Cạm bẫy trong mục vụ

Cạm bẫy trong mục vụ

CẠM BẪY TRONG MỤC VỤ TẠI VIỆT NAM HÔM NAY

Trong lý thuyết và trên thực tế, mục vụ là lãnh vực bao la, chứa đựng vô vàn tư tưởng và hoạt động đa dạng. Trên thực tế, Giáo Hội Việt Nam đã và đang tiến về phía trước với nhiều thành quả tốt. Tuy nhiên, con đường sống đạo chẳng bao giờ thiếu cạm bẫy. Trước thực tế đó, tôi nghĩ rằng: Nếu đề cập đến một vài nguy cơ cạm bẫy, thì đó cũng chính là một cách yêu mến Giáo Hội. Vì thế, ở đây, tôi tự giới hạn suy nghĩ của tôi vào vài điểm, mà tâm tư riêng của tôi cho là có cạm bẫy trong tình hình sống đạo tại Việt Nam hiện giờ.

I. Những đổi mới thiếu bề sâu Phúc Âm

Ở đây, tôi xin miễn bàn tới việc đổi mới trong xã hội Việt Nam. Tôi cũng không nói tới những đổi mới sâu rộng tại nhiều nơi trong Giáo Hội Việt Nam, nhờ đó nhiều cá nhân và nhiều cộng đoàn đang trở thành những mẫu gương đạo đức cho xã hội. Tôi chỉ xin nói qua về vài thứ đổi mới đáng ngại đang phát triển tại một số nơi trong Giáo Hội địa phương chúng ta.

Đó là những thứ đổi mới không theo Phúc Âm, mà chỉ theo phong trào đời. Do đó tinh thần thế tục đang lẻn vào trong nhiều lãnh vực, nhất là:

Trong lãnh vực xây dựng. Trong lãnh vực tổ chức lễ lạy và nếp sống tôn giáo. Trong lãnh vực sử dụng tự do. Trong lãnh vực mở mang uy tín.

Nhìn sơ qua việc đổi mới trong các lãnh vực trên đây, nhiều người đã thấy có cạm bẫy cài trong đó. Cạm bẫy này đang làm giảm tinh thần Phúc Âm một cách rõ rệt, nếu không tỉnh thức và cầu nguyện.

Riêng tôi, càng ngày tôi càng xác tín rằng: Sự đổi mới cần thiết cho Giáo Hội Việt Nam lúc này hệ tại ở sự làm cho các tín hữu, nhất là hàng giáo sĩ, tu sĩ, vươn dần tới tình trạng trưởng thành thiêng liêng .

Thế nào là trưởng thành thiêng liêng? Xin thưa rất vắn tắt:

Một đàng cần phát triển tốt các nguồn lực tự nhiên Chúa ban cho mình, như trí khôn, ý muốn, trí nhớ, trí tưởng tượng. Các tài năng này, khi phát triển tốt, sẽ là thửa vườn có đất tốt, dễ đón nhận các hạt giống của sự sống thiêng liêng.

Một đàng là sự sống mới do Chúa Thánh Thần ban sẽ được gieo và đâm rễ trên thửa đất nhân loại đã được chuẩn bị. Các hạt giống của ơn Chúa Thánh Thần sẽ dần dần mọc lên, giúp cho các tài năng nhân loại nơi con người có một cái nhìn mới, những ước muốn mới, những nhân đức mới, những ân sủng mới, những dấn thân mới.

Những con người được đổi mới như trên sẽ rất khiêm nhường. Họ sẽ là men, là muối, có vai trò rất lớn trong mục vụ.

Hiểu như thế, tôi e ngại: Một khủng hoảng về sự đổi mới sẽ xảy ra, nếu sự đổi mới chỉ dừng lại và tập trung vào những việc bề ngoài, hoặc bị lạm dụng.

Ngoài vấn đề "đổi mới" đang có nguy cơ đi vào khủng hoảng, tôi thấy còn một vấn đề nữa cũng có cạm bẫy, đó là vấn đề quy tụ cưu mang nguy cơ phân hoá.

Tại Việt Nam hiện nay, việc quy tụ là việc rất dễ thực hiện. Chỉ cần một chút quyền, một chút lợi, một chút mới lạ, một chút vui, một chút áp lực là có thể quy tụ một số đông đến cả mấy chục ngàn người. Nhưng trong mọi quy tụ đều có nguy cơ gài bẫy phân hoá.

II. Những quy tụ cưu mang nguy cơ phân hoá

Nếu căn cứ vào quy tụ như một hình thức hiệp nhất, thì sẽ lầm to. Bởi vì dưới hình thức quy tụ vẫn có nhiều phân hoá. Hơn nữa, trong quy tụ nhiều khi lại có cạm bẫy phân hoá, do nhiều phía đặt sẵn. Trên thực tế, tại Việt Nam, tôi thấy mấy thứ phân hoá đau lòng sau đây:

1. Thứ nhất là phân hoá giữa giàu và nghèo. Khoảng cách giữa giàu và nghèo xem ra càng ngày càng lớn. Ngay trong giới nhà tu.

Sửa chữa khoảng cách này không phải là chia đều của cải, nhưng là sửa lại cách đối xử với người nghèo. Thí dụ:

 - Quan tâm nhiều hơn đến việc giúp đỡ khẩn cấp và trực tiếp người nghèo.
 - Để ý nhiều hơn đến việc xoá bỏ dần chính những nguồn gốc sinh ra cảnh nghèo.
 - Giúp họ và cộng đồng nhận thức được thiện chí và những đóng góp bé mọn của họ.

Chúng ta không ca tụng sự nghèo khổ. Nhưng chúng ta kính trọng những người nghèo và đánh giá các việc tốt của người nghèo theo cái nhìn của Chúa.

2. Thứ hai là phân hoá giữa những cá nhân và những cộng đoàn. Hiện tượng này xảy ra cả nơi những người đạo đức và những cộng đoàn truyền giáo. Lý do rất phức tạp. Như tính tình khác nhau, quyền lợi khác nhau, định hướng khác nhau.

Giải quyết các thứ phân hoá này, nếu không tế nhị khôn ngoan, sẽ đưa đến những hậu quả tai hại không lường trước được. Lịch sử Giáo Hội và các cộng đoàn đã chứng minh điều đó.

3. Thứ ba là phân hoá giữa những nhận định và đánh giá. Hiện nay, không thiếu người tốt bị kết án là xấu, không thiếu hành vi xấu lại được coi là vô tội, không thiếu đường lối sống đạo được kẻ khen người chê.

4. Thứ bốn là phân hoá giữa những gốc gác, phe nhóm và cấp bậc. Người cùng gốc, cùng phe, cùng cấp bậc gây thành một khối quyền lực riêng, với những định hướng riêng, với những loại trừ riêng.

Thứ phân hoá đáng ngại nhất là thứ phân hoá ngấm ngầm, được che giấu dưới những hình thức quy tụ lớn, nhất trí cao, nhưng chỉ là bề ngoài mong manh, giả tạo.

Quy tụ cưu mang phân hoá, nếu không được khám phá kịp thời, có thể sẽ gây nên một khủng hoảng cho Giáo Hội và xã hội.

Đổi mới sai hướng và quy tụ cưu mang phân hoá là hai vấn đề thời sự lớn trong mục vụ tại Việt Nam hôm nay. Cả hai cùng có cạm bẫy.

Mọi cạm bẫy không bao giờ để lộ nguyên hình, công khai và có báo trước. Riêng trong mục vụ, đặc biệt là ở phòng trào đổi mới và quy tụ, cạm bẫy sẽ rất tinh vi và kín đáo.

Tôi quá bé nhỏ để đưa ra một cách giải quyết toàn diện. Tôi chỉ xin chia sẻ một ý hướng, mà tôi cho là nền tảng trong mọi cách giải quyết. Ý hướng đó là những người mục tử nên tăng cường đời sống đạo đức nội tâm. Đời sống nội tâm này phải thực sâu. Với đời sống này, tôi sẽ được Chúa ở lại trong tôi. Người sẽ dẫn đưa tôi trong sứ vụ sống phục vụ cho tha nhân. Nghĩa là tôi sống với Chúa và tôi sống phục vụ cho tha nhân. Phải thực sự đúng như vậy trong đức Ái thẳm sâu. Từ đó sẽ đi vào những việc cụ thể, theo nhu cầu cụ thể, hợp với khả năng cụ thể, dưới ánh sáng Lời Chúa dẫn đưa.

Những suy nghĩ trên đây là một của lễ hèn mọn, xin dâng lên Chúa giàu lòng thương xót, trong tay Mẹ Maria nhân từ.

Top