Bản Tổng hợp Sinh hoạt Thượng Hội đồng Giám mục cấp Giáo phận

Bản Tổng hợp Sinh hoạt Thượng Hội đồng Giám mục cấp Giáo phận

Bản Tổng hợp Sinh hoạt Thượng Hội đồng Giám mục cấp Giáo phận

TGP. SÀI GÒN - TP. HCM
BẢN TỔNG HỢP SINH HOẠT THĐGM CẤP GIÁO PHẬN
14.7.2022

I.   PHẦN GIỚI THIỆU

  1. Bối cảnh
  • Sài Gòn là một thành phố lớn với khoảng 10 triệu dân[1] và là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa và giáo dục của cả nước. Vì thế, hằng năm bình quân có đến 200.000 người nhập cư vào thành phố để kiếm công ăn việc làm[2]. Số lượng người vãng lai và lao động thời vụ ở TP. Hồ Chí Minh cũng không nhỏ, dao động từ 1-2 triệu người.

Sài Gòn, từ khi được thành lập (1698) cho đến nay, đã trải qua các thời Chúa Nguyễn, thời thuộc Pháp (1862), thời Việt Nam Cộng Hòa với sự trợ giúp của Mỹ (1955), và thời Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa (1975- đến nay). Như thế, Sài Gòn đã kinh qua các chế độ quân chủ, dân chủ và xã hội. Sau khi chế độ VNCH thất thủ, có khoảng một triệu người Việt trong đó có một số không nhỏ là người Sài Gòn, đã vượt biển và tị nạn tại các quốc gia khác[3]. Gần 50 năm qua, nỗi đau và vết thương của thuyền nhân vẫn chưa lành.

  • Người Sài Gòn mang nhiều đặc trưng của người miền Nam: phóng khoáng, ít câu nệ phép tắc, ít chuộng việc tích lũy để làm giàu mà cốt đủ sống, đồng thời linh hoạt, dễ thích nghi và dung hợp […] Người Sài Gòn thực chất là người của rất nhiều vùng miền, nhiều dân tộc, nhiều tôn giáo, với những nét văn hóa riêng, hội tụ ở vùng đất này […] Dân Sài Gòn gần như là người “tứ chiếng” (đúng là người “đủ cả bốn phương”), “phức tạp”, bởi phần nhiều xuất thân từ dân nghèo bỏ xứ đi khai hoang, một số là người thích phiêu lưu, một số khác là “chạy trốn” các chính quyền, trong đó có cả người bị lưu đày, người nước ngoài… Họ sống thực tế, ít chuộng hình thức, không sính chữ nghĩa, bằng cấp […], sẵn sàng xả thân vì nghĩa [...], linh hoạt trong việc dung nạp các luồng tư tưởng, các lối sống mới, các hoạt động mới[4].
  • Tổng Giáo phận Sài Gòn là một trong những giáo phận thành lập lâu đời nhất và có vị trí quan trọng trong Giáo Hội Việt Nam (1844 – đến nay). Theo thống kê 2017, Tổng giáo phận có 685.389 người Công giáo trên tổng số 8.048.000 dân, với 203 giáo xứ được chia thành 14 giáo hạt, 197 dòng tu, 15 tu đoàn, 16 tu hội và 2 hiệp hội, với số tu sĩ là 8.761 gồm 1.763 nam tu, 6.998 nữ tu và 642 linh mục dòng. Trong đó có: 16 dòng tu, 4 tu đoàn tông đồ, 6 tu hội đời và 1 hiệp hội nam thuộc quyền giáo phận. 

Tổng giáo phận là nơi hội tụ của nhiều luồng di cư và di dân nên đời sống đức tin - phong hóa của người Công giáo thuộc Tổng giáo phận được diễn tả qua rất nhiều hình thức phong phú. Ngày càng nhiều người Công giáo đến các Trung tâm Mục vụ của giáo phận hoặc của các dòng tu để học hỏi và sống đức tin qua các lớp giáo lý chuyên biệt như: Thánh Kinh, Phụng vụ,  Tâm linh… Một trong những nét nổi bật của người Công giáo thuộc Tổng giáo phận là rất nhiệt tình trong công cuộc truyền giáo, trợ giúp người di dân và tham dự tích cực vào các Ban Bác Ái - Xã Hội của giáo xứ[5].

Hiện diện và thực thi sứ vụ loan báo Tin Mừng trong một thành phố lớn là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa và giáo dục của cả nước,  Tổng giáo phận phải đối diện với những thách đố lớn hơn và cam go hơn trên các bình diện khác nhau: về văn hóa, chủ nghĩa tục hóa và não trạng hưởng thụ dễ dàng dẫn đến việc loại trừ hay dửng dưng với niềm tin tôn giáo; về xã hội, việc đông đảo di dân nhập cư vào thành phố từ các tỉnh thành cũng như từ nước ngoài tác động nặng nề trên đời sống tôn giáo của họ trong môi trường xa lạ; về kinh tế, sự chênh lệch giàu nghèo kéo theo nhiều vấn đề như phân biệt đối xử, làm ăn bất chính, bạo lực, tham nhũng hối lộ…; về khoa học và công nghệ, những thành tựu trong lĩnh vực này, cách riêng là công nghệ thông tin, cống hiến cho con người nhiều cơ hội để phát triển mọi mặt, nhưng cũng tạo ra những nguy cơ và hiểm họa; về tôn giáo, bên cạnh khuynh hướng loại trừ và dửng dưng với tôn giáo, còn có khuynh hướng quay về với tôn giáo nhờ các hình thức linh đạo mới[6].

Những thách đố này đòi hỏi giáo phận cần phải có : “một sự chuyển mình thật mạnh dạn”, thật can đảm từ ‘mục vụ bảo trì (pastorale de maintien), gìn giữ và bảo vệ cơ chế, cơ sở, sang ‘mục vụ truyền giáo’ đích thực (pastorale missionnaire)[7]; đầu tư nhân vật lực cho việc đào tạo linh mục, tu sĩ và giáo dân; chương trình hoạt động phù hợp và sự nối kết chặt chẽ giữa các ban mục vụ, cách riêng các ban mục vụ di dân và ngoại kiều, mục vụ bác ái xã hội, mục vụ truyền giáo.

  1. Tiến trình thực hiện sinh hoạt THĐGM cấp giáo phận
  • Nhờ sớm nhận được bản dịch tiếng Việt của Tài liệu chuẩn bị và Cẩm nang cho THĐGM từ Văn phòng HĐGM, TGP Sài Gòn đã có thể hình thành nhóm linh hoạt viên ngay trong ngày khai mạc THĐGM cấp giáo phận 28/11/2021. Sau đó, nhóm linh hoạt viên bắt tay vào việc huấn luyện đội ngũ điều phối viên cho ban chấp hành các đoàn thể và các giới trong giáo phận vào hai ngày 14 và 28/12/2021 tại giáo xứ Chợ Đũi. Qua kinh nghiệm huấn luyện này, một tài liệu ngắn gọn và dễ hiểu dành cho điều phối viên đã được soạn thảo. Ngày 8/1/2022, buổi huấn luyện điều phối viên cho các tu sĩ được tổ chức tại Trung tâm Mục vụ của giáo phận với khoảng 200 tham dự viên. Có thể nói sinh hoạt THĐ cấp giáo phận đã khởi đầu cách thuận lợi và sinh động với nhiệt tình hưởng ứng của các đoàn thể, các giới và các hội dòng.
  • Bước triển khai sinh hoạt THĐGP đến các giáo xứ gặp trở ngại vì nhiều lý do: trước hết là sự nghi ngại từ phía các linh mục vì nghĩ rằng sinh hoạt hiệp hành có nguy cơ gây “bất ổn” trong việc điều hành giáo xứ; kế đến là kinh nghiệm không mấy tốt đẹp trong quá khứ bởi “họp với hành rồi đâu cũng vào đấy, chẳng đi đến đâu, đá ném ao bèo”. Một khi các linh mục không nhiệt tình hưởng ứng, giáo dân khó có thể tiếp cận với sinh hoạt của giáo phận nói chung và sinh hoạt THĐGM cấp Giáo phận nói riêng.
  • Trở ngại từng bước được tháo gỡ nhờ sự động viên và những chỉ dẫn cụ thể kịp thời của Đức Tổng Giuse, chẳng hạn cuộc trao đổi về “vai trò cốt yếu của các linh mục trong việc hiệp hành, thái độ và tâm thế cần có cũng như cạm bẫy cần tránh” trong dịp tĩnh tâm linh mục hằng năm 24/1/2022,  hay đề nghị “các cha xứ chủ động tổ chức tối thiểu một hoặc nhiều buổi gặp gỡ giáo dân trong xứ, lắng nghe và phân định các vấn đề sau: a/ Trong giáo xứ của chúng ta, có sự hiệp thông hài hòa giữa giáo dân và các mục tử không? Giữa mọi người trong giáo xứ, giữa các đoàn thể không? Xin nêu cụ thể vấn đề cũng như nguyên nhân và đề nghị; b/ Trong giáo xứ, có cá nhân nào hoặc thành phần nào, bị bỏ rơi, bị quên lãng, bị loại trừ không? Làm cách nào để giúp họ hội nhập?; c/ Làm cách nào để mọi người có thể phát huy khả năng và tích cực tham gia vào sinh hoạt giáo xứ, đặc biệt là giới trẻ, giới trí thức và giáo viên, giới doanh nhân?” trong dịp tĩnh tâm linh mục tháng 3/2022. Cũng trong dịp này, ngài còn đề nghị: a/ quý cha hạt trưởng tổ chức và chủ trì buổi gặp gỡ hiệp hành cho các cha trong giáo hạt vào tháng 5/2022, b/ nhóm linh hoạt viên tổ chức và chủ trì buổi gặp gỡ buổi hiệp hành cho các đại biểu linh mục với giám mục và ban điều hành giáo phận vào tháng 6/2022. Thêm vào đó là sự nhắc nhở trong các thư mục vụ mùa Vọng và mùa Chay gửi cho giáo dân.
  • Các linh mục không còn e ngại khi hiểu được chiều dài, chiều rộng, chiều cao và chiều sâu của sinh hoạt THĐGM lần thứ 16 này: dài bởi “hiệp hành” là một lối sống không thể hoàn thiện trong một sớm một chiều; rộng vì nó liên quan đến cả sinh hoạt nội bộ lẫn ngoại bộ của giáo xứ, đến từng gia đình và các nhóm sinh hoạt; cao vì nó không dừng lại ở canh tân mục vụ mà hướng tới việc đẩy mạnh công cuộc phúc âm hóa; sâu vì nó không phải là cách để lấy ý kiến toàn dân theo kiểu hội nghị Diên Hồng, nhưng là cùng nhau phân định ý muốn của Thiên Chúa dành cho Giáo hội trong bối cảnh của thế giới hôm nay.
  1. Vượt qua được trở ngại, sinh hoạt hiệp hành như khởi sắc lại, với niềm vui đến từ những cuộc gặp gỡ và lắng nghe, tuy vẫn còn nặng tính học hỏi hơn trải nghiệm, khai trí mở lòng hơn là hành động cụ thể, nhưng Dân Chúa đều cảm thấy như có một cái gì đó đang chuyển mình mang nhiều hứa hẹn trong nhịp sống của Giáo Hội, được gói gém trong hai chữ “hiệp hành”. Âm vang của “hiệp hành” như lời nhắc nhở về một đòi hỏi cấp bách phải canh tân cách sống và hành động để có thể cùng nhau đi ra, đến với muôn dân và ở giữa muôn dân.
  2. Đỉnh cao của sinh hoạtt THĐGM cấp Giáo phận là buổi gặp gỡ hiệp hành của toàn giáo phận với 280 tham dự viên gồm  Ban điều hành giáo phận (5), linh hoạt viên (9), HĐMVGX (165) đại diện đoàn thể (20), di dân và ngoại kiều (5), tu sĩ (36), chủng sinh (2), linh mục (43). Buổi gặp gỡ đã diễn ra trong bầu khí cầu nguyện, huynh đệ, xây dựng với những góp ý thẳng thắn, và kết thúc với bữa ăn nhẹ (Agape).

II. PHẦN NỘI DUNG CHÍNH

Từ những bản đúc kết nhận được từ các buổi gặp gỡ hiệp hành dành cho những đối tượng khác nhau diễn ra trong các nhóm, các đoàn thể, các giới, các hội dòng, các giáo xứ và trong giáo phận, chúng tôi nhận được những ý kiến đóng góp sau:

1. Về hiệp thông

1.1 Trên bình diện hiệp thông, khi thực hiện hiệp hành, chúng tôi cảm nhận:

a/ được làn gió Chúa Thánh Thần thổi đến Giáo hội qua THĐGM 16, một luồng sinh khí mới giúp giáo dân chúng tôi phấn khởi và hăng say, vì được lắng nghe và góp ý trong việc xây dựng Giáo hội, xây dựng tình hiệp thông với Chúa, với nhau cũng như với mọi người. Chúng tôi vui mừng vì Giáo hội của Chúa không còn là Giáo hội được xây dựng theo hình tháp, nhưng theo hình các vòng tròn đồng tâm mà Chúa Kitô là trung tâm (HM&DN: Hiền mẫu và Doanh nhân).

b/ giá trị của từng người được nâng lên nhờ được nghe, được nói, được góp ý …; sẵn sàng nói và thích được nghe; lòng tôn trọng, tính khiêm nhường, trách nhiệm liên đới được tôi luyện; vui mừng vì được góp phần xây dựng nhau và xây dựng Giáo Hội, được hâm nóng tinh thần hiệp nhất và yêu thương. Chúng tôi tiếc là tinh thần hiệp hành đã không được ‘đánh thức’ sớm hơn, để gia đình, đoàn thể, xã hội và Giáo hội tránh được những chia rẽ, bất hòa, xung đột không cần thiết… nhờ giảm bớt “cái tôi” và sống hoà hợp với nhau (GC: Giáo chức).

c/ hiệp hành vô cùng thiết thực, quan trọng và không thể thiếu trong Giáo hội. Nó giúp chúng tôi nhận ra mình đang sống trong lòng Giáo hội và thuộc về Giáo hội, từ đó liên đới và hiệp thông với nhau, gắn bó và tích cực tham gia vào các sinh hoạt của cộng đoàn, kết quả là các sinh hoạt thêm sáng tạo và phong phú. Chúng tôi cũng cảm thấy nhiều anh chị em trong cộng đoàn bị loại trừ một phần do cách điều hành độc đoán của người có trách nhiệm hướng dẫn, phần khác do định kiến của các thành viên trong cộng đoàn (ĐT: Đoàn thể).

d/ là một chi thể trong nhiệm thể của Hội Thánh địa phương, nhờ có cơ hội bày tỏ với Đức Tổng Giuse những ưu tư và lo lắng của mình trong buổi hiệp dành cho ngoại kiều chiều 17 tháng 4 năm 2022 (NK: Ngoại kiều). Các nhóm di dân nội địa thì cảm thấy mình bị bỏ rơi vì thiếu chỉ dẫn từ mục tử; mưu sinh tại đây nhưng không biết mình thuộc về đâu, khi cần bí tích như xức dầu bệnh nhân lúc bị tai nạn hay cấp cứu không biết mô mà tìm, khi cần cử hành hôn phối thì nhiều lúc bị xua đuổi hoặc gặp cản trở từ HĐMV giáo xứ vì khẩu hiệu vô cảm “anh không phải người ở xứ đây” (DD: Di dân). Qua tiến trình hiệp hành, chúng tôi cảm thấy đã đến lúc mình được quan tâm, bởi không cảm nhận được tình thương tận tụy của mục tử làm sao chúng con có thể cảm nghiệm được tình Chúa (NK&DD).

e/ nhờ tham dự Thánh lễ mỗi đầu tháng và các dịp Tĩnh tâm trong năm mà chúng con, các y bác sĩ và nhân viên ý tế, kín múc được ân sủng và lòng thương xót của Chúa, để củng cố đức tin và lòng trông cậy trong khi thực thi tình mến với những người khổ đau nghèo khó đang ngày đêm mong chờ chúng con chăm sóc trên giường bệnh (YT: Nhân viên Y tế).

f/ cách tiêu cực rằng, rồi đâu cũng lại vào đấy, không si nhê, vẫn là "vũ như cẩn" không có gì mới ?! Có người còn đem ra dẫn chứng Đại Hội Dân Chúa năm 2010 làm chứng cớ. Thế nhưng, Hiệp hành thôi thúc chúng tôi lên đường cho một vận hội mới, xây dựng Hội Thánh Chúa đáp ứng những nguyện vọng của con người trong thế giới hôm nay, một thế giới đầy biến chuyển, tiến nhanh và phát sinh nhiều vấn đề (LM: Linh mục).

1.2  Trên bình diện hiệp thông, khi thực hiện hiệp hành, chúng tôi mong đợi:

a/ Giám mục gần gũi, thân tình, hòa đồng, cởi mở, lắng nghe, đối thoại, quan tâm, nâng đỡ, làm gương, hướng dẫn và động viên các linh mục trong tình cha con, thậm chí trong tình bằng hữu mà Chúa Giêsu dành cho các môn đệ, vì linh mục thấy : giám mục có lúc đối thoại, có lúc quyết định một chiều; nghe qua trung gian để rồi kết án hoặc yên trí về cộng tác viên của mình, hơn là nghe trực tiếp đương sự, để khi cần thì nâng đỡ hoặc nhắc nhở trong tâm tình người cha trong giáo phận; thuyên chuyển mà không thăm dò, trao đổi và đối thoại; tòa giám mục chưa là nhà chung để tiếp đón, còn nghiêng về hành chánh hơn gặp gỡ, chia sẻ; các linh mục thường ngại đến với giám mục và có đến là để bàn công việc, chứ không để chia sẻ thao thức hay khó khăn mục vụ - nên xin giám mục chủ động đến với các linh mục để có được sự gần gũi (LM).

b/ Các linh mục gần gũi, chia sẻ và giúp đỡ lẫn nhau; góp ý trong tinh thần huynh đệ và tôn trọng nhau; thấu hiểu, thông cảm, thông chia, thông hiệp và thông công với nhau; sửa lỗi và cầu nguyện cho nhau; giúp nhau loại bỏ não trạng "giáo sĩ trị" đồng thời biết đối thoại và hợp tác với giáo dân, để xua tan những căng thẳng không cần thiết trong giáo xứ và cổ súy cho sự dấn thân quảng đại của giáo dân (LM).

c/ Những người phụ trách cộng đoàn không quyết định một mình, biết khiêm nhường lắng nghe và tiếp thu ý kiến của các thành viên để phân định và đem ra thực hành, đồng thời tạo điều kiện cho mọi người làm việc với nhau và tham gia vào sứ vụ chung của Giáo hội (ĐT).  

d/ Các thành viên trong cộng đoàn gắn bó mật thiết với Chúa Giêsu (HT-GLV: Huynh trưởng & Giáo lý viên), gắn kết với Hội Thánh (NK&DD), buông bỏ “con người cũ” chỉ muốn đóng kín, yên phận để trở nên “con người mới” luôn biết mở ra, đón nhận và trao ban chính mình cho tha nhân, đồng thời giúp nhau thăng tiến (TS). Cụ thể, chúng tôi mong các thành viên HĐMGX biết khiêm tốn lắng nghe, xây dựng tinh thần hiệp nhất, đồng cảm với cha xứ và quan tâm đến những người cơ nhỡ, nghèo khó, bệnh tật (HĐGX); các nhân viên y tế biết hiệp thông và liên kết với nhau để chu toàn bổn phận chăm sóc bệnh nhân (YT); các đoàn viên biết học hỏi Lời Chúa và giáo huấn của CĐ. Vaticanô II, thánh hóa bản thân, chấp nhận người khác và cộng tác vào chương trình chung của đoàn thể (ĐT); các ngoại kiều có được một cộng đoàn hợp nhất trong đa dạng, đa văn hóa, đa ngôn ngữ, một địa chỉ đức tin có thể gọi là “giáo xứ của chúng con” để thuộc về và tìm về; di dân nội địa biết mình thuộc về đâu, xứ nào, cha nào, và có được một chương trình mục vụ nhất quán, các chương trình giáo lý nhất định để chúng con chuẩn bị đời sống hôn nhân, con cái chúng con được giáo dục đức tin một cách thuận lợi nhất; nhờ đó, Tổng Giáo phận sẽ trở thành ngôi nhà đức tin để chúng con có thể tham gia gìn giữ và thuộc về Hội Thánh này (NK&DD).

1.3 Trên bình diện hiệp thông, khi thực hiện hiệp hành, chúng con quyết tâm:

a/ Củng cố tình hiệp thông với Chúa, nhờ cử hành các mầu nhiệm thánh cách sốt sắng, chuẩn bị tốt cho bài giảng lễ (LM), bài giáo lý (HT-GLV), giúp nhau sống đạo tốt hơn - cách riêng là thế hệ trẻ (DN), quan tâm đến những người - vì một lý do nào đó - xa Chúa và rời bỏ cộng đoàn (GC).

b/ Củng cố tình hiệp thông giữa giám mục và linh mục bằng cách vượt lên những nghi ngại để xích lại gần, yêu thương và tôn trọng nhau hơn; giữa linh mục với nhau bằng những cuộc tĩnh tâm, việc học hỏi lẫn nhau, hỗ trợ cho nhau và cộng tác với nhau, đi chơi chung với nhau trong hạt, lớp, hiệp hội vv…, thăm viếng các linh mục đau bệnh và nghỉ hưu, tránh tình trạng cha xứ trước xây, cha xứ sau phá bỏ hoặc cha xứ sau can thiệp và tạo ảnh hưởng nơi nhiệm sở cũ vv…

c/ Củng cố tình hiệp thông giữa linh mục và giáo dân bằng cách loại bỏ cả căn bệnh “giáo sĩ trị” (lạm dụng quyền lực) lẫn căn bệnh “giáo dân trị” (coi ý dân là ý Trời), dành thời gian gặp gỡ và thăm viếng nhau (LM); củng cố tình hiệp thông giữa giáo dân với nhau bằng việc thăm viếng, an ủi và giúp đỡ những anh chị em đang gặp khó khăn trong việc làm ăn, kêu gọi những thành phần đặc thù trong giới doanh nghiệp, liên kết, hỗ trợ những anh chị em trong cùng ngành nghề với nhau (DN).

2. Về tham gia

2.1 Trên bình diện tham gia, khi thực hiện hiệp hành, chúng tôi cảm nhận:

a/ Chúa Thánh Thần hiện diện và thúc đẩy chúng tôi dấn thân phục vụ, mặc dù chúng tôi còn nhiều hạn chế và khiếm khuyết (HT-GLV). Hiệp hành là cơ hội tuyệt vời để các thành phần Dân Chúa đang trong, ở xa hoặc ở ngoài” Giáo Hội có thể nói lên tâm tưnguyện vọng của mình đối với Giáo Hội (HĐGX: Hội đồng giáo xứ) và là cơ hội giúp chúng tôi nhìn lại chặng đường đã qua, để cùng nhau tiến bước trong việc xây dựng cộng đoàn và chu toàn sứ vụ được giao là giáo dục đức tin cho các em thiếu nhi (HT-GLV).

b/ vừa mừng vừa lo, vừa thích thú vừa rụt rè tiếp cận với hiệp hành” bởi không biết hiệp hành giống và khác với đồng hành hay song hành ra sao, hóa ra “hiệp hành không chỉ đòi hỏi những người trẻ bước đi cùng nhau (hành), mà còn được mời gọi bước đi trong khi nên một (hiệp). “Hiệp hành” thôi thúc chúng con can đảm dấn thân, đi ra khỏi chính mình và trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô (GT: Giới trẻ).

c/ vui và biết ơn vì được tham gia vào THĐGM cấp Giáo phận, qua đó cảm thấy thuộc về Đức Kitô, thuộc về Giáo hội, thuộc về Hội dòng. Chúng tôi cũng tìm được những nét đẹp cốt lõi của đời tu và sức mạnh tinh thần khi được hợp tác trong các sứ vụ mục vụ và truyền giáo. Chúng tôi được nuôi dưỡng đức tin nhờ lòng yêu mến, cảm phục, khiêm tốn học hỏi những điều hay nơi người khác, tìm kiếm thiện ích chung, hài hòa, cộng tác giữa các thế hệ, và trưởng thành hơn trong đời sống chứng tá để thông đạt niềm tin cho tha nhân, tham gia tích cực hơn vào sứ vụ được giao. Nhờ cảm thức đức tin, chúng tôi tập luyện khả năng phân định theo nhãn giới tin mừng, nhận ra sự can thiệp kỳ diệu của Chúa trong hành trình cùng đi với nhau, ý thức cần cùng nhau xây dựng mối tương quan chứ không chỉ nhắm tới hiệu quả của công việc (TS).

d/ chỉ khi được yêu thương và đón nhận – khác với kết án và loại trừ – chúng ta mới cảm thấy mình thuộc về cộng đoàn và tích cực xây dựng cộng đoàn. Thế nhưng, chúng ta lại có nguy cơ khép kín trong “nhóm của tôi hay của chúng tôi”, do đó, chúng ta phải can đảm ra khỏi sự khép kín này để có thể mở ra và chung tay góp sức cho dự phóng chung của một cộng đoàn lớn hơn; chẳng hạn giáo xứ đối với gia đình, giáo hạt đối với giáo xứ, giáo phận đối với giáo hạt, giáo hội hoàn vũ đối với Giáo hội địa phương vv... Chúng ta còn phải can đảm vượt trên kinh nghiệm cố hữu của người già, để tạo điều kiện cho người trẻ có dịp cống hiến khả năng và sức trẻ cho cộng đoàn.

2.2  Trên bình diện tham gia, khi thực hiện hiệp hành, chúng tôi mong đợi:

a/ các thành viên trong HĐMV cảm thông và chia sẻ công việc với cha xứ (HĐGX), các bạn trẻ tham gia các sinh hoạt giới trẻcộng tác với các đoàn thể khác trong công việc chung của giáo xứ (GT), các hiền mẫu vận dụng khả năng và tạo sân chơi bổ ích nhằm giúp các hội viên trẻ phát huy khả năng phục vụ cộng đoàn (HM), tìm hiểu nguyên nhân để mời gọi những người chưa tham gia, đón nhận và tạo cơ hội cho những người có khả năng và nhiệt huyết tham gia, giao lưu học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm và cộng tác với các đoàn thể khác (GC), các đoàn viên trung thành với những gì mình đã cam kết với Chúa, hoán cải bản thân, thánh hóa gia đình và nhiệt thành phục vụ Hội Thánh (ĐT).

b/ những người phụ trách đoàn thể biết tránh thái độ trịch thượng và lạm quyền, biết vượt qua tính tự mãn, độc đoán, biết khiêm tốn lắng nghe để phân định, biết mời gọi và tạo điều kiện cho các thành viên tham gia trong tinh thần đồng trách nhiệm, biết xây dựng nhịp cầu và tạo mối tương quan, biết xin lỗi khi cần (ĐT).

c/ các cha xứ không chỉ định người vào HĐMV, nhưng chỉ đưa tiêu chí cho giáo dân đề cử bầu chọn, các cộng sự viên được tiếp xúc và trao đổi, được tham gia tiến trình lấy quyết định chung (HĐGX). Các ngài thực sự là những người kiến tạo hiệp thông, khi đối xử công bằng và loại bỏ thành kiến về một cá nhân hay một cộng đoàn nào trong giáo xứ, sẵn sàng "lấm mùi chiên" và chăm lo cho ràn chiên được học và biết đọc Lời Chúa trong tâm thế cầu nguyện (ĐT).

d/ các cha và HĐMV giáo xứ ủng hộ và tạo điều kiện phát.triển cho các đoàn thể và phong trào, đồng thời các đoàn thể và phong trào tích cực tham gia vào các sinh hoạt của giáo xứ, không gây bất hòa và chia rẽ, mâu thuẫn và xung đột trong cộng đoàn (ĐT).  Khi có bất đồng ý kiến, thì cha-con cùng nhau ngồi lại để giải quyết trên tinh thần bác ái, yêu thương (HM).

e/  một Giáo hội cởi mở, không đi theo hướng trọng nam khinh nữ hay giáo sĩ trị, nhưng tôn trọng và nhìn nhận mỗi người, nhất là người nữ, trong những đóng góp cho sứ mạng, trong khả năng chuyên môn, trong trách nhiệm của mình qua đời sống chứng tá yêu thương và phục vụ (TS).

f/ Đức Tổng cho thêm người giúp cha “Joseph” và có được: một địa chỉ văn phòng để chúng con tìm đến khi có nhu cầu mục vụ, một cơ sở thực sự “welcome” chúng con như ngôi nhà đức tin của mình và đáp ứng những nhu cầu về sinh hoạt mục vụ của ngoại kiều. Xin Đức Tổng lưu tâm đến nhu cầu bí tích của chúng con khi nguy tử do tai nạn giao thông hay tai nạn lao động, khi chúng con bị cha xứ hay HĐMV từ chối tiếp nhận chúng con cử hành hôn phối vì chúng con là di dân thì chúng con phải gặp ai và ở đâu xin Đức Tổng hướng dẫn và đừng bỏ rơi chúng con.

2.3 Trên bình diện tham gia, khi thực hiện hiệp hành, chúng tôi quyết tâm:

a/ Nâng cao đời sống thiêng liêng gắn bó với Chúa, gắn bó với.anh chị em, vượt thắng chính mình, giữ tương quan trong.cộng đoàn đồng thời mở rộng tương quan với các đoàn thể, các nhóm, các thành phần khác trong và ngoài Giáo hội (ĐT).

b/ Thường xuyên và định kỳ tổ chức các buổi gặp gỡ mang tính hiệp hành ở các cấp, để tinh thần hiệp hành trở thành lối sống của Dân Chúa trong Tổng giáo phận (ĐT).

c/ Tiếp tục công trình xây dựng Trung tâm Sinh hoạt và Tĩnh tâm cho các em thiếu nhi ở Bình Mỹ-Củ Chi để các em thiếu nhi có thể gặp gỡ, giao lưu, học hỏi, sinh hoạt và được huấn luyện theo tinh thần Thiếu Nhi Thánh Thể (HT).

d/ Sử dụng hiệu quả hơn các kênh truyền thông chung cho giáo xứ như Zalo, Facebook… để truyền tải thông tin, tiếp nhận góp ý (HĐGX).

e/  Phối hợp với các đoàn thể của giáo xứ để cùng nhau thực hiện các công việc chung như: 1) Tiếp tục Quỹ học bổng Mẹ Teresa Calcutta cho các em mồ côi cha mẹ do covid không phân biệt tôn giáo đến năm 18 tuổi; 2) Tiếp tục thực hiện phối hợp với các quỹ học bổng và các cơ sở giáo dục của các doanh nhân công giáo để mang đến học bổng cho các em như Quỹ Maiamthegioididong, Nguyễn Hoàng Group, quỹ học bổng trường ĐH Nguyễn Tất Thành và cả quỹ HB Tôma Thiện của giới DNCG; 3) Chương trình nước sạch cho các giáo xứ; 4) Tiếp tục hợp tác với Caritas; 5) và đặc biệt các chương trình cho toàn Giáo phận của Đức Tổng.

f/ noi gương Thầy Giêsu trong việc chăm sóc đoàn chiên, trở nên mục tử của tất cả các con chiên mà mình được trao phó, không dùng kỷ luật bí tích như công cụ làm gia tăng sự xa cách (LM).

g/ có sự năng động trong việc điều hành giáo phận : 1) sự liên kết chặt chẽ giữa các ban mục vụ cấp giáo phận và giáo hạt; 2) sự quan tâm và sử dụng nhiều thành phần dân Chúa vào hoạt động này; 3) hoạt động đầy đủ chức năng của Hội Đồng Linh Mục; 4) sự tiếp đón và giải quyết ngay những bức xúc của giáo dân ở cấp giáo xứ và giáo hạt; 5) đào tạo giáo dân để có khả năng tham gia vào việc điều hành giáo xứ và giáo phận,; 6) trao trách nhiệm nhiều hơn cho các linh mục ở tuổi 40/50 (LM).

h/ có sự phối kết trong các hoạt động mục vụ của giáo phận:  1) các linh mục tích cực tham gia vào công việc chung của giáo hạt và giáo phận thay vì chỉ chăm lo cho giáo xứ của mình; 2) bố trí thời gian hợp lý cho các sinh hoạt chung để các linh mục có thể đến dự; 3) hỗ trợ các trưởng ban mục vụ bằng cách cổ võ, khích lệ, tham dự các sinh hoạt của ban, ủng hộ vật chất cũng như tinh thần giúp cho ban có phương tiện làm việc tốt hơn; 4) tìm hiểu nhu cầu của người trẻ và tạo sân chơi để họ có thể gặp gỡ, giao lưu và học hỏi lẫn nhau, cổ võ và khuyến khích họ tham gia vào sinh hoạt đoàn thể hay những nhóm sinh hoạt của giáo xứ cũng như tham dự các khóa đào tạo giáo lý viên, huynh trưởng của giáo phận; 5) thông tin về lịch học giáo lý hôn nhân và dự tòng tại các giáo xứ trong hạt để tạo điều kiện thuận tiện cho học viên; 6) tổ chức những buổi đi chơi chung cho thành viên HĐMVGX cũng như các đoàn thể để họ biết nhau, liên kết và cộng tác với nhau trong sinh hoạt của giáo hạt (LM).

3. Về sứ vụ

3.1 Trên bình diện sứ vụ, khi thực hiện hiệp hành, chúng tôi cảm nhận:

a/ Cần xác định vai trò “quan trọng và không thể thay thế” của người giáo dân trong việc phúc âm hóa xã hội, đồng thời phát huy vai trò này bằng cách đầu tư nhân vật lực cho công cuộc đào tạo giáo dân;

b/ Cần quan tâm đến việc đồng hành với các gia đình, đặc biệt là các gia đình trẻ;

c/ Cần mở ra cho xã hội và mở ra cho lương dân.

3.2 Trên bình diện sứ vụ, khi thực hiện hiệp hành, chúng con mong đợi:

a/ Các huynh trưởng - giáo lý viên ý thức sứ mệnh của mình, biết học hỏi, tìm hiểu, đào sâu về giáo lý, trau dồi khả năng sư phạm, làm gương và làm cho buổi gặp gỡ giáo lý được vui tươi, sinh động, hấp dẫn (HT-GLV).

b/ Các bạn trẻ hỗ trợ giáo xứ trong các công việc chung, hăng say dấn thân phục vụ  thiện ích chung, nhờ đó được gặp gỡ nhau củng cố đức tin (GT).

c/ tuyên xưng Đức Giêsu Kitô như là món quà Thiên Chúa ban cho nhân loại qua ngôn ngữ yêu thương, qua việc kiến tạo các giá trị của Nước Thiên Chúa như yêu thương, huynh đệ, công lý, hòa bình, liên đới và hiệp thông, và qua đối thoại với văn hóa từng vùng, miền, với các tôn giáo, với dân nghèo bằng cách sống đơn sơ giản dị, không xa cách nếp sống dân nghèo, theo niềm vui mới mẻ của Tin Mừng, đồng thời xây dựng đời sống cộng đoàn dựa trên phẩm chất của mối tương quan huynh đệ, đối thoại và cổ võ tính đồng trách nhiệm, hướng đến sự thay đổi về cách thức và thái độ trong việc lãnh đạo (TS).

d/ Giáo phận đẩy mạnh công cuộc phúc âm hóa, phát triển các giáo điểm; tái khởi động sinh hoạt mục vụ hậu Covid và tiếp tục công cuộc dấn thân phục xã hội đã có được trong mùa dịch;  sử dụng những ý tưởng trong Huấn thị “Hoán cải mục vụ giáo xứ để loan báo Tin Mừng” và Tông thư "Hãy loan báo Tin Mừng" về việc cải tổ giáo triều của Đức Giáo hoàng như điểm tựa và các điểm qui chiếu cho thường huấn linh mục; định hướng phúc âm hóa cho sự phát triển của giáo xứ, đoàn thể, các giới, cho sinh hoạt mục vụ cả năm bên cạnh những hướng dẫn mục vụ cụ thể trong những lần tĩnh tâm chung, và cho các ban mục vụ trong giáo phận; giúp các linh mục mới soạn giảng tốt; trang web của giáo phận nhiều thông tin hơn về giáo phận, giáo hội hoàn vũ; có chương trình dài hạn cho các vùng truyền giáo, để khi thuyên chuyển linh mục chương trình này không thay đổi, và linh mục phụ trách giáo điểm cần được hướng dẫn và hỗ trợ cụ thể trong việc mục vụ và truyền giáo; coi trọng vai trò giáo dân và hướng dẫn họ tham gia vào công cuộc phúc âm hóa, vì không có giáo dân khó có thể hoàn thành công cuộc phúc âm hóa xã hội (LM).

3.3 Trên bình diện sứ vụ, khi thực hiện hiệp hành, chúng tôi quyết tâm dành ưu tiên cho các sứ vụ sau:

a/ đồng hành với gia đình, nhất là các gia đình trẻ;

b/ quan tâm và nâng đỡ các thành phần đang gặp khó khăn về vật chất cũng như tinh thần như di dân, sinh viên, những người có hoàn cảnh đặc biệt;

 c/ quan tâm đến việc đào tạo giáo dân của trung tâm mục vụ giáo phận, của các hội đoàn tông đồ giáo dân; đây là việc quan trọng cần chung tay góp sức để thực hiện;

d/ mở ra cho lương dân; e/ mở ra cho xã hội; f/ đầu tư cho truyền thông.

III. PHẦN KẾT LUẬN

  1. Tiến trình THĐGM cấp Giáo phận đem lại cho chúng tôi hai bài học chính yếu:

a/  Bài học về nội dung tư tưởng: Tiến trình THĐGM cấp Giáo phận như một tiếng chuông đánh thức ơn gọi và sứ mạng của các tín hữu, đặc biệt là của giáo dân, đồng thời khơi dậy tiềm năng và lợi thế của họ cho công cuộc tân phúc âm hóa và phúc âm hóa xã hội của Giáo hội trong thế giới hôm nay. Được chia sẻ niềm vui và sự phấn khởi của giáo dân, cách riêng của những người đang gắn bó và tham gia vào sinh hoạt của giáo xứ hay giáo phận, khi được tham gia vào THĐGM, chúng tôi thấy được phần nào ảnh hưởng tích cực của tiến trình này trong đời sống đức tin của Dân Chúa. Ảnh hưởng tích cực của tiến trình này trên giáo dân buộc hàng giáo sĩ phải xét lại mối tương quan với giáo dân cũng như cách thức hoạt động mục vụ trong giáo xứ.

Hy vọng rằng lời kêu gọi cải thiện mối tương quan giữa giáo sĩ và giáo dân của Hội đồng Giám mục Việt Nam trong Năm Thánh 2010 một lần nữa được các giáo sĩ tích cực hưởng ứng: “Với ý thức chân chính về mối hiệp thông giữa các thành phần dân Chúa, chúng ta nên mạnh dạn và nhanh chóng rời bỏ những cách hành sử “bao cấp” hay “quan liêu”, theo kiểu giáo sĩ cung ứng tất cả mọi sự, giáo dân phải lệ thuộc giáo sĩ, để xây dựng một Giáo Hội tham gia. Giáo Hội ấy, như thánh Phaolô mô tả, “không còn là Do Thái hay Hy Lạp” (1 Cr 3,28), nhưng chỉ là một trong đức tin, đức cậy, và đức mến, nhiệt tình trong một sứ mệnh duy nhất (Đề Cương 21).

Phần giáo dân, họ cần phải được đào luyện để trở nên người tín hữu giáo dân trưởng thành, có tinh thần và khả năng chia sẻ trách nhiệm xây dựng một Giáo hội Hiệp hành tại giáo xứ cũng như giáo phận với hàng giáo sĩ và tu sĩ, đồng thời đóng vai trò tích cực trong sứ mạng Loan báo Tin Mừng trên quê hương đất nước này.

b/  Bài học về tổ chức: Tiến trình THĐGM cấp Giáo phận được hướng dẫn đầy đủ và cụ thể  trong Tài liệu chuẩn bị và Cẩm nang nên việc thực hiện trở nên dễ dàng và mang lại hiệu quả cao. Tiến trình THĐGM không đi từ trên xuống hoặc từ trong ra ngoài, từ trung ương tới địa phương, nhưng đi từ dưới lên, từ ngoài vào trong, từ địa phương đến trung ương. Tiến trình THĐGM cũng không đi từ đầu đến tim rồi đến tay hoặc từ lý thuyết đến thực hành, nhưng đi từ hành động đến tâm tình rồi ý thức, từ trải nghiệm đến mở lòng và khai trí. Một khi nhận thức được tỏ tường thì cách thức hành động cũng như cơ chế sẽ được biến đổi cho phù hợp.

Bằng cách này, sinh hoạt THĐGM cấp Giáo phận đã làm cho THĐGM trở thành sự kiện của toàn thể Dân Chúa, trước khi là Hội nghị của đại biểu các giám mục trên thế giới với Đức Giáo hoàng, một biến cố được các tín hữu chờ đợi như một thành quả chung. Bằng cách này, THĐGM từ nay không đơn thuần là một hội nghị của các giám mục, nhưng là vận hội của toàn thể Dân Thiên Chúa. Hy vọng thành quả của THĐGM lần này không chỉ nằm trên văn bản, nhưng sẽ được triển khai sâu rộng và cụ thể để ước mơ một Giáo hội Hiệp hành thành hiện thực.

  1. Tiến trình THĐGM cấp Giáo phận chỉ là bước khởi đầu 

Chúng tôi ý thức rằng: trong tiến trình THĐGM lần thứ 16, tiến trình THĐGM cấp Giáo phận mới là giai đoạn mở đầu, giai đoạn thức tỉnh hay khơi dậy. Vì thế, điều đã được thức tỉnh và khơi dậy nơi các tín hữu như hiệp hành là một lối sống của người môn đệ Chúa Giêsu, một lối sống nhất thiết phải có để chúng ta có thể chu toàn sứ vụ Loan báo Tin Mừng cho thế giới hôm nay, cần phải được củng cố và phát huy đến độ trở thành sức mạnh đổi mới cách sống và hành động nơi các cộng đoàn lớn nhỏ trong giáo phận để toàn thể Dân Chúa, đặc biệt là giáo dân, có thể tham gia vào đời sống và sứ vụ của Giáo Hội cách nhiệt thành và hữu hiệu.

Xin Chúa hoàn tất những điều tốt đẹp Người đã khởi sự nơi chúng con!

 

[1] 9.077.158 người tính đến tháng 7/2021, theo website World Population Review.

[2] Từ năm 2012-2016 tăng 850.000 dân.

[3] từ 1975 đến 1997, tổng cộng khoảng 839.000 người Việt Nam đã vượt biển, ít nhất 10% bỏ mạng ngoài khơi, theo ước tính của Cao Ủy Tị Nam Liên Hiệp Quốc.

[4] Nguồn: https://www.giaoduc.edu.vn/tinh-cach-nguoi-sai-gon-xua-va-nay.htm

[5] Nguồn: https://tgpsaigon.net/bai-viet/luoc-su-tong-giao-phan-sai-gon-tphcm-65

[6] ĐGM Anphongsô Nguyễn Hữu Long, Canh tân hoạt động loan báo Tin Mừng tại Việt Nam ngày nay, https://www.tgpsaigon.net/bai-viet/canh-tan-hoat-dong-loan-bao-tin-mung-tai-viet-nam-ngay-nay-49002, đăng ngày 9/3/2017.

[7] ĐTGM Phaolô Bùi Văn Đọc, trong bài nói chuyện với hội nghị Bề trên Thượng cấp các dòng tại K’Long ngày 5.11.2013

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top