Các Giám mục cảnh báo: Kế hoạch ở Trung Đông của Hoa Kỳ có thể dẫn đến đổ máu nhiều hơn 

Các Giám mục cảnh báo: Kế hoạch ở Trung Đông của Hoa Kỳ có thể dẫn đến đổ máu nhiều hơn 

Các Giám mục cảnh báo: Kế hoạch ở Trung Đông của Hoa Kỳ có thể dẫn đến đổ máu nhiều hơn 

WGPSG / CNA -- Vào thứ Tư 29-1-2020, các giám mục Công giáo ở Thánh Địa cho biết: Kế hoạch hòa bình về Israel và Palestine vừa được công bố trong tuần này sẽ không giải quyết được điều gì. 

Hội đồng Bản quyền Công giáo của Đất Thánh - đại diện cho các Kitô hữu của các giáo hội Latinh, Melkite, Maronite, Syria, Armenia, và Chaldean hiệp thông với Roma - đã phát biểu vào thứ Tư 29-1: 

“Kế hoạch này sẽ không mang lại giải pháp nào mà thay vào đó sẽ tạo ra nhiều căng thẳng và có lẽ bạo lực và đổ máu nhiều hơn.” 

Các vị bản quyền ấy nói rằng kế hoạch này mang tính một chiều, có lợi cho các yêu cầu truyền thống của Israel về giải pháp hai nhà nước, và là một “sáng kiến ​​đơn phương”, không quan tâm đến thỏa thuận của người Palestine, cũng không tôn trọng “quyền bình đẳng và nhân phẩm của họ”. 

“Đây được coi là một sáng kiến ​​đơn phương, vì nó ủng hộ gần như tất cả các yêu cầu của một bên, đó là phía Israel cùng với kế hoạch chính trị của họ.” 

“Mặt khác, kế hoạch này không thực sự cân nhắc những yêu cầu chính đáng của người dân Palestine đối với quê hương, quyền lợi và cuộc sống đáng tôn trọng của họ.” 

Kế hoạch “Hòa bình và Thịnh vượng”, được Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu công bố hôm thứ Tư, đã vạch ra đường hướng thiết lập một quốc gia Palestine như là một phần của giải pháp “hai nhà nước”. 

Đề xuất này - được thực hiện vào thứ Ba - mời gọi các nhà lãnh đạo Palestine chấp nhận cho một thời hạn bốn năm. Nó sẽ thiết lập biên giới cho một quốc gia mới của Palestine với thủ đô mang tên “al Quds”, tên tiếng Ả Rập của Jerusalem, bao gồm một phần của Đông Jerusalem. Tuy nhiên, phần còn lại của thành phố, bao gồm cả Thành phố cổ, sẽ vẫn là một phần của Israel. 

Israel cũng sẽ giữ khoảng một phần ba Bờ Tây, bao gồm các khu định cư hiện tại và Thung lũng Jordan. Sẽ có bốn năm tạm dừng mở rộng các khu định cư của Israel vào lãnh thổ được đề xuất cho Palestine, nhưng không có sự đóng băng đối với các khu định cư trong ranh giới tương lai của Israel được đề xuất ở Bờ Tây. 

Xuất hiện cùng với Tổng thống Trump vào thứ Ba tại Nhà Trắng, Netanyahu nói rằng Israel sẽ không chờ đợi, sẽ “áp dụng luật của mình” đối với các khu vực sẽ nằm dưới sự kiểm soát của họ trong các ranh giới được đề xuất, bao gồm Thung lũng Jordan và các cộng đồng Do Thái ở Judea và Samaria. 

Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas đã từ chối kế hoạch hôm thứ ba, nói rằng nó sẽ “không được thông qua”. 

Có một hội nghị trước đây đã ủng hộ sự bình đẳng lẫn nhau và tôn trọng người Palestine trong các cuộc đàm phán hòa bình. Trong một tuyên bố vào tháng 5 năm 2019, hội nghị này đã nói rằng cần cấp bách đưa ra một thỏa thuận hòa bình:

“Nhiều người ở Palestine và ở Israel cảm thấy rằng kể từ khi bắt đầu tiến trình hòa bình, cuộc sống của họ ngày càng trở nên không thể chịu đựng nổi. Nhiều người đã rời đi, nhiều người khác cân nhắc việc rời đi và một số người đang dùng đến bạo lực. Một số người chết trong câm lặng và những người khác đang mất niềm tin và hy vọng.” 

Cũng vào thứ Tư 29-1-2020, các giám mục nói thêm rằng, “Chúng tôi mong rằng” các thỏa thuận trước đây giữa Israel và Palestine “được tôn trọng và cải thiện”. 

Vatican trước đây đã ủng hộ một giải pháp hai nhà nước với chính sách giữ nguyên trạng các địa điểm tôn giáo. 

Đức ông Fredrik Hansen - người phụ trách Phái bộ Quan sát viên thường trực của Tòa thánh - nói với Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc vào ngày 22-1 rằng, gợi ý duy trì hiện trạng của thánh địa Jerusalem - rất thân yêu đối với người Do Thái, Kitô giáo và Hồi giáo và rất quan trọng đối với di sản văn hóa của cả gia đình nhân loại - là một trong những điều đã được nhắc lại nhiều lần. 

Vatican cũng công nhận tính hợp pháp của Nhà nước Israel nhưng với các ranh giới được cộng đồng quốc tế công nhận. 

Trong một tuyên bố hồi tháng 10 sau khi Hoa Kỳ thay đổi vị trí của mình tại khu định cư ở Bờ Tây của Israel, Tòa Thánh đã nói: Cả Israel và Palestine nên đi đến một thỏa thuận, với sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế và tuân thủ các nghị quyết của Liên Hợp Quốc. 

Hoa Kỳ vào tháng 11 đã đảo ngược lập trường của mình đối với các khu định cư của Israel ở Bờ Tây, và bây giờ lại nói rằng họ không vi phạm luật pháp quốc tế. Netanyahu đã mạnh mẽ hỗ trợ chủ quyền của Israel đối với các khu định cư, trong chiến dịch tái tranh cử năm 2019 của ông. 

Theo kế hoạch hòa bình mới công bố hôm thứ Ba, liên quan đến các địa điểm linh thánh, các thỏa thuận về hiện trạng trên Núi Thánh và Haram al-Sharif sẽ được duy trì, người Hồi giáo vẫn được phép đến viếng Nhà thờ Hồi giáo al-Aqsa trên Núi Thánh. 

Ngoài ra, kế hoạch này còn đề xuất “một đường hầm ở bờ Tây giải Gaza” với đường xe lửa siêu tốc nối liền hai khu vực, và đề xuất một phần ba dải Gaza là khu công nghiệp sản xuất với kỹ thuật cao. 

Tổng thống Trump cũng đã cam kết ủng hộ 50 tỷ đô la cho nhà nước Palestine để tạo việc làm và chống đói nghèo.

Mạnh Hữu chuyển ngữ từ CNA / Nguồn: WGPSG

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top