Cần phát triển hợp đề văn hóa nhân văn hướng đến siêu việt

Cần phát triển hợp đề văn hóa nhân văn hướng đến siêu việt

WHĐ (17.05.2011) – Trưa ngày 16-05, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã tiếp kiến các đại biểu tham dự Hội nghị Quốc tế do Hội đồng Tòa Thánh về Công lý và Hòa bình tổ chức, nhân kỷ niệm 50 năm Thông điệp Mater et Magistra (Mẹ và Thày) của Chân Phước Gioan XXIII.

Trong huấn từ, ĐTC nhấn mạnh: “Sự thật, tình yêu, công lý đã được Thông điệp Mater et Magistra chỉ ra, cùng với nguyên lý về mục tiêu phổ quát của điều thiện, như là những chuẩn mực cơ bản để khắc phục những mất cân bằng về văn hóa và xã hội, luôn là những trụ cột cho việc giải thích và giải quyết những mất cân bằng do quá trình toàn cầu hóa ngày nay gây ra. Trước những tình trạng mất cân bằng, cần tái lập lý trí toàn vẹn để có thể tái sinh tư duy và đạo đức… Cần phải phát triển những hợp đề văn hóa nhân văn hướng đến siêu việt thông qua công cuộc tân Phúc âm hóa”.

“Tình trạng mất cân bằng mang tính toàn cầu, vốn là đặc điểm của thời đại ngày nay, đang ủ nhiều mầm bệnh khác như: sự chênh lệch, phân hóa giàu nghèo, tình trạng bất bình đẳng đang gia tăng và phát sinh những vấn đề về công lý và sự phân phối công bằng các nguồn lực và cơ hội, nhất là đối với người nghèo”.

Tiếp đến Đức Thánh Cha lưu ý: “Đáng lo ngại không kém, chính là những hiện tượng liên quan đến hệ thống tài chính. Sau giai đoạn khắc nghiệt nhất của cuộc khủng hoảng, đang trở lại thực tế khốc liệt của những hợp đồng tín dụng thường dẫn đến tình trạng đầu cơ không giới hạn… Tương tự, việc tăng giá nguồn nhiên liệu thô đã phát sinh hậu quả tiêu cực đối với môi trường cũng như đối với chính con người”.

Đức Thánh Cha nêu rõ: “Không còn nghi ngờ gì nữa, vấn đề xã hội trên thế giới hiện nay chính là vấn đề công lý, vấn đề phân phối công bằng nguồn lực vật chất và phi vật thể, vấn đề toàn cầu hóa nền dân chủ có thực chất, mang ý nghĩa xã hội và có sự tham gia của mọi người”.

Đức Thánh Cha lưu ý về công lý: “Nền công lý không thể được thực hiện nếu chỉ dựa trên sự đồng thuận xã hội, mà không nhận ra rằng, để có nền công lý lâu dài, nhất thiết phải bắt nguồn từ thiện ích phổ quát của con người”.

Đề cập về những phương cách phổ biến Học thuyết của Giáo hội về Xã hội, Đức Thánh Cha nói rõ Giáo hội cần lưu tâm đến họat động của “các tổ chức văn hóa, những chương trình giảng dạy tôn giáo và giáo lý về xã hội tại các giáo xứ, công việc loan báo và làm chứng cho Tin Mừng của người giáo dân. Những hoạt động này cần được chuẩn bị về mặt đạo đức cũng như về tính chuyên nghiệp”.

Kết thúc huấn từ, Đức Thánh Cha nhắc lại: “Hiện đang có các tổ chức quan trọng phục vụ công cuộc tân Phúc âm hóa trong xã hội, hơn nữa lại còn có các hiệp hội thiện nguyện và những tổ chức Kitô giáo phi chính phủ hoặc có tinh thần Kitô giáo, các Ủy ban Công lý và Hòa bình, các Văn phòng về các vấn đề xã hội, những trung tâm và học viện về Học thuyết xã hội”.

(Theo VIS)

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top