Bài Giáo Lý 10 về Kinh Tin Kính của ĐTC Phanxicô: Giáo hội là Thân Thể Đức Kitô
Bài Giáo Lý 10 về Kinh Tin Kính của ĐTC Phanxicô: Giáo hội là Thân Thể Đức Kitô
“Sự hiệp nhất là một ân sủng mà chúng ta phải cầu xin từ Chúa, để Người giải thoát chúng ta khỏi những cám dỗ về chia rẽ, khỏi những tranh chấp giữa chúng ta, khỏi tính ích kỷ và ngồi lê mách lẻo.”
Dưới đây là bản dịch bài Giáo Lý Đức Thánh Cha Phanxicô ban hành ngày 19 tháng 6 năm 2013 trong buổi Triều yết chung được tổ chức tại Quảng trường Thánh Phêrô. Tiếp tục chu kỳ Giáo Lý về kinh Tin Kính và Năm Đức Tin. Hôm nay ĐTC nói về Hội Thánh là Thân Thể Đức Kitô.”
* * *
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Hôm nay tôi sẽ chú tâm vào một biểu thức mà Công Đồng Vaticanô II dùng để biểu thị bản chất của Hội Thánh: đó thân thể, Công Đồng nói rằng Hội Thánh là thân thể Đức Kitô (x. Lumen Gentium, 7).
Tôi muốn bắt đầu từ một đoạn văn của sách Tông Đồ Công Vụ mà chúng ta biết rõ: việc trở lại của ông Saolô, người sau đó được gọi là Phaolô, một trong những nhà truyền giáo vĩ đại nhất (x. Cv 9:4-5). Ông Saolô là một kẻ bách hại các Kitô hữu, nhưng trong khi ông đang trên đường đến thành Đamascô, bỗng nhiên một luồng ánh sáng bao bọc ông, ông ngã xuống đất và nghe có tiếng nói: “Saolô, Saolô, sao ngươi bách hại Ta?”. Ông hỏi: “Lạy Chúa, Ngài là ai?”. Và giọng nói trả lời: “Ta là Giêsu, Đấng mà ngươi đang bách hại” (câu 3-5). Kinh nghiệm này của Thánh Phaolô cho chúng ta thấy sự liên kết giữa các Kitô hữu và Đức Kitô thắm thiết thế nào. Khi Chúa Giêsu lên trời, Người không để chúng ta mồ côi, nhưng với hồng ân Chúa Thánh Thần, sự kết hợp của chúng ta với Người đã trở nên thắm thiết hơn. Công đồng Vaticanô II nói rằng Chúa Giêsu “qua việc thông truyền Thánh Thần của Người cho các anh em của Người, tụ tập từ mọi dân tộc, Người làm cho họ một cách mầu nhiệm thành thân thể của Người” (Hiến Chế Tín Lý. Lumen Gentium, 7).
Hình ảnh thân thể giúp chúng ta hiểu mối liên hệ sâu xa này giữa Hội Thánh và Đức Kitô, mà thánh Phaolô đã đặc biệt khai triển trong Thư thứ nhất gửi tín hữu Côrinthô (x. ch. 12). Trước hết, thân thể làm cho chúng ta liên tưởng đến một thực tại sống động. Hội Thánh không phải là một hội từ thiện, văn hóa hay chính trị, nhưng là một thân thể sống động, hành trình và hành động trong lịch sử. Và thân thể này có một đầu, là Chúa Giêsu, Đấng hướng dẫn nó, nuôi nấng nó và nâng đỡ nó. Đây là một điểm tôi muốn nhấn mạnh: nếu đầu bị tách ra khỏi phần còn lại của thân thể thì toàn thể con người không còn có thể sống được. Vì vậy, chính trong Hội Thánh, chúng ta phải luôn liên kết mật thiết hơn bao giờ hết với Chúa Giêsu. Nhưng không chỉ có thế: như một thân thể điều quan trọng là các mạch máu phải luân chuyển trong đó, cho nên chúng ta phải để cho Chúa Giêsu hoạt động trong chúng ta, để cho Lời Người hướng dẫn chúng ta, để cho sự hiện diện của Người trong bí tích Thánh Thể nuôi nấng chúng ta, linh động hóa chúng ta, để cho tình yêu của Người củng cố tình yêu tha nhân của chúng ta. Và điều đó phải luôn luôn! Luôn luôn, luôn luôn! Anh chị em thân mến, chúng ta hãy luôn hiệp nhất với Chúa Giêsu, chúng ta hãy tín thác nơi Người, chúng ta hãy định hướng đời mình theo Tin Mừng, nuôi dưỡng mình bằng cầu nguyện hàng ngày, bằng lắng nghe Lời Chúa và tham dự các Bí Tích.
Và ở đây tôi đi đến một bình diện thứ nhì của Hội Thánh như thân thể Đức Kitô. Thánh Phaolô nói rằng như các chi thể của thân thể con người, mặc dù khác nhau và nhiều, hợp thành một thân thể, vì vậy tất cả chúng ta đã được được rửa tội vào một thân thể duy nhất bởi cùng một Chúa Thánh Thần (x. 1 Cor 12:12-13). Do đó, trong Hội Thánh, có nhiều nhiệm vụ và chức năng đa dạng; không có sự đồng nhất tẻ nhạt, nhưng có sự phong phú của những hồng ân mà Chúa Thánh Thần ban phát. Nhưng có sự hiệp thông và hiệp nhất: tất cả đều liên hệ với nhau và tất cả kết hợp để tạo thành một thân thể quan trọng duy nhất, liên kết mật thiết với Đức Kitô. Chúng ta hãy nhớ rõ: là một phần tử của Hội Thánh có nghĩa là được kết hợp với Đức Kitô và nhận được từ Người sự sống thần linh là sự sống làm cho chúng ta sống như Kitô hữu, nghĩa là luôn hợp nhất với Đức Giáo Hoàng và các Giám Mục, là công cụ của sự hiệp nhất và hiệp thông; điều này cũng có nghĩa là học cách thắng vượt chủ nghĩa cá nhân và chia rẽ, để hiểu nhau hơn, để hòa hợp sự đa dạng và phong phú của mỗi người; tóm lại, để yêu mến Thiên Chúa và những người lân cận chúng ta, trong gia đình, trong giáo xứ, trong các đoàn thể, hơn. Để sống, thân thể và các chi thể phải thống nhất! Sự hiệp nhất luôn luôn hơn các xung đột! Các xung đột, nếu không được giải quyết một cách tốt đẹp, sẽ tách biệt chúng ta khỏi nhau, tách biệt chúng ta khỏi Thiên Chúa. Xung đột có thể giúp chúng ta lớn lên, nhưng cũng có thể chia rẽ chúng ta.
Chúng ta đừng đi theo con đường chia rẽ, con đường tranh chấp giữa chúng ta! Tất cả hãy hiệp nhất, tất cả hiệp nhất với những khác biệt của mình, nhưng thống nhất, luôn luôn: đây là con đường của Chúa Giêsu. Sự hiệp nhất luôn luôn hơn các xung đột. Sự hiệp nhất là một ân sủng mà chúng ta phải cầu xin từ Chúa, để Người giải thoát chúng ta khỏi những cám dỗ về chia rẽ, khỏi những tranh chấp giữa chúng ta, khỏi tính ích kỷ và ngồi lê mách lẻo. Việc nói hành nói xấu nguy hại biết bao, nguy hại biết bao! Đừng bao giờ nói chuyện của người khác, đừng bao giờ! Những chia rẽ giữa các Kitô hữu, tinh thần bè phái, những tư lợi nhỏ nhen, đã gây cho Hội Thánh không biết bao nhiêu là thiệt hại!
Những chia rẽ giữa chúng ta, nhưng còn những chia rẽ giữa các cộng đồng: các Kitô hữu Tin Lành, các Kitô hữu Chính Thống, các Kitô hữu Công Giáo, tại sao chúng ta lại chia rẽ? Chúng ta phải cố gắng để mang lại sự hiệp nhất. Tôi sẽ nói với anh chị em một điều: ngày hôm nay, trước khi ra khỏi nhà, tôi đã dành trên dưới bốn mươi phút, hay nửa giờ, với một mục sư Tin Lành và chúng tôi đã cùng nhau cầu nguyện, và cố gắng tìm sự hiệp nhất. Nhưng chúng ta phải cầu nguyện giữa chúng ta như những người Công giáo và cũng cầu nguyện với các Kitô hữu khác, cầu nguyện rằng Chúa sẽ ban cho chúng ta sự hiệp nhất, hiệp nhất giữa chúng ta. Nhưng làm sao chúng ta đạt được sự hiệp nhất giữa các Kitô hữu nếu chúng ta không thể đạt được sự hiệp nhất giữa chúng ta là những người Công giáo? Có sự hiệp nhất trong gia đình chúng ta không? Biết bao nhiêu gia đình đang lục ục và chia rẽ! Hãy tìm sự hiệp nhất, sự hiệp nhất làm thành Hội Thánh. Sự hiệp nhất đến từ Đức Giêsu Kitô. Người sai Chúa Thánh Thần xuống với chúng ta để tạo sự hiệp nhất.
Anh chị em thân mến chúng ta hãy cầu xin Chúa: Xin giúp chúng con trở thành những chi thể của Thân thể Hội Thánh luôn luôn kết hiệp mật thiết với Đức Kitô; xin giúp chúng con không làm cho Thân thể Hội Thánh bị đau khổ vì những xung đột, chia rẽ và ích kỷ của chúng con; xin giúp chúng con thành những chi thể sống động liên kết với nhau bằng một sức lực duy nhất, là sức lục của tình yêu mà Chúa Thánh Thần đổ vào lòng chúng con (x. Rm 5:5).
Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lạy Cha, và Đức Thánh Cha ban phép lành tòa thánh cho mọi người.
Sau buổi tiếp kiến Đức Thánh Cha đã đứng bắt tay chào các Giám mục và các tín hữu đứng hai bên khán đài, cũng như các cặp vợ chồng mới cưới. Khi xe Đức Thánh Cha đi ngang qua chỗ các người khuyết tật ngồi trên xe lăn, ngài đã xuống xe đến bắt tay chào, ôm hôn, nói chuyện và an ủi họ.
Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ
bài liên quan mới nhất
- Ngày 12/11: Thánh Josaphat, giám mục tử đạo
-
Ngày 11/11: Thánh Martinô Thành Tour, Giám mục -
Ngày 09/11: Cung hiến Thánh Đường Latêranô -
Ngày 02/11: Lễ các đẳng linh hồn -
Ngày 01/11: Lễ các thánh Nam Nữ -
Ngày 28/10: Thánh Simon và Thánh Giuđa, Tông đồ - lễ kính -
Ngày 24/10: Thánh Antôn Maria Claret -
Ngày 23/10: Thánh Gioan Capistranô -
Ngày 22/10: Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II -
Ngày 22/10: Thánh Gioan Phaolô II, Giáo hoàng
bài liên quan đọc nhiều
- 12 điều mà người Công giáo phải trả lời được
-
Quy định về Thủ tục Hôn Phối -
Tuần bảy ngày cầu cho các linh hồn dưới luyện ngục -
Cha Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp và việc loan báo Tin Mừng tại Việt Nam hôm nay -
Ngày 13/05: Đức Mẹ hiện ra tại Fatima -
Về cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá (theo khoa học) -
Ngày 29/09: Tổng Lãnh Thiên Thần Michael, Gabriel & Raphael -
Ngày 01/10: Thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu, trinh nữ, Tiến sĩ Hội thánh -
Ngày 13/06: Thánh Antôn Padua, linh mục, TSHT (1195-1231) -
Ngày 04/10: Thánh Phanxicô Assisi