Bài Giáo Lý 11 về Kinh Tin Kính của ĐTC Phanxicô: Hội Thánh là Đền Thờ của Chúa Thánh Thần
Bài Giáo Lý 11 về Kinh Tin Kính của ĐTC Phanxicô: Hội Thánh là Đền Thờ của Chúa Thánh Thần
“Hội Thánh không phải là một hỗn hợp của các sự vật và quyền lợi, nhưng là Đền Thờ của Chúa Thánh Thần, Đền Thờ mà trong đó Thiên Chúa hoạt động, Đền Thờ mà trong đó mỗi người chúng ta, nhờ hồng ân của Bí Tích Thánh Tẩy, là một viên đá sống động.”
Dưới đây là bản dịch bài Giáo Lý ĐTC Phanxicô ban hành ngày 26 tháng 6 năm 2013 trong buổi Triều Yết Chung được tổ chức tại Quảng trường Thánh Phêrô. Người tiếp tục chu kỳ Giáo Lý về kinh Tin Kính và Năm Đức Tin. Hôm nay ĐTC nói về Hội Thánh là Đền Thờ của Chúa Thánh Thần.”
* * *
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Hôm nay tôi muốn đề cập cách vắn tắt đến một hình ảnh giúp chúng ta minh họa mầu nhiệm Hội Thánh: đó là hình ảnh Đền Thờ (x. Công Đồng Vatican II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 6).
Từ Đền Thờ làm cho chúng ta nghĩ đến gì? Từ này làm cho chúng ta nghĩ đến một tòa nhà, một kiến trúc. Nhiều người trong chúng ta liên tưởng đến lịch sử của dân Israel được kể trong Cựu Ước. Tại Giêrusalem, Đền Thờ của vua Solomon đã là nơi gặp gỡ Thiên Chúa trong cầu nguyện; trong Đền Thờ có Hòm Bia Giao Ước, dấu chỉ của sự hiện diện của Thiên Chúa giữa dân Ngài; và trong Hòm Bia có Bia Đá Lề Luật, mana và cây gậy của ông Aaron: một nhắc nhở đến sự kiện Thiên Chúa đã luôn luôn hiện diện trong lịch sử của dân Ngài, Ngài đã đồng hành với họ trong cuộc hành trình của họ, đã hướng dẫn các bước đi của họ. Đền Thờ nhắc lại lịch sử này: chúng ta cũng thế, khi chúng ta đến Đền Thờ, chúng ta phải nhớ lịch sử này, lịch sử của mỗi người trong chúng ta, Chúa Giêsu đã gặp tôi thế nào, Chúa Giêsu đã bước đi với tôi ra sao, Chúa Giêsu yêu thương tôi và chúc lành cho tôi cách nào.
Ở đây, những gì đã được biểu hiện trước trong Đền Thờ xưa kia, được thực hiện, bởi quyền năng Chúa Thánh Thần trong Hội Thánh: Hội Thánh là “Nhà của Thiên Chúa”, là nơi Ngài hiện diện, nơi chúng ta có thể tìm thấy và gặp gỡ Chúa; Hội Thánh là Đền Thờ nơi Chúa Thánh Thần, Đấng sinh động hóa, hướng dẫn và nâng đỡ Hội Thánh, cư ngụ. Nếu chúng ta tự hỏi: Chúng ta có thể gặp gỡ Thiên Chúa ở đâu? Chúng ta có thể bước vào sự hiệp thông với Ngài qua Đức Kitô ở nơi nào? Chúng ta có thể tìm thấy ánh sáng của Chúa Thánh Thần soi chiếu cuộc đời chúng ta ở chỗ nào? Câu trả lời là: nơi Dân Thiên Chúa, ở giữa chúng ta, là Hội Thánh. Ở đây chúng ta sẽ gặp Chúa Giêsu, Chúa Thánh Thần và Chúa Cha.
Đền Thờ cổ được xây dựng bằng bàn tay con người: họ muốn “dâng một ngôi nhà” cho Thiên Chúa, để có một dấu chỉ hữu hình về sự hiện diện của Ngài giữa dân chúng. Với việc nhập thể của Con Thiên Chúa, lời tiên tri của ngôn sứ Nathan với Vua David đã hoàn thành (x. 2 Sam 7,1-29): không phải là vua, hoặc chúng ta, là người “xây một ngôi nhà cho Thiên Chúa,” nhưng chính Thiên Chúa “xây nhà của Mình” để đến ở giữa chúng ta, như thánh Gioan viết trong Tin Mừng của ngài (x. 1:14). Đức Kitô là Đền Thờ sống động của Chúa Cha, và chính Đức Kitô đã xây “ngôi nhà tinh thần” của Người, là Hội Thánh, không bằng đá thể lý, nhưng bằng những “viên đá sống động” là chúng ta. Thánh Tông Đồ Phaolô nói với tín hữu Êphêsô rằng: anh em đang “được xây trên nền móng là các Tông Ðồ và các ngôn sứ, và chính Ðức Giêsu Kitô là đá tảng góc tường. Trong Người, toàn thể công trình xây dựng nối kết với nhau và lớn lên thành ngôi Đền Thánh trong Chúa. Trong Người cả anh em cũng được xây dựng cùng nhau thành nơi cư ngụ của Thiên Chúa nhờ Thần Khí.” (Ep 2:20-22). Đây là một điều tuyệt mỹ! Chúng ta là những viên đá sống động của Thiên Chúa, được kết hợp chặt chẽ với Đức Kitô, là đá góc tường nâng đỡ, và cũng là trụ cột ở giữa chúng ta. Điều này có nghĩa gì? Điều này có nghĩa là chúng ta là Đền Thờ, chúng ta là Hội Thánh sống động, Đền Thờ sống động và khi chúng ta tụ họp lại, thì Chúa Thánh Thần cũng ở giữa chúng ta, giúp chúng ta phát triển như Hội Thánh. Chúng ta không bị cô lập, nhưng chúng ta là Dân Thiên Chúa: đây là Hội Thánh!
Và chính Chúa Thánh Thần với những hồng ân của Ngài, là Đấng thiết kế sự đa dạng. Điều này thật quan trọng: Chúa Thánh Thần làm gì giữa chúng ta? Ngài thiết kế sự đa dạng này là sự phong phú trong Hội Thánh và Ngài kết hợp tất cả mọi sự và mọi người, để tạo thành một Đền Thờ thiêng liêng, trong đó chúng ta không dâng những của lễ hy sinh vật chất, nhưng dâng chính mình và cuộc đời chúng ta (x. 1 Pr 2:4-5). Hội Thánh không phải là một hỗn hợp của các sự vật và quyền lợi, nhưng là Đền Thờ của Chúa Thánh Thần, Đền Thờ mà trong đó Thiên Chúa hoạt động, Đền Thờ mà trong đó mỗi người chúng ta, nhờ hồng ân của Bí Tích Thánh Tẩy, là một viên đá sống động. Điều này cho chúng ta thấy rằng không có ai là vô dụng trong Hội Thánh, và nếu tình cờ có một người nói với ai đó rằng: 'Hãy về nhà đi, bạn thật vô dụng,” điều này thật không đúng, bởi vì không có ai là vô dụng trong Hội Thánh cả, tất cả chúng ta đều cần thiết để xây dựng Đền Thờ này! Không có ai là thứ yếu cả. Không có ai là quan trọng nhất trong Hội Thánh cả; chúng ta đều bình đẳng trước mắt Thiên Chúa. Một số người trong anh chị em có thể nói: “Này, thưa Đức Thánh Cha, Ngài không ngang hàng với chúng con.” Phải, tôi cũng như mỗi người trong anh chị em, chúng ta đều bình đẳng, chúng ta là anh em! Không có ai là vô danh cả, tất cả chúng ta hợp thành và xây dựng Hội Thánh. Điều này cũng mời gọi chúng ta suy nghĩ về sự kiện là nếu thiếu viên đá của đời sống Kitô hữu của chúng ta, thì vẻ đẹp của Hội Thánh cũng thiếu một cái gì đó. Một số người nói: “Tôi không liên quan gì đến Hội Thánh cả,” nhưng như thế trong Đền Thờ xinh đẹp này thiếu mất một viên đá. Không ai có thể bỏ đi được, tất cả chúng ta phải đem đến cho Hội Thánh cuộc sống của chúng ta, con tim của chúng ta, tình yêu của chúng ta, những tư tưởng của chúng ta và công việc của chúng ta, tất cả chúng ta hãy cùng nhau.
Như thế tôi muốn chúng ta tự hỏi: Chúng ta đang sống việc mình là Hội Thánh như thế nào? Chúng ta có phải là những viên đá sống động không, hay có thể nói rằng, chúng ta là những viên đá mệt mỏi, chán nản và thờ ơ? Anh chị em có thấy một Kitô hữu mệt mỏi, chán nản và thờ ơ đáng buồn thế nào không? Một Kitô hữu như thế không tốt, một Kitô hữu phải sống động, vui tươi vì là một Kitô hữu; người ấy phải sống vẻ đẹp này của việc được làm một phần tử của Dân Thiên Chúa là Hội Thánh. Chúng ta có mở lòng ra với hoạt động của Chúa Thánh Thần để trở thành một phần tử tích cực trong cộng đồng của mình không, hay chúng ta đóng kín trong chính mình khi nói rằng: “Tôi có rất nhiều việc phải làm, đó không phải là việc của tôi”?
Nguyện xin Chúa ban cho chúng ta ân sủng và sức mạnh của Ngài, ngõ hầu chúng ta có thể kết hợp chặt chẽ với Đức Kitô, Đấng là đá góc tường, là trụ cột, là tảng đá nâng đỡ cuộc đời chúng ta và toàn thể đời sống Hội Thánh. Chúng ta hãy cầu xin để, được sinh động hóa bởi Chúa Thánh Thần, chúng ta luôn luôn là những viên đá sống động của Hội Thánh.
Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ
bài liên quan mới nhất
- Ngày 13/01: Thánh Hilaire, Giám mục, Tiến sĩ Hội Thánh
-
Ngày 07/01: Thánh Raymond de Penyafort - Linh mục -
Ngày 04/01: Thánh Elizabeth Ann Seton -
Ngày 03/01: Danh Thánh Chúa Giêsu -
Ngày 02/01: Thánh Basiliô Cả và thánh Grêgôriô Nazianzênô -
Ngày 31/12: Thánh Silvester I, Giáo Hoàng (270-335) -
Ngày 29/12: Thánh Tôma Becket, Giám mục tử đạo -
Ngày 28/12: Các Thánh Anh Hài tử đạo -
Ngày 27/12: Thánh Gioan Tông đồ -
Ngày 30/11: Thánh Anrê, Tông đồ (lễ kính)
bài liên quan đọc nhiều
- 12 điều mà người Công giáo phải trả lời được
-
Quy định về Thủ tục Hôn Phối -
Tuần bảy ngày cầu cho các linh hồn dưới luyện ngục -
Cha Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp và việc loan báo Tin Mừng tại Việt Nam hôm nay -
Về cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá (theo khoa học) -
Ngày 29/09: Tổng Lãnh Thiên Thần Michael, Gabriel & Raphael -
Ngày 01/10: Thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu, trinh nữ, Tiến sĩ Hội thánh -
Ngày 04/10: Thánh Phanxicô Assisi -
Ngày 22/11: Thánh Cêcilia, trinh nữ tử đạo -
Giữ chay và ăn chay