Bài suy niệm của cha Timothy Radcliffe, O.P. về "Con đường" - Phần II của Tài liệu làm việc
Trong bài suy niệm về "Con đường" cho phần II của Tài liệu làm việc, cha Timothy Radcliffe, O.P., Hồng y Tân cử và nguyên bề trên tổng quyền dòng Đaminh, nói: “Cùng nhau chúng ta sẽ khám phá ra ý Chúa”.
Thứ Năm, 10 tháng 10 năm 2024
Hôm nay chúng ta bắt đầu suy nghĩ về những quy trình mà qua đó Giáo Hội thay đổi, những percorsi (con đường) mà chúng ta phải đi. Đoạn văn kỳ lạ sau đây có thể giúp chúng ta thấy quá trình này diễn ra như thế nào:
Ra khỏi đó, Đức Giê-su lui về miền Tia và Xi-đôn, thì này có một người đàn bà Ca-na-an, ở miền ấy đi ra, kêu lên rằng: “Lạy Ngài là Con vua Đa-vít, xin rủ lòng thương tôi! Đứa con gái tôi bị quỷ ám khổ sở lắm !” Nhưng Người không đáp lại một lời. Các môn đệ lại gần xin với Người rằng: “Xin Thầy bảo bà ấy về đi, vì bà ấy cứ theo sau chúng ta mà kêu mãi !” Người đáp: “Thầy chỉ được sai đến với những con chiên lạc của nhà Ít-ra-en mà thôi.” Bà ấy đến bái lạy mà thưa Người rằng: “Lạy Ngài, xin cứu giúp tôi !” Người đáp: “Không nên lấy bánh dành cho con cái mà ném cho lũ chó con.” Bà ấy nói: “Thưa Ngài, đúng thế, nhưng mà lũ chó con cũng được ăn những mảnh vụn trên bàn chủ rơi xuống.” Bấy giờ Đức Giê-su đáp: “Này bà, lòng tin của bà mạnh thật. Bà muốn sao thì sẽ được vậy.” Từ giờ đó, con gái bà được khỏi. (Mt 15, 21-28).
Thoạt nhìn, có vẻ như Đức Giêsu đã tỏ ra bất lịch sự, khi gọi người đàn bà là “chó.” Ngài chỉ dành ngoại lệ cho con gái bà ấy vì đức tin cá nhân của bà. “Tôi chỉ đến với những con chiên lạc của nhà Ít-ra-en... được thôi, và cả bà nữa.”
Nhưng câu chuyện này diễn ra giữa hai trình thuật việc Đức Giêsu hóa bánh nuôi năm nghìn người, biểu trưng cho sứ mạng với dân Do Thái, và việc hóa bánh nuôi bốn nghìn người, nhắm đến sứ vụ dành cho dân ngoại. Đức Giêsu nói với người đàn bà rằng chỉ có đủ bánh cho con cái của gia đình, nhưng vài câu sau, sẽ có dư bánh cho mọi người, với bảy thúng đầy những mảnh vụn còn lại. Đây là khoảnh khắc của sự chuyển đổi sâu sắc.
Điều này xảy ra như thế nào? Ở trung tâm của câu chuyện là sự im lặng của Đức Giêsu. “Người không đáp lại một lời nào.” Sự im lặng này không phải là sự từ chối. Đây là sự im lặng mà sơ Madre Maria Grazia đã nói rất hay trong buổi tĩnh tâm. Sơ nói rằng: “Tại gốc rễ của mỗi lời cầu nguyện, mỗi công việc cho Chúa, vang vọng hơi thở thầm lặng của Thiên Chúa.” (“Alla radice di ogni preghiera, di ogni “opera per Dio” vibra il silenzioso Soffio di Dio.”[1])
Trong sự im lặng này, Chúa lắng nghe người đàn bà và lắng nghe Chúa Cha. Giáo Hội đi sâu hơn vào mầu nhiệm Tình Yêu Thiên Chúa qua việc đối mặt với những câu hỏi sâu sắc mà chúng ta không có câu trả lời nhanh chóng. Tại Công đồng Giêrusalem: làm sao người ngoại có thể được đón nhận vào Giáo Hội? Tại Công đồng Nicêa, làm sao chúng ta có thể khẳng định rằng Đức Giêsu vừa là Thiên Chúa thật vừa là người thật? Tại Công đồng Calcêđônia, làm sao Thiên Chúa có thể thật sự vừa là ba vừa là một?
Nhiệm vụ của chúng ta tại Thượng Hội Đồng là sống với những câu hỏi khó khăn này và không như các môn đệ, cố gắng loại bỏ chúng. Những câu hỏi đó là gì? Người đàn bà tìm gặp Chúa vì đứa con gái của bà bị quỷ ám. Chắc chắn chúng ta phải đáp lại tất cả những tiếng kêu của các bậc cha mẹ trên khắp thế giới vì những đứa con bị cuốn vào chiến tranh và nghèo đói. Khác với các môn đệ, chúng ta không được bịt tai.
Cũng có những câu hỏi sâu sắc nằm ẩn sau các cuộc thảo luận của chúng ta. Làm sao những người nam và nữ được tạo dựng theo hình ảnh và giống Thiên Chúa, có thể bình đẳng nhưng khác nhau? Chúng ta không thể né tránh câu hỏi này, như các môn đệ bằng cách phủ nhận sự bình đẳng hoặc sự khác biệt. Và làm sao Giáo Hội có thể là cộng đồng của những người đã được rửa tội, tất cả đều bình đẳng, nhưng đồng thời là Thân Thể của Đức Kitô, với các vai trò và phẩm trật khác nhau? Đây là những câu hỏi sâu sắc.
Chúng ta tiến sâu vào mầu nhiệm Tình Yêu Thiên Chúa bằng cách sống với những câu hỏi này, cầu nguyện về chúng, lắng nghe nhau, suy ngẫm về chúng cả ngày lẫn đêm. Như Thánh vịnh nói: “Thiên Chúa ban ơn cho những người Ngài yêu thương ngay cả khi họ đang ngủ” (Tv 127,2). Trừ khi giường bị sập!
Trong câu chuyện này, sự đột phá xảy ra qua một cuộc đối thoại kỳ lạ: “Không nên lấy bánh của con cái mà ném cho lũ chó con”; “Thưa Ngài, đúng thế, nhưng mà lũ chó con cũng được ăn những mảnh vụn trên bàn chủ rơi xuống.” Điều này có vẻ xúc phạm. Làm sao Đức Giêsu có thể ám chỉ người đàn bà và con gái bà như những con chó? Nhưng Thánh Mát-thêu đã lấy sự kiện này từ Tin Mừng Mác-cô, nơi người phụ nữ là người Phê-ni-xi. Tại Ashkelon, người ta đã phát hiện một nghĩa trang dành cho 700 con chó. Đó là những con chó con chết không phải do tai nạn[2]. Người ta cũng tìm thấy tại đó những bức tượng chó con. Dường như chó là bạn thân nhất của họ, thành viên được trân trọng trong gia đình. Là một tu sĩ Đa Minh, tôi hiểu điều này. Chúng tôi được gọi là “Những con chó của Chúa”, Domini canes!
Như vậy, Chúa chúng ta, Đấng sáng tạo tuyệt vời, Người vươn tới ý tưởng của bà về một gia đình, trong đó lũ chó có một vị trí thân thiết. Đối với người Do Thái, chó là động vật ô uế không được phép vào nhà. Chúng ở ngoài cửa, như những con chó liếm vết thương của Lazarô. Đức Giêsu vươn tới kinh nghiệm và ngôn ngữ của bà. Ngài vượt qua những giới hạn văn hóa của dân tộc mình. “Bà muốn sao thì sẽ được vậy.” Thánh Catarina thành Siena coi đây là một lời hứa vĩ đại về tự do. Thánh nữ viết: “Ở đây, lòng nhân từ vô biên của Thiên Chúa bày tỏ kho tàng Người đã ban cho linh hồn chúng ta, kho tàng của ý chí tự do của chúng ta”[3].
Nhiều người muốn Thượng Hội Đồng này đưa ra câu trả lời có hoặc không ngay lập tức về nhiều vấn đề! Nhưng đó không phải là cách Giáo Hội tiến sâu vào mầu nhiệm Tình Yêu Thiên Chúa. Chúng ta không được trốn tránh những vấn nạn hóc búa giống như các môn đệ đã muốn người đàn bà phải im lặng! Chúng ta cùng sống với những câu hỏi này trong sự thinh lặng cầu nguyện và lắng nghe lẫn nhau. Chúng ta lắng nghe, như ai đó đã nói, không phải để trả lời mà để học hỏi. Chúng ta mở rộng trí tưởng tượng đến những cách thức mới để trở thành gia đình của Thiên Chúa, nơi có chỗ cho tất cả mọi người. Nếu không, như người ta nói ở Anh, chúng ta chỉ đang sắp xếp lại bàn ghế trên boong tàu Titanic.
Dù gặp phải sự đón nhận không mấy thiện cảm của các môn đệ, người đàn bà vẫn ở lại. Bà không bỏ cuộc và đi về. Xin đừng bỏ cuộc, dù bạn có thể đang thất vọng với Giáo Hội. Hãy tiếp tục đặt câu hỏi! Cùng nhau chúng ta sẽ khám phá ra ý Chúa.
Chuyển ngữ: Giuse Nguyễn Cao Luật, O.P.
Chuyển ngữ từ: vaticannews.va/en
Nguồn: daminhvn.net
_______
[1] Meditation at lauds, October 1, 2024.
[2] Rebekah Liu. “A Dog under the Table at the Messianic Banquet: A study of Mark 7. 24 – 30”, Andrew’s University Seminary Studies, Vol. 48, No. 2, 2010, pp. 251-255.
[3] Le Lettere, 1.262, Quoted by Paul Murray OP, St Catherine of Siena: Mystic of Fire, Preacher of Freedom, Word on Fire Institute, Park Ridge, 2020, p. 30
bài liên quan mới nhất
- Lần đầu tiên Đức Thánh Cha bổ nhiệm phụ nữ làm thành viên Hội đồng thường kỳ của Thượng Hội đồng
-
Đặt Chúa Kitô trở lại trung tâm - Diễn văn của Đức Thánh Cha cho các tham dự viên Đại hội toàn thể của Ủy ban Thần học Quốc tế năm 2024 -
Ghi chú của Đức Thánh Cha Phanxicô kèm theo Tài liệu Cuối cùng của Đại hội Thường lệ Lần thứ XVI của Thượng Hội đồng Giám mục, ngày 25/11/2024 -
Tài liệu Chung kết Thượng Hội đồng Giám mục lần thứ XVI -
Kho tàng đức tin không thay đổi và không thể thay đổi -
Sơ lược Văn kiện Chung kết của Thượng Hội đồng Giám mục thứ 16 về tính hiệp hành -
Đức Thánh Cha Phanxicô: Văn kiện của Thượng Hội đồng là quà tặng cho Dân Chúa -
Tính hiệp hành, một sự hoán cải để trở nên truyền giáo hơn -
Thượng Hội đồng: Đức Phanxicô đưa Giáo hội vào thiên niên kỷ thứ ba -
Tài liệu Cuối cùng của Thượng Hội đồng có giá trị Huấn quyền
bài liên quan đọc nhiều
- Hiệp hành là lối sống của Hội Thánh
-
Từ Roma, Đức cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng chia sẻ về Thượng Hội đồng Giám mục -
ĐTC Phanxicô: Chúa Thánh Thần hướng dẫn chúng ta tiến đến hòa hợp và tôn trọng lắng nghe nhau -
Phỏng vấn linh mục Việt Nam tham gia Cuộc gặp gỡ quốc tế các cha xứ với Thượng hội đồng -
Thư gửi dân Chúa của Đại hội Thường kỳ lần thứ XVI - Thượng Hội đồng Giám mục -
Thư của Đại hội thường lệ lần thứ XVI của Thượng Hội đồng Giám mục gửi Dân Chúa -
Đại hội Thượng Hội đồng Giám mục sẽ công bố “Thư gửi Dân Chúa” vào ngày 25/10/2023 -
Hướng tới việc xây dựng Cộng đoàn Giáo hội tại Giáo xứ theo mô hình Giáo hội hiệp thông - tham gia - sứ vụ -
Giáo hội hiệp hành: Suy tư về một tinh thần hay linh hồn của tham gia -
Kinh cầu cho Thượng Hội đồng Giám mục 2023