Biết ơn

Biết ơn

Tôi thích chó. Lý do là vì chó rất biết ơn. Biết ơn của chó khác với biết ơn của người, nhưng không thiếu vẻ đẹp. Chỉ cho chó một miếng xương, nó cũng tỏ ra biết ơn. Nó nhìn trìu mến ngoe nguẩy đuôi, quấn quýt người cho. Càng được cho, nó càng biết ơn. Nó tự động tự bảo vệ chủ, nhà cửa và đồ đạc của chủ.

Nhiều người không biết ơn bằng chó.

Mười người cùi được Chúa chữa khỏi nhưng chỉ có một người quay lại cảm ơn. Tỷ lệ một phần mười! Mà người đó lại là người ngoại!

Cả ngàn người đã được Chúa thi ân, nhưng khi Chúa phải vác Thánh giá, chỉ có một người bằng lòng vác đỡ. Người đó cũng lại là người ngoại!

Cả một dân tộc đã chịu ơn Chúa, nhưng khi Chúa bị đóng đinh trên thập giá, chỉ có một người dám công khai lên tiếng xưng - tụng là người vô tội. Người đó lại là người ăn trộm!

Đời là thế!

Kẻ muốn được ơn thì quá nhiều, kẻ biết ơn thì quá ít. Đếm người biết ơn dễ hơn đếm người vô ơn, vì số này quá lớn. Có những con cháu vô ơn, có những học trò vô ơn. Có đủ thứ người vô ơn.

Làm ơn có thể không đòi trả nghĩa. Nhưng đã chịu ơn là phải biết ơn.

Cho đi có thể không mong nhận lại. Nhưng đã nhận là có bổn phận phải trả đáp. Trả đáp trong biết ơn không có nghĩa là một sự bồi hoàn đổi chác, nhưng là một sự bày tỏ điều mình nhận biết về giá trị vật chất và tinh thần của ơn nhận được.

Thí dụ: Có người cho tôi một chiếc áo ấm. Chiếc áo giá 10.000 đồng. Mười ngàn là giá trị vật chất của tặng vật. Nhưng không phải chỉ có thế.

Chiếc áo đó biểu hiện một tình thương và mang ý nghĩa của một sự cho đi phần nào chính mình người tặng, nên tặng vật đã trở thành một giá trị tinh thần.

Chiếc áo đó, người tặng đã có thể cho người khác, nhưng họ đã tặng tôi, như một sự lựa chọn tự do trong trăm ngàn. Sự lựa chọn đó lại là một giá trị thiêng liêng cao quý khác đắp thêm vào hai giá trị có sẵn.

Nhận thức ba giá trị đó, để rồi mình liên hệ với người làm ơn. Liên hệ đó sinh ra bổn phận nơi người chịu ơn. Bổn phận nơi người chịu ơn lại sinh ra quyền lợi nơi người lam ơn. Kẻ chịu ơn có bổn phận phải biết ơn. Người làm ơn có quyền được biết ơn.

Bổn phận biết ơn phải tương xứng với các giá trị của ơn nhận được. Nếu chẳng thực hiện được tương xứng, thì ít ra cũng có một mức tối thiểu nào. Hoặc một lời cảm ơn, hoặc một cử chỉ chứng tỏ mình hiểu biết.

Làm thế không phải vì người làm ơn cần, nhưng vì chính người chịu ơn cần. Cần biết ơn để mình xứng đáng là người hơn, để mình xứng đáng phần nào với ơn nhận được, để mình xứng đáng được lãnh nhận thêm.

Nếu tôi tưởng mình không nhận ơn ai, thì tôi lầm lớn. Vì đời tôi nằm trong những liên đới chập chùng. Tôi chẳng cho đi được bao nhiêu nhưng đã nhận được quá nhiều.Thử một ngày ngưng nhận được các dây liên lạc nâng đỡ, cộng tác yêu thương, giúp đỡ, cung cấp, tôi sẽ lập tức trở thành bơ vơ, nghèo nàn, khốn đốn.

Nếu tôi tưởng tôi không mắc nợ ai, thì tôi lầm lớn, con người tôi, từ vật chất đến tinh thần, đã, đang và sẽ được xây dựng bằng biết bao công ơn của người khác. Suốt dọc đời, tôi đều ghi dấu của biết bao bóng người đã ghé lại.

Nếu tôi tưởng tôi đã trả ơn đối với mọi người làm ơn cho tôi, thì tôi lầm lớn. Tiền bạc, đồ vật có thể trả, nhưng ân nghĩa và tình thương làm sao trả đúng được. Những mồ hôi nước mắt và những tận tâm của bao người đã làm cho đời tôi đẹp là những gì thiêng liêng cao quý. Chưa chắc tôi đã hiểu rõ được giá trị của những ơn đó, chứ đừng nói đến việc trả đền cho đúng.

Lạy Chúa, xin cho con một tâm hồn biết ơn. Xin xuống phúc lành cho tất cả những ai đã làm ơn cho con.

Trích: Nói với chính mình - GB. Bùi Tuần

Top