Cái nhìn tổng quát về Hồng y đoàn từ sau Công nghị ngày 7/12/2024

Cái nhìn tổng quát về Hồng y đoàn từ sau Công nghị ngày 7/12/2024

Cái nhìn tổng quát về Hồng y đoàn từ sau Công nghị ngày 7/12/2024

Từ chiều ngày 7/12/2024, Giáo hội có tất cả 253 Hồng y đến từ hơn 90 quốc gia, trong đó có 140 Hồng y dưới 80 tuổi có quyền tham dự mật nghị bầu Giáo hoàng và 113 vị trên 80 tuổi không còn quyền này. Ý là quốc gia có đồng Hồng y nhất. Trong Hồng y đoàn có gần 1/4 là tu sĩ các dòng.

Số Hồng y cử tri do Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II thăng hiện còn 6 vị, do Đức Giáo hoàng Biển Đức XVI thăng hiện còn 24 vị, và số vị được Đức Thánh Cha Phanxicô thăng hiện có 110 vị.

Nhưng đến ngày 24/12/2024, khi Đức Hồng y Oswald Gracias, Tổng Giám mục của Bombay, Ấn Độ, sẽ tròn 80 tuổi, Hồng y đoàn sẽ còn 139 Hồng y cử tri. Và sang đầu năm 2025, vào ngày 22/1, Đức Hồng y Christoph Schonborn, Tổng Giám mục của Vienna, Áo, sẽ tròn 80 tuổi, số Hồng y cử tri tiếp tục giảm xuống còn 138 vị.

10 Công nghị Hồng y dưới thời Đức Thánh Cha Phanxicô

Với Công nghị ngày 7/12/2024, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự 10 Công nghị trong hơn 11 năm ngài giữ vai trò kế vị Thánh Phêrô lãnh đạo Giáo hội hoàn vũ, vượt qua Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô, đã chủ sự 9 Công nghị trong 27 năm Giáo hoàng. Tuy nhiên, số Hồng y được Đức Gioan Phaolô II thăng lên Hồng y vẫn nhiều hơn Đức Thánh Cha Phanxicô, 231 vị so với 163.

Đức Thánh Cha Phanxicô được bầu làm Giáo hoàng trong mật nghị Hồng y vào ngày 13/3/2013, sau khi Đức Biển Đức XVI chính thức từ nhiệm vào ngày 28/2/2013. Vào ngày 22/2/2014, Đức Thánh Cha đã chủ sự Công nghị Hồng y đầu tiên thăng 19 Giám mục làm Hồng y; trong số này có Đức Hồng y Pietro Parolin, hiện là Quốc vụ khanh Tòa Thánh, nhân vật thứ hai của Giáo hội, sau Đức Thánh Cha. Trong 10 Công nghị Hồng y này, Đức Thánh Cha đã thăng tất cả 163 Hồng y.

Các Hồng y đại diện cho Giáo hội ở khắp nơi

Một điểm đặc biệt trong việc chọn Hồng y của Đức Thánh Cha Phanxicô đó là tính phổ quát của Giáo hội. Ngài muốn các Hồng y là những vị đại diện của Giáo hội ở mọi nơi, chứ không chỉ của những giáo phận hay quốc gia quan trọng. Trong 9 Công nghị trước đây, với việc thăng 142 Hồng y, Đức Thánh Cha đã chọn các vị đến từ 70 quốc gia, trong đó có 22 nước trước đó chưa có Hồng y nào. Đó là các nước: Haiti, Cộng hòa Dominica, Myanmar, Panama (dù rằng Đức Hồng y Lacunza Maestrojuan sinh tại Tây Ban Nha), Capo Verde, Tonga, Cộng hòa Trung Phi, Bangladesh, Papua New Guinea, Malaysia, Lesotho, Mali, Thụy Điển, Lào, El Salvador, Luxembourg Rwanda, Brunei, Đông Timor, Singapore, Paraguay và Nam Suđan. Sau Công nghị ngày 7/12, danh sách các quốc gia có Hồng y đầu tiên đã tăng lên 23 khi Đức Thánh Cha chọn 1 Hồng y từ Serbia.

Sự hiện diện đông đảo của các tu sĩ trong Hồng y đoàn

Trong Công nghị ngày 7/12 vừa qua, gần một nửa số tân Hồng y được thăng là các tu sĩ thuộc các dòng: gồm 3 vị Dòng Phanxicô, 2 Dòng Đaminh, 2 Dòng Ngôi Lời, và các Dòng Chúa Cứu Thế, Scalabrini và Vinh Sơn, mỗi dòng có 1 vị.

Nhìn lại 9 Công nghị trước đây, trong số 142 Hồng y được Đức Thánh Cha Phanxicô chọn, có 44 vị thuộc 23 dòng tu khác nhau. Công nghị năm 2014 có 4 Hồng y thuộc các dòng tu trong tổng số 19 Hồng y; năm 2015 có 4 tu sĩ trên tổng số 20; năm 2016 có 6 tu sĩ trên tổng số 17; năm 2017 có 1 tu sĩ trong tổng số 5 Hồng y; năm 2018 có 3 tu sĩ trong tổng số 14; năm 2019 có 8 tu sĩ trên 13; năm 2020 có 4 trên 13; năm 2022 có 7 trên 20; và trong năm 2023, có 7 tu sĩ trên tổng số 21 Hồng y.

Hai thỉnh cầu không là thành viên của Hồng y đoàn

Trong những năm qua, Đức Thánh Cha Phanxicô đã hai lần chấp thuận thỉnh cầu của hai Giám mục không trở thành thành viên Hồng y đoàn. Đầu tiên là trường hợp của Đức Cha Lucas Van Looy, 80 tuổi người Bỉ, nguyên Giám mục của Ghent, và trường hợp mới nhất là thỉnh cầu của Đức Cha Paskalis Bruno Syukur, Giám mục của Bogor, người Indonesia.

Những Hồng y trẻ 

Vào năm 2016 Đức Thánh Cha đã thăng vị Hồng y đầu tiên chào đời sau khi Công đồng Vatican II kết thúc vào ngày 8/12/1965. Đó là Đức Hồng y Dieudonnè Nzapalainga, Tổng Giám mục của Bangui, sinh năm 1967.

Sau vị Hồng y người Trung Phi này, Đức Thánh Cha đã bổ nhiệm nhiều Hồng y khác chào đời sau Công đồng Vatican II, như Đức Hồng y Giorgio Marengo, Phủ doãn Tổng tòa Ulan Bator, sinh năm 1974. Cho đến trước Công nghị Hồng y ngày 7/12/2024, ngài là Hồng y trẻ nhất Hồng y đoàn.

Trong Công nghị ngày 7/12/2024 Đức Thánh Cha đã thăng nhiều Giám mục trẻ làm Hồng y như Hồng y Giám quản Roma, Baldassare Reina, 54 tuổi; Hồng y Phó Giám quản Đền thờ Đức Bà Cả, Rolandas Makrickas, 52 tuổi; Hồng y George Jacob Koovakad, người tổ chức các chuyến tông du nước ngoài của Đức Thánh Cha, 51 tuổi; và Hồng y trẻ nhất của Hồng y đoàn, Mykola Byčok, người Ucraina, chỉ mới 44 tuổi.

Bên cạnh đó, Đức Thánh Cha cũng đã thăng một Hồng y cao niên nhất trong Hồng y đoàn trong Công nghị ngày 7/12 vừa qua, đó là Đức Hồng y Angelo Acerbi, 99 tuổi 79 ngày. Ngài đã phục vụ Giáo hội với tư cách là giám mục trong 50 năm, và cũng có 40 năm kinh nghiệm làm việc trong ngành ngoại giao của Tòa Thánh.

Cái nhìn tổng quan về Hồng y đoàn

Theo Giáo luật điều 349, các Hồng y có nhiệm vụ hành động cách đoàn thể trong việc chọn người kế nhiệm Đức Giáo hoàng nếu mật nghị được triệu tập. Tuy nhiên, không phải tất cả các Hồng y đều có quyền bỏ phiếu trong mật nghị.

Hơn một nửa Hồng y đoàn là Hồng y cử tri

Hơn một nửa số Hồng y đoàn hiện nay sẽ là “các Hồng y cử tri”. Những Hồng y này dưới 80 tuổi và do đó đủ điều kiện để bỏ phiếu bầu Giáo hoàng mới.

Trong số 140 Hồng y cử tri, quốc gia có số đại diện đông nhất là Ý với 17 Hồng y cử tri, tiếp theo là Hoa Kỳ với 10 Hồng y cử tri, và sau đó là Tây Ban Nha với sáu Hồng y cử tri.

113 “Hồng y không phải là cử tri” là những vị đã trên 80 tuổi. Mặc dù có đủ điều kiện tham gia các cuộc họp trước khi bắt đầu mật nghị bầu Giáo hoàng, nhưng các ngài không có quyền bỏ phiếu và do đó sẽ không tham gia vào chính mật nghị.

Con số Hồng y tính theo châu lục

Số Hồng y hiện tại có mặt tại khắp các châu lục. Châu Phi có 29 Hồng y, thuộc 23 quốc gia, trong đó có 18 Hồng y cử tri; Bắc Mỹ có 28 Hồng y thuộc 3 quốc gia, với 16 Hồng y cử tri; Trung Mỹ có 8 Hồng y đến từ 8 quốc gia, 4 Hồng y cử tri; Nam Mỹ có 31 Hồng y thuộc 10 quốc gia, 18 Hồng y cử tri; Á Châu có 37 Hồng y thuộc 21 quốc gia, 25 Hồng y cử tri; Châu Âu có 115 Hồng y thuộc 25 quốc gia, 55 Hồng y cử tri; Châu Đại dương có 4 Hồng y đến từ 4 quốc gia, và tất cả đều là Hồng y cử tri.

Con số Hồng y tính theo quốc gia

Nếu xét theo quốc gia, Ý hiện tại là nước có nhiều Hồng y nhất, với 52 vị, trong đó có 17 Hồng y cử tri. Quốc gia đứng thứ hai về số Hồng y là Hoa Kỳ, với 17 vị, trong đó có 10 Hồng y cử tri. Và đứng thứ ba là Tây Ban Nha, với 13 Hồng y, trong đó có 6 Hồng y cử tri.

Hồng y tu sĩ

Hiện nay, trong Hồng y đoàn có 66 Hồng y tu sĩ, thuộc 28 hội dòng, trong đó có 36 Hồng y cử tri và 30 vị trên 80 tuổi.

Dòng có nhiều Hồng y nhất là gia đình Dòng Phanxicô, có 13 vị, trong đó có 9 Hồng y cử tri. Nhánh Phanxicô Hèn Mọn có 5 Hồng y, Phanxicô Capuchinô cũng có 5 và Phanxicô Viện tu có 3 vị. Dòng đứng thứ hai về số Hồng y là Dòng Don Bosco, với 11 vị, trong đó có 5 vị dưới 80 tuổi có quyền tham dự mật nghị bầu Giáo hoàng. Và đứng thứ ba về số Hồng y là Dòng Tên, với 9 vị, trong đó có 4 Hồng y cử tri.

Các chức vụ quan trọng trong Hồng y đoàn

Niên trưởng Hồng y đoàn

Niên trưởng Hồng y đoàn hiện nay là Đức Hồng y Giovanni Battista Re, 90 tuổi, người Ý, được Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II thăng làm Hồng y ngày 21/2/2001. Ngày 18/1/2020, Đức Thánh Cha Phanxicô đã phê chuẩn việc chọn ngài làm niên trưởng Hồng y đoàn. Phó Niên trưởng Hồng y đoàn là Đức Hồng y Leonardo Sandri, người Argentina, 81 tuổi. Ngài được Đức Giáo hoàng Biển Đức thăng lên Hồng y ngày 24/11/2007.

Niên trưởng Hồng y đoàn là Hồng y thuộc đẳng Giám mục, được các Hồng y thuộc đẳng Giám mục bầu chọn và được Đức Thánh Cha phê chuẩn.

Cho đến ngày 21/12/2019, không có luật buộc Niên trưởng Hồng y đoàn mãn nhiệm vì lý do tuổi tác. Nhưng với Tông thư dưới dạng Tự sắc về “Chức vị Niên trưởng Hồng y đoàn”, Đức Thánh Cha Phanxicô xác định nhiệm kỳ của Niên trưởng Hồng y đoàn kéo dài 5 năm và sau đó có thể tái nhiệm.

Niên trưởng Hồng y đoàn có trách nhiệm triệu tập mật nghị để bầu Giáo hoàng mới khi Giáo hoàng qua đời hay từ chức. Ngài có nhiệm vụ thông báo cho ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh và các nguyên thủ các quốc gia có quan hệ ngoại giao với Tòa Thánh về sự qua đời của Đức Giáo hoàng.

Trong những năm gần đây, khi Đức Thánh Cha Phanxicô, vì bị đau đầu gối, chỉ chủ sự các Thánh lễ, Đức Hồng y Re thường là vị thay thế Đức Thánh Cha chủ tế Thánh lễ tại bàn thờ.

Hồng y trưởng đẳng phó tế 

Hồng y trưởng đẳng phó tế hiện nay là Đức Hồng y Dominique Mamberti, người Pháp, 74 tuổi, được Đức Thánh Cha Phanxicô thăng lên Hồng y vào ngày 14/2/2015. Ngày 28/2 năm nay, sau khi Đức Hồng y Renato Raffaele Martino qua đời, Đức Hồng y Mamberti đảm nhiệm chức vị Hồng y trưởng đẳng phó tế.

Đây là vị sẽ công bố kết quả bầu Giáo hoàng với công thức nổi tiếng bằng tiếng Latinh: “Habemus Papam” (Chúng ta đã có Đức Giáo hoàng). Ngoài ra, ngài cũng là vị đặt dây pallium trên vai Đức tân Giáo hoàng trong Thánh lễ khai mạc sứ vụ Phêrô, hay giới thiệu với Đức Thánh Cha các tân Tổng Giám mục sẽ lãnh nhận dậy Pallium trong Thánh lễ trọng kính hai Thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô, hoặc sẽ công bố việc Đức Thánh Cha ban ơn toàn xá trong dịp Đức Thánh Cha ban phép lành “Urbi et Orbi” (cho Roma và toàn thế giới) vào lễ Phục Sinh và Giáng Sinh.

Hồng y nhiếp chính

Một Hồng y khác cũng giữ vai trò quan trọng chính là vị được gọi là Hồng y nhiếp chính (Carmerlengo), hiện nay là Đức Hồng y Kevin Joseph Farrell, người Mỹ. Nhiệm vụ quan trọng nhất của Hồng y nhiếp chính sẽ là điều hành Giáo hội trong thời gian trống tòa, khi Đức Giáo hoàng qua đời hay từ nhiệm, với sự trợ giúp của các Hồng y được chọn.

Nguồn: vaticannews.va/vi

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top