ “ngôn sứ”; mà ngôn sứ là ai? Có những người nghĩ họ là một loại pháp sư có thể dự đoán tương lai; đây là một ý tưởng mê tín và Kitô hữu không tin vào những điều mê tín, chẳng hạn như ma thuật, lá bài, số tử vi hoặc những thứ tương tự. Lưu ý rằng, có rất nhiều Kitô hữu coi đọc chỉ tay: xin hãy vui lòng! Những người khác nghĩ ngôn sứ như một nhân vật trong quá khứ, từng sống trước thời Đức Kitô để báo trước về sự xuất hiện của Người. Tuy nhiên, chính Chúa Giêsu hôm nay lại nói đến việc phải tiếp đón các ngôn sứ; như thế hiện vẫn có các ngôn sứ, nhưng họ là ai? Ngôn sứ là ai?
Anh chị em thân mến, ngôn sứ là mỗi người chúng ta: thực vậy, với Bí tích Rửa tội, tất cả chúng ta đã lãnh nhận hồng ân và sứ mạng ngôn sứ (x. Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, 1268). Ngôn sứ là người, nhờ Bí tích Rửa tội, giúp người khác đọc được hiện tại dưới tác động của Chúa Thánh Thần. Điều này rất quan trọng: đọc hiện tại không phải như tường thuật sự kiện, nhưng dưới hoạt động của Chúa Thánh Thần, giúp hiểu được các kế hoạch của Thiên Chúa và đáp lại các kế hoạch đó. Nói cách khác, ngôn sứ là người chỉ ra Chúa Giêsu cho người khác, là người làm chứng cho Chúa Giêsu, là người giúp để sống hôm nay và xây dựng ngày mai theo kế hoạch của Chúa Giêsu. Vì thế, tất cả chúng ta đều là những ngôn sứ, những chứng nhân của Chúa Giêsu “để sức mạnh của Tin Mừng được chiếu tỏa trong đời sống hàng ngày, gia đình và xã hội” (Lumen Gentium, 35). Ngôn sứ là dấu chỉ sống động cho người khác nhìn thấy Thiên Chúa, là phản chiếu ánh sáng của Chúa Kitô trên con đường của anh chị em. Và rồi chúng ta có thể tự hỏi: Tôi, người được “tuyển chọn làm ngôn sứ” trong Bí tích Rửa tội, tôi có nói và nhất là sống tư cách nhân chứng của Chúa Giêsu không? Tôi có mang một chút ánh sáng của Chúa đến cho cuộc sống của một người nào đó không? Tôi có chứng thực về điều này không? Tôi tự hỏi: lời chứng của tôi thế nào, lời ngôn sứ của tôi ra sao không?
Trong Tin Mừng, Chúa cũng mời gọi đón tiếp các ngôn sứ; do đó, điều quan trọng là phải chào đón nhau như những người mang sứ điệp của Thiên Chúa, mỗi người tùy theo bậc và ơn gọi của mình, và làm như vậy tại nơi chúng ta sống: trong gia đình, trong giáo xứ, trong các cộng đoàn tu trì, trong các lãnh vực khác của Giáo hội và xã hội. Chúa Thánh Thần đã phân phát các ơn ngôn sứ cho Dân thánh của Thiên Chúa: đây là lý do tại sao nên lắng nghe tất cả mọi người. Ví dụ, khi phải đưa ra một quyết định quan trọng, thì tốt nhất trước hết là hãy cầu nguyện, khẩn cầu Chúa Thánh Thần, nhưng sau đó hãy lắng nghe và đối thoại, với sự tin tưởng rằng mọi người, dù là người nhỏ nhất, đều có điều quan trọng để nói, có món quà ngôn sứ để chia sẻ. Đó là cách tìm kiếm sự thật và lan toả bầu khí lắng nghe Thiên Chúa, trong đó mọi người không chỉ cảm thấy được chào đón vì họ nói những gì chúng ta thích, nhưng họ cảm thấy được đón nhận và đề cao vì chính họ.
Chúng ta hãy nghĩ về có bao nhiêu cuộc xung đột có thể tránh được và giải quyết bằng cách lắng nghe người khác với mong muốn hiểu nhau cách chân thành! Cuối cùng, chúng ta hãy tự hỏi: tôi có biết đón nhận anh chị em như những món quà ngôn sứ không? Tôi có nghĩ mình cần họ không? Tôi có lắng nghe họ với lòng kính trọng, với ước muốn học hỏi không? Bởi vì mỗi chúng ta cần phải học từ những người khác.
Xin Mẹ Maria, Nữ Vương các Ngôn sứ, giúp chúng ta nhìn thấy và đón nhận điều tốt lành mà Thần Khí đã gieo nơi những người khác.
Nguồn: vaticannews.va/vi
bài liên quan mới nhất
- Huấn dụ Lễ Thánh Stêphanô tử đạo (26/12/2024) - Tử đạo và tha thứ
-
Sứ điệp Giáng sinh năm 2024 và Phép lành toàn xá Urbi et Orbi của Đức Thánh Cha -
Lễ Đêm Giáng Sinh 2024 - Niềm hy vọng -
Bài giảng tĩnh tâm Giáo triều Roma Mùa Vọng 2024: Bài 3 - Sự nhỏ bé -
Tổng thống Biden giảm án cho tử tù -
Thông điệp chia tay của Đức Hồng y Bo khi kết thúc nhiệm kỳ chủ tịch FABC -
Ngày 24 Tháng 12 Kính nhớ Các Thánh Tổ Tiên của Chúa Giêsu Kitô -
Diễn văn của Đức Phanxicô cho Giáo triều Roma nhân dịp chúc mừng Giáng sinh 2024: Hãy nói tốt chứ đừng nói xấu -
Đức Thánh Cha khen ngợi đức tin mạnh mẽ của cộng đồng người Việt ở Mỹ -
Những đoạn trích từ cuốn tự truyện "Hy vọng" của Đức Thánh Cha Phanxicô
bài liên quan đọc nhiều
- 10 điều bạn nên làm khi Thánh lễ bị đình chỉ
-
Năm Thánh Giuse: Các ngày và các việc được ơn toàn xá -
Thông cáo chung của Nhóm Làm việc chung Việt Nam - Toà Thánh -
Toàn văn lá thư Đức Thánh Cha Phanxicô gửi các linh mục giáo phận Roma -
Hướng tới Ngày Giới trẻ Thế giới 2023 - Đức Thánh Cha: Đừng đứng nhìn cuộc đời trôi qua -
Chuyến tông du Mông Cổ của Đức Thánh Cha, đánh dấu cuộc gặp gỡ giữa Công giáo và Phật giáo -
Sáu ý tưởng khích lệ người cao tuổi của Đức Thánh Cha Phanxicô -
Đức Thánh Cha Phanxicô trả lời các nghi vấn của 5 Hồng y -
Đức Thánh Cha chủ sự Công nghị phong 21 tân Hồng y -
5 chủ đề nổi bật trong 10 năm triều đại Giáo hoàng Phanxicô